Wednesday, July 25, 2007

Thử phân tích những lí do đưa đến sự đàn áp người đòi hỏi dân chủ

Phong Uyên
Thử phân tích những lí do đưa đến sự đàn áp người đòi hỏi dân chủ

Không thể chối cãi được là từ Đại hội 10 cho tới khi gia nhập WTO và sau thắng lợi tổ chức thành công Hội nghị APEC, ý chí hội nhập quốc tế và hoà hợp dân tộc được biểu lộ trong nhiều lời tuyên bố của các nhân vật mới trong Bộ Chính trị. Vì hoà nhập toàn cầu đòi hỏi phải có tiến triển dân chủ, trong thời gian đó, có nhiều dấu hiệu cởi mở dân chủ đã được biểu hiện: những quyết định của Hội nghị Trung ương 4 tháo bỏ guồng máy lãnh đạo ra khỏi quản lý, hiệp thương sửa soạn bầu cử Quốc hội cho phép tự ứng cử và dành một số ghế cho những người ngoài Đảng, quyết định giảm thiểu các bộ môn chính trị trên đại học trong ý định tháo gỡ sự chi phối của hệ tư tưởng... Trước những sự kiện đó, những kẻ hoài nghi nhất cũng bắt đầu có những tư tưởng lạc quan là các nhân vật được coi là tiến bộ trong Đảng đã thật sự làm chủ được tình thế, tiến tới chủ đích dùng diễn tiến dân chủ để hoà hợp dân tộc, lôi kéo đồng bào hải ngoại, dùng sức mạnh này thúc đẩy tiến bộ kinh tế ngõ hầu bắt kịp các nước trong khu vực như Đại Hàn, Đài Loan và nhất là thoát khỏi sự bắt bí của Trung Quốc.

Đột nhiên, chỉ như ngày trước ngày sau, mọi dấu hiệu cởi mở kể trên gần như tan thành mây khói. Điều làm thất vọng hơn hết là bất thần có sự đàn áp những người đòi hỏi dân chủ trong nước. Những người này thuộc về những thành phần tương đối trẻ, sinh trưởng trong lòng chế độ, chỉ chống đối ôn hoà qua những phương tiện truyền thông hiện đại, cho tới nay vẫn được dung thứ. Lí do nào đưa tới sự đàn áp đó? Muốn hiểu cần phải hết sức khách quan phân tích mọi sự kiện đã xẩy ra trong một hai tháng gần đây:

Hai sự kiện báo hiệu tiến triển dân chủ đã bị khựng lại:


Hội thảo bàn về các bộ môn chính trị dạy ở bậc đại học ngày 23-3 đã nhất trí đưa ra những đề xuất giảm cả thời lẫn lượng những môn này. Phải đợi tới một tháng sau, ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, được coi là người tiến bộ, mới ra quyết định chỉ nói về tích hợp các bộ môn này. Có sự phản công của những người trong ban Tư tưởng như tôi đã nói trong bài "Từ các môn học chính trị tới... liệt sĩ Ngô Kha"?
( vao day: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9921&rb=0206 )

Khi hiệp thương bầu cử Quốc hội, có đưa ra số hơn hai trăm người tự ứng cử và một tỉ số khá cao những người ngoài Đảng sẽ được đề cử. Kết quả sau cuộc bầu cử, chỉ có một người duy nhất trúng cử trong số ba mươi người được phép tự ứng cử. Còn số người gọi là "ngoài Đảng" trúng cử, không tới 10% .


Sự kiện vào trung tuần tháng 5, chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đột nhiên sang Trung Quốc: lí do nào thúc đẩy ông Nguyễn Minh Triết đang rầm rộ sửa soạn đi Mỹ lại phải gấp rút sang Tàu như vậy?


Sự kiện ban đầu chỉ có lệnh quản thúc và cô lập linh mục Nguyễn Văn Lý. Theo lệnh ai, quản thúc bị đổi thành cầm tù?


Sự kiện từ khi tạm giam những bị cáo cho tới khi đưa ra toà sử, thời gian bị rút lại rất ngắn, giống như "cưới chạy tang".


Sự kiện kín tiếng của ông tướng công an Lê Hồng Anh, nhân vật thứ hai trong Bộ Chính trị. Ông này giữ vai trò nào mà tuyệt nhiên không bao giờ thấy nói tới?

Trước những sự kiện này có ba giả thuyết:


Giả thuyết thứ nhất: Áp lực của Trung Quốc

Như từ trước tới nay, Việt Nam nằm ở thế giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ:

Đối với Trung Quốc, Việt Nam không thể có một thể chế chính trị khác với Trung Quốc được. Lẽ tất nhiên là Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tương lai cũng sẽ biến đổi. Vẫn là độc đảng nhưng dùng động lực "Đảng nội dân chủ" để đi đến "Độc đảng lưỡng phái", như tôi đã nói trong bài "Cởi mở dân chủ nếu có...", tất nhiên Việt Nam cũng bị bắt buộc phải theo cái đường lối đó trong tương lai. Nhưng không được đi trước, cũng không được đi cùng mà phải đi sau năm-mười năm, như "Đổi mới" phải đi sau chính sách "Mở cửa" của Đặng Tiểu Bình. Đối với Trung Quốc, từ Đại hội 10, nhất là sau APEC, Việt Nam đã đi quá nhanh (theo chuyên gia Đức, ông Gerhard Will tuyên bố với báo Tuổi Trẻ) và, tệ hơn nữa, có vẻ chịu sức ép của Mỹ về đòi hỏi dân chủ khi dung túng nhóm 8406, bị coi là mầm mống đa đảng có thể đưa đến thể chế "Xã hội Dân chủ", làm gương xấu cho người Trung Quốc. Cũng vì vậy mà ông Nguyễn Minh Triết cần phải tranh thủ thời gian, cấp tốc qua "trấn an" Trung Quốc và công an được lệnh bắt những người cầm đầu các nhóm để cho Trung Quốc yên lòng.

Còn đối với Mỹ, cần phân biệt chính quyền và công luận. Chính quyền Mỹ có thể "hiểu" vì vấn đề chiến lược và vì quyền lợi kinh tế, có thể nhắm mắt trong một thời gian và suy luận là, một khi kinh tế khá giả, dân trí lên cao, dân chủ kiểu phương Tây sẽ tự động nẩy nở như ở Đại Hàn, ở Đài Loan. Chỉ cần giảng giải cho Thứ trưởng ngoại giao Christopher Hill hiểu và cử thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng qua Mỹ nói sự tình, chính quyền Mỹ đâu có quá câu nệ. Trái lại, công luận Mỹ cũng như Tây phương và người Việt hải ngoại, không thể chấp nhận vì lí do này hay khác chà đạp lên nhân quyền và những đòi hỏi dân chủ được. Dưới áp lực của công luận và Đảng đối lập, Bush bắt buộc phải đòi hỏi chính quyền Hà Nội mau chóng tỏ thiện chí là trả tự do cho những người đòi hỏi dân chủ, bắt đầu bằng Nguyễn Vũ Bình như đã hứa từ trước.

Giả thuyết "Áp lực Trung Quốc" chỉ có thể được chứng minh nếu từ nay hay ngay sau khi ông Nguyễn Minh Triết qua Mỹ, một hay nhiều trong số những người bị giam cầm được thả.


Giả thuyết thứ hai: Hai mặt của Janus

Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có truyền thống phái này nới để phái kia thắt. Ông Võ Văn Kiệt dùng những từ mỹ miều là "tả khuynh" và "hữu khuynh". Bởi vậy nhiều người có kinh nghiệm với cộng sản luôn luôn nghi ngờ mỗi khi Đảng đưa ra một đường lối có vẻ cởi mở. Những người này coi đó chỉ là thủ đoạn "nhử mồi bẫy chim", biết chắc là chim tham mồi sẽ bị sập bẫy. Kinh nghiệm Nhân văn Giai phẩm vẫn còn đó. Dung túng trong một thời gian Khối 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân, để rồi "sập bẫy" bắt cả cụm, cũng nằm trong thủ đoạn đó.


Giả thuyết thứ ba: đàn áp chỉ là thủ đoạn phá bĩnh của phe Bảo thủ

Như tôi đã có dịp nói trong bài "Bảo thủ, Đổi mới, bên tám lạng bên nửa cân", phe Bảo thủ không thể để diễn tiến dân chủ, cũng được gọi là Diễn biến hoà bình, mỗi ngày một tiến triển. Không phải vì muốn bảo vệ lí tưởng cộng sản mà chỉ vì muốn bảo vệ quyền và lợi. Những người bảo thủ nằm trong guồng máy "lãnh đạo" sẽ bị "giải quyết chồng chéo" sau Hội nghị Trung ương 4, bị tước bỏ quyền hành lần lần. Những người thuộc ban Tư tưởng, với phương tiện truyền thông hiện đại, đã mất quyền sinh sát trên lãnh vực văn hoá báo chí, chỉ còn thao túng giáo dục qua các bộ môn chính trị, cũng sẽ bị quyết định "giảm thời và lượng các bộ môn chính trị ở bậc đại học" loại đi dần dần. Chỉ còn lại lực lượng nòng cốt nằm trong công an là phe Bảo thủ có thể dùng được. Nhưng dùng trong trường hợp nào và với lí lẽ nào? Đó là điều cần phải hiểu:

Lẽ tất nhiên là trong trường hợp chế độ bị đe doạ như có nổi loạn hay âm mưu nổi loạn, công an và ngay cả quân đội sẽ ra tay. Những người bị bắt không nằm trong trường hợp này. Công an chỉ viện ra lí do để buộc tội là đòi đa đảng là vi phạm luật pháp, phạm điều 4 Hiến pháp chỉ chấp nhận một đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng trong điều 4 Hiến pháp không có một dòng chữ nào cấm đa đảng. Nếu đòi đa đảng mà không đòi "lãnh đạo" thì không thể nào nói là phạm điều 4 Hiến pháp được. Lí do viện ra hoàn toàn là viển vông nếu không nói là ngang chướng.

Ngoài ra, những người bị kết tội đa số thuộc về thành phần trẻ, sinh trưởng trong lòng chế độ, thiếu kinh nghiệm đấu tranh. Đa số những người này không được người dân trong nước biết đến nếu không qua Internet. Những bậc lão thành có tiếng như Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà lại không bị đụng tới.

Có người nói đó là một sự tính toán rất lô gíc: Những phần tử thuộc về giới trẻ từ trước tới nay chỉ biết có chế độ cộng sản mà đòi đa đảng là có ý lật bỏ chế độ trong tương lai. Cần phải triệt ngay từ trong trứng để ngăn ngừa lan truyền ra giới trẻ, chiếm hai phần ba dân số. Những người như Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà trong quá khứ đã là những nhân vật chủ chốt trong chế độ nên thực tế hơn, chỉ đòi hỏi cải tiến chế độ. Vả lại, đã quá già rồi, chỉ cần cô lập.

Tôi chắc là những người bảo thủ không đến nỗi thiển cận như vậy vì dư biết là giới trẻ tuy chán ghét chế độ nhưng khó mà nghe ai hợp thành một tổ chức để chống đối. Không cứ gì giới trẻ, mọi tầng lớp nhân dân đều khát khao hưởng thụ, lo chạy theo đời sống vật chất, lo vật lộn với nhu cầu, lo thoát khỏi nanh vuốt của cường hào ác bá, của tham nhũng, hoàn toàn thờ ơ và không dám đụng tới chính trị, coi đó là chuyện riêng của Đảng, "của các ổng". Còn những người trẻ đã dấn thân tranh đấu, sẽ không vì ở tù mà nhụt khí mà còn cho đó là cơ hội để tạo uy thế, gây tiếng tăm cho mình sau này.

Quyết định đàn áp nằm trong ẩn ý sâu độc hơn nhiều:

Phe Bảo thủ cần phải phá cho bằng được chuyến công du đi Mỹ của ông Nguyễn Minh Triết. Vì cho là chuyến đi này, nếu thành công, sẽ là một bước đi đáng kể trên con đường "diễn biến hoà bình". Khí cụ kiến hiệu nhất để phá là đụng tới nhân quyền để gây phản ứng trong công luận Mỹ, trong giới chính trị Mỹ, khiến Bush không thể tiếp ông Nguyễn Minh Triết được và chính sách hoà hợp dân tộc nhằm vào người Việt hải ngoại không thể thực hiện được. Tin tức mới nhất cho biết chuyến đi Mỹ của ông Triết sẽ được thực hiện như trong dự trù. Con bài "công an" của phe Bảo thủ đưa ra có vẻ không cứu vãn nổi ván bài mà phe Bảo thủ đang cố gỡ.

Suy đi tính lại cho tới giờ phút này, tôi vẫn không biết trong ba giả thuyết, giả thuyết nào gần sự thật nhất. Có lẽ cả ba. Sự thật của Đảng Cộng sản Việt Nam không những phũ phàng mà còn mơ hồ nữa.

© 2007 talawas

No comments: