Thursday, July 12, 2007

Giới Thiệu Một Tài Liệu Lịch Sử Cận Đại Quan Trọng: Dân Tộc Sinh Tồn


Việt Báo Thứ Năm, 7/12/2007, 12:02:00 AM
Đọc quyển I và II của Hùng Nguyên (Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy)

(LGT: Như mọi năm vào tháng 7,các anh em đang theo đuổi lý tưởng tranh đấu của cố GS Nguyễn Ngọc Huy đều có buỗi lễ Giỗ cho người quá cố. Nhân dịp nhận được một bài viết khá xúc tích dưới đây ,chúng tôi xin kính chuyển đến quí báo để tùy nghi xử dụng . Thân chào. Phạm Văn Lê.)

Tôi gặp Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại véranda của Cercle Sportif Sài Gòn năm 1970. Lúc đó GS Huy dạy ở Trường Quốc Gia Hành Chánh và tham gia cấp Trung ương trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Lúc đó tôi cũng biết rằng GS Huy là một vị lãnh đạo của Đảng Đại Việt, một đảng Quốc Gia nổi tiếng mặc dù ít người ngoại quốc đã biết đến.

Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, lúc đó là Tỉnh Trưởng của tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam Cộng Hòa, đề nghị tôi gặp GS Huy để biết thêm về chính trị Việt Nam. Anh Nghĩa yêu cầu GS Huy gặp tôi. Lúc đó anh Nghĩa là sĩ quan nổi tiếng của Đảng Tân Đại Việt. Trong cuộc đảo chánh Chính Phủ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, anh Nghĩa chỉ huy đoàn thiết giáp để đón hai anh em Diệm và Nhu ở Chợ Lớn để đưa họ về Tổng Tham Mưu ở Tân Sân Nhất. Trên đường đi từ Chợ Lớn đến Tổng Tham Mưu, cụ Diệm và ông Nhu bị giết trong chiếc M113 do Thiếu Tá Nhung theo lệnh của Đại Tướng Dương Văn Minh.

Dưới thời Chính Phủ Ngô Đình Diệm, GS Huy phải xuất ngoại vì hai ông Diệm và Nhu chủ trương chống các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), các lực lượng có ảnh hưởng đối với dân Miền Nam như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Phật Giáo nói chung. Ông Nhu lập ra một đảng mới theo lý thuyết Thiên Chúa Giáo (Cần Lao Nhân Vị) để tổ chức dân miền Nam Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát độc đoán của Tổng Thống Diệm. GS Huy học bằng Tiến Sĩ tại trường Sorbonne, Paris. GS Huy nghiên cứu tư tưởng chính trị cổ thời của Trung Quốc. GS bắt đầu diễn dịch lý thuyết chính trị của Hàn Phi Tử ra bằng tiếng Việt. Luận án tiến sĩ của GS Huy nói về vai trò của người ưu tú trong tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ thời.

Đặc biệt, GS Huy suy nghiệm và diễn dịch mới lại những nguyên tắc căn bản của lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn do Trương Tử Anh nghĩ ra trong thập niên 1930/1940. Thập niên này là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt nam. Từ đời vua Lê Thánh Tôn, các nhà lãnh đạo và trí thức (ngoại trừ người như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử, và vua Quang Trung Nguyễn Huệ) đã lấy tư tưởng Nho Giáo, Dịch Lý của Trung Hoa ra để trị dân Việt Nam. Đến Nhà Nguyễn, vua đầu tiên Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, bỏ bộ luật Hồng Đức và thay bằng bộ luật Nhà Thanh Trung Quốc. Lúc Pháp qua Việt Nam lập ra chế độ thuộc địa, họ cũng lấy lý thuyết Nho Giáo của Trung Quốc để khuyến khích dân Việt Nam kính nể các quan chức và các nhà giàu quyền quí. Sau đó, Pháp mới đem áp dụng hệ thống giáo dục theo học thuyết Đê-cát-tơ (Cartesian) thay văn hóa Nho Giáo bằng văn hóa nặng về Khoa Học thực nghiệm của Tây Âu nhằm thi hành một nhiệm vụ đặc biệt của chánh quyền Pháp mà họ gọi đó là “mission civilisatrice”.

Các cuộc chống chính quyền Pháp đầu tiên – phong trào Cần Vương của Vua Hàm Nghi, Đông Kinh Nghĩa Thục, vân vân - hoặc áp dụng Nho Giáo hoặc chỉ kêu gọi chống ngoại bang bằng cách dựa vào tinh thần bài ngoại mà thôi. Các nổ lực này không được đông đảo dân chúng ủng hộ tích cực. Từ năm 1920 đến năm 1930, có ba khuynh hướng chính trị chống những nhiệm vụ đặc biệt của Pháp, “mission civilisatrice” và chế độ thuộc địa của người Pháp: một, tìm một nguồn tư tưởng hoàn toàn Việt (Cao Đài Giáo và tiếp theo là Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ); hai, tìm một lý thuyết Á Châu mà không Việt (VNQDĐ) năm 1927 theo lý thuyết và tổ chức của Quốc Dân Đảng Trung Hoa); ba, tìm một lý thuyết chính trị của Pháp để hợp với thời mới nhưng cũng chống Pháp ( chủ nghĩa lập hiến “Constitutionalism” của Phan Chu Trinh và lý thuyết Mác Lê của Hồ Chí Minh).

Sau khi Chính Quyền Pháp dẹp hai cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học và các anh chị em Việt Quốc khác và phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh của Đảng Cộng Sản (đảng CS bắt chước nổ lực trước tiên của VNQDĐ), lúc đó nhiều người Việt nam đang tìm một phương pháp chính trị hữu hiệu hơn. Trong thập niên 1930 có phong trào Đại Việt ra đời, theo gương Phan Bội Châu, các nhà trí thức lấy lại lịch sử dân tộcViệt nam. Trước Nhà Nguyễn, Việt Nam không theo Nho Giáo mà vẫn giữ được độc lập như thời các Nhà Lý, Nhà Trần và vua Lê Lợi.

Nhóm Tư Lực Văn Đoàn viết tiểu thuyết chống Nho Giáo và người Pháp. Trương Tử Anh đề nghị lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn và tổ chức Đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng; Lý Đông A đưa ra lý thuyết Đại Việt Duy Dân. Nỗ lực trí thức khơi nguồn văn hóa chánh trị này có mục đích phối hợp văn hóa chính truyền của dân Việt Nam với văn hóa khoa học kỹ nghệ tân thời của Tây Âu để Việt Nam có thể chạy theo kịp những diễn tiến của lịch sử nhân loại.

Tôi chưa được đọc lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, bản văn đầu tiên của ông Trương Tử Anh, nhưng theo một số bạn Đại Việt cho biết lý thuyết ấy đặt nặng cái nhìn “cực đoan” của chủ nghĩa dân tộc “authoritarian nationalism” mà lúc đó có nhiều người chú ý thấy lý thuyết này đang được áp dụng tại Nhật Bản, Đức và Ý Quốc. Theo cái nhìn này mà nói thì Dân Tộc nào mà muốn hùng mạnh phải có kỷ luật mạnh, và phải theo một nhà lãnh đạo có đầy đủ quyền uy mà thôi. Trương Tử Anh, Lý Đông A và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khác bị Cộng Sản sát hại vào năm 1945 và 1946. Sau đó, Đảng Đại Việt tổ chức làm ba nhóm theo vùng Bắc, Trung, và Nam.

GS Huy vì sanh trưởng tại miền Nam nên gia nhập vào Đảng Đại Việt xứ bộ miền Nam. Trong chiến tranh Việt Minh/Pháp, GS nghiên cứu và dạy lý thuyết Dân Tôc Sinh Tồn và, với bút hiệu Đằng Phương, ông sáng tác nhiều bài thơ chứa chan lòng yêu nước nhằm thức tỉnh thanh niên lúc bấy giờ, trong đó có bài nổi tiếng như Anh Hùng Vô Danh. Sau đó GS Huy phải qua Pháp tỵ nạn vào thời Ngô Đình Diệm/Nhu chủ trương truy lùng bắt bớ những người quốc gia ái quốc mà không chịu phục tùng quyền uy của họ. Ông dùng thời gian lưu vong này để điều chỉnh lại các nguyên tắc của lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn .

Theo tôi, với một cái nhìn của Đạo Phật, Đạo Lão, và Dịch Lý, GS Huy thấy rất rõ ràng một số sự kiện quan trọng và căn bản về cuộc đời con người. Thí dụ, sự sinh tồn của vật nào là thuộc quyền tự nhiên của trời-đất. Không thể cưỡng ép sự sinh tồn bằng ý chí cá nhân hay một chính quyền. Sự sinh tồn nào cũng đều phải tuân theo qui luật của nó mà thôi, như đã nói từ lâu trong sách Đạo Đức Kinh. Như vậy, chính trị chỉ là việc phối hợp, khuyến khích các sức mạnh và các khuynh hướng đương vận hành tự nhiên trong vũ trụ và trong lòng người mà thôi. Với cái nhìn này của GS Huy, lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn trở thành một lý thuyết chính trị tự do dân chủ hợp với các chế độ dân chủ hiến trị, Nhà Nước tuyệt đối tôn trọng luật pháp trong mỗi hoạt động của mình. Hơn nữa, theo cái nhìn của GS Huy, lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn là đòi hỏi sự đoàn kết, sự hợp tác, sự khoan dung giữa nhiều khuynh hướng, quyền lợi, tôn giáo, đảng phái, giai cấp, vân vân. Với những nguyên tắc này của lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, chính trị phải khởi xướng lên từ dân làm căn bản, không đi từ chính quyền ở trên xuống tới dân. Chính trị hiểu cho đúng không phải là hành động độc quyền, độc tài, không nhất thiết phải ép buộc người ta theo ý mình. Chính trị hiểu cho đúng nghĩa theo lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn là một công cuộc phức tạp, xây dựng lực lượng của dân, phải theo sự mong muốn của dân và phải làm việc từng bước một.

Tháng Giêng năm 1964, anh Nghĩa và một số anh em sĩ quan Đại Việt khác thi hành một cuộc “chỉnh lý” giải nhiệm một số tướng lãnh mà họ sợ những người nầy nghe theo lời xúi dục của De Gaulle mà ra khỏi chính quyền Sàigòn. Họ đề nghị cho Tướng Nguyễn Khánh làm Thủ Tướng. Trong Chính Phủ Nguyễn Khánh, có các lãnh đạo Đại Việt như Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Kỳ, và Nguyễn Ngọc Huy giữ những chức vụ quan trọng. Phật Giáo, Hòa Hảo, và Cao Đài cũng có đại diện và ảnh hưởng trong Chính phủ đó. Chính Phủ này thể hiện tính cách đoàn kết các lực lượng không Cộng Sản trong miền Nam, đây cũng là một thành công chính trị rất lớn và hiếm có từ trước đến nay. Đặc biệt, GS Huy phụ trách về Bình định Xây dựng nông thôn để tạo điều kiện chiến lược mà Đảng Cộng Sản phải thất bại. Năm 1959, Đảng Cộng Sản đã bắt đầu tổ chức chiến tranh du kích và phá hoại để lật đổ Chính Phủ Sàigòn. Nếu muốn thắng một cuộc chiến tranh du kích như thế này thì phải được sự ủng hộ tích cực, sự hy sinh nhiều của nông dân. Trái lại, nếu dân nông thôn không theo phe du kích, thì cuộc chiến tranh du kích không thể nào thành công được. GS Huy hiểu điều này và lấy lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn để đề ra một công thức chiến lược nhằm chống Cộng Sản ngay từ hạ tầng cơ sở là nông thôn.

Nhưng Tướng Nguyễn Khánh không chịu theo đường lối của GS Huy. Ông Khánh bắt đầu chia rẽ Đại Việt, ông xúi dục Công Giáo nghi ngờ Phật Giáo và xúi các Thầy Phật Giáo bất hợp tác với các Cha Thiên Chúa Giáo. Ông Khánh giao chương trình nông thôn và huấn luyện cán bộ xã ấp cho một đảng chống cộng nhỏ - Đảng Duy Dân. Để có sự trợ giúp của thế lực Hoa Kỳ, ông Khánh đề nghị với Đại Sứ Hoa Kỳ Maxwell Taylor rằng, Hoa Kỳ nên gởi quân qua Việt Nam để đánh các đơn vị lớn của Việt Cộng.

Mùa Thu năm 1964, GS Huy và nhiều anh chị em khác thành lập Đảng Tân Đại Việt theo xu hướng của lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn mà GS Huy đã viết ra trong hai cuốn sách này. Lúc tôi rời Việt Nam đi học luật tại Mỹ năm 1971, GS Huy biếu cho tôi cuốn thứ hai của bộ sách Dân Tộc Sinh Tồn. Hai năm sau đó, GS Huỳnh Sanh Thông lại biếu cho tôi cuốn thứ nhất của bộ sách Dân Tộc Sinh Tồn. Trong số những người ngoại Quốc, ngoài tôi ra, chỉ có ông Milton Sachs, một vị Giáo Sư đại học Brandeis, có được bộ Sách Dân Tộc Sinh Tồn này mà thôi. Nhưng Milton Sachs không biết tiếng Việt và không đọc được cuốn sách này, chỉ có tôi là người Tây Phương duy nhất đọc được hai cuốn sách này. Và tôi đã đọc và đọc rất kỹ.

So sánh bộ sách Dân Tộc Sinh Tồn với nhiều quyển sách chính trị Tây Âu thì quyển sách Việt Nam này có giá trị cao. Theo tôi, lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của GS Huy có đầy đủ ý nghĩa và có thể nói là ngang hàng với hai lý thuyết dân chủ của John Locke và John Stuart Mill. Dĩ nhiên, lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn vẫn còn áp dụng được. Còn lý thuyết của Mác-Lê, ai cũng biết, kể cả những người Cộng Sản Việtnam hiện tại, là sai và không dùng được vì đã quá lỗi thời. Riêng đối với tôi, thì lý thuyết nổi tiếng của Jean Jacques Rousseau thua xa lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của GS Huy về thực tế sống của con người.

Trong năm 1964 và đầu năm 1965, anh chị em Tân Đại Việt, nhất là Dương Hiếu Nghĩa, Huỳnh Văn Tồn, và Nhan Minh Trang tổ chức một cuộc đảo chánh để đẩy Nguyễn Khánh ra khỏi Chính phủ nhưng chẳng may không thành công. Ông Khánh đã nuôi một số tướng tá trung thành với ông như Nguyễn Cao Kỳ, để giúp ông nắm giữ Chính quyền. Vì ông Kỳ lợi dụng không quân để đánh dẹp các đơn vị đảo chánh làm cho mấy cuộc đảo chánh đều không hoàn toàn thành công. Nhưng, dần dần, Nguyễn Khánh bị mất đi thế lực. Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu lên nắm hết ảnh hưởng. đng Tân Đại Việt vẫn không được tham dự chánh quyền lúc bấy giờ. Trong thời kỳ này vì Việt Nam không có người lãnh đạo nào có đầy đủ quyết tâm và trí tuệ cao nên quân lực Việt Nam Cộng Hòa không thắng được các lực lượng võ trang của Việt Cộng. Lợi dụng cơ hội này, Cộng Sản Hà nội quyết định gởi bộ đội Bắc Việt vào miền Nam. Đơn vị Quân Đội Nhân Dân khởi sự xâm nhập vào miền Nam đầu năm 1965. Năm 1964, Hà nội gởi ít nhất 17,475 người vào miền Nam, qua năm 1965, số quân Bắc việt được gởi vào lên tới 46,797, theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hà nội.

Tháng Sáu năm 1965, phía Việt Nam Cộng Hòa, các tướng lãnh lên nắm quyền Chính quyền. Ông Thiệu làm chủ tịch Hội đồng quân nhân và Nguyễn Cao Kỳ nắm giữ chức Thủ Tướng Chính Phủ. Phía Hoa Kỳ, Tướng William Westmoreland yêu cầu Tổng Thống Lyndon Johnson gởi gấp qua Việt Nam 44 tiểu đoàn di động để truy tìm, tiêu diệt các đơn vị lớn của Việt Cộng và QDND ẩn náu trong rừng núi. Tổng Thống Johnson đồng ý và Hoa Kỳ bắt đầu tham gia vào Chiến Tranh Việt Nam một cách mạnh mẽ. Đến năm 1966, quân đội Hoa Kỳ đã phá nhiều căn cứ của Cộng Sản và thắng nhiều trận chiến với Việt Cộng và QĐND, nhưng tình hình chính trị của miền Nam không được yên ổn chút nào. Vì ở miền Trung, phái Phật Giáo Ấn Quang chống chính phủ Nguyễn Cao Kỳ mãnh liệt. Người miền Nam cũng không ưa thích gì ông Kỳ qua tư cách của ông và một phần,vì ông là người Bắc di cư vào Nam. Các tôn giáo, và các đảng phái không được tham dự vào Chánh phủ vừa mới thành lập. Việt Nam lúc đó không có bầu cử, không có Quốc hội, thành ra dân không có cách nào mà ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối của Chính phủ. Hoa Kỳ thấy miền Nam không có một hệ thống chính trị dân chủ do dân bầu lên, nếu không có các tôn giáo, các đảng phái, các lực lượng xã hội ủng hộ Chính phủ Sàigòn thì quân đội miền Nam một mình không bao giờ thắng được Cộng Sản Hà nội. Do đó, ông Johnson yêu cầu ông Thiệu và ông Kỳ nhường cho một chính phủ dân chủ có hiến pháp và được dân bầu lên.

Quốc Hội Lập Hiến được bầu ra và có nhiệm vụ viết một bản Hiến pháp để khai sanh nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Nay có nhiều anh em trong Tân Đại Việt được bầu vào Quốc Hội Lập Hiến. Hiến Pháp này được dân chấp thuận vào năm 1967. Nhiều điều của Hiến Pháp Việt Nam Đệ Nhị Cộng Hòa giữ theo tinh thần những điều có trong Dân Tộc Sinh Tồn quyển hai. Như vậy, GS Nguyễn Ngọc Huy là vị thầy đã góp công lớn xây dựng dân chủ Việt Nam. Theo Hiến pháp 1967, Quốc hội có hai Viện được bầu để lo ngành Lập pháp. Nghành Hành pháp cũng được dân trực tiếp bầu. Ông Thiệu được bầu làm Tổng Thống và ông Kỳ được bầu làm Phó Tổng Thống.

Trong mấy tháng đầu của Chính Phủ mới, ông Kỳ có nhiều ảnh hưởng nhất. Ông không thích ông Thiệu và cả Tân Đại Việt. Ông Kỳ thích cai trị với sự trợ giúp của một nhóm anh em thân tín riêng vì họ dễ nghe lời ông. Giữa năm 1967, Cộng Sản Hà nội thấy rằng, chính phủ Miền Nam điều hành có hiệu quả, quân đội Miền Nam đánh giặc giỏi hơn và quân đội Hoa Kỳ thắng trận luôn, dần dần dân chúng miền Nam không muốn theo Hà nội nữa (trừ khi có những cuộc đánh, dân mới chạy về các vùng do chính phủ Sàigòn kiểm soát). Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản quyết định đánh các Thành phố, các Tỉnh lỵ của Chính phủ Sàigòn trong một cuộc tổng tấn công rất là tàn bạo.

Vào lúc Giao Thừa Tết, năm Mậu Thân 1968, hầu hết các lực lượng Cộng Sản đánh vào Sàigòn, Huế, và các Thị xã khác. Về mặt quân sự, Cộng Sản thua to. Lực lượng võ trang Cộng Sản tan rã, số đơn vị còn lại phải tháo chạy vào núi, về Lào và Cao Miên. Đại đa số lính và cán bộ Việt Cộng ở các làng xã hưởng ứng chương trình Chiêu hồi và quay về ủng hộ Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhóm ông Kỳ không đáp ứng được yêu cầu tái xây dựng sau cuộc tấn công vô nhân đạo Tết Mậu Thân. Ông Thiệu mời cụ Trần Văn Hường vào chức vụ Thủ tướng, thay thế ông Kỳ. Cùng lúc đó, ông Thiệu cũng đưa nhiều anh chị em Tân Đại Việt vào các Bộ quan trọng và các đơn vị Hành chánh địa phương. Ông Dương Hiếu Nghĩa, chẳng hạn, được ông Thiệu cho làm Tỉnh Trưởng tỉnh Vĩnh Long. Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, sau khi tốt nghiệp, được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng Hành chánh và Phó quận trưởng Hành chánh. Nhờ họ mà lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của GS Huy với chủ trương căn bản nhân đạo, cởi mở, cùng với chiến lược của GS Huy đã có ảnh hưởng rất lớn trên chiến trường Quốc / Cộng tại Việt Nam.

Ông Thiệu áp dụng chánh sách Phát triển, Bình định và Xây dựng nông thôn của GS Huy. Các điều căn bản của chánh sách này cũng dễ tìm thấy trên hai quyển Dân Tộc Sinh Tồn. Chánh sách của GS Huy về bình định phát triển nông thôn là nhằm áp dụng những nguyên tắc sinh tồn của lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn. Chánh sách này áp dụng một cái nhìn rất là rộng rãi và ai ai cũng có thể tham gia vào công cuộc xây dựng để mà phát triển đất nước. Tức là, mọi người thuộc cộng đồng dân tộc Việt nam đều có giá trị, có quyền nói, có phép được hưởng các lợi ích của Chính phủ như nhau. Đó là quan điểm căn bản về sự sinh tồn của một dân tộc - không có chiến tranh giai cấp, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, đẹp hay xấu, khôn hay ngu, đạo Phật hay đạo Cao Đài, không hoàn âm hay hoàn dương (không chê âm khí hay chỉ yêu thương dương khí), tức biết giữ Âm Dương luôn luôn quân bình.

Chương trình Bình định Xây dựng nông thôn theo đường lối Dân Tộc Sinh Tồn hoàn toàn thành công. Chiến lược Cộng Sản Hà nội tính cướp miền Nam bằng một thứ chiến tranh du kích bạo lực đã đưa đến sự thất bại hoàn toàn. Năm 1972, Hà nội phải xâm lăng miền Nam bằng hết tất cả các sư đoàn Bộ Đội Bắc Việt. Nhưng không thắng nổi, rút cuộc, Hà nội phải chấp nhận Hiệp Định Paris để cho người Mỹ rút hết rồi mới đánh trả lại Việt Nam Cộng Hòa vài năm sau. Như vậy, theo tôi, cố GS Nguyễn Ngọc Huy là tác giả chính của lý thuyết giúp sự thành công của Việt Nam Cộng Hòa chống mưu đồ của Đảng Cộng Sản chiếm lấy cho riêng mình cơ cấu chính quyền Việt Nam từ Nam Quan đến Cà Mau.

Người dù có thông minh bao nhiêu, người dù được thành công bao nhiêu, thì người vẫn phải chịu mệnh trời đất. Có lúc thì sĩ phu gặp thời; có lúc thì không. Phúc đức của người nào, mặc dù có nhiều, vẫn thua số trời và các diễn biến của thời đại. GS Nguyễn Ngọc Huy sống và làm việc trong một thời đại nhiều ngang trái đau buồn của dân tộc Việtnam. Ông đã làm phúc bao nhiêu, cố gắng bao nhiêu, chịu khổ bao nhiêu, và gia đình hy sinh bao nhiêu, nhưng GS Huy vẫn không đạt được được ước nguyện là mong giúp dân tộc thắng những tai hại mà Cộng Sản mang đến. Trong thơ Kim Văn Kiều, thi sĩ Nguyễn Du có kết luận rằng: “muôn sự tại trời”.

Về sau, kế hoạch Bình định Phát triển thành công và chiến lược Hà nội thất bại. Chế độ chính trị theo đường lối hiến định của Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam áp dụng phát triển đất nước rất tốt đẹp, là lúc ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống đất nước Miền Nam. Qua đầu năm 1971, ông Thiệu thấy Cộng Sản thua, miền Nam có thể đứng riêng không cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ về quân sự của Hoa Kỳ nữa, nên ông Thiệu tránh xa nhóm Tân Đại Việt, và giao quyền cho các anh em riêng thân tín của ông để họ cai trị. Ông Thiệu chỉ nghe lời người thân cận như ông Hoàng Đức Nhã. Đại Tá Nghĩa và các sĩ quan giỏi có uy tín của Tân Đại Việt không được lên chức hay chỉ huy các sư đoàn tác chiến. Sau vì phải chịu thất thế nhân Hiệp Định Paris năm 1973, Tống Thống Thiệu ép các lực lượng chính trị vào một đảng của ông. Nạn tham nhũng ngày càng nhiều, tinh thần chiến đấu của lính Việt Nam Cộng Hòa bị suy giảm, và dân chúng hết còn ủng hộ Chính phủ Thiệu như mấy năm trước nữa. Các thành công chính trị và tổ chức làng xã nông thôn mà GS Huy đã khuyến khích và hướng dẫn trên đà suy sụp. Việt Nam Cộng Hoà bắt đầu mất thế để một mình có thể giữ vững sự độc lập chánh trị.

Hơn nữa, GS Huy phải chịu bị chi phối bởi đường lối chánh sách của Hoa Kỳ. Vì sự sinh tồn, dân Hoa Kỳ ngã theo phong trào phản chiến, chống Việt Nam Cộng Hòa, ủng hộ chế độ Cộng Sản Bắc Việt đến nỗi họ muốn Hà nội thắng và Sàigòn phải thua. Người Mỹ không muốn hy sinh nữa cho chế độ Sàigòn; họ không hiểu gì, và không thấy các thành công lớn mà dân miền Nam đã đạt được, như sự dân chủ hóa của miền Nam, vì đa số trí thức và các nhà báo Hoa Kỳ đều có xu hướng ngã theo phản chiến, không chịu nghe lời người Việt Nam quốc gia. Trong Quốc Hội Hoa Kỳ, đa số đảng Dân Chủ có quyền giảm bớt ngân sách viện trợ cho Chính Phủ Thiệu. Hơn nữa, Henry Kissinger làm cố vấn an ninh cho Tổng Thống Nixon, nhưng Kissinger thần phục Hồ Chí Minh và khinh ông Nguyễn Văn Thiệu. Kissinger biết Việt Nam qua sự giới thiệu của Jean Sainteny, đại diện của De Gaulle năm 1945 và 1946 mà cam kết với Hồ Chí Minh để chấp thuận Việt Minh có độc quyền cai trị Việt Nam. Sainteny đã làm cho Kissinger nghĩ rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước và những người Việt Nam khác không có uy tín hay có đức độ như Hồ Chí Minh. Do vậy, trong tháng Sáu năm 1971, Kissinger đã đề nghị sẽ cho Hà nội được phép đóng quân tại miền Nam sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về. Nhờ sự hiện diện quân sự đó, Hà nội mới lấy được miền Nam trong mấy tháng đầu năm 1975. Mọi việc tốt đẹp của GS Huy đưa ra giúp dân Việt (và công việc của nhiều người nữa) trở thành vô ích vì sự phản bội này của Henry Kissinger. Theo Nguyễn Du: “Bắt phong trần, phải phong trần, cho thanh cao, mới được phần thanh cao”.

Nhìn lại tất cả các biến chuyển trong quá khứ, tôi thấy cố GS Nguyễn Ngọc Huy giỏi hơn Phan Huy Chú, một nhà nghiên cứu và viết nổi tiếng trong thế kỷ 18. Hơn nữa, về sự hiểu biết, văn tài, và kiến thức chính trị, tôi thấy GS Huy là người nối nghiệp các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, đóng góp cho dân tộc Việtnam, như Lê Lai, người phụ giúp Lê Lợi hồi thế kỷ 15. Trong sự nghiệp giúp nước, có thể nói ông là người có công lớn giúp dân tộc Việt Nam hưởng được tự do dân chủ trong giai đoạn mà đất nước bị đắm chìm trong chiến tranh xâm lược. Công đức của ông thật rất xứng đáng được nhắc nhở và đề cao.

GS Huy, hay còn gọi là anh Ba Huy (tên gọi trong Đảng) và tôi học tập mấy năm từ năm 1978 đến năm 1980 tại trường luật Harvard. Tôi phụ giúp anh Huy trong việc dịch bộ Lê Triều Hình Luật ra tiếng Anh và hai anh em chúng tôi viết cuốn sách “The Tradition of Human Rights in China and Vietnam” để nói lên quan điểm về tự do dân chủ của người Hán và người Việt trong quá khứ. Chúng tôi làm việc chung với nhau rất thoải mái, còn hơn anh em ruột. Nhiều khi chúng tôi làm việc không cần nói rõ ra, nhưng mà chúng tôi đã hiểu ý nhau. Hai anh em chúng tôi thường hay trau dồi ý kiến chung, tuy là hai người nhưng chỉ có một tâm hồn rất giống nhau. Tôi vô cùng cảm động và thấy rất là diễm phúc đặc biệt vì đã có một vị Việt Nam như Nguyễn Ngọc Huy đã nhận tôi là một người bạn chí thân của Anh.

Trân trọng,

Stephen B. Young
Saint Paul, Minnesota
February 4, 2006 Năm Bính Tuất.

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=110975

No comments: