Monday, July 23, 2007

Biểu Tình: Từ Trù Hoạch Đến Hành Động !!

Biểu Tình: Từ Trù Hoạch Đến Hành Động

NGUYỄN XUÂN NGÃI . Việt Báo Thứ Năm, 3/24/2005, 12:00:00 AM

"có lãnh đạo nhưng không có lãnh tụ". Lãnh tụ dễ gây hiềm khích, thậm chí tật lên đồng, say micro, tệ sùng bái cá nhân, chứ lãnh đạo thì vô hình, khó bị tiêu diệt hay mua chuộc. Lãnh đạo có thể hiện diện ở mọi nơi, qua kỹ thuật tổ chức của một bộ máy tản quyền, chứ lãnh tụ thì không.
**

Người dân phải có quyền lên tiếng, quyền đó bị cản trở tất sẽ dẫn đến biểu tình. Nhưng dù là biểu tình có chính nghĩa, người ta vẫn cần đến kỹ thuật

Tiếp tục tìm hiểu về hiện tượng biểu tình, một hiện tượng đang thực sự làm thay đổi bộ mặt thế giới, sau ba bài liên tục trên diễn đàn này, hôm nay, chúng ta sẽ đề cập đến một số kinh nghiệm về thuật biểu tình.

Công cuộc đấu tranh cho dân chủ xuất phát từ những mục tiêu cao đẹp là
1) ôn hòa và bất bạo động làm tê liệt bộ máy đàn áp của chế độ độc tài, từ giả thuyết "cải hóa" đến "tan rã" và những trường hợp thắng-bại ở giữa, để
2) xây dựng nền móng dân chủ cho xứ sở trong lâu dài. Những mục tiêu ấy đòi hỏi một nhãn quan chiến lược và một nỗ lực trù hoạch để khỏi phạm sai lầm và bị hy sinh oan uổng. Điều này, chúng ta có thể kiểm chứng từ những kinh nghiệm thành bại đã thấy.

Về khái niệm, người ta phải có từng bước quyết định về 1) chiến lược căn bản, 2) kế hoạch thực hiện và 3) những chiến dịch sẽ phát động.
Khi quyết định về chiến lược, người ta cũng có nhiều cấp cao thấp khác nhau.

Trong chiến lược, điều cần cân nhắc và suy xét đầu tiên là chọn thế huy động: đâu là những lãnh vực hay thành phần có thể làm suy yếu chế độ độc tài mà mình khả dĩ vận dụng được - như kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức, chính trị hay tổ chức, hoặc nhân sự trong và ngoài chế độ. Tính toán này mặc nhiễn dẫn tới sự chọn lựa là bạo động hay ôn hòa. Và nếu giải pháp bất bạo động là có giá trị hơn cả, người ta còn phải cân nhắc về thời điểm: khi nào sẽ vận dụng thành phần nào đi vào đấu tranh?

Việc huy động từng thành phần là một cấp chiến lược thấp hơn, với những công tác và mục tiêu cụ thể hơn. Chiến lược này có giá trị cao hay thấp là tùy ở khả năng gây ra tác dụng đòn bẩy, kết quả huy động thành phần này sẽ giúp ích cho việc huy động các thành phần kế tiếp theo lối dây chuyền. Câu hỏi đặt ra ở đây là "đâu là gốc, đâu là ngọn", hoặc "mắt xích nào dễ bung nhất trong cả chuỗi xiềng xích của độc tài"? Từ lối trù tính ấy, người ta mới tiến tới công tác cụ thể và những mục tiêu chiến thuật trong toàn bộ chiến lược căn bản.

Thuật biểu tình vì vậy không bắt đầu từ việc kẻ bích chương biểu ngữ và bố trí cho đám đông xuất hiện đúng nơi và kịp thời, mà khởi sự từ trước đó và trên đó khá lâu. Nó bắt đầu từ những chọn lựa có thể liệt kê như sau:

1. Phong trào dân chủ có thể huy động được sức mạnh cho lối đấu tranh này hay không? Sự chọn lựa phương thức đấu tranh ấy có khai thác được lợi thế của quần chúng trong nước và hậu thuẫn của quốc tế hay không?

2. Khi phát động biểu tình, ta nhắm vào mặt yếu nhất hay mạnh nhất của chế độ độc tài? Lợi thế và rủi ro của cuộc biểu tình ấy là gì?

3. Thế giới có kinh nghiệm nào giúp ta chọn giải pháp có lợi nhất hay không?

4. Nếu như ta thành công và chế độ phải cải hóa hoặc tan rã, phương thức đấu tranh này có di hại cho nỗ lực xây dựng dân chủ hay không?

Một thí dụ có thể gợi lên nhiều kinh nghiệm đã từng thấy: kêu gọi dân chúng bất hợp tác với chế độ, chẳng hạn như lãng công, phá nhà máy và không nộp thuế, sau đó chế độ mới sẽ xử trí ra sao với thói quen "tiêu thổ" hay phá hoại ấy? Thí dụ này có tính chất hiện thực và giải thích nhiều khó khăn của các chế độ cộng sản sau thời chiến tranh "chống ngoại xâm".

Vì vậy, việc chọn lựa chiến lược và từng bước chiến thuật không thể lãng quên một sự thật căn bản nhất: người ta lật đổ một chế độ độc tài là để xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn, chứ không làm loạn cho bõ ghét, một cách vô trách nhiệm. Được quần chúng hay không cũng tùy thuộc vào sự thật ấy. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy là người ta đã lầm mục tiêu với cứu cánh, nên thay thế một chế độ độc tài bằng một nền độc tài khác. Nhiều cuộc đảo chánh hay chính biến đã gây ra tình trạng éo le ấy.

Trong khung cảnh đầy biến động ngày nay, với chủ trương không che giấu của Hoa Kỳ là phát huy dân chủ để bảo vệ hòa bình và diệt trừ khủng bố, việc huy động sự hỗ trợ của Hoa Kỳ hay các nước khác tất nhiên đã được các phong trào biểu tình hay lực lượng dân chủ đặt ra. Thí dụ như tại Lebanon, các nhóm đối lập đã tấn công chế độ thân Syria nhưng vẫn phải khéo để khỏi trở nên - hoặc bị đả kích - là công cụ của Mỹ hay Israel. Một điều cần nhắc nhở là khi nói đến Hoa Kỳ, nhiều người chỉ nghĩa đến chính quyền mà quên rằng xã hội Mỹ cũng có nhiều tổ chức hay phong trào độc lập với chính phủ nhưng sẵn sàng hỗ trợ cho dân chủ. Đấy là các tôn giáo, hội thiện, các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs).

Một quy tắc cần đặt ra là chính quyền thì ưu tiên lo cho quyền lợi của quốc gia nên có yểm trợ phong trào dân chủ thì cũng vì quyền lợi của họ. Nhưng nói chung, các tổ chức vô vụ lợi hoặc ngoài chính quyền thì không có loại tính toán thầm kín như vậy về quyền lợi. Các cuộc biểu tình thành công từ năm bảy năm nay trên thế giới đều đã được sự yểm trợ có khi kín đáo có khi công khai của các tổ chức ấy. Và được yểm trợ vì là những cuộc biểu tình bất bạo động. Người Việt đã sinh sống tại Hoa Kỳ từ ba chục năm nay nhưng dường như chưa đánh giá cho đúng tiềm năng hỗ trợ của các tổ chức ngoài chính quyền.

Đến một bước cụ thể hơn, thí dụ như phát động một chiến dịch đấu tranh, các phong trào dân chủ đã thành công trên thế giới đều phải thẩm xét một số bài toán như thuần nhất về mục tiêu, trong sáng về thông tin, trắc ẩn với xã hội và vô hình về tổ chức.

Nhìn ra sự liền lạc - không mâu thuẫn - giữa chiến dịch và chiến lược.

Yêu cầu ở đây là chọn lựa phương pháp đấu tranh thích hợp nhất để gây tối đa phiền nhiễu hay tổn thất cho chế độ độc tài với tối thiểu khó khăn hay tổn thất cho phong trào. Các công nhân Ba Lan khởi sự đấu tranh không phải với khẩu hiệu dân chủ hay lật đổ chế độ, mà chỉ đòi quyền sinh hoạt nghiệp đoàn. Sau đó mới có khí cụ là một nghiệp đoàn tự do, nghiệp đoàn ấy góp phần làm chế độ cộng sản tan rã. Mục tiêu nhỏ và gần phải đóng góp cho mục tiêu lớn và lâu dài.

Trên trận tuyến kinh tế chẳng hạn, những đòi hỏi phải có giá trị thiết thực - khiến quần chúng tham gia - và lâu dài - khiến chế độ mới sẽ chấp hành và không gây thất vọng hay bất mãn cho dân chúng.

Cũng vậy, những đòi hỏi này phải huy động được sự hỗ trợ chứ không gây mâu thuẫn về quyền lợi với nước ngoài (giới đầu tư chẳng hạn). Biểu tình chống một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp ngoại quốc, dù có chính đáng về chính trị - vì dự án hủy hoại môi sinh hay tiêu diệt sinh hoạt của một sắc tộc - cũng có thể gây phản tác dụng về ngoại giao và chính trị. Cũng theo hướng đó, biểu tình chống một nhân vật cao cấp trong chế độ nhiều khi không có lợi bằng chống cả chế độ như một hệ thống đàn áp: nhân vật ấy có thể được chế độ thay thế, hoặc biết đâu chừng, đang là người mong muốn cải cách ở bên trong. Đấy là những kiểu biểu tình có thể gây phản tác dụng.


Trên bình diện khác, quan trọng vô cùng, là tổ chức bộ máy lãnh đạo phong trào đấu tranh. Một quy luật được rất nhiều nơi áp dụng, nhất là trong thời đại thông tin điện tử này, là "có lãnh đạo nhưng không có lãnh tụ". Lãnh tụ dễ gây hiềm khích, thậm chí tật lên đồng, say micro, tệ sùng bái cá nhân, chứ lãnh đạo thì vô hình, khó bị tiêu diệt hay mua chuộc. Lãnh đạo có thể hiện diện ở mọi nơi, qua kỹ thuật tổ chức của một bộ máy tản quyền, chứ lãnh tụ thì không.


Trong thời đại thông tin lập tức và đa diện, mọi việc đều phải công khai và xác đáng. Lề lối thông tin mập mờ hay ngoa ngụy về thành quả đấu tranh sẽ tiêu diệt đấu tranh và làm mất niềm tin của quần chúng. Nhiều cuộc đấu tranh đã thất bại chính là vì lề lối thông tin lạc hậu ấy. Quy tắc ở đây là không ai có thể che giấu được sự thật và chính chế độ độc tài chứ không phải phong trào đấu tranh mới sợ sự thật.

Trong khi phát động đấu tranh thì cũng phải trù tính nhiều dự án xây dựng hoặc bảo vệ sinh hoạt của quần chúng - nhất là trong thời đấu tranh cao độ có thể kéo dài nhiều năm - để khỏi gây tổn thất cho người dân. Thí dụ: làm bộ máy đàn áp bị tê liệt nhưng cũng làm nhà thương bị tê liệt thì sao? Việc trù hoạch và thực hiện các dự án kinh tế, xã hội, y tế hay giáo dục ấy phải nằm ngoài phạm vi hay trách nhiệm của các hoạt động đối kháng để khỏi bị gián đoạn vì những thăng trầm của đấu tranh.

Một yêu cầu nữa, vô cùng nóng bỏng, là làm sao huy động nước ngoài mà không lệ thuộc vào những nguồn yểm trợ có khi bất trắc, có khi không bền? Và làm sao xác định chính nghĩa của việc cầu viện để khỏi bị mang tiếng hay bị xuyên tạc là "tay sai của ngoại bang"? Các chế độ độc tài đều ưa cầm tù những người đấu tranh cho dân chủ với tội danh là làm tình báo hay tai sai cho nước ngoài, phong trào đấu tranh phải hóa giải lập luận vu cáo ấy.

Trên đây là những kinh nghiệm về thế công của phong trào đấu tranh.

Nhưng, như mọi sinh hoạt khác của loài người, việc gì cũng có hai mặt âm dương. Nói đến thế công thì tất nhiên phải nghĩ đến sự phản công của bạo quyềnthế thủ cho phong trào. Đã trù hoạch chiến dịch tranh đấu thì phải trù tính là chế độ sẽ phản công như thế nào, sẽ đàn áp ở đâu hay mua chuộc những ai?

Trong vụ Thiên an môn, phong trào của thanh niên sinh viên đã chỉ nhìn ra thế công và không có thế thủ nên lực lượng tiên phong và các lãnh tụ bị tiêu diệt hoặc bị mua chuộc khiến phong trào suy sụp và không còn khả năng huy động như giáo phái Pháp luân công sau này. Có thể là Pháp luân công đã nghiên cứu kinh nghiệm công thủ trong vụ Thiên an môn 1989 nên tiếp tục gây sức ép cho chính quyền Bắc Kinh.

Các chế độ độc tài đều có kinh nghiệm phản công và đàn áp vì các phần tử ưu tú nhất đều được huy động vào việc bảo vệ chế độ. Trong các chế độ này, người dân hết còn tin nhưng vẫn biết sợ sự đàn áp và đòn phản công của chế độ thường nhắm vào dân trước, vào phong trào sau, để phong trào bị mất quần chúng. Làm sao ngăn chống được cuộc phản công để bảo toàn lực lượng? Câu hỏi ấy cần được nêu ra từ trước: tấn công chỗ nào là ít rủi ro nhất, hoặc ít bị đàn áp nặng nề nhất?

Suy như vậy, người ta đã có thể nghĩ đến điều mà nhiều phong trào đấu tranh đã áp dụng: chưa đủ mạnh thì đừng huy động biểu tình mà chỉ cần thuyết phục dân chúng lãng công, ở nhà, công nhân viên chức cáo ốm để khỏi phục vụ chế độ trong những thời điểm lễ lạc tuyên truyền của chế độ.

Một giả thuyết không thể loại bỏ là nếu bị đàn áp, quần chúng có thể phản ứng mạnh và từ bỏ đường lối bất bạo động không?
Nhìn xa hơn thế, khi bị tấn công, tất nhiên chế độ phải nghĩ ra đòn khiêu khích để gây bạo động và đánh sập chính nghĩa bất bạo động của phong trào. Việc tổ chức biểu tình sơ đẳng nhất là phải giữ gìn trật tự để khỏi gây bạo động bất ngờ hay bị đối phương khiêu khích. Cùng với việc bảo vệ trật tự, việc phát huy chính nghĩa qua thông cáo và tiếp xúc với truyền thông báo chí để giải thích mục tiêu và chủ trương bất bạo động cũng là những công tác căn bản của mọi cuộc biểu tình.

Kinh nghiệm cực hay của cuộc biểu tình chống Trần Trường do cộng đồng người Việt miền Nam Calfornia tiến hành trên một quy mô lớn - lớn nhất xưa nay - vào mấy năm trước là điều mà các nơi khác nên học hỏi và áp dụng.

Sau khi tìm hiểu về nguyên tắc và chiến lược, trong các kỳ tới, chúng ta sẽ liệt kê ra một số công tác cụ thể về thuật biểu tình trong toàn bộ chiến lược đấu tranh ôn hòa và bất bạo động từng thấy áp dụng ở các nơi khác. Lời cuối ở đây là những quốc gia văn minh, dù nhất thời có gặp ách độc tài thì cũng biết huy động lòng người để chế độ tự cải hóa và chủ động thay đổi. Nhưng vì trường hợp ấy quá hãn hữu nên thiên hạ mới phải đi vào cuộc đấu tranh. Và chế độ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất nếu có.


NGUYỄN XUÂN NGÃI
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=6&nid=19389

No comments: