Tuesday, July 24, 2007

Dùng điện thoại cầm tay để chụp hình, quay phim cảnh đàn áp

Dùng điện thoại cầm tay để chụp hình, quay phim cảnh đàn áp

--------------------------------------------------------------------------------
• UBBV


(Lời dẫn nhập: Vào ngày 1 và 15/7/07, trên baovelaodong.com, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN đã đăng 2 bài đầu tiên trong loạt bài mời gọi và hướng dẫn người lao động trong nước dùng điện thoại cầm tay để chụp hình, quay phim (cảnh đình công, v.v.) gởi đến UBBV. Nay, với cuộc đàn áp dân oan ngày 18/7 và nhu cầu thâu thập phim hình bằng chứng về đàn áp của nhà nước CSVN ngày càng rộng lớn hơn, UBBV nhập 2 bài nói trên làm 1 bài này, xin cảm ơn quý báo cho phổ biến. Cũng mong quý độc giả góp ý và đóng góp kinh nghiệm của chính mình)

BÀI 1 - MỘT TẤM HÌNH BẰNG NGÀN VẠN CHỮ.
UBBV kêu gọi quý bạn ở VN hãy dùng máy điện thoại cầm tay để chụp tấm hình hay quay phim rồi gởi đến UBBV.
Bạn có thể dùng điện thoại để chụp hình hoặc quay phim trong những trường hợp như:
- Nơi làm việc thiếu vệ sinh hay thiếu an toàn
- Thức ăn thiếu dinh dưỡng mà công ty cung cấp
- Nhà vệ sinh dơ dáy vì chủ không bảo trì và giữ sạch sẽ
- Tờ thông cáo của công ty, ra những lịnh vô lý
- Cảnh của cuộc đình công
- v.v.
(Danh sách trên đây là để gợi ý. Mỗi khi bạn cho biết thêm sáng kiến của bạn, UBBV sẽ cập nhật danh sách)
Bạn có thể gởi hình hoặc phim qua UBBV bằng email, hoặc gởi trực tiếp từ điện thoại cầm tay, bằng MMS.
Khi nhận được, UBBV sẽ phổ biến trên baovelaodong.com và gởi đến các báo, đài tiếng Việt ở hải ngoại, và dĩ nhiên sẽ giữ kín danh tánh của bạn. Nếu bạn nói không muốn UBBV phổ biến hoặc gởi, thì UBBV sẽ làm theo ý bạn.
Đây là bài đầu tiên trong loạt bài về đề tài này. Những bài kế tiếp sẽ nói về những điểm khác của đề tài trên. Bạn muốn chúng tôi viết về điểm nào? Xin cho hay qua điạ chỉ email baovelaodong@gmail.com.

BÀI 2 - VÀI KỸ THUẬT CĂN BẢN

A-TẮT TIẾNG VÀ ĐÈN NHÁ CỦA MÁY HÌNH

Nếu máy điện thoại cho bạn tắt đi tiếng “tách” khi bấm nút chụp hình, thì bạn hãy tắt, để khỏi gây chú ý. Nếu có thể tắt đèn nhá, thì cũng tắt đi.

B-CẦN THỰC TẬP Ở NHÀ TRƯỚC KHI THỰC HÀNH

Ở nhà, bạn hãy thực tập trước, để khi thực sự chụp hình hoặc quay phim thì làm nhanh chóng và chính xác. Tập làm những cử chỉ hành động gì, thì dưới đây sẽ nói chi tiết.
Nếu được, bạn nên đứng trước gương, hoặc quay phim chính mình khi bạn đang thực tập, để biết người khác thấy mình ra sao.

C-CỬ CHỈ TỰ NHIÊN
Nếu được vừa thâu hình vừa chăm chú ngó vào màn ảnh của máy điện thoại, thì tốt quá rồi. Nhưng nếu làm vậy quá lộ liễu, thì bạn phải thâu hình khi đang có cử chỉ, thế đứng, thế ngồi tự nhiên.

Thế nào là cử chỉ tự nhiên? Sau đây là vài thí dụ:
- Khoanh 2 tay trước ngực. Bàn tay cầm điện thoại thì che gần hết máy điện thoại, chỉ hở ống kính, một ngón sẵn sàng nhấn nút
- Cầm máy trước mặt, có vẻ như đang bấm số hoặc đang đọc cái gì ở máy, nhưng thực sự thì bạn đang kín đáo quan sát đối tượng (vật, khung cảnh, hay người) mà mình sắp thâu hình. Đến lúc chụp hình, thì bạn đưa máy lên tai và, ngừng trong giây lát trước khi máy tới tai, bạn nhấn nút chụp hình
- Tay giữ điện thoại ở tai, nhưng ống kính thì hướng ra ngoài. (Một số máy điện thoại có 2 ống kính, trước và sau. Một số khác thì bạn có thể quay ống kính từ trước ra sau. Nếu bạn không có những loại máy đó, thì bạn quay ngược điện thoại lại. Cách này chỉ làm được tạm thời vì làm lâu có thể gây chú ý)
- Tay bạn để thẳng xuống một cách bình thường, và cầm máy điện thoại một cách bình thường. Như vậy, khi bạn chụp, thì chụp từ dưới lên, nhưng thường thì không sao. Ngoài ra, hình sẽ bị ngược đầu, nhưng cũng không sao, vì khi bạn gởi đến UBBV thì chúng tôi sẽ dùng nhu liệu để quay hình lên bình thường.

D-CÁCH THỰC TẬP
Chụp hình hay quay phim mà máy không trước mắt để nhắm, thì không dễ. Đó là tại sao bạn phải tập trước ở nhà.
Trong khi đang làm những cử chỉ trên, bạn hãy thử chụp hình một cái gì đó trong nhà hoặc ngoài sân. Nếu quay phim, thì bạn hãy để máy tiếp tục chạy lâu lâu, và cử động đôi chút nếu cần cho cử chỉ tiếp tục tự nhiên.
Sau đó, bạn coi lại hình hoặc phim mới thâu. Hãy tự hỏi mình:
- Những gì bạn muốn có trong hình, có không? Bạn cần điều chỉnh ống kính để tầm nhìn của máy từ trái qua phải thì vừa đủ, không rộng quá không hẹp quá
- Cái gì bạn muốn nằm ngay giữa hình, có ngay giữa không? Bạn cần thực tập để không nhìn màn ảnh mà vẫn được
- Khi bạn cử động, hoặc đối tượng di chuyển, bạn có giữ nó trong hình được không? Thực tập để đạt được điều này
- Hình có mờ quá không? Có thể là bạn cần phải cử động máy chậm hơn để máy khỏi bị rung
Khi bạn đã làm tới đây, thì xin chúc mừng bạn. Bạn chưa phải là điệp viên 007, nhưng ít nhất thì hình và phim của bạn không đến nỗi .. không không thấy :)
Xin thưa với bạn, James Bond thì giả tưởng, còn bạn thì đang làm việc có thật, bạn đang góp phần chống bất công và bóc lột. Một tấm hình, một đoạn phim bạn quay, bằng một vạn chữ.
Bạn đã chụp hình, quay phim chưa? Xin hãy gởi cho UBBV, qua baovelaodong@gmail.com.
Bài số 3 sẽ đăng trên baovelaodong.com vào ngày 1 tháng 8, 2007. Bạn muốn bài nói về khiá cạnh nào, giải đáp thắc mắc nào? Xin viết thư cho UBBV qua điạ chỉ baovelaodong@gmail.com.
Xin cũng cho baovelaodong@gmail.com hay nếu bạn có thể chỉ giáo về kỹ thuật thâu hình.

-UBBV-

1 comment:

Trần Văn Nam said...

Thầy giáo dậy học sau khi về nghỉ hưu không được lĩnh lương từ hơn một năm nay. Đó là Thầy giáo Nguyễn Hữu Chiêm Thôn Tu Cổ-Xã Yên Khánh -Huyện Ý Yên- Tỉnh Nam Định