Wednesday, July 25, 2007

Hậu quả của những cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trong nước đối với lợi ích quốc gia

Hậu quả của những cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trong nước đối với lợi ích quốc gia
Phong Uyên


Trong bài "Thử phân tích những lí do đưa đến sự đàn áp..." ( http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10239&rb=0401 ), trong số những giả thuyết tôi đưa ra, giả thuyết "có sự phá bĩnh của phe bảo thủ" có vẻ gần sự thật nhất. Nhưng không lẽ những người "bảo thủ" thiển cận đến độ không đo lường được là sự đàn áp đó sẽ có những hậu quả không tốt cho chính sách hoà giải dân tộc với người Việt hải ngoại? Hay có sự tính toán rất "lô gíc" là về tương lai lâu dài, chính sách hoà giải sẽ là mối đe doạ lớn nhất cho sự bảo vệ quyền lợi mình?


Thế hệ thứ hai còn có thể thổi một luồng sinh khí mới cho tư duy tư tưởng.

Để trả lời câu hỏi này, tôi thử đặt mình vào địa vị những người gọi là cấp tiến trong chính quyền để suy nghĩ vì sao những người này đưa ra chính sách hoà giải với những cộng đồng người Việt hải ngoại. Có thể đó chỉ là những biện pháp thức thời và thực tiễn: Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể có lợi ích về kinh tế tài chính và tri thức trong giai đoạn hoà nhập kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu người "cấp tiến" chỉ nghĩ về kinh tế khi đưa ra chính sách hoà giải, người "bảo thủ" có thể chỉ nhìn thấy hậu quả chính trị và cho là cộng đồng những người hải ngoại, nếu hội nhập, sẽ là một mối đe doạ "diễn biến hoà bình", đưa tới sự thay đổi chính thể. Hai cách suy nghĩ khác nhau đó có thể là lí do chính đưa ra sự đối nghịch giữa hai đường lối bảo thủ và cấp tiến?

Muốn biết phe nào suy nghĩ đúng, tôi thử phân tích xuất xứ, thành phần và tiềm năng về trí tuệ và kinh tế tài chính của cộng đồng người Việt hải ngoại so sánh với cộng đồng di tản (diaspora) của những dân tộc khác mà điển hình là hai dân tộc Do Thái và Trung Hoa.

Dân tộc Do Thái có một lịch sử di tản lâu đời nhất từ thời thượng cổ. Mặc dầu phải trải qua bao nhiêu biến cố đau thương, bao nhiêu tai hoạ diệt chủng, người Do Thái, tuy phải hoà nhập với mọi dân tộc để bảo vệ sự sống còn của mình, vẫn giữ được bản sắc dân tộc và truyền thống của mình. Thiên tài của người Do Thái là dù phải sống hay bị đầy đoạ trong những thời đại đầy hận thù, vẫn phát huy và để lại cho nhân loại những ý tưởng cao siêu và độc đáo về đạo giáo cũng như về chính trị kinh tế và khoa học. Trường hợp duy nhất trong lịch sử nhân loại đến nay là việc khoảng 500 ngàn người di dân từ trước hay sống sót sau 6 triệu người bị Hitler thiêu sống, còn đủ ý chí để lập lại được một nước Israel 2000 năm sau trên mảnh đất mình bị mất và phải trải qua 4 cuộc chiến tranh, phải đương đầu với 100 triệu người Ả Rập chung quanh từ khi lập nước mới chưa đầy 60 năm, không kể lòng thù hận của 1 tỷ 500 triệu người Hồi giáo trên thế giới. Đó cũng là nhờ ở số cư dân gốc Do Thái hải ngoại 8 triệu người vẫn tự cho mình là dân của tổ quốc Israel, nhiều hơn dân số Do Thái trong nước chưa tới 5 triệu người. Sự có mặt của 8 triệu người gốc Do Thái vẫn một lòng một dạ với Israel trong nhiều nước trên thế giới, đã làm nước Israel nhỏ tí trên địa đồ trở thành một siêu cường vì nơi nào có người gốc Do Thái là nơi đó có Israel. Có những điểm trùng hợp giữa dân tộc Việt và dân tộc Do Thái là sau một ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ; dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất không bị đồng hoá và vẫn duy trì được đất nước mình. Có những người trong cộng đồng di tản tự ví mình với thân phận những người Do Thái di cư. Cái so sánh này phải cần một thời gian lâu hơn nữa mới thấy có một phần nào đúng hay không. Lẽ tất nhiên là nước Israel chỉ có thể tồn tại được nhờ ở ảnh hưởng và sự hỗ trợ trong đủ mọi lãnh vực từ chính trị, quân sự, ngoại giao, báo chí, tài chính, kinh tế, khoa học, kỹ thuật v.v ... của những người gốc Do Thái ở hải ngoại. Cái gắn bó ruột thịt giữa người gốc Do Thái và đất nước Israel hoàn toàn khác với "khúc ruột ngàn dặm" của Đảng. Trong tương lai, những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có được khuyến khích để có cái gắn bó ruột thịt đó không? Cái đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của các nhà cầm quyền trong nước.

Số di dân Trung Quốc hải ngoại, không kể Đài Loan, là khoảng 36 triệu người, trên 1 tỷ 300 triệu cư dân trong nước (tỷ lệ=2,77%). So với Việt Nam, hơn 3 triệu người (không kể những người đi lao động) trên 83 triệu dân có tỷ lệ cao hơn (gần 4%). Xuất xứ và thành phần di dân Trung Quốc hoàn toàn khác với Việt Nam về nhiều điểm:

Những di dân Trung Quốc đa số là người Quảng Đông. Còn lại là người Phúc Kiến và một ít người thuộc tỉnh Chiết Giang. Đa số là người Quảng nên muốn tiếp xúc với người Tàu ở ngoại quốc cần phải biết nói tiếng Quảng. Nói tiếng quan thoại với những người đó thì thà là nói tiếng Anh họ còn hiểu dễ hơn. Những người Quảng tự cho mình là người Tàu chính cống. Người Bắc Kinh là người nước khác rồi. Trong số 36 triệu, 30 triệu là kiều dân những nước Đông Nam Á: 7 triệu ở Mã Lai (30% dân số), 3 triệu rưỡi ở Singapore (77%) 7 triệu 3 ở Thái Lan v.v... Ở Mỹ, người gốc Tàu (2 triệu 4) không hơn cộng đồng người Việt bao nhiêu, lại đã quá xa lạ với Trung Quốc để làm áp lực (lobby) trên quan hệ Mỹ - Trung Quốc như người Mỹ gốc Việt đã làm với chính quyền Mỹ trong quan hệ với cộng sản Việt Nam.


Những di dân này bỏ tỉnh Quảng Đông ra đi từ thế kỷ thứ XIX hay trước nữa với mục đích tha phương cầu thực nên không có phương tiện để đi đâu xa hơn ngoài Đông Nam Á. Những di dân Trung Quốc đi xa hơn tới tận Mỹ vào hồi cuối thế kỷ là vì được tuyển mộ làm phu đào đất tìm vàng hay làm đường xe lửa. Lẽ tất nhiên là con cháu những người này đều trở lên khá giả có học vấn cao, nhưng quan hệ với đất nước tổ tiên Trung Quốc đã hoàn toàn mất, chỉ còn liên hệ và truyền thống gia đình với những người thân ở đất Mỹ.


Những người Trung Quốc vì chính trị phải bỏ lục địa ra đi phần nhiều chạy theo Tưởng Giới Thạch qua Đài Loan. Ý tưởng phục quốc đã tiêu tan khi những người này qua đời. Con cháu coi Đài Loan là tổ quốc và nếu có trở về lục địa cũng chỉ vì mục đích kinh doanh, giống như việc qua một nước khác như Việt Nam để kinh doanh vậy. Người Tàu từ trước tới nay đã coi kiếm tiền là mục đích duy nhất ở đời. Thậm chí, một nữ sĩ gốc Trung Hoa, Marguerite Lim, đã viết: Người Trung Quốc không theo đạo monotheism mà theo đạo "moneytheism". Chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng không đòi hỏi gì hơn ở những người này, kể cả những người Hồng Kông hay những người gốc Trung Hoa hải ngoại khác, là đem tiền bạc về lục địa kinh doanh lấy lời.

Vậy hơn 3 triệu người Việt phải bỏ xứ ra đi từ sau 75 thuộc về loại nào? Loại "Do Thái di cư", loại "Khách trú" hay loại " Đài Loan"?

Lẽ tất nhiên, đa số 3 triệu người Việt này là những người miền Nam khi trước. Từ 1975 cho tới nay đã 32 năm và đã đi đến thế hệ thứ ba.

Thành phần thế hệ thứ nhất khá phức tạp nhưng cùng một ý chí hận thù cộng sản vì bị ghép vào thành phần "nguỵ quân nguỵ quyền", "tư sản mại bản" bóc lột phải bị đầy đi vùng kinh tế mới, phải đi học tập cải tạo, con cái không được học hành.

Trong số những người này, có người có học vấn hay có trình độ nghề nghiệp cao khi thoát được ra nước ngoài chỉ cần học lại và hành nghề lại.

Có những người ít học vấn hơn nhưng biết chịu thương chịu khó chỉ vất vả hồi đầu sau đều thành tựu về kinh tế một khi biết chọn những nghề thích hợp và không có sự cạnh tranh với người Mễ ở Mỹ, người Phi, người Rệp ở Âu. Có nhiều người trước khi qua Mỹ chỉ là "danh ca" (đánh cá) sau trở thành giầu lớn.

Thế hệ thứ hai gồm những lứa người hồi 75 còn là thiếu niên bây giờ đã 35 - 45 tuổi. Cái quan trọng hơn hết đối với những người di tản là lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Có nhiều người vượt biển di tản cũng chỉ vì mục đích đó. Nhờ vậy thế hệ thứ hai này có bằng cấp ở hầu hết các đại học danh tiếng ở những nước tiên tiến. Nhiều người còn nắm được những chức vị giáo sư, giảng viên, chuyên viên những tổ chức quốc tế. Biết bao nhiêu bác sĩ chuyên khoa đang hành nghề, bao nhiêu kỹ sư tốt nghiệp những trường danh tiếng nhất đang làm việc cho các xí nghiệp đa quốc gia ở Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Úc, ở Silicon Valley... Thế hệ này là thế hệ có nhiều tiềm năng về tri thức về tài chính kinh tế có thể đóng góp cho đất nước nếu những người cầm quyền trong nước thật sự có chủ trương hoà giải để cha mẹ những người này quên được hận thù.

Ngoài tiềm năng về trí thức còn tiềm năng về kinh tế:

Có thể nói Tổng sản lượng (GDP) của 3 triệu người Việt nước ngoài, tuy chưa tới 4% dân số toàn quốc, nhưng cao gấp rưỡi GDP toàn quốc:

Theo IMF, GDP của Việt Nam năm 2006 là gần 61 tỷ đô la

GDP per capita của một người Mỹ năm 2006 theo IMF là 43.444 đô. Cho là GDP của người Việt chỉ bằng 3/4 nguời Mỹ, khoảng 30.000 đô.

GDP per capita của một người Việt ở Âu (Anh, Đức, Pháp), vì trình độ học vấn cao hơn, nên xấp sỉ với GDP của người 3 nước này: 31.000 – 35.000 đô. Cho là 30.000 đô.

3.000.000 x 30.000 = 90.000.000.000 = 90 tỷ đô la.

Số tiền mỗi năm gửi chính thức về để làm quà cho người thân vào khoảng 4 tỷ đô. Nếu kể cả số gửi "chui" cả thẩy khoảng 6 tỷ đô la cũng không thấm gì với Tổng sản lượng 90 tỷ đô của 3 triệu người Việt nước ngoài. Chỉ cần đầu tư 1/10 số tiền đó cũng đủ thay đổi triển vọng kinh tế nước nhà.

Tiền bạc tuy quan trọng nhưng cái quan trọng hơn nữa là chất xám mà người Việt hải ngoại có thể đem về cho đất nước.

Việt Nam không có vấn đề chảy máu chất xám vì đâu còn chất xám để chảy. Nếu không kịp thời cổ võ lớp người Việt thuộc thế hệ thứ hai này tiếp chất xám qua sự đóng góp trí tuệ và góp phần gia tăng đào tạo nhân tài, đổi mới cách dạy trên đại học đã quá lỗi thời, thì chắc chắn nguy cơ tụt hậu sẽ vô cơ cứu vãn.

Ngoài đem về chất xám, thế hệ thứ hai còn có thể thổi một luồng sinh khí mới cho tư duy tư tưởng. Một cách nghĩ mới bao gồm đủ mọi lãnh vực văn hoá, tư tưởng, ngoại giao và quan trọng hơn hết là chính trị và hành chánh. Về chính trị, góp ý xây dựng một thể chế dung hoà chế độ độc đảng cầm quyền và một quốc hội cân bằng đa tiếng nói. Về hành chính, đào tạo một đội ngũ công chức độc lập với đảng để tách biệt bộ máy nhà nước với đảng.

Hồi kháng chiến chống Pháp chỉ cần một Tôn Thất Tùng cũng đủ tạo lên một nền y khoa Việt Nam. Một Trần Đại Nghĩa bắt đầu bằng khẩu súng SKZ đã đủ để tạo lên cả một kỹ nghệ quân khí. Trần Đức Thảo ngang hàng với J. P. Sartre, nếu không bị trù dập đã có thể đưa triết học Việt Nam ngang tầm với những tư tưởng lớn nhất đương thời chứ không phải chỉ nằm vỏn vẹn trong cuốn triết học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh của các bậc tiến sĩ hàm nằm trong Ban Tư tưởng. Hiện giờ ở nước ngoài có bao nhiêu Tôn Thất Tùng, bao nhiêu Trần Đại Nghĩa, bao nhiêu Trần Đức Thảo!

Ngoài câu nói đãi bôi "khúc ruột ngàn dặm", nhà nước cộng sản đã có những biện pháp cụ thể gì để lôi kéo thế hệ thứ hai này về giúp nước? Có hai hứa hẹn nhưng chưa thực hiện là cho phép Việt kiều được mua nhà trong nước và bắt đầu từ tháng 9 khỏi phải xin visa khi về thăm Việt Nam. Nhà nước cộng sản cho đây là một đặc ân lớn ban cho khúc ruột ngàn dặm. Đối với Việt kiều mang hộ chiếu Âu Mỹ có thể đi hầu hết những nước trên thế giới mà không cần visa, mua nhà ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh, ở đâu cũng được miễn là có khả năng được ngân hàng cho vay. Cái gọi là đặc ân này chỉ là những dụ khị để khuyến khích du lịch và đầu tư mà hầu hết các nước trên thế giới đã làm. Giá bán một biệt thự cho một tỷ phú Nga ở London là 100 triệu đô la. Tỷ phú Nga cũng không đem cái biệt thự đó về Moscow được. Phải xuất cảng mấy chục triệu đôi giầy mới bằng giá một biệt thự?

Nhưng cái tính toán thiển cận nhất là đàn áp 5-10 người bất đồng ý kiến. Lẽ tất nhiên là người dân trong nước hiện nay hoàn toàn thụ động về chính trị. Có bắt 5-10 người hay cả trăm người cũng sẽ không có phản ứng gì vì mọi người dân đều nghĩ là chế độ cộng sản Việt Nam sẽ tự sụp đổ như mọi chế độ cộng sản khác. Đạp tung một cánh cửa đã hé mở để làm gì. Cái "diễn biến hoà bình" mà phe bảo thủ đưa ra như con ngáo ộp chỉ cốt để hù doạ những người gọi là cấp tiến.

Trái lại, hậu quả của cuộc đàn áp đó rất tai hại cho chính sách hoà giải với người Việt hải ngoại vì gợi lại mối hận thù mà thế hệ thứ nhất đã cố quên đi. Cái quan trọng hơn nữa là người Việt hải ngoại có thể quên hận thù vì thấy có dấu hiệu cởi mở dân chủ khi chưa xẩy ra đàn áp. Đàn áp đã làm cho sự nghi ngờ trở lại. Thế hệ thứ nhất sẽ nói với thế hệ thứ hai rằng: Cha mẹ cố quên hận thù vì nghĩ là cộng sản sẽ thay đổi, đất nước sẽ dân chủ hơn và các con sẽ có cơ hội góp một phần nào để xây dựng tổ quốc. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cố tình gắn tổ quốc vào Đảng. Những người trong nước bằng tuổi các con chỉ vì đòi hỏi dân chủ mà bị qui tội chống Đảng nghĩa là phản quốc. Các con không còn lý do gì khi Đảng không thay đổi mà góp phần xây dựng tổ quốc nghĩa là xây dựng Đảng cả.

Rút cục sẽ mất cả chì lẫn chài. Con số 6 tỷ đô la gửi về mỗi năm làm quà cho thân nhân sẽ mỗi ngày một ít đi vì một lẽ rất giản dị là số tiền đó phần nhiều là tiền của thế hệ thứ nhất gửi về giúp thân nhân. Thế hệ đó đã ngót ngét 70 tuổi, mỗi ngày, một già yếu và chết đi. Thân nhân ruột thịt ở nước nhà cũng vậy. Thế hệ thứ hai cũng sẽ mất dần mối dây liên lạc với đất nước cũ của ông cha. Tiền làm quà cũng sẽ hết gửi hay gửi qua các cơ quan từ thiện quốc tế phân phát không cứ gì cho Việt Nam mà cho những miền trên thế giới còn nghèo khổ hơn, có chính quyền ít nghi ngờ, ít làm khó dễ, ít ăn đút lót hơn. Ý tưởng đóng góp tài chính, đóng góp trí tuệ cũng tan thành mây khói. Mất cái mấu chốt thế hệ thứ hai thì thế hệ thứ ba sinh trưởng ở ngoại quốc cũng sẽ bị đồng hoá hết. Với thế hệ đang lớn lên này, Việt Nam chỉ còn gợi lên hình ảnh một xứ xa lạ, nhưng lại ít thiện cảm so với các miền khác trong khu vực như Thái Lan, Cambốt, Bali v.v... có nhiều cám dỗ về phương diện du lịch hơn.

Cho là trong Đảng có hai phái: Phái lãnh đạo "bảo thủ" và phái quản lí "cấp tiến". Nếu những người gọi là cấp tiến không đủ can đảm và sáng suốt để có phản ứng kịp thời, xoá bỏ được hậu quả tai hại của cái hành động xuẩn ngốc đó, thì sẽ bị coi là đồng loã trong sự làm ly gián đồng bào hải ngoại với đồng bào trong nước và làm khuynh bại lợi ích quốc gia, đặt quyền lợi Đảng lên trên quyền lợi của tổ quốc.

© 2007 talawas
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4385

No comments: