Tuesday, July 3, 2007

Luật ơi là luật!

Luật ơi là luật!

Lê Diễn Đức

Đảng cộng sản Việt Nam từ mấy chục năm nay vốn đã nổi tiếng trong ngành sản xuất nghị quyết. Trong giai đoạn mới, để vươn mình "ra biển lớn", nhiều thứ nghị quyết phải cho mặc áo luật.

Không biết có phải để thích ứng với các tiêu chuẩn khi tham gia Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) hay không mà quốc hội Việt Nam đã thông qua một loạt luật và có hiệu lực từ 1/07/2007 như DCVOnline đã đưa tin hôm 2/07/2007.

Mặc dù ai cũng biết rằng, cơ cấu của quốc hội bao gồm những dân biểu được đảng cộng sản lựa chọn thường làm luật bằng phương pháp gật đầu theo mọi quyết định của Bộ chính trị - hạt nhân lãnh đạo quan trọng nhất của đảng cộng sản Việt Nam, kiểm soát và thao túng tất cả các định chế của nhà nước.

Vì chỉ mang tính hình thức, là phương tiện trình diễn tuồng chèo với dư luận như thế, cho nên mỗi khi một bộ luật nào đấy ra đời từ Ba Đình, thường gây rất nhiều bàn cãi, công khai trên báo chí có mà thì thầm vỉa hè cũng có. Không phải là sự bàn cãi thông thường, hiển nhiên, mà là tranh cãi, phê phán, mỉa mai những thứ tréo cẵng ngỗng trong các điều luật do đảng/quốc hội Việt Nam đưa ra.

Cách đây không lâu, nhằm đối phó với những cuộc phản kháng, biểu tình của bà con nông dân, đình công của công nhân hay gặp mặt của những người tranh đấu dân chủ, nhà nước ban hành lệnh cấm tụ họp từ năm hay bảy người gì đó. Nhiều gia đình có bốn năm đứa con từ bối rối tơ vò đến cười ra nước mắt mỗi khi có giỗ chạp hay ngày Tết con cháu về sum họp, cộng lại đến hơn cả tá! Đi báo cáo xin phép chính quyền thì quả là vô duyên hết mức! Luật ơi là luật!

Cứ xem bộ luật chống tham nhũng ra đời đã gần hai năm nay. Trong ngày họp thứ 6, kỳ họp quốc hội gật lần thứ 11 (cuối tháng 3/2007), đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: "Vì sao công cuộc chống tham nhũng ở nước ta lại khó khăn đến vậy, việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng rất khó". Bà nói rằng, bởi vì nó “mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động...”.

Luật ra đời, đã có hiệu lực nhưng để cho có, chơi cho vui, hành dân là chính, vì hoặc chả bao giờ luật đi vào đời sống hoặc các cơ quan nhà nước và nhân dân luôn ngơ ngác chờ mút chỉ các văn bản, nghị định dưới luật hướng dẫn thực hiện của... đảng! Mà rồi chẳng biết đảng có hướng dẫn nổi không, khi mà lắm điều nghĩ suốt cả ngày vẫn thấy vô lý.


Luật CHXHCN Việt Nam
Nguồn: DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

Ngoài vài ví dụ vừa nêu ở trên, gần nhất đây là Luật thuế thu nhập, hiệu lực từ hôm chủ nhật, 1/07/2007, không phân rạch ròi giữa hoạt động doanh nghiệp của một cá thể (đôi khi thuộc hình thức kinh doanh có tư cách pháp nhân) riêng rẽ với cá nhân đó. Ông Cao Bá Khoát, Giám đốc một công ty tư vấn doanh nghiệp và cộng sự, thắc mắc: “Thu nhập của hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là thu nhập chung của cả hộ, không phải thu nhập riêng của chủ hộ. Dự luật quy định chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì không hiểu họ phải chịu thuế đối với thu nhập của cả hộ hay chỉ đối với phần thu nhập của riêng mình (...). Chẳng có gì vô lý hơn bằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào thu nhập chung của cả gia đình!”.

Trong khi đó, mức đánh thuế thu nhập của các nước thành viên WTO dựa trên mức sống xã hội, số thu nhập của các thành phần kinh tế và của cá nhân mỗi công dân quốc gia đó. Thông thường, mức thuế thu nhập tỷ lệ thuận với thu nhập và nhà nước quy định khung miễn thuế cho những người nghèo, thu nhập thấp.

Bên cạnh chính sách thuế, hệ thống bảo hiểm xã hội của một quốc gia và tính công khai, sự minh bạch hoá ngân sách nhà nước chứng minh cho nguồn thu tiền từ túi của người dân sẽ được sử dụng ra sao.

Chế độ càng dân chủ, văn minh thì hệ thống bảo hiểm xã hội càng tích cực, bảo đảm cho công dân các phúc lợi xã hội như giáo dục, chữa bệnh miễn phí, nghỉ phép, trợ cấp nuôi con, trợ cấp tuổi già, hưu trí, v.v... Các nước tư bản như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp... và nhất là các nước Bắc Âu đánh thuế thu nhập cao vào tầng lớp doanh nghiệp và cá nhân giàu có, nhưng thay vào đó, hệ thống bảo hiểm mang đầy tính nhân bản và công bằng xã hội - là hiện thực đúng đắn nhất của một xã hội xã hội chủ nghĩa. Cái thứ “xã hội chủ nghĩa” mà Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... vẫn leo lẻo kêu gào xây dựng chỉ là mớ lý thuyết, khẩu hiệu giả hiệu, bịp bợm. Cộng sản Việt Nam thật đã chết, chỉ còn lại thứ cộng sản lưu manh, trá hình, bắt tay nhau chia chác quyền lợi.

Chính do chỉ liên kết chặt chẽ với nhau bằng những đặc lợi nhưng nội bộ thì chia bè, kéo cánh, khống chế lẫn nhau, nên hoạt động của guồng máy nhà nước Việt Nam luôn có những bất cập, chồng chéo mâu thuẫn và tư duy, kiến thức lúc nào cũng thủng dột, chắp vá. Các bộ luật, thậm chí cả hiến pháp, khi đi vào thực tế mới vỡ lẽ là thiếu cơ sở, thiếu đồng bộ, đôi khi còn hài hước như đùa... Nhưng họ đã quen bài ca “sai lầm rồi lại sửa sai, sửa sai rồi lại sai lầm”. Và như ý của Hà Sĩ Phu, mỗi lần ngã xuống, đảng thường lóp ngóp bò lên rồi dơ hai tay tung hô chiến thắng rằng mình đã ở trên miệng hố.

Theo báo “Người Lao Động”, tiến sĩ Nguyễn Quang A “lo ngại cách đánh thuế lũy tiến (trong dự luật) tác dụng ngược, cản trở sự tăng trưởng của năng suất và đầu tư. Tổ chức Các nước phát triển OCED đang xem xét hạ mức thuế thu nhập thì không lý gì VN áp dụng mức thuế cao như vậy”.

Còn Luật Công Chứng (cũng có hiệu lực từ 1/07/2007), theo báo “Người Lao Động” thì “luật này hiện vẫn chưa triển khai do phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho người dân lẫn cán bộ thực thi bởi căn bệnh cố hữu: “Luật chạy trước, văn bản hướng dẫn lẽo đẽo theo sau!”.

Việc đảng muốn xóa bỏ địa hạt công chứng “vẫn chỉ là trên giấy! Trước mắt việc công chứng, chứng thực sẽ vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành... Nguyên nhân là do đến nay những văn bản hướng dẫn dưới luật như: nghị định, thông tư vẫn chưa được các cơ quan chức năng ban hành nên tạm thời phải chờ một thời gian nữa”.

Người viết chia sẻ sâu sắc những ưu lo và thắc mắc của phóng viên báo “Người Lao Động”, của các ông Cao Bá Khoát và Nguyễn Đông A.

Tuy nhiên, lẽ ra mọi người nên đi vào cốt lõi cơ bản của vấn nạn sản xuất luật của nước Việt Nam hiện nay. Câu hỏi sau đây ngao ngán bội phần: Có nước nào tự phong cho mình bảng hiệu “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” mà lại lấy ngân sách nhà nước/tiền thu thuế của dân để chi không hề có cơ chế kiểm soát cho mọi hoạt động của đảng cầm quyền?

Nói chuyện với nhiều người đã và đang làm việc trong chính quyền Việt Nam tôi thấy ai cũng khẳng định rằng, đảng cộng sản hiện nay thực tế đã biến chất, thoái hoá toàn diện về ý thức hệ, là tổ chức mafia không hơn không kém, nối kết từ trung ương xuống địa phương, cộng thêm mạng lưới giăng bủa của các đoàn thể lệ thuộc như Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn phụ nữ, thanh niên, hội nhà văn, nhà báo, v.v... tạo thành một đội quân ăn hại/ăn cắp tiền công quỹ khổng lồ, một đại nhà nước trong nhà nước; một quốc gia, hai bộ máy cai trị!

Vậy thì bàn nhiều về các chi tiết kỹ thuật, chuyên môn của luật thuế má hay luật gì gì đi nữa có lẽ chẳng đi đến đâu. Đảng thích tăng thêm cho hầu bao thì đảng tìm cách tận thu mọi nguốn chứ không riêng thuế. Cũng như đảng thích bắt ai thì đảng quy chụp cho cái mũ "vi phạm pháp luật" để bắt, dù người ta chỉ thực thi đúng 100% những điều ghi trong hiến pháp do chính đảng đẻ ra!

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã từng nhấn mạnh trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ vừa qua rằng, Việt Nam có luật pháp riêng, có quyền định nghĩa các giá trị dân chủ, quyền công dân theo cách của mình, phù hợp với tập quán lịch sử, văn hoá.

Nhưng đáng tiếc, cái tập quán lịch sử, văn hoá ấy lại là tập quán lịch sử, văn hoá riêng quái đản của đảng!


© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

Các dẫn chứng trong bài được lấy từ nguồn: “Người Lao Động – 1”“Người Lao Động –2”, ngày 3/07/2007.

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3554

No comments: