Monday, July 23, 2007

Biểu Tình: Yếu Tố Thành Bại

Biểu Tình: Yếu Tố Thành Bại

NGUYỄN XUÂN NGÃI . Việt Báo Thứ Tư, 3/23/2005, 12:00:00 AM

Lòng dân là ý trời, nhưng ý trời vốn bí hiểm và nhiều khi lòng dân không xoay chuyển nổi tình hình. Vì sao?

Cuộc đấu tranh chống ách độc tài của Slobodan Milosevic tại Serbia khởi sự từ tháng 11 năm 1996, khi kết quả bầu cử Quốc hội bị Milosevic hủy bỏ. Đúng năm năm sau, vào tháng 10 năm 2001, Milosevic phải từ chức, cũng sau một vụ gian lận bầu cử. Cuộc vận động lịch sử mất năm năm mới thành, tại một xứ chưa tới 10 triệu dân, sau chín năm cầm quyền của Milosevic.

Tháng Tư năm 1989, nhân tang lễ của cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, sinh viên Trung Quốc đã biểu tình. Mục tiêu - hay lý cớ - ban đầu là để bày tỏ lòng tiếc thương một lãnh tụ của xu hướng cải cách. Sau đó, đám đông chuyển mục tiêu thành đả kích nạn tham ô trong đảng và những sai lầm về chánh sách khiến lạm phát làm khổ người dân. Nhờ biến cố phụ là việc truyền thông quốc tế đông đảo tới nơi để tường thuật chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Tổng bí thư Liên xô Mikhail Gorbachev, cuộc biểu tình có thêm khí thế và nâng mục tiêu thành đấu tranh dân chủ, với biểu tượng là nữ thần tự do. Kết cuộc, rạng ngày bốn tháng Sáu, lãnh đạo Bắc Kinh gạt báo chí ra ngoài, đưa quân đội vào tàn sát đám biểu tình. Mấy ngàn người đã mất mạng. Trung Quốc vẫn chưa có dân chủ.

Tại Serbia, việc Minh ước NATO tấn công lực lượng quân sự của Milosevic vào tháng Năm, 1999, vì tội đàn áp Kosovo thực ra không có lợi cho phong trào đấu tranh vì củng cố tinh thần "quốc gia" của quần chúng và lập trường phát xít của Milosevic. Tại Trung Quốc, việc truyền thông quốc tế thổi vụ biểu tình của sinh viên thành phong trào dân chủ cũng gây phản tác dụng. Sau đó, báo chí câm nín khi sinh viên bị tàn sát. Trong vài ngày tới, các cuộc biểu tình đang xảy ra tại xứ Cộng hòa Trung Á Kyrgystan có thể thành hay bại trong đường tơ kẽ tóc. Kyrgystan có thể từ loạn chuyển sang trị hay sẽ bị loạn hơn với sự can thiệp, thậm chí lâm chiến, của Cộng hòa Uzbekistan.

Kinh nghiệm ấy khiến người ta phải thận trọng và phân tách lý do thành bại.
Tại Trung Quốc, những người khởi xướng biểu tình thiếu chiến lược rõ ràng vì không minh định mục tiêu trường kỳ và ngắn hạn. Mục tiêu sau cùng là gì? Muốn đạt tới đó, phải giành thắng lợi trong những mục tiêu giai đoạn nào trước? Cách bố trí thứ tự này là nền tảng của chiến lược. Sự xoay chuyển mục tiêu vì yếu tố ngoại phụ có thể làm đám đông mất thế chủ động.

Tại Thiên an môn, cái thế chủ động ấy vốn dĩ không có, vì tùy thuộc vào một nguồn yểm trợ bên ngoài: cuộc biểu tình tưởng như tự phát này thực ra có sự yểm trợ của một số thành phần cấp tiến trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ muốn quần chúng tác động vào đảng - một phản diện của chiến lược "Cách mạng Văn hóa" thời Mao - để làm sạch guồng máy đảng và cải thiện chánh sách quản lý kinh tế. Tổng bí thư lúc ấy là Triệu Tử Dương có thể có thiện cảm, thậm chí ngầm yểm trợ đám biểu tình. Nếu không, cả triệu người không thể hiện diện trong nhiều tuần trên quảng trường Thiên an môn. Nội việc tiếp liệu tối thiểu (ẩm thực và vệ sinh) cho đám đông đã là một vấn đề.

Khi mục tiêu chuyển thành đấu tranh cho dân chủ, hệ thống yểm trợ ấy tan rã. Đặng Tiểu Bình đã tìm hiểu nội tình và thuyết phục các thành phần khác tiêu diệt mầm nội loạn này. Triệu Tử Dương xuất hiện để thuyết phục đám biểu tình rút lui mà quá trễ. Một là các đảng viên cấp tiến đã đem con bỏ chợ, hai là các nhân vật khích động biểu tình đã bị vận dụng ngược, hoặc không có chiến lược, hay lầm lẫn về mục tiêu.

Cũng vậy, phong trào đấu tranh chống Milosevic có thể thất bại to nếu quần chúng khi ấy lầm lẫn mục tiêu và cổ võ việc NATO tấn công quân đội Serbia. Quân đội ấy là công cụ của Milosevic nhưng cũng là con em của người dân. Các nước NATO có thể yêu chuộng dân chủ, nhưng bênh vực việc NATO dội bom vào Belgrade là điều bất lợi cho dân chủ.
Nhưng làm sao chọn lập trường đúng đắn trong từng giai đoạn đấu tranh nếu không xác định trước mục tiêu và chiến lược?

Khi ta chỉ có cái búa trong tay thì mọi vấn đề đều giống như cây đinh, mọi giải pháp đều chỉ là đập cho mạnh. Chế độ độc tài bị nhược điểm ấy; chống lại ách độc tài, người ta cũng có khi gặp nhược điểm ấy.

Loài người thường có ba phương thức làm thay đổi tình hình: hoặc bằng bạo lực, là đấu tranh võ trang, chiến tranh và đàn áp; hoặc bằng tiền bạc, là trao đổi kinh tế hay mua chuộc; hoặc bằng tư tưởng, là thông tin và thuyết phục. Người quen nghề súng đạn thì nghĩ đến giải pháp võ lực. Quen về kinh doanh thì cho rằng kinh tế sẽ làm chế độ chuyển hóa, nếu không, ít nhất cũng làm cho mình có lợi!

Thực ra, văn minh nhất, hợp thời nhất trong kỷ nguyên mới và thực tế ở trong tầm tay của những người bị áp bức chính là thông tin và tư tưởng. Những giải pháp kia đều không thích hợp vì phương tiện không có mà hoàn cảnh cũng không. Đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, vì tư tưởng tự do dân chủ là một chọn lựa khó khăn nhưng đã chứng minh kết quả, nhất là trong những biến động gần đây của thời sự thế giới. Đây là chọn lựa duy nhất ở trong tầm tay những người bị đàn áp.

Nhưng, nó không là cái búa trong ẩn dụ ở trên.

Trong hoàn cảnh ngày nay, tư tưởng có thể là sức mạnh và thông tin là phương tiện chuyển hóa sức mạnh ấy thành một cái gì đó còn dũng mãnh hơn bạo quyền. Vẫn biết rằng tư tưởng chỉ có thể là sức mạnh nếu hợp với lòng người, ta gọi đó là "chính nghĩa" có thể dời núi lấp sông, nhưng tư tưởng ấy cần được minh giải thành từng mục tiêu thiết thực, trong tầm với của quần chúng vào từng thời điểm nhất định. Đấy là vấn đề chiến lược và nhiều cuộc vận động đã thất bại, có khi bị dìm trong biển máu, vì sai lầm trong chiến lược. Thí dụ như trong việc xác định các mục tiêu giai đoạn.
Muốn xác định các mục tiêu giai đoạn cho chính xác, người ta cần tìm hiểu xem một chế độ độc tài có thể kết thúc ra sao.

Giả thuyết lý tưởng và hãn hữu nhất là chế độ tự cải hóa trước những đòi hỏi của quần chúng. Những người bảo vệ chế độ thấy ra sự bất công và bất lực của ách độc tài và chiều theo quần chúng và chủ động tạo ra thay đổi. Các nước như Nam Hàn hay Đài Loan có cái may ấy khi chế độ độc tài quân phiệt tại Hán Thành nhượng bộ, hoặc khi Trung Hoa Quốc Dân đảng tại Đài Loan thực tâm tổ chức bầu cử Tổng thống và thất cử. Các phong trào đấu tranh có thể nhắm vào mục tiêu "cải hóa" và phương thức bất bạo động là giải pháp hay nhất.

Giả thuyết thứ hai là áp lực của quần chúng dẫn tới việc chế độ độc tài phải nhượng bộ từng phần và dung hợp chánh sách với ý dân. Lúc ấy, cuộc đấu tranh thể hiện trên vùng đất xám, với những thắng-bại tương đối của hai bên trong từng lãnh vực. Trong giả thuyết "dung hợp" này, sai lầm tai hại nhất của phong trào đấu tranh là lơi là với mục tiêu chính là xây dựng nền móng dân chủ cho lâu dài và rơi vào xu hướng thỏa hiệp.

Từ giả thuyết thứ hai là thế "dung hợp", ta có giả thuyết kế tiếp là phong trào đấu tranh gây sức ép liên tục để chế độ mất dần các nền móng quyền lực và sau cùng bị tan rã. Tình hình mỗi quốc gia có thể mỗi khác, nên có nơi ta gặp hiện tượng tự cải hóa, đa số còn lại là những biến thái từ giả thuyết "dung hợp" đến giả thuyết "tan rã".

Công nhân xưởng đóng tầu Gdansk tại Ba Lan đã mở đầu tranh đấu bằng cách đình công để đòi hỏi quyền tự do nghiệp đoàn, một mục tiêu giai đọan rất cục bộ. Khi chế độ Cộng sản dung hợp thì Nghiệp đoàn "Liên đới" (Solidarnosc - Công đoàn Đoàn kết) ra đời và gây sức ép. Solidarnosc đẩy tiếp việc đấu tranh cho tới khi chế độ tan rã. Trước sau họ mất 10 năm nhưng không quên mục tiêu sau cùng, dù chế độ đã lui bước và nhượng bộ.

Khi trù hoạch chiến lược, người ta nên vẽ ra khung cảnh đấu tranh trên bốn hướng - cải hóa, dung hợp, gây áp lực và tan rã - để xác định là điều kiện đấu tranh đang ở đâu trên tấm bản đồ ấy. Từ đấy mới xác định ra từng mục tiêu giai đọan và kiên trì theo đuổi trong một trình tự, một kế hoạch thiết thực. Nếu không thấy rõ cục diện, người ta có thể phạm sai lầm khi có yếu tố bất ngờ.

Hầu hết các cuộc đấu tranh đều manh nha từ lâu, nhưng bùng phát thành phong trào lớn khi có yếu tố bất ngờ. Sự bất ngờ có thể là một quyết định sai lầm của chế độ, một nhượng bộ hay xoay chuyển của chế độ trước áp lực quốc tế, có thể là một lãnh tụ đáng kính tạ thế (như tại Trung Quốc), bị ám sát (như tại Lebanon), bị cầm tù (như tại nhiều nơi khác trên thế giới).

Các phong trào đấu tranh thường thất bại khi gặp yếu tố bất ngờ làm quần chúng có phản ứng bồng bột hay lạc quan thái quá - một nguyên do thất bại của vụ Thiên an môn - làm sai lệch kế hoạch ban đầu. Ta có hiện tượng "Cao Biền dậy non" đáng tiếc. Khi theo dõi các vụ biểu tình tại Ukraine hay Lebanon, người ta đều phải thấy ra chiến lược và kế hoạch tiềm ẩn bên dưới. Nếu không, làm sao kịp sản xuất những vật liệu sơ đẳng và tối thiểu như áo khoác, cờ, lều vải, khăn tay, son phấn vẽ màu, v.v…. cho hàng vạn người sử dụng trong nhiều ngày?

Kiểm điểm lại tình hình đấu tranh cho dân chủ trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, người ta thấy rằng giải pháp võ lực chỉ dẫn tới phản ứng bạo lực và kẻ chiến thắng có khi lại là ách độc tài mới. Giải pháp vay mượn phương tiện bên ngoài để lật đổ chế độ độc tài bên trong cũng là một sai lầm vì ai cũng có mục tiêu riêng, không nhất thiết hoặc mãi mãi trùng hợp với mục tiêu của những người bị đàn áp. Vận dụng không khéo là mình nhường chính nghĩa cho chế độ độc tài hoặc trở thành tay sai cho ngoại bang. Còn lại? Đấu tranh bất bạo động, với sức mạnh chủ yếu là quần chúng, vẫn là giải pháp đắc sách hơn cả. Nhưng nó đòi hỏi một lối suy nghĩ khác, một khả năng trù hoạch chiến lược lâu dài và thực hiện kế hoạch một cách tỉnh táo, bền bỉ.

Một trong những người thực sự đề xướng vụ Thiên an môn năm 1989 là nhà vật lý Phương Lập Chi, ông đã bị trục xuất và nay là giáo sư tại Hoa Kỳ. Khi được hỏi lại về vụ Thiên an môn, ông ngậm ngùi trả lời: Đáng lẽ tôi phải chọn một chiến lược khác.

Rút kinh nghiệm thất bại ấy, người ta có thể nghĩ đến một chiến lược khác, nếu tự nêu ra một số câu hỏi sau đây:

1. Những gì đang cản trở tự do trong xứ sở của mình?
2. Những gì có thế giúp ích cho tự do?
3. Chế độ mạnh nhất ở chỗ nào, tựa vào những nền tảng nhân sự nào?
4. Chế độ yếu nhất ở chỉ nào, nền tảng nào của hệ thống ấy dễ lung lay nhất?
5. Phong trào dân chủ và quần chúng có thế mạnh nào, ở trong và ngoài nước?
6. Làm sao huy động được sức mạnh ấy?
7. Nhược điểm của phong trào dân chủ là gì, làm sao cải sửa?
8. Thế giới bên ngoài có giúp gì cho chế độ hay phong trào dân chủ không?
9. Làm sao vận dụng sức mạnh bên ngoài mà không bị vận dụng ngược?
Trong những kỳ tới, ta có thể tìm hiểu tiếp về cách trù hoạch chiến lược, kể cả khi phong trào bị thoái trào….

NGUYỄN XUÂN NGÃI
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=6&nid=19374

No comments: