Monday, July 30, 2007

Những ngộ nhận trong mối quan hệ giữa chính phủ cộng sản và cộng đồng người Việt hải ngoại

Những ngộ nhận trong mối quan hệ giữa chính phủ cộng sản và cộng đồng người Việt hải ngoại


Trên lộ trình hội nhập toàn cầu, Chính phủ Hà Nội cần cộng đồng người Việt hải ngoại làm chiếc đầu cầu hầu dễ dàng thâm nhập vào xứ người trên các phương diện chính trị, văn hóa, kinh tế.

Trong khi đó, chính quyền sở tại nào cũng hy vọng thông qua các cộng đồng thiểu số để chuyển thông điệp đến những chính phủ trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Việt hải ngoại hoàn toàn không bị luật pháp Việt Nam chi phối hoặc chịu sự cai quản của cơ quan ngoại giao thuộc Chính phủ Hà Nội.

Do đó, cộng đồng người Việt hải ngoại giữ một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Chính phủ Hà Nội và nhiều quốc gia cũng như vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị của Chính phủ Hà Nội với nhiều quốc gia được nồng ấm hoặc bị lạnh nhạt đều chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các hoạt động của Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa Chính phủ Hà Nội và Cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn dựa trên nhiều yếu tố ngộ nhận.

NGỘ NHẬN VỀ TƯ CÁCH ĐẠI DIỆN

Trong các văn kiện chính thức cũng như những lời phát biểu, Chính phủ và giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đều cố tình xác lập tư cách đại diện hợp pháp và duy nhất cho Cộng đồng người Việt hải ngoại bất chấp các yếu tố khách quan.

Cộng đồng người Việt hải ngoại phủ rộng trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu, ước lượng trên 3 triệu người.

Cộng đồng gồm có người Việt tị nạn cộng sản và di dân mà đa số đã nhập tịch hoặc có giấy phép thường trú của quốc gia sở tại. Họ hoàn toàn không bị luật pháp Việt Nam chi phối (nếu không hiện diện tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) hoặc chịu sự cai quản của cơ quan ngoại giao thuộc Chính phủ Hà Nội.

Những công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (du học sinh, nghiên cứu sinh, thương gia, cán bộ ngoại giao, người đi lao động hạn kỳ, du khách) đều không thuộc vào Cộng đồng người Việt hải ngoại (hoặc còn gọi là Cộng đồng Sắc tộc) trong quốc gia tạm trú.

Chính phủ Hà Nội đã thiếu-lương-thiện khi cố tình nhập chung 2 thành phần khác biệt đó vào cùng Cộng đồng người Việt hải ngoại để tạo điều kiện “quản lý” sinh hoạt của người gốc Việt trên xứ người bất chấp dữ kiện và bối cảnh khách quan.

Bất cứ chuyến công du nào của các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đến quốc gia có Cộng đồng người Việt tị nạn đều đụng phải các cuộc biểu tình chống đối rầm rộ và bị “săn đuổi” ráo riết bởi dân gốc Việt. Song song, Cộng đồng cũng tích cực vận động để chính giới lưu tâm đến nguyện vọng chính đáng của cử tri gốc Việt trong khi thương thảo với Chính phủ Hà Nội.

Trong khi đó, cán bộ ngoại giao cộng sản triệu tập nhóm công dân xã hội chủ nghĩa và một số thân hữu vào Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán hoặc hội trường (được kiểm soát nghiêm ngặt) để đón tiếp lãnh đạo. Các bản tin chính thức của Nhà nước Việt Nam đã bộc lộ thái độ khinh thường dư luận khi tô vẽ cuộc tiếp đón long trọng của Cộng đồng người Việt hải ngoại dành cho lãnh đạo.

Mặt khác, một vài cá nhân gốc Việt vì nhiều mục đích khác nhau đã bất chấp sự thực và lương tri mà vỗ ngực tuyên xưng đại diện cho người Việt hải ngoại trước chính khách Hà Nội đang công du, hoặc các Cơ quan cầm quyền tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để biện minh cho tình trạng bị cô lập chính trị tại hải ngoại, Nhà nước Cộng sản cũng như các “Việt kiều yêu nước” đều viện dẫn đến “đa số thầm lặng”. Đó là con số ảo rất khó kiểm chứng. Họ không làm sao chứng minh được khối quần chúng ủng hộ qua một cuộc tập họp chính trị hoặc hình thành được lực lượng bằng hoặc nhiều hơn các hội đoàn, tổ chức chính trị hiện hữu trong sinh hoạt Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những du học sinh này không thuộc vào Cộng đồng người Việt hải ngoại

NGỘ NHẬN VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN

Chính phủ Hà Nội chỉ có trách nhiệm và bổn phận đối với nhóm công dân xã hội chủ nghĩa đang tạm cư ở nước ngoài để giúp họ dễ dàng hoàn thành công việc trong thời gian hạn định.

Ngược lại, Chính phủ Hà Nội hoàn toàn không có trách nhiệm và bổn phận gì đối với Cộng đồng người Việt tị nạn và di dân vì:

(1) Những thành viên của Cộng đồng được luật pháp bảo vệ cũng như chịu sự chế tài của luật lệ nước sở tại. Chính quyền sở tại mới có bổn phận, trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ đời sống của công dân cũng như những thường trú nhân thông qua Cộng đồng hoặc trực tiếp từng người tùy theo loại công việc.
(2) Sinh hoạt của Cộng đồng ràng buộc và chịu chi phối bởi luật pháp quốc gia cũng như địa phương mà hoàn toàn không dính dáng gì đến luật pháp của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc luật lệ do các Đại sứ quán, Lãnh sự quán đặt ra.
(3) Người gốc Việt liên lạc với Cơ quan ngoại giao cộng sản với tư cách công dân nước ngoài và trả lệ phí theo quy định quốc tế (có thể mua đúng giá hoặc chợ đen), không hề mang ý nghĩa hàm ân chế độ.
(4) Các cơ sở đại diện cho Chính phủ Hà Nội không có quyền can thiệp vào sinh hoạt của Cộng đồng Sắc tộc
.

Như thế, Nhà nước Cộng sản và cán bộ ngoại giao chỉ có trách nhiệm và bổn phận đối với công dân xã hội chủ nghĩa tạm cư hạn định nơi xứ người mà không được quyền động tới Cộng đồng người Việt tị nạn vốn thuộc vào Cộng đồng Sắc tộc của quốc gia sở tại.

Trái lại, Cộng đồng người Việt hải ngoại không có trách nhiệm và bổn phận nào đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mỗi cá nhân trong Cộng đồng chỉ có mối liên hệ (tẻ nhạt hoặc nồng ấm) với thân nhân, bằng hữu, đồng đội xưa còn sinh sống ở Việt Nam.

Vì cùng chung dòng máu, nên Cộng đồng người Việt hải ngoại rất xót xa trước cảnh đồng bào bị áp bức, ngược đãi giữa thanh thiên bạch nhật và bất mãn đối với nhiều hành động mất-nhân-tính của chế độ cộng sản nên quyết liệt tham gia các sinh hoạt chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động chống đối này không mang danh nghĩa công dân của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa mà vì tương lai dân tộc Việt Nam.

NGỘ NHẬN LỊCH SỬ

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang ươm giấc mơ biến Cộng đồng người Việt hải ngoại giống như các Cộng đồng Trung Hoa, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân...

Giấc mơ đó đã cố tình lãng quên yếu tố hình thành dị biệt giữa các Cộng đồng Sắc tộc cũng như bản chất chế độ tại quê nhà. Các Cộng đồng Sắc tộc thường được hình thành do điều kiện di dân tiệm tiến, không liên hệ nhiều đến yếu tố chính trị hoặc bị ngược đãi. Trái lại, sự hình thành đột ngột và nhanh chóng của Cộng đồng người Việt hải ngoại mang vết hằn chính trị sâu đậm qua cuộc di tản tập thể hàng trăm ngàn người vào năm 1975 và các đợt “bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền” của hơn triệu người trên đường đi tìm tự do từ 1976 đến 1988. Cộng đồng còn được bổ sung thêm cả trăm ngàn cựu tù nhân chính trị trong thập niên 1990. Vì thế, chống Cộng trở thành chủ trương bất biến của Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Chính phủ Hà Nội biến giai đoạn 1945-75 thành chiến tranh giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Pháp, Mỹ. Thực sự, tính chất nội chiến Quốc/Cộng đã nằm trong chiến tranh Việt/Pháp 1945-54. Bản chất nội chiến lồng trong bối cảnh tranh chấp quốc tế càng rõ rệt vào giai đoạn 1954-75. Hà Nội không thể bẻ cong lịch sử khi cố tình bôi xóa yếu tố Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến, kể cả hành vi vô-văn-hóa đối với các nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đập phá bia tưởng niệm thuyền nhân ở Mã Lai Á và Nam Dương.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành và duy trì cuộc chiến nội da nấu thịt, đấu tranh giai cấp man rợ làm chết hàng triệu người Việt Nam. Triệu, triệu người Việt Nam trong cũng như ngoài nước từng là nạn nhân của cộng sản bạo tàn nên không thể tung hô công trạng và phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dân chúng không thể xả thân vì tổ quốc, dồn nỗ lực xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của những kẻ từng phát nát giang sơn vì cuồng tín; đưa dân tộc vào cảnh điêu linh, khốn khổ vì quan tham; đẩy đất nước vào cảnh tụt hậu vì ngu xuẩn mà vẫn chưa nhìn nhận tội lỗi và sự bất lực triền miên.

Người Việt hải ngoại ngoài vòng kìm kẹp của bạo lực chuyên chính vô sản không dại gì mà đổ tiền cho cán bộ làm giàu, cũng chẳng cống hiến tài trí vào tay những kẻ đần độn.

Vì thế, quan hệ giữa Chính quyền Hà Nội và Cộng đồng người Việt hải ngoại rơi vào trường hợp “kẻ cắp bà già”. Chính quyền Cộng sản giở mọi thủ đoạn móc túi người Việt hải ngoại, đồng thời dựng lên nhiều hàng rào vô hình để ngăn chặn làn sóng tư tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đó, người Việt hải ngoại cũng tự ý hạn chế các hoạt động đầu tư, song song với nhiều cuộc vận động với chính quyền ngoại quốc gia tăng áp lực buộc Đảng Cộng sản rơi vào thế không thể cưỡng lại.

Mối quan hệ kiểu này gây thiệt hại đến lợi ích dân tộc vì:

(1) Việt Nam bị mất vựa tiềm năng tri thức tiên tiến, sung mãn làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển vượt bực và bền vững cho đất nước.
(2) Đám “Việt kiều yêu nước” chưa bao giờ dám công khai chống lại các quyết định sai lầm của Đảng Cộng sản cứ vuốt ve cán bộ các cấp để thu lợi bằng cách môi giới bán công nghệ lạc hậu, lừa bịp dây chuyền từ địa phương cho tới trung ương, điều hành đường dây buôn người, mở động lắc ổ điếm trá hình, vận chuyển ma túy, buôn lậu và rửa tiền.


Vài người nêu lên chủ trương “hãy để cho lịch sử phán xét mà dồn nỗ lực xây dựng đất nước”.

Chẳng ngây thơ thì cũng là con vẹt của chế độ cộng sản:

(1) Lịch sử là bài học cho hiện tại. Không phán xét sự việc quá khứ mà cứ cắm đầu lao tới chắc chắn sẽ sụp vào chiếc hố cũ. Đảng Cộng sản Việt Nam vì không chịu mổ xẻ quá khứ dưới nhiều hướng khác nhau nên phạm hết sai lầm này đến thảm họa nọ.
(2) Hành động của người đương thời trước tiên ảnh hưởng đến hiện tại nên cần khắc khe và công bình với quá khứ để tránh sai lầm cho cuộc sống hiện hữu.
(3) Chẳng ai yên tâm xây dựng đất nước khi biết hướng đi sai lầm mà lại còn nằm trong tay bọn cuồng tín. Dại đến mức “gánh vàng đem đổ sông Ngô” sao?


Những ngộ nhận cần làm sáng tỏ, công tội cần phân minh, sai lầm cần mổ xẻ triệt để mới vọng vạch đúng hướng đi cho đất nước và tập họp sức mạnh của toàn dân cho tổ quốc vì hòa bình, phát triển và hạnh phúc.

Đại Dương
(Việt Nam Nhật Báo)

No comments: