Sunday, July 15, 2007

Lời kêu gọi Hội đồng GMVN cứu giúp nông dân khiếu kiện từ Tín hữu Công giáo

Các LM Ra Thư Khẩn Cứu Dân Khiếu Kiện Việt Báo Thứ Năm, 7/12/2007, 12:02:00 AM
Xin Lập Đoàn Cứu Trợ Tới Giúp Dân Khiếu Kiện
Linh Mục Phan Văn Lợi vừa phổ biến một bản văn có tựa đề “Lời kêu gọi Hội đồng Giám mục Việt Nam cứu giúp nông dân khiếu kiện từ Tín hữu Công giáo.” Tuy chỉ mới là dự thảo, nhưng vì tính gấp rút của vấn đề đang rất thương tâm, bản văn sẽ được đăng toàn văn nơi đây cho các độc quả quan tâm. Các video hình biểu tình có thể xem nơi link: http://www.tdngonluan.com.

Toàn văn email của Linh Mục Phan Văn Lợi như sau.
Kính gởi đến Quý Cha và Quý Anh Chị Em bản dự thảo "Lời kêu gọi Hội đồng GMVN cứu giúp nông dân khiếu kiện từ Tín hữu Công giáo". Xin góp ý bổ sung cho và vận động mọi con Chúa nhanh chóng ký vào, kẻo không kịp. Dân oan đang ngắc ngoải từng ngày.

Xin Chúa soi sáng, thúc đẩy và hợp nhất chúng ta.

P.PVL

(Dự thảo, xin góp ý bổ sung gấp cho)

Lời kêu gọi Hội đồng Giám mục Việt Nam cứu giúp nông dân khiếu kiện từ Tín hữu Công giáo.

Kính thưa Hội đồng Giám mục Việt Nam,

Kính thưa Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, chủ chăn Tổng giáo phận Sài gòn.
Kính thưa Ủy ban Bác ái Xã hội Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Gần 20 ngày qua, kể từ hôm 22-06-2007, dân oan từ các tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa, Vũng Tàu v.v... đã kéo nhau về biểu tình và ở lỳ trước Văn phòng 2 Quốc Hội tại số 194 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn để đòi lại nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đã bị nhà cầm quyền địa phương chiếm đoạt hay sang đoạt một cách bất công từ mấy năm hay mấy chục năm nay.

Từ con số 100 người, nay dân oan khiếu kiện đã lên tới 1.500 và sẽ còn tăng nữa. Họ đã vượt bao gian khó cản trở để đến nơi đặt văn phòng của “cơ quan quyền lực cao nhất nước” hầu kêu van các đại biểu Quốc hội hãy can thiệp để công lý được trả lại cho họ. Thế nhưng, chỉ có các viên chức chính quyền địa phương đón tiếp, dối gạt họ như bao lần là hãy trở về quê nhà để được giải quyết nỗi oan ức. Riêng các vị gọi là “đại biểu nhân dân” thì hoàn toàn vắng mặt, kín cửa trong căn nhà sang trọng, coi như chẳng có ai đang van vỉ kêu gào mình, chạy đến nương nhờ quyền lực của mình. Nhiều đại diện của Quốc hội hoặc của các bộ từ trung ương vào Văn phòng này hội họp cũng chẳng thèm ngó ngàng đến dân oan, hoặc có gặp cũng chỉ để câu giờ, lừa bịp.

Tệ hơn nữa, nhà cầm quyền tại Sài Gòn còn sai vô số công an và dân quân chìm nổi một đàng gây khốn đốn cho cuộc sống của đoàn người khiếu kiện bằng cách khóa cửa các phòng đợi và nhà vệ sinh tại trụ sở Quốc hội, bằng cách cấm cản hay chận bắt những đồng bào hảo tâm đến tiếp tế thuốc men, lương thực, quần áo, khiến cho dân oan phải căng lều giăng bạt ngủ ngoài sân, bên vệ đường, chịu đựng nắng mưa trong cảnh đói khát bệnh tật vô cùng khốn khổ. Đàng khác, công an và dân quân ngày đêm rải khắp khu vực để ngăn chận mọi ai, kể cả phóng viên nhà nước và nước ngoài, đến lấy tin, chụp hình, phỏng vấn; để theo dõi, trà trộn vào đoàn khiếu kiện hầu tước đoạt điện thoại, máy ảnh của họ, không cho họ thông tin liên lạc; để phát hiện những thủ lãnh biểu tình hầu trấn áp trước mắt hay trừng trị về sau. Công an từ nhiều địa phương cũng đến để nhận diện, lùa hốt, áp giải dân oan về nhà. Ngoài ra, người ta còn thấy nhiều quân xa đậu ở hai đầu đường, như sẵn sàng ra tay đàn áp bằng vũ lực. Tất cả các biện pháp vô nhân đạo, vô luật pháp này nhắm mục đích làm cho đoàn biểu tình mệt mỏi thể xác, kiệt quệ tinh thần mà bỏ cuộc. Và chắc chắn khi tay không trở về lại quê nhà, họ chẳng những không được đền bù thỏa đáng mà sẽ bị trừng trị, thậm chí bị cầm tù, thủ tiêu, nhất là những thủ lãnh biểu tình, như trường hợp các thủ lãnh công nhân từ mấy năm qua và các thủ lãnh nông dân Thái Bình dạo nọ. Còn nếu họ kiên trì bám trụ, quyết tranh đấu đến cùng, gây nguy cơ tạo phản ứng dây chuyền khắp cả nước, thì có thể một Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra trong máu và nước mắt.

Bởi lẽ lúc này đây, tại Hà Nội, trung ương đảng Cộng sản đang họp ngày họp đêm,
những phiên họp tuy tuyệt mật, nhưng mọi người đều biết tiết mục quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của họ là tìm phương thức đối phó với cuộc nổi dậy tại Sài Gòn. Lãnh đạo CS ý thức rất rõ tính cách bất khả của việc giải quyết vấn đề đấu tranh kiểu này và tầm mức nguy hiểm của cuộc nổi dậy dưới hình thức khiếu kiện đất đai và chống tham nhũng tại hầu hết mọi tỉnh, nhưng vì nhiều nguyên nhân, họ chưa quyết định đàn áp, giải pháp duy nhất mà não trạng và chế độ Cộng sản không thể không làm, như lịch sử đã bao lần chứng minh.

Bởi lẽ theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo “Nông dân bị thu hồi đất, thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức tại Hà Nội, thời gian qua tổng diện tích đất bị thu hồi trên toàn quốc là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc canh tác, lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao, trong đó có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70-80% diện tích đất canh tác. Mà theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động và mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong những năm qua đã tác động tới đời sống của của 627.495 hộ gia đình, khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu nông dân. Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tại 14 tỉnh thành lại cho thấy việc định giá đền bù đất thu hồi cũng như tài sản không phù hợp với giá thị trường và giá khu tái định cư. Giá đất ở, giá nhà ở tại khu tái định cư thường cao hơn nhiều so với giá bồi thường về đất ở, nhà ở tại nơi cũ, gây nhiều khó khăn cho các hộ ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển sang làm ngành nghề. (Trích Bùi Trần, Đất cho nông dân). Tình trạng này càng tồi tệ và thê thảm hơn do thói bất công, tham nhũng và lộng hành của các quan chức địa phương với sự bao che của trung ương Hà Nội.

Thành ra đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với xã hội Việt Nam và là một vấn đề sinh tử của chế độ Cộng sản. Nói rõ ra, đây là một thách thức ghê gớm đối với quyền lực độc tài của đảng Cộng sản vốn đã cai trị nhân dân trong bạo hành, lừa dối, cướp bóc trắng trợn.

Kính thưa Quý Đức Cha,

Trước tình hình nghiêm trọng này, trước cảnh khốn khổ vô bờ của dân oan vốn đã chồng chất từ mấy chục năm qua mà nay không thể chịu đựng nổi này, trước nỗi uất ức ngất trời nay đã đến hồi bùng nổ này, có nguy cơ gây ra bạo loạn, kéo theo đàn áp đổ máu của một nhà cầm quyền mù quáng tin tưởng vào bạo lực, Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể không lên tiếng, không thể không ra tay để bênh vực cho công lý và cho những người dân thấp cổ bé miệng.

Chúng con còn nghe văng vẳng bên tai lời Chúa Giêsu phán hứa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa (tức Giáo Hội) là của anh em (tức đứng về phía anh em)” (Lc 6,20); lời Chúa Giêsu minh định: “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, ấy là “kẻ bị giam cầm (trong cảnh khốn khổ, mất nhân phẩm) biết họ được thả ra... người bị áp bức (bởi bất công, đàn áp, bóc lột) được giải phóng” (Lc 4,18).

Chúng con còn nghe văng vẳng bên tai lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong diễn từ trước các Giám mục Ba Tây ngày 13-05-2007 tại Aparecida: “Hệ thống Mác-xít, khi nó leo lên nắm chính quyền, đã không chỉ để lại một di sản đáng buồn là những hủy hoại về kinh tế và môi sinh, mà còn là một sự áp bức đau đớn lên các tâm hồn nữa”, rồi trong thư gởi Giáo hội Trung Quốc ngày 27-05-2007: “Giáo Hội không thể và không được ở bên lề cuộc đấu tranh cho công lý. Giáo Hội phải đóng vai trò của mình qua việc biện luận thuần lý và phải thức tỉnh năng lực thiêng liêng mà nếu thiếu, thì công lý vốn luôn đòi hỏi sự hy sinh, sẽ không thắng thế và tăng trưởng. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, chứ không phải của Giáo Hội.
Tuy nhiên cổ võ cho công lý qua những nỗ lực nhằm đem lại sự cởi mở của tâm trí
và ước muốn theo những đòi hỏi của công ích là điều can hệ đến Giáo Hội cách sâu xa”.

Chúng con vẫn nghe vọng lại từ Phi châu xa xôi lời nói gần đây của Đức TGM Pius Ncube, đồng nghiệp của Quý Đức Cha tại Zimbabwe: “Im lặng tức là đồng loã với tội ác để chỉ mưu cầu lợi ích ích kỷ của cá nhân tôi, điều tôi không thể. Cuộc đấu tranh của tôi có giá trị của nó. Bạn không thể câm lặng trước những bất công quá to lớn như vậy. Nếu chúng tôi có được một đảng chính trị đối lập tốt, có lẽ Giáo hội không cần thiết phải lên tiếng. Nếu chúng tôi có được một nền báo chí truyền thông tự do, có lẽ Giáo hội không cần lên tiếng. Tiếc rằng, tổng thống Mugabe đã kiểm soát tất cả các báo chí, truyền thanh và truyền hình. Vì vậy, chúng tôi phải lên tiếng thay cho người nghèo khổ và những người thấp cổ bé miệng, những người bị thiệt thòi trong xã hội. Bảo vệ những kẻ cô thế chống lại kẻ có quyền hành là nhiệm vụ của chúng tôi. Ai là kẻ cô thế? Họ là những người nghèo khổ, yếu đuối, đói khát. Ai là kẻ có quyền hành? Đó là những người đang dùng địa vị của mình để tham nhũng, há hiếp bóc lột nhân dân, thay đổi mọi thứ trên đời cho hợp với quyền lợi vị kỷ của họ”.

Chúng con cũng không quên lời Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục năm 2006: “Lòng mến Chúa yêu người thôi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, bởi vì con người là anh em của nhau, được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào” (Số 7: Góp phần xây dựng một xã hội công bằng); rồi lời Đức Cha Chủ tịch Hội đồng GMVN nói trong cuộc phỏng vấn của VietCatholic ngày 22-04-2007: “Đối với nhà nước thì hằng năm chúng tôi vẫn có cuộc gặp gỡ hoặc có những đề nghị với nhà nước về các vấn đề tự do tôn giáo, văn hóa, đạo đức, luân lý, giáo dục giới trẻ, vấn đề công bằng sự thật. Có khi chúng tôi là đơn vị duy nhất dám nói lên điều đó với nhà nước và chúng tôi vẫn còn tiếp tục nói những điều như vậy”.

Kính thưa Quý Đức Cha, đoàn dân khiếu kiện trước Văn phòng 2 Quốc hội (trong đó có không ít tín hữu) mong chờ Hội đồng Giám mục lên tiếng can thiệp cho họ đã 20 ngày nay rồi, và xét chung, các thị dân, nông dân bị cướp đất đai nhà cửa từ sau ngày “mở cửa kinh tế” mong chờ Hội đồng Giám mục lên tiếng can thiệp cho họ đã 20 năm nay rồi!!!

Cũng nhân cơ hội này, xin Quý Đức Cha yêu cầu nhà nước CSVN xóa bỏ điều 1 trong Luật Đất đai năm 2003 (còn hiệu lực): “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này thường được giải thích là: theo chủ trương, đất đai thuộc sở hữu nhà nước; nhà nước có luật cũng như có quyền thu và giao, thu và giao cho ai (cá nhân hoặc cơ quan nào) thì người đó hưởng, còn chủ đất thì không. Đây là một nguyên tắc ngụy biện, phi lý, sai lầm, mở đường cho việc nhà cầm quyền (thực chất là cán bộ địa phương) ăn cướp đất đai tài sản của tôn giáo và tư nhân suốt hơn nửa thế kỷ nay dưới chế độ CS, gây ra bao điêu đứng cho các giáo hội và cho đồng bào.

Cụ thể trước mắt, kính xin Đức Hồng y Tổng Giám mục Sài gòn

- ra lệnh cho các linh mục, tu sĩ trong Giáo phận thành lập ngay những phái đoàn cứu trợ khẩn cấp cho dân oan đang chết dần mòn và bênh vực khẩn cấp cho dân oan đang bị đàn áp khốc liệt bằng công cụ pháp lý hay công cụ truyền thông;

- ra lệnh cho các giáo xứ trong Giáo phận quyên góp phẩm vật, tiền bạc, tích lũy thành quỹ, để hỗ trợ lâu dài cho các dân oan đang sống chết bám trụ tại Văn phòng 2 Quốc hội, tới ngày họ đạt được những đòi hỏi chính đáng.
Mọi người lương giáo đang nhìn về Hội đồng Giám mục như một sức mạnh tinh thần, nhìn về các Giám mục như những phát ngôn của sự thật, chứng nhân của lẽ phải, như những mục tử nhân lành sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên theo gương Thầy Chí Thánh. Giờ của Dân tộc và của Giáo hội đã điểm!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần Tình Thương và Sự Thật ở cùng Quý Đức Cha.

Làm tại Việt Nam và hải ngoại ngày 11-07-2007, lễ Thánh Bênêđictô.

- Linh mục Têphanô Chân Tín

- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải

- Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý

- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi

- (tiếp theo là Quý Cha và Quý Anh Chị Em tín hữu trong lẫn ngoài nước)
(tdngonluan)

No comments: