Sunday, July 8, 2007

Ba Lan du ký - Ba Lan thời Cộng Sản và Du Học Sinh Việt Nam

Monday, June 18, 2007

Anh Ngô Văn Tưởng tại nhà riêng, một “căn hộ tiêu chuẩn” rộng khoảng 35-40 m2 (khoảng hơn 300 sqft.) tại thủ đô Warsaw được xây từ thời Cộng Sản.
(Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt.)

Khu chung cư chật chội, đơn điệu với những tiện nghi tối thiểu, nhưng để làm chủ một “căn hộ” trong này không phải ai cũng làm được. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt.)


Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Trong dịp tham dự Họp Mặt Dân Chủ tại Ba Lan đầu Tháng Sáu, 2007 vừa qua, chúng tôi được quen một thành viên trẻ của Họp Mặt Dân Chủ, anh Ngô Văn Tưởng. Anh là một thành viên năng nổ, hoạt bát. Cùng với các bạn khác trong ban điều hợp giúp đỡ những người phương xa tới tham dự họp mặt thật nhiệt tình. Tôi là một trong những người được anh giúp để tìm hiểu phần nào cuộc sống người Việt tại một khu chợ trời nổi tiếng ở Warsaw. Hầu hết những người Việt buôn bán tại khu chợ trời này là dân nhập cư lậu. Chấp nhận cuộc sống tạm bợ nơi đất khách, họ bươn chải cho từng bữa ăn và kiếm tiền gởi về quê nhà. Chuyện họ trải dài từ những năm Ba Lan chuẩn bị chuyển đổi từ chế độ Cộng Sản sang Tư Bản trong thập niên 1980. Tháng Mười năm 2006, trong một dịp công tác tại Ba Lan, nhà báo Vũ Ánh cũng đã đề cập đến một phần trong muôn vàn nỗi cơ cực của họ. Năm nay, chúng tôi quay trở lại Ba Lan, đến thăm khu chợ trời cũ với một bối cảnh mới: chính phủ Ba Lan đã quyết định dẹp bỏ hẳn khu chợ trời này để chuẩn bị cho vòng chung kết bóng đá Euro Cup 2012. Tương lai của những người “buôn thúng bán bưng” này đi về đâu khi trong tay không có một mảnh giấy hợp pháp vẫn còn là một ẩn số.

Loạt bài “Ba Lan du ký” xin được mở đầu bằng cuộc phỏng vấn của phóng viên Người Việt với anh Ngô Văn Tưởng.


Phóng viên (PV): Anh qua Ba Lan năm nào và trong trường hợp nào?

Ngô Văn Tưởng (NVT): Tôi sang Ba Lan năm 1983 theo diện du học.

PV: Ở Việt Nam thời kỳ đó, đi du học tại các nước thuộc khối Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) hình như chỉ dành cho “con ông cháu cha” với những tiêu chuẩn mà những học sinh miền Nam “không mơ thấy nổi”. Anh có phải cũng là “con ông cháu cha” không?

NVT: Trước thế hệ của tôi thì có thế thật. Nhưng lớp trẻ chúng tôi hồi đó thì tiêu chuẩn đi du học cũng giảm đi nhiều. Chúng tôi chỉ cần đủ điểm là được đi, tức là thi 3 môn phải đạt tối thiểu 21 điểm, thế nhưng phải là đoàn viên Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.

PV: Như thế thì các anh phải “phấn đấu” ghê lắm?

NVT: Thế hệ trước thì tôi không biết, nhưng với chúng tôi vào Ðoàn cũng bình thường thôi. Hình như họ có nhu cầu kết nạp thật nhiều để chúng tôi có tiêu chuẩn đi học nước ngoài. Thực ra chỉ cần học lực trung bình, không nghịch phá hay bị kỷ luật là được rồi. Chẳng cần lý lịch trong sạch, cũng chẳng cần phải thể hiện lý tưởng, hay trung thành với Ðảng gì cả. Thường thì cuối năm cấp 3 chúng tôi được kết nạp hết. Cũng thời điểm đó, các bạn ở miền Nam muốn vào Ðoàn để được một suất ưu tiên thì khó hơn, như bố mẹ phải có lý lịch trong sạch, gia đình có liên quan đến chế độ cũ thì khó mà đi du học được.

PV: Anh học ngành nào?

NVT: Tôi chỉ biết thi vào trường Bách Khoa, còn ngành học là do được phân công, chúng tôi không có quyền chọn lựa. Lúc đầu mọi người đều nghĩ qua Ba Lan để học ngành Mỏ, Ðịa Chất, nhưng sau này Ba Lan mở thêm một số ngành khách như ngành Luyện Kim, Ðóng Tàu... Tôi được phân công học ngành Ðóng Tàu Biển.

PV: Về du học sinh theo học tại các nước thuộc khối XHCN lúc đó, chúng tôi được biết sứ quán Việt Nam tại các nước đó kiểm soát sinh viên rất chặt. Anh có thể cho biết thêm về việc này không?

NVT: Ðúng như thế! Hệ thống quản lý du học sinh tại các nước thuộc khối XHCN lúc đó rất chặt chẽ. Họ theo dõi tình hình học tập của từng sinh viên một. Ai học vớ vẩn là bị sứ quán đuổi về nước ngay chứ không chờ kết quả của trường. Những năm thập niên 1960-1970, du học sinh ở Ðông Âu khi muốn ra ngoài phải đi 2 người trở lên, không được tiếp xúc với người dân bản xứ. Chỉ cần một vi phạm nhỏ, sinh viên sẽ bị đuổi về nước ngay lập tức.

Nhưng ở Ba Lan thì khác. Ba Lan là nước Cộng Sản duy nhất có yếu tố buôn bán tư nhân. Họ cởi mở hơn rất nhiều so với toàn khối XHCN. Ngay từ thời còn trong chế độ Cộng Sản, chúng tôi đã được xem phim của Pháp, thậm chí họ còn cho chiếu cả phim Mỹ, nhạc phương Tây tràn ngập. Những sản phẩm văn hóa của phương Tây được bày bán công khai, và chính nhờ phần lớn những sự giao tiếp thông thoáng đó, cảm nhận của chúng tôi về chế độ Cộng Sản mới thay đổi.

Những năm đầu qua Ba Lan, chúng tôi vẫn phải sinh hoạt Ðoàn, phải báo cáo tình hình học tập vân vân... nhưng sau đó thì thôi. Do đó, chúng tôi không bị sức ép nặng nề như các bạn khác học ở Liên Xô (cũ). Quy định của ban quản lý lưu học sinh tại trường đại học không quá khắt khe nếu không nói là quá nhẹ nhàng. Họ thường bênh vực chúng tôi khi có sự khó khăn của sứ quán Việt Nam.

PV: Anh nói nhờ sự giao tiếp qua những sản phẩm văn hóa của phương Tây mà cảm nhận của anh về chế độ Cộng Sản thay đổi. Ý thức chính trị của anh lúc đó ra sao?

NVT: Thực ra thì ý thức chính trị đã tác động chúng tôi rất sớm. Như tôi đã nói, không có nước XHCN nào có các sản phẩm văn hóa của Mỹ và Tây Âu nhiều như thế, nhất là sản phẩm văn hóa của Mỹ. Nền độc tài Ðảng trị của Ba Lan chưa bao giờ ghê gớm như các nước Cộng Sản khác, kể cả Việt Nam. Cho nên cái không khí tự do, những suy nghĩ chính trị độc lập chúng tôi đã có từ lâu. Ý thức về dân chủ mới có sau này thôi, nhưng ý thức về tự do, về cái ông Hồ vớ vẩn ở nhà thì sinh viên ở đây người ta đã phản ứng, chê trách lâu rồi. Nói về ông Hồ thì không chỉ riêng sinh viên ở Ba Lan mà các sinh viên Việt Nam ở Ðông Âu cũng biết chứ không riêng gì người dân Nam Việt Nam. Rất nhiều sinh viên Việt Nam ở Ðông Âu nhìn nhận về ông Hồ khác hẳn những điều đã được học, hình tượng về ông Hồ đã bị xóa bỏ từ lâu rồi.

Chúng tôi đã nhận định Việt Nam là một nước độc tài Ðảng trị, nhưng không có ý tưởng thay đổi thôi. Ba Lan thời gian đó dù cũng là một chế độ độc Ðảng nhưng vẫn tự do, thoải mái hơn Việt Nam rất nhiều. Khái niệm về đa nguyên, đa đảng cũng chưa có ngay cả ở người Ba Lan, dù người ta chiến đấu như thế. Chúng tôi chỉ biết phương Tây là thiên đường. Tại sao là thiên đường thì chúng tôi không biết, nhưng nói chung sinh viên Việt Nam ở đây đều có suy nghĩ như vậy. Còn có chiến đấu hay không thì không biết, phê phán xã hội đến mức độ nào thì không biết nhưng những thông tin chúng tôi nhận được cho thấy mức sống người dân ở phương Tây cao hơn, tự do hơn...

PV: Anh sang Ba Lan năm 1983. Ðó là những năm của các cuộc biểu tình, đình công nổ ra liên tiếp tại đây. Trước tình hình chính trị đó, việc học của các anh có bị ảnh hưởng không?

NVT: Không khí xã hội Ba Lan thập niên 1980 như trong một lò lửa. Lúc đầu bọn tôi không quan tâm nhiều vì quan tâm quá rất dễ bị đuổi học. Mà bị đuổi học là cả một tại họa.

Chương trình học cũng không khó khăn gì nhiều, nhưng với chúng tôi, càng học lâu càng tốt. Chương trình học chính thức là 5 năm, nhưng tuyệt đại đa số sinh viên ở đây cố gắng kéo dài thành 6 hoặc 7 năm. Chắc anh ngạc nhiên vì tại sao chúng tôi lại cố gắng như thế phải không? Anh cũng biết là ở Việt Nam lúc đó đang là thời kỳ đói khổ. Cả nước đói chứ không chỉ riêng miền Nam, củ chuối không có mà ăn. Thế thì chúng tôi về nước sớm làm gì? Ở Ba Lan vẫn đói khổ, vẫn tem phiếu nhưng đỡ hơn rất nhiều. Sinh viên chúng tôi ai cũng tranh thủ ở lại lớp 1 hoặc 2 năm để đi buôn. Không chỉ riêng sinh viên chúng tôi mới có suy nghĩ như thế, các nghiên cứu sinh (học chương trình sau đại học) cũng tranh thủ buôn bán.

PV: Như thế, có thể nói chính du học sinh đã hình thành một lực lượng buôn bán “ngoài luồng XHCN”.

NVT: Ðiều này đã tồn tại rất lâu rồi, nhưng phải nói thêm điều này để anh rõ. Không giống như những nước thuộc khối XHCN, ở Ba Lan chỉ có sinh viên và nghiên cứu sinh, hầu như không có công nhân lao động hợp tác. Yếu tố này rất quan trọng, vì những người Việt Nam đầu tiên đi và định cư chính thức tại Ba Lan hầu hết là giới trí thức miền Bắc. Do đó nhận thức về xã hội của chúng tôi cũng có khác so với những người đi Liên Xô, Ðông Ðức...

PV: Họ định cư có nghĩa là ở lại Ba Lan, không về nước?

NVT: Ðợt sinh viên đầu tiên qua Ba Lan du học vào cuối năm 1950 đã có người ở lại rồi. Nam tìm cách lấy vợ, nữ tìm cách lấy chồng người bản xứ để hợp thức hóa. Thời gian sau, một số tìm cách qua các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Ðiển. Có một thời kỳ trong nước không gởi nữ sinh viên qua đây nữa vì họ lấy chồng Ba Lan nhiều quá. Trước khóa tôi học cũng có những trường hợp như thế.

Một số sinh viên do mải buôn bán kiếm tiền không lo học nên bị đuổi. Ðuổi thì đuổi nhưng họ không về. Về làm gì khi bên nhà còn đói meo đói mốc cả ra. Thế là họ ra ngoài mướn phòng sống rồi tiếp tục buôn bán. Cũng chẳng có ai truy lùng bắt về nước cả vì tình hình xã hội Ba Lan lúc bấy giờ cũng đủ rối tung cả lên rồi. Chính quyền lo đối phó với các cuộc biểu tình của công nhân, nông dân còn chưa xong, thời gian đâu mà để ý đến tụi tôi.

PV: Các anh cứ lo buôn bán thế thì thời gian đâu mà lo việc học, rồi kiến thức ở đâu ra, làm sao tốt nghiệp?

NVT: Những sinh viên bị đuổi cũng ít thôi. Như tôi đã nói, bị đuổi học là cả một thảm họa. Bị đuổi về nước là một chuyện, ở lại thì phải ở lậu vì đâu có giấy tờ gì đâu. Sinh viên chúng tôi thực ra cũng phải học và cũng còn ham chơi. Buôn bán với chúng tôi chỉ để “cải thiện” thêm đời sống và phụ giúp gia đình ở Việt Nam thôi. Chúng tôi không chịu sức ép về cuộc sống gia đình như phải nuôi vợ con như những người nghiên cứu sinh.

Không chỉ riêng các nghiên cứu sinh tại Ba Lan mà hầu như ở các nước XHCN,một số đông mải buôn bán nên trễ nải thật sự về đề tài nghiên cứu khoa học. Họ có vợ, có con, họ đã sống trong thời kỳ đói khổ ở Việt Nam nên khi ra được nước ngoài họ quyết chí làm giàu. Ở Liên Xô, người ta mua chuộc giáo sư, mua giờ giảng, mua bằng cấp để có thời gian đi buôn. Hồi đó, các giáo sư đại học ở các nước Ðông Âu rất ngây thơ, họ thường bị các nghiên cứu sinh mua chuộc dễ dàng. Chính họ tạo ra một tầng lớp “trí thức rởm”, so với kiến thức học thu được thì cái bằng cấp họ nhận được chỉ là tờ giấy vô giá trị. “Tiến sĩ giấy” là danh từ chính xác nhất để đặt tên cho họ. Sinh viên chúng tôi không chỉ ở Ba Lan mà nói chung ở các nước XHCN rất xem thường những nghiên cứu sinh như thế.

(Còn tiếp)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=61399&z=१२४

No comments: