Friday, July 20, 2007

Ngọn lửa đấu tranh (I)

Ngọn lửa đấu tranh (I)

Đỗ Thông Minh

Một khúc quanh lịch sử

Từ năm 1954, đặc biệt từ năm 1975, cán bộ CSVN mang danh đi “giải phóng”, nhưng họ không chỉ cướp chính quyền mà còn cướp đất, cướp nhà (theo tin nhà nước đã tác động đến 627.000 người), và tước đoạt tất cả những gì họ có thể lấy được dưới mọi hình thức. Trong thời chiến, hai bên Quốc-Cộng tranh thủ “Lấn đất giành dân”, sau 1975, đảng CSVN tiến hành “Lấn dân giành đất!”. Theo báo cáo kết quả làm việc của 6 đoàn công tác Chính phủ kết luận: “Qua kiểm tra, phần lớn là dân khiếu kiện đúng”- (VnExpress ngày 2/2/2001). Chủ nhiệm Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội Nguyễn Thị Hoài Thu nói thêm: "Trong nhiều năm làm công tác dân nguyện, tôi thấy là đơn thư của dân nhiều vụ khiếu kiện đúng, ít vụ sai''- (Thanh Niên ngày 07/5/2006).

Họ cướp tiền qua 3 cuộc đổi tiền, qua hàng trăm luật lệ làm tiền dân, rồi tham nhũng và hối lộ. Cán bộ nhà nước còn âm mưu với nhau, biến của công thành của tư qua việc hóa giá bất động sản và bán cổ phần công ty quốc doanh với giá chỉ bằng vài hay vài chục phần trăm giá thị trường cho cán bộ. Và trên hết, họ cướp Tự Do (ngôn luận, tín ngưỡng, cư trú…), Dân Chủ, Nhân Quyền của toàn dân… Nên mọi thành phần dân tộc đều có rất đông người phẫn uất.

Những quốc nạn này đã khiến hàng vạn những chuyện oan kiên ngất trời đã xảy ra, hàng trăm ngàn thậm chí cả triệu người bị cướp mất gia sản, bị đẩy vào đường cùng. Hàng trăm, ngàn những nhóm khiếu kiện lớn và nhỏ trên khắp nước từ bao nhiêu năm qua đã không được giải quyết! Đó là lý do tại sao tầng lớp “tư bản đỏ” thành hình nhanh chóng mà hầu như không cần qua một nỗ lực làm ăn nào.

1- Cuộc đấu tranh của dân tộc chống lại bạo quyền, cần có sự kết hợp giữa vùng lên của thành phần chủ lực nông dân chiếm 70% dân số, kết hợp với công nhân bị bóc lột, tham gia của giới trí thức luôn trăn trở và dấn thân của tu sĩ tôn giáo đòi tự do, tất cả đồng lòng vì đại nghĩa.

2- Cuộc đấu tranh của dân tộc chống lại bạo quyền, chưa bao giờ đạt khí thế mạnh mẽ, sôi sục và quyết tâm như hiện nay, mọi người hãy quên thân mình góp tâm trí và công của để làm bừng lên ngọn lửa truyền thống ngàn đời bất khuất, tất cả đồng lòng vì chính nghĩa.

3- Cuộc đấu tranh của dân tộc chống lại bạo quyền, nhờ phương tiện truyền thông liên Mạng (Internet), chưa bao giờ trái tim của mọi con dân trong và ngoài có cơ hội đập chung nhịp từng giây, từng phút như hiện nay. Cả dân tộc chưa bao giờ có cơ hội chia sẻ và kết hợp từng tư duy, từng bước đi trên đường đấu tranh như hiện nay.

Tuy cuộc biểu tình của 1.800 dân oan thuộc 19 tỉnh và Sài Gòn (22/6-18/7/2007) và 200 người ở Hà Nội bị nhà cầm quyền CSVN dùng vũ lực đàn áp mà tan rã, nhưng bạo quyền càng tàn ác, sức bật càng mạnh mẽ.

Thời điểm quyết định có tính cách lịch sử đang đến với cuộc đấu tranh bất diệt của dân tộc. Tuy gian khổ, tuy hao tổn rất nhiều sinh mạng, tiền của, thời gian, nhưng nhất định sẽ thắng lợi, tương lai tươi sáng đang về với tổ quốc. Bạo quyền gian ác phi nghĩa thì dù có bao nhiêu phương tiện đàn áp dã man cũng phải đầu hàng trước sức mạnh của quần chúng (mass power).

Ngày thực sự giải thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản đang gần kề. 3 triệu người Việt tại 90 quốc gia trên toàn thế giới sẽ rủ nhau trở về, cùng với nhân dân trong nước bắt tay xây dựng lại quê hương, phục hồi truyền thống đạo đức, phục hưng đất nước...


Những dòng nhật ký

- Ngày 22/6, khởi đầu có khoảng 100 đồng bào từ tỉnh Tiền Giang (nơi đã có 1 người chết vì tranh đấu đòi lại đất đai và ông Bùi Văn Sơn là chồng bà Võ Thị Hiền bị bắt hơn 1 tháng mà không tin tức gì) như Cái Bè, Mỹ Tho, Cay Lậy, Huyện Chợ Gạo, Đồng Tháp Mười, Đồng Nai… đã kéo về Nhà Khách Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam tiếp dân số 194 đường Hoàng Văn Thụ (ngã 3 với đường Hồ Văn Huê), quận Phú Nhuận, Sài Gòn để biểu tình (chiếu theo Hiến Pháp, điều 69) chống lại những quan chức tham ô tại địa phương. Mấy ngày sau tăng lên khoảng 250 người, họ mang biểu ngữ “Chính Quyền Tiền Giang Dối Đảng - Lừa Dân”… Đồng bào biểu tình yêu cầu nhà nước CSVN giúp giải quyết nạn tham ô tại địa phương do những cán bộ tại Tiền Giang đã lợi dụng chức quyền để cướp đất, cướp nhà và đánh đập họ, có công an tỉnh 4 vợ, cướp đất của dân cho vợ bé... Đoàn người biểu tình đã không được chính quyền tiếp kiến, họ đã phải trải chiếu ngủ ngoài đường, ngoài hiên trước trụ sở Quốc Hội nhất định không về vì sẽ không được gì cả nên nhất định ở lại để chờ giải quyết.

Trước hoàn cảnh bi đát của người biểu tình, đồng bào cư ngụ tại Phú Nhuận về nước uống bánh mì… Khoảng 100 công an đã cô lập nhóm biểu tình, và từ ngày 25/6, không cho ai tiếp tế nước uống, lương thực nhưng nhiều người vẫn can đảm tiếp tế bằng mọi cách, có vài phụ nữ sau cả tuần lễ sống vất vưởng đã bị xỉu! Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam tiếp dân vội đóng cửa, bỏ mặc đoàn biểu tình giữa trời mưa nắng. Trong khi đó chị Cao Quế Hoa (là người trả lời các cuộc phỏng vấn từ hải ngoại) bị xé quần áo lột lõa lồ khiến chị phải la lớn kêu cứu thì bị còng tay, dán băng keo vào miệng và Lê Thị Nguyệt vì chống cự nên đã bị công an Quận 6 và Tiền Giang đánh đập thô bạo, xé lột quần áo, tịch thu điện thoại cầm tay, còng bắt đi. Sau đó 2 chị được thả ra vào ngày 1/7 với những lời đe dọa và chiêu dụ, nhưng 2 chị vẫn cương quyết trở về cùng đồng bào đấu tranh. Công an đã nhiều lần muốn bắt 2 chị vì coi họ là những người cần đầu cuộc đấu tranh, nhưng đổng bào đã ra sức chống lại. Hiện 2 chị sống trong vòng bảo vệ của đồng bào, tắm rửa và đi vệ sinh đều tại chỗ với những bạt che tạm, thậm chỉ dùng người che! Cụ bà Võ Thị Thu là một người dân ở Cai Lậy cũng bị trù dập và vì yếu sức nên bất tỉnh…

- Qua tới ngày 1/7, tức đã 10 ngày, có lúc họ bị “hốt” đi, nhưng rồi đồng bào từ 10 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, kể cả từ Bình Thuận và Bình Định ở miền Trung, lại ùn ùn kéo tới tăng cường và ủng hộ. Có lúc số người biểu tình lên tới 600-700 người, ngày 5/7 lên hơn 1.000 người. Có các cụ già 70-80 tuổi, có bà cụ đã mang theo cả quan tài, nhất định lấy lại đất hay là chết! Có một số Dân Biểu Quốc Hội đã vào trụ sở họp bằng cửa sau, nhưng vẫn chưa có giới chức nào đến tiếp xúc với đoàn biểu tình. Mãi sau mới có Mai Quốc Bình, Phó Chủ Tịch Quốc Hội đến kêu gọi mọi người trở về nguyến quán giải quyết nhưng không thành vì họ không tin những lời hứa hẹn và đã cương quyết đòi cho đến khi thắng lợi nắm trong tay. Ủy Ban Dân Nguyện Quốc Hội cũng ra thông báo nhưng không có ai ký và dấu ấn nên người biểu tình không tin tưởng, mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển.

Chị Thanh Thảo, một cư dân Sài Gòn thấy cảnh khổ của đồng bào đã không hề sợ hãi, bất chấp sự đe dọa của công an và chuyện gì sẽ xẩy đến cho bản thân, đã tự đứng ra giúp đỡ và tường trình với các cơ quan truyền thông hải ngoại.

Một thanh niên đem bánh mì đế tiếp tế bị công an chất vấn định bắt nhưng được đồng bào giải vây, Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam thì đóng cửa phòng vệ sinh, cắt nước, khiến một phụ nữ kêu gào đến bị đột qụy tim. Tối ngày 5/7, vì đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất hoặc căng bạt tạm chui rúc quá cực khổ giữa mùa mưa (hình trên), nhiều người đã đốt nến cầu trời đừng mưa!

Qua các đài truyền thanh và diễn đàn Paltalk, Yahoo! trên Internet, thính giả có thể nghe một người trong đoàn biểu tình hô to: “Công an Tiền Giang phối hợp công an quận 6 bắt người trái phép, đánh dập tàn nhẫn dã man, tước đoạt nhân quyền, tài sản của dân. Mọi người đồng lòng hô to: Đả đảo!”…

Chị Nguyễn Ngọc Hiền, ở Quy Nhơn, gia đình bị cướp đất, nhiều lần bị công an và cán bộ đánh đập đến liệt cả 2 chân cũng như âm mưu “giết người diệt khẩu”, cũng vào Sài Gòn tham gia biểu tình. Ngày 12/7, khi nghe câu chuyện cực kỳ thương tâm của chị, một Việt Kiều ở Trung Quốc đã tặng một chiếc xe lăn… Mặc dù có nhiều khó khăn, nhiều tổ chức ở hải ngoại cũng như trong nước đã và đang cố gắng hỗ trợ đoàn người biểu tình về tinh thần và vật chất.


Paltak: truyền thông thời đại
Nguồn: http://www.Paltalk.com
--------------------------------------------------------------------------------

- Ngày 6/7, cô Nguyễn Thị Bảo Phương (mang nickname “tham_mong2001” và “semaibenanh”, sinh năm 1982, nhà ở quận 5, Sài Gòn, làm việc cho công ty dược phẩm), đã đem bánh mì tiếp tế cho dân oan và trong lúc dùng điện thoại tường trình với anh Nguyễn Nam Phong trên Diễn Đàn Thảo Luận Hiện Tình Đất Nước (trên Paltalk) từ nơi đồng bào biểu tình thì la lên: “Chết! Có người chụp hình em kìa, thôi em chạy nghe anh Nguyễn Nam Phong” rồi bỏ chạy. Sau đó cô tới tiệm dịch vụ để lên Paltalk thì bị khoảng 10 công an cấp bộ và quận Phú Nhuận, Sài Gòn theo dõi bắt đem giữ tại trại giam Phan Đăng Lưu cùng với người bạn gái lái xe gắn máy tên Phạm Thị Quỳnh Lan (bị giam vài ngày thì được thả). Sau 3 ngày bắt cô khai báo, công an trả lại điện thoại cầm tay ép cô gọi ra ngoài nhưng cô không đồng ý. Công an vẫn để cô giữ điện thoại để gài bẫy chăng? Ngày 11/7, cô đã vào phòng vệ sinh dùng điện thoại báo tin cho một thân hữu ở Hoa Kỳ với nickname “ChienSi_TuDo” và người này đã gọi về cho cô và truyền trên phòng riêng (private room) của Paltalk nên anh “black-nick2004” đã thu được và phổ biến trên Internet. Cô Bảo Phương vừa nức nở khóc vì bị áp bức ký nhận phi lý nhưng rất cứng rắn, vừa báo tin địa chỉ e-mail bị mở ra trong có những bài của Đỗ Thông Minh… Cô bị công an áp lực ký nhận tội, rồi xin hợp tác với công an cũng như phải giữ bí mật, nhưng cô nói cô có quyền tự do và không có tội nên nhất định từ chối. - Ngày 12/7, cô cũng đã điện thoại liên lạc với một bạn tại Việt Nam báo tin bị bạt tai và hăm dọa bỏ tù không cần đưa ra tòa khi cô cương quyết nói cô hành động một mình, không ai giật dây, không ai kích động, không ai cho 1 xu... Cô “Thầm Mong” vào Paltalk khoảng 4 năm, từ 1 năm nay thường xuyên nói chuyện đả kích chế độ CSVN, và đôi khi làm nhân viên điều hành diễn đàn (op). Vì không thể chấp nhận sự im lặng khó hiểu của 600 cơ quan truyền thông về cuộc biểu tình từ ngày 22/6 của dân oan khiếu kiện cô đã can đảm viết thư và gọi điện cho báo Tuổi Trẻ yêu cầu loan tin… Nơi biểu tình chỉ cách trụ sở báo Tuổi Trẻ khoảng 300 mét, mà báo này cũng như 600 cơ quan truyền thông nhà nước chưa loan tin gì về biến cố này. Đã có những vận động ráo riết với dư luận, Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ… để nhà cầm quyền CSVN phải tức khắc thả cô Bảo Phương.

Do việc công an bắt giam phi lý và trước phản ứng dữ dội của dư luận, nhà nước CSVN đã phải thả Bảo Phương ra lúc 13:30 ngày 15/7 nhưng bắt cô phải lên trình diện hàng tuần. Kết quả thắng lợi đến sớm như vậy chính là do sự tích cực đấu tranh của người Việt.

- Ngày 7/7, đồng bào biểu tình khiếu kiện tại trụ sở Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam đã làm Đơn Thỉnh Nguyện gởi cho Văn Phòng 2 Quốc Hội, Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Công An và cơ quan truyền thông, báo Chí trong và ngoài Nước để thỉnh nguyện:

1/ Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam mở cửa để dân oan được sinh hoạt bình thường.

2/ Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam can thiệp khẩn cấp dân oan được giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân theo luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

3/ Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam giám sát việc giải quyết dứt điểm cho dân oan theo tinh thần luật pháp với sự kết hợp của chính quyền Tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp... cùng đoàn Chính Phủ liên ngành.

Đơn Thỉnh Nguyện với tên họ và chữ ký của các đại diện các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Cần Thơ... Hình biểu ngữ giăng kín truớc Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam.

- Ngày 8/7, công an bắt đầu đặt máy thu hình chung quanh khu vực biểu tình, người biểu tình không những không sợ mà nhân đó vùng lên để ghi hình ảnh đấu tranh vào máy. Tại Tiền Giang có một người dân đang thưa kiện Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng (xuất thân Tiền Giang) có trên 200 mẫu đất gần khu vực nhà máy xi măng Hà Tiên và bà Trương Thị Mỹ Hoa về vấn đề đất đai.

Cùng ngày, theo ông Nguyễn Văn Tư là người từng đi Hà Nội khiếu kiện cho hay, tại chỗ có khoảng 100 đồng bào đại diện 2.800 hộ dân thuộc nông trường Sông Hậu lần đầu tiên biểu tình khiếu kiện ngay trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ để đòi lại đất đai và các khoản thu khoán phi lý suốt 30 năm qua khiến dân chúng kiệt quệ, nghèo đói, nợ nần! Có 200 người thuộc gia đình ”cách mạng” đã ký giấy đòi đất. Không có viên chức nào ra tiếp dân, mà công an lại ức hiếp họ nên sau đó họ đã chia thành từng toán nhỏ kéo nhau lên kêu cứu ngay tại Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam Sài Gòn.

- Ngày 9/7, 3 cán bộ Ủy Ban Nhân Dân và Thanh Tra tỉnh Tiền Giang đến kêu gọi đoàn biểu tình trở về nguyên quán giải quyết, nhưng đồng bào đã từng có nhiều kinh nghiệm cay đắng với nhà cầm quyền địa phương nên không tin và không chịu về.

- Ngày 10/7, nhóm dân oan tỉnh Bến Tre dẫn đầu đoàn người biểu tình lần đầu tiên theo kế hoạch luân phiên nhau đi tuần hành trên đường phố, ngược chiều dòng xe cộ, để nói lên nguyện vọng của mình. Công an không ngăn cản nhưng đi theo rất đông để cách ly họ với người khác và ngăn cản người tiếp tay, chụp hình…

- Ngày 11/7, theo chị Lư Thị Thu Duyên một người trong đoàn biểu tình (hình bên, đã từng đi khiếu kiện 30 năm qua và viết nhiều bài báo tố cáo sự bóc lột của đảng CSVN, cho hay có khoảng 100 đồng bào tỉnh Bến Tre, An Giang, Tiến Giang, Kiên Giang, Bình Định, Bình Thuận và Sài Gòn (dân Quận 4, Quận 9, Nhà Bè, Tân Bình…) đã biểu tình tuần hành trước Ủy Ban Nhân Thành Phố (Tòa Đô Chính cũ), Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập cũ, với biểu ngữ: "Tố Cáo Huỳnh Tấn Thành, Chủ Tịch UBND tỉnh Bình Thuận tham nhũng". Trong đoàn biểu tình có nhiều nam nữ mặc áo thun trắng với hàng chữ: "Đã đảo bọn cướp đất, đánh đập dân dã man", Những ngày sau đó đoàn người biểu tình tiếp tục tuần hành trên đường phố và phải sống rất thê lương trong mùa mưa.

Có hai thanh niên chở 100 thùng mì gói tới tiếp tế, mới trao được 50 thùng thì bị công an (hình bên) nhào tới lấy đi 50 thùng. Đồng bào nhào ra can thiệp, dùng loa la ó: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đâu, giúp dân!”, giằng co dữ dội với công an cướp của, mới giải thoát được cho 2 thanh niên. Một ông cụ trên 80 tuổi đi kiếu kiện từ miền Tây lên nói: “Dân tình đói khổ, nhà cửa đất vườn nó lấy hết, rồi đi khiếu kiện khổ sở lắm. Tôi đã chứng kiến thấy rõ ràng ngày hôm nay cái vụ lấy mì, dân khổ sở quá, của người ta đem lại cho lương dân, mà nó lấy 50 thùng mì, cố tình bỏ đói nhân dân, cướp tài sản của dân, tới chừng người ta cho dân ăn mà còn không cho nữa. Bây giờ không biết cách nào, yêu cầu quốc tế can thiệp giùm, chứ chúng nó quá tàn ác rồi, làm cách nào can thiệp cứu dân sống, dân bị quân này tàn ác quá!”.

- Ngày 12/7, dân oan khiếu kiện các nơi kéo tới thêm, nâng tổng số lên khoảng 1.300-1.500 người. Người từ Cần Thơ đang kéo lên và miền Trung cũng đang kéo vào, vây kín Văn Phòng QuUốc Hội 2.

- Ngày 13/7, khoảng 60 người thuộc các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp và Sài Gòn... đã biểu tình tuần hành từ trụ sở VP/QH2 đi dần xuống công viên Lê Văn Tám (Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi cũ) đường Hai Bà Trưng rồi qua đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ) và đến trước Dinh Độc Lập. Hơn 10 giờ thì đoàn biểu tình hướng về Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nhưng khi đến góc đường Lê Duẩn và Đinh Tiên Hoàng thì bị hơn 100 công an bao vây không cho đi. Có người mặc áo trắng viết hàng chữ: "Qui Nhơn cướp đất đánh người dã man" và "Đả đảo tham nhũng"... Đặc biệt trong những người đi đầu có một cụ già ốm yếu, áo mang đầy huy chương trước ngực đã gây sự chú ý cho nhiều người.

Phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (lần đầu tiên) tỉnh Tiền Giang được hướng dẫn bởi Thượng Tọa Thích Minh Nguyệt, Chánh Đại Diện… theo chỉ thị của Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã đến ủy lạo và tặng tiền dân oan khiếu kiện tại trụ sở VP/QH2 Sài Gòn.

- Ngày 14/07, khoảng 200 dân oan ở Cần Thơ, Bình Thuận, Bến Tre và Sài Gòn chia làm 3 nhóm đi tuần hành trong thành phố, nhà thờ Đức Bà (hình bên), trong có toán đi ngang tư dinh của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng ở đuờng Nguyễn Đình Chiểu, công an đã ngăn chặn nhưng trước khí thế của đồng bào đành phải thúc thủ.

Vào khoảng 2 giờ trưa, một phóng viên tên Hùng của báo Thanh Niên đến quay phim hiện trường biểu tình khiếu kiện bị 2 công an mặc thường phục xuất hiện tra hỏi và yêu cầu người này xóa tất cả đoạn phim đã thu trong máy. Khi phóng viên này trình thẻ báo chí và từ chối xóa, nhân viên công an đã giành lấy máy và đánh vào mặt người phóng viên, làm chảy máu miệng và môi khiến phải đưa đi bệnh viện. Hàng trăm người dân oan đã nhanh chóng giải vây cho người bị đánh và 2 tên công an bỏ chạy thoát thân không kịp đem theo chiếc xe gắn gắn máy màu trắng mang biển số 52 U4-6702. Công an cho người đến xin lấy lại xe, nhưng đồng bào đòi chủ xe phải ra mặt và cho biềt tình trạng của phóng viên bị đánh.

- Ngày 15-16/7, dân oan từ Sóc Trăng, Đà Lạt, Lâm Đồng kéo nhau về Sài Gòn, nâng số người khiếu kiện càng lúc càng tăng cao, lên khoảng 1.500-1.700 người. Dân oan tiếp tục chia nhau đi tuần hành.

- Ngày 17/7, Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã hướng dẫn phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo VNTN (lần thứ 2) tổng cộng 6 người tới ủy lạo và trợ giúp dân oan 300 triệu đồng (18.700 đô-la) chia cho khoảng 1.500 dân oan thuộc 19 tỉnh và 9 quận Sài Gòn đang hiện diện.

Có tin Phó Thủ Tướng CSVN Trương Vĩnh Trọng từ Hà Nội bay vào và sẽ tới chỗ dân oan, nên họ không đi tuần hành. Lực lượng công an tăng cường gấp 3 thường lệ, không khí khá khẩn trương. Nhưng ông Trọng không thấy tới, mà hầu hết nhà cầm quyền các tỉnh đều cử phái đoàn 5-10 người tới mời dân oan tỉnh nhà họp và kêu gọi họ trở về nguyên quán, mọi người nhất định không về (chỉ có duy nhất 1 người về). Nhiều dân oan nhân dịp giáp mặt các cán bộ này lên tiếng đả kích nặng nề bọn cán bộ tham ô, cướp của, trước tình thế này làm bộ vuốt ve kêu dân về giải quyết.

Sau này có tin Phó Thủ Tướng Cộng sản Việt Nam và Thứ Trưởng Công An đã chủ tọa một buổi họp tại Sài Gòn, bàn duyệt biện pháp giải tán cuộc biểu tình của dân oan đãkéo dài sang tuần lễ thứ tư. Công an tố cáo có 13 người mà chúng cho rằng đã trực tiếp lãnh đạo đoàn người biểu tình và cung cấp tiền bạc do hải ngoại gửi về cho người dân đi khiếu kiện. Buối tối, hàng trăm bộ đội cũng được đưa tới khu vực phi trường Tân Sơn Nhứt.

Trong khi đó, 1 phụ nữ bị hành hung khi treo biểu ngữ “Hội chợ Tố cáo khiếu nại của 18 tỉnh thành + 6 quận” (thêm dân oan từ Tây Ninh), một “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” trên 80 tuổi sau khi chứng kiến cảnh hành hung đã quá xúc động bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu, 1 bà cụ bị té xỉu gẫy ba xương sườn phải đi giải phẫu.

- Ngày 18/7, buổi sáng dân oan tiếp tục chia nhau đi tuần hành.

Buổi trưa, dân oan báo động và cảnh giác khi thấy nhà cầm quyền CSVN tung ra thủ đoạn mới, đưa rất đông công an đặc biệt là nhiều phái nữ đã giả dạng dân oan len lỏi vào dụ dỗ họ trở về quê quán với xe khách/đò, mini-buýt và xe van đậu sẵn.

Từ buổi chiều, tình hình có vẻ căng thẳng nhất từ trước đến nay, khi hàng trăm công an vừa đe dọa, dụ dỗ, lùa dân oan Sóc Trăng, Đồng Tháp, có người bị 2-3 công an điệu đi lên xe, dân oan An Giang mang biểu ngữ với hàng chữ: ''Quan tham mất nước, quan ngu hại dân.''… nhất định chống lại. Anh Sáu bị công an bắt đi, nhưng nửa đường anh ấy đã nhảy xuống chạy trở về với dân oan.

Một vài người có thể là Dân Biểu đã vào văn phòng bằng cửa sau rồi lên lầu nhìn xuống, bị dân oan la lớn: “Có thấy dân chúng khổ không, sao không giúp dân, bọn chó săn…”, khiến bọn người đó sợ đóng cửa xổ rút vào trong.

Công an lo sợ việc liên lạc trong ngoài nên phá sóng, hầu như mọi điện thoại cầm tay của dân oan đều bị cắt hoặc công an dùng kỹ thuật theo dõi và cắt sóng của người liên lạc! Công an phá các biểu ngữ của dân oan.

Buổi tối, cúp điện khu vực, gần trăm xe các loại đổ ập tới. Số công an các loại như cơ động và hình sự trang bị roi điện và dùi cui, cảnh sát giao thông, bộ đội, dân phòng, một số tổ chức ngoại vi như Thanh Niên HCM, hội Phụ Nữ… tập trung tại Cung Văn Hóa Thiếu Nhi đối diện Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam tăng lên hơn 1.000, nhưng rất đông người mặc y phục dân sự , “sinh viên”. Từ sau năm 1975, chưa từng có việc huy động một lực lượng hùng hậu ngay giữa thành phố để đàn áp những người dân oan yếu đuối mà đa số là phụ nữ lớn tuổi không có tấc sắt nào trong tay.

Một số xe cứu thương, cứu hỏa để xịt nước, hàng chục xe khách lớn và cả xe tù cũng được đưa tới. Một vài công an áp sát vào chỗ dân oan, trời đổ mưa to, công an nhất thời dãn ra, rồi sau đó lại áp chỗ dân oan, kêu gọi trở về, tình hình rất khẩn trương! Vì sự tố cáo tội ác của dân oan, và cuộc biểu tình kéo dài vô phương giải quyết, nên có lẽ đêm nay nhà cầm quyền CSVN quyết định ra tay đàn áp, bắt bớ!?

Lúc 10 giờ đêm Việt Nam, xe công an và xe trống để chở người áp sát chỗ dân oan, vừa để dễ hành động, vừa che không cho bên ngoài chụp hình quay phim. Công an một mặt dụ dỗ, một mặt đe dọa giải tán. Hiện trường náo động hơn bao giờ hết, khi đông đảo công an ập tới, dân oan dùng loa la lớn: “Thủ Tướng chính phủ hãy trả đất cho dân”, “Ông Nguyễn Minh Triết hãy giúp gia đình tôi.”, “Quốc Hội cứu dân.”, “Hãy trả đất lại cho dân.”, “Đả đảo chính quyền tham nhũng.”, “Cứu dân với.”, “Công an đàn áp dân.”, “Đảng ơi cứu dân.”, “Bộ Truởng Lê Hồng Anh (Công An) cứu dân.”...

Trước khí thế của dân oan, công an sợ hãi phải rút ra ngoài. Nhiều dân chúng Sài Gòn hay tin đã tới xem, giờ này người đi qua lại vẫn còn đông. Sau đó, khu vực Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam bị cô lập cách khoảng 2 km, dấu hiệu nhà cầm quyền chuẩn bị đàn áp đêm nay đã rõ. Có dân oan đã chạy tới Thanh Minh Thiền Viện cầu cứu Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất…

Khoảng 11 giờ đêm, sau màn đe dọa, một số dân oan tự nguyện tản ra, còn đa số vẫn tiếp tục bám trụ và kháng cự rất quyết liệt, lực lượng đàn áp gồm hàng mấy trăm người… lại áp vào, dùng 8 đèn pha chiếu vào chỗ dân oan, bắn lựu đạn cay, nhiều người chịu không nổi bị cay mắt, ho, té xỉu và xịt nước (có pha thuốc gây ói mửa?) vào các lều bạt của dân oan… giữa tiếng la khóc và chửi rủa nhà cầm quyền. Công an… đã ào vào bắt đi khoảng 200-300 dân oan đưa lên xe, dùng bạo lực cưỡng chế giải tán dân oan. Công an bắt đầu ra tay, dùng dùi cui, roi điện và chiến thuật “lấy thịt đè người”. Chị Vũ Thị Thiên Nga, em của Vũ Thanh Phương đã bị bắt, cho biết: “5, 6 công an khiêng từng dân oan, ném lên xe thùng như ném những con lợn”. Nhiều dân oan bị rách nát quần áo, một số bị thương nhẹ. Chị Nga cho hay có một dân oan ở Cần Thơ bị đánh vỡ đầu. Số người bị thương được các xe cấp cứu trực sẵn chở vào bệnh viện.

Khoảng 12 giờ đêm, cuộc lùng bắt lên cao độ, hiện trường náo loạn trong tiếng hò hét, đánh đập, la hét, khóc than, khoảng 400-500 người đã bị bắt đưa lên xe chở đi kể cả những dân oan cực lực chống đối.

Khoảng 0 giờ 30 phút sáng, đã có thêm khoảng 200-300 người nữa bị bắt đi. Một số dân oan bỏ chạy tản mát, về nhà người quen... Có tin là hàng chục người bị thương. Quanh khu Văn Phòng Quốc Hội, Vụ Công Tác Phía Nam không còn bóng dân oan, họ bị bắt đem về sở công an Phú Nhuận, Tân Bình, trại giam Phan Đang Lưu hay về địa phương… Một số người bị bắt vào sở công an quận Phú Nhuận, trong đó có chị Vũ Thanh Phương, Lư Thị Thu Duyên, chị Nguyễn Ngọc Hiền. Theo chị Thiên Nga thì ông Nguyễn Trí Dũng, Giám Đốc Sở Công An Sài Gòn trực tiếp nói với chị Phương và Duyên rằng, các chị sẽ bị hỏi cung về tội biểu tình cũng như tham gia vào Khối 8406. Công an đã tịch thu tất cả đồ đạc của dân oan ở hiện trường.

Trời vẫn còn mưa làm bầu không khí tan tác của dân oan sau khoảng 3 giờ đồng hồ cầm cự càng thêm sầu thảm, thê lương!

Khoảng 1 giờ 30 sáng, có người trên diễn đàn Paltalk mang nickname “hancs” đã liên lạc được với một dân oan là chị Nguyễn Ngọc Hiền đang bị bắt giữ ở đồn công an Phú Nhuận, nhưng chỉ được độ 3 giây thì bị mất sóng, có lẽ bị công an giật lấy máy…

Vài trăm dân chúng sống tại đó đã tụ tập chứng kiến cảnh đàn áp nhưng không làm gì được.

Trong khi đó, dư luận trong và ngoài nước vội vàng báo động cho nhau và đánh động dư luận quốc tế. Liên Hiệp Quốc, hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc và Âu Châu… đã được thông báo.

- Ngày 19/7, sáng ra công an đã xóa sạch các dấu vết cuộc biểu tình của dân oan trong 27 ngày qua (từ 22/8-18/7), chỉ có bóng dáng công an, không còn bóng dáng dân oan.

Anh Phạm Văn Trội, từng là nhân chứng nhưng không được nói gì trong vụ án luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, hiện tiếp tục bị nhiều áp lực và đẩy vào hoàn cảnh sống khó khăn. Anh Trội tình cờ vào Sài Gòn và đã chứng kiến toàn bộ cuộc đàn áp dân oan. Theo anh, công an đã cưỡng chế dân oan nhưng chưa dùng tới biện pháp bạo lực ghê gớm với những trang bị đàn áp đã đem tới. Cũng theo anh, vụ khiếu kiện đất đai không thể giải quyết được, vì nếu giải quyết được thì đã giải quyết từ đầu rồi, không để xẩy ra như hôm nay. Và tương lai có thể có những cuộc biểu tình khác.

...

Xem tiếp về "Dân oan Huế, Hà Nội" và yểm trợ của người Việt hải ngoai với dân oan trong Phần Kết, ngày 21/07/2007

--------------------------------------------------------------------------------

Bài do tác giả gửi cho DCVOnline. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
nguon

No comments: