Bao giờ Hà Nội biết xin lỗi?
Nguyễn Văn Trần
Người Pháp có tiếng là người “xin lỗi” nhiều nhất và dễ dàng nhất. Một cách tự nhiên như họ thở mà không cần ý thức. Thậm chí, khi họ vì vô ý đi xô vào cột đèn, cũng vội vàng xin lỗi “ông bà cột đèn” rồi mới đi nữa. Vì vậy, có khi tiếng “xin lỗi” bị lạm dụng một cách thái quá nên đã làm mất đi ý nghĩa nghiêm chỉnh của nó là biểu lộ một thái độ, một cung cách lịch sự.
“Xin lỗi” không phải để chuộc lỗi, làm cho lỗi lầm vi phạm sẽ mất đi, mà “xin lỗi” là để phân biệt giữa điều sai trái, lỗi lầm và sự đúng đắn, lẽ phải. Khi biết tỏ ra tôn trọng Thiên đàng thì phải lấy Địa ngục làm tiêu chuẩn qui chiếu. “Xin lỗi” chỉ để xác định giá trị của lẽ phải. Đó là cách ứng xử trong giao tiếp của những người văn minh.
Nhưng ngày nay, vẫn còn một vài nước mà nhà cầm quyền không biết “xin lỗi”. Phải chăng ở đó không có nền “văn minh xin lỗỉ”? Hay vì con người vẫn còn sống trong một thời đại chưa có gì lấy làm chắc chắn? Một giai đoạn mà tương lai chưa định hình, viễn tưởng còn mờ mịt, chân trời hãy còn sương mù dày đặc? Nên phải trái, đạo đức và tội ác chưa được phân ngôi?
Thời đại “xin lỗi”
Thế giới ngày nay đang sống trong nền văn minh “xin lỗỉ”. Không biết nói lời “xin lỗi” đồng nghĩa với thiếu văn minh. Một dân tộc thiếu văn minh thì chỗ đứng của dân tộc ấy là ở bên lề của cộng đồng thế giới.
Ở Tây phương, khi một khủng hoảng xã hội, hoặc một vấn đề tai tiếng như lạm quyền, tham nhũng, vi phạm đạo đức xã hội xảy ra, thì lập tức những người trong bộ máy cầm quyền lên tiếng “xin lỗi”, “hối hận”, “lấy làm tiếc” và rất nhiều trường hợp tự xin từ chức. Những tiếng xin lỗi công khai chánh thức như vậy làm nảy sanh những hi vọng cho mọi người. Nạn nhân của những vi phạm, sai trái thường đòi hỏi không chỉ công lý phải được tôn trọng, mà họ còn đòi hỏi người làm lỗi phải biết sám hối nữa. Và các nhà báo liên hệ cũng đính chính và xin lỗi về những thông tin sai lạc của mình đã loan tải.
Điều này cũng hãy còn mới lạ đối với chính giới Tây phương. Thật thế. Trước kia, khi những điều không hay xảy ra, những nhân vật chính giới thường có thói quen giấu diếm. Như lẽ ra họ phải nói thật điều họ nghĩ, họ phải đánh giá đúng sự việc mà dư luận qui cho họ trách nhiệm, thì họ lại tìm cách đính chính: “Chuyện đó đâu có”. Về sau, khi thấy không có thể đính chính được nữa, thì họ tìm cách làm giảm tầm quan trọng của sự việc: “Phải, chuyện đó có xảy ra, nhưng nào phải nghiêm trọng như mọi người tưởng”. Về sau nữa, khi tầm quan trọng đã quá hiển nhiên, thì họ phải thừa nhận: “Đúng việc đó đã xảy ra và nghiêm trọng thật. Nhưng chuyện đã qua rồi. Tại sao giờ đây lại còn khơi lại làm gì nữa?”.
Cách ứng xử theo phản ứng trên đây hãy còn khá phổ biến. Nhưng ở những nước dân chủ Tây phương,
những người cầm quyền đều tôn trọng và đề cao sự trong sáng. Song song, báo chí tự do và dư luận xã hội không để cho họ yên nếu họ cố tình hành xử không đúng mức, trốn tránh trách nhiệm.
Trước áp lực thế giới, vào cuối thập niên 90, chánh phủ Úc, người da trắng, mới chịu công khai « không chối cải » tội diệt chủng của họ đã gây ra đối với thổ dân nguyên là chủ nhơn thật sự của quốc đảo này trước khi người da trắng đến. Nhưng chánh phủ Úc vẫn tìm cách khước từ nhắc lại sự việc đen tối ấy vì cho rằng chỉ đè nặng thêm quá khứ.
Giáo hoàng Jhon Paul II, trong năm thánh 2000, đã xin lỗi người Ả Rập Hồi giáo trong những vụ chiến tranh xảy ra giữa hai tôn giáo. Lập tức, giáo hoàng Benedict XVI, lúc bấy giờ còn là Hồng y, lên tiếng phản ứng cho rằng “Giáo hội Vatican không bao giờ sai lầm”. Không có vấn đề xin lỗi! (Sau này, ở ngôi vị Giáo Hoàng, ông đã phải công khai lên tiếng “lấy làm tiếc” về những lời do ông phát biểu đụng chạm đến Hồi giáo).
Trong gần đây, ông Kwasniewski, khi là tổng thống Ba-lan (1995-2005) đã lên tiếng xin lỗi thay cho đồng bào của ông đã can dự trong một số vụ sát hại người Do thái trong thế chiến thứ 2.
Thật ra, những xin lỗi công khai, chánh thức không phải là cách đáp ứng phổ quát đối với những vụ “vi phạm chánh trị”. Người ta cho rằng “xin lỗi công khai, chính thức” chỉ là đặc thù văn-hóa chánh-trị Hoa Kỳ nhiều hơn.
Ông Tony Blair, Thủ tướng nước Anh, tỏ ra nhiệt thành với văn hóa nầy, một phần vì ông là người có tiếng là ngoan đạo, và mặt khác, ông muốn là người tiêu biểu cho đạo đức trong chính trị nước Anh ngày nay. Ông Blair là chính khách cùng thế hệ với Bill Clinton, Al Gore, G.Bush, và nhiều người khác nữa được đào tạo do cuộc cách mạng giáo dục của những năm 1960 ở Tây phương.
Đối với những nhà chánh trị nầy, điều quan trọng là sự biểu lộ những cảm xúc nhân ái trước những đau đớn của kẻ khác do sự sai trái, lỗi lầm của chánh quyền của họ gây ra. Ông Bush khi nhìn thấy những bức ảnh chụp người Iraq bị lính Mỹ tra tấn, đối xử thô bạo, đã cảm thấy đau đớn. Và đã thốt lên tiếng “lấy làm tiếc”!
Ở Pháp, vào cuối năm trước đây, chính phủ đã công khai nhìn nhận sự hư hỏng của nền tư pháp trong vụ án Outreau. Ngày 01/12/2006, Tòa phá án Paris tuyên bố trắng án cho 6 bị cáo cuối cùng, trong số 13 trên 17 bị cáo được trắng án. Tất cả đều bị tạm giam giữ kéo dài, có người đến hơn 3 năm. Có người đã chết trong tù. Liền một giờ sau, Tổng trưởng tư pháp tuyên bố: “hứa tìm những lỗi lầm và thiếu sót nghiệp vụ”.
Thi hành lệnh của tổng thống, ông long trọng xin lỗi những người bị án oan và gia đình do sự thiếu nghiêm túc của cơ quan tư pháp, vừa công bố sự cảm súc của chánh phủ trước những gia đình tan nát vì sự sai trái lớn lao nầy .
Tiếp theo, ông De Villepin, Thủ tướng chánh phủ, sẽ tiếp kiến nạn nhân và gia đình để một lần nữa chánh phủ long trọng xin lỗi.
Nhận lỗi và sửa sai không chỉ bằng những lời công khai xin lỗi, chánh thức, những cuộc tiếp kiến long trọng, mà chính phủ bồi thường những thiệt hại về vật chất cho gia đình nạn nhân: 120.000 euros cho mỗi nạn nhân, thêm 4.000 euros cho mỗi tháng bị giam.
Dù có sửa sai về mặt danh dự và thiệt hại về quyền lợi vật chất cho nạn nhân, vụ án Outreau vẫn biểu hiện một vết đen to lớn cho ngành tư pháp của một nước có truyền thống lâu đời về dân chủ và nhơn quyền như nước Pháp.
Cai trị độc tài và sự dễ dạy của dân chúng
“đảng không bao giờ sai lầm”
Nguồn: i2.photobucket.com
--------------------------------------------------------------------------------
Người cộng sản Hà Nội vẫn thường nói lấy được rằng “đảng không bao giờ sai lầm”, chỉ có cán bộ thừa hành sai lầm mà thôi!
Theo biện chứng, chính trị là nhằm dạt mục tiêu. Mà mục tiêu thì phụ thuộc vào quyền lợi của đảng theo một thời điểm nhất định. Chấp hành sự lãnh đạo của đảng để đạt mục tiêu, đó là đạo-đức cách mạng. Như vậy đảng không bao giờ có sai lầm nên không có vấn đề “xin lỗi”.
Staline cũng như Hồ Chí Minh giải thích rõ về những điều mà chúng ta quen gọi đó là sai trái: “Muốn uốn một cái que cong thành ngay, phải bẻ cong cái que qua phía bên kia thái quá đi một chút rồi buông ra thì cái que sẽ ngay thẳng”. “Thái quá” là cần thiết để có cái que ngay. (Vì sự cần thiết này mà trong hơn 70 năm cầm quyền, cộng sản đã sát hại hơn 100 triệu nhân dân dưới chế độ của họ). Vì chỉ nhằm mục tiêu mà người cộng sản không thấy sự đổ nát, chết chóc, do “thái quá” gây ra là sai trái, hư hỏng nên không có vấn đề xin lỗi. Từ đó, phải nói là cộng sản không có văn hóa. Cho nên văn minh xin lỗi phải vắng bóng trong các chế độ cộng sản!
Đảng cộng sản và nhà nước Hà Nội không biết nói lời xin lỗi về những tội lỗi đối với nhân dân Việt Nam do họ gây ra, nhưng về phía nhân dân, cũng chưa xuất hiện một phong trào quần chúng mạnh mẽ đứng lên đòi hỏi công lý.
Người ta cho rằng người Việt Nam, cả những dân tộc khác ở Á châu nói chung, có truyền thống dễ dạy, dễ bảo, đến độ vui vẻ chấp nhận sự an phận. Người phương Tây cho đó là kết quả của nền giáo dục theo Khổng giáo. Sự ngoan ngoản , lễ phép, trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ, anh chị, họ hàng dẫn đến sự kính trọng tuân phục răm rắp người cầm quyền, hoặc thái độ ứng xử thường tìm cách thích nghi với mọi biến chuyển xã hội. (Nhưng ông Khổng dạy “vâng lời” thì liền đó, ổng dạy thêm “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con = Quân quân, thần thần, …).
Ở Tàu, vụ đàn áp đẩm máu ở Thiên An Môn vào mùa xuân năm 1989, ở Nam Hàn, vụ đàn áp ở Kwangju năm 1980, rồi cả hai vụ cũng được mọi người bỏ qua và quên đi.
Hai vụ thảm sát này đều xảy ra dưới hai chế độ cùng độc tài, tuy có khác về cơ bản, được xử lý cũng không giống nhau.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh không đưa ra lời xin lỗi nhân dân về vụ Thiên An Môn. Trái lại, ở Nam Hàn, sự thật ở Kwangju chỉ mới được chính quyền nhìn nhận từ khi chế độ ở Hán Thành được dân chủ hóa năm 1982. Các tướng làm đảo chánh, Chun Tohwan và Roh Tae woo, đã ban hành thiết quân lực vào lúc vụ thảm sát xảy ra, sau đó họ lần lượt đều trở thành tổng thống, đã bị đưa ra tòa án xét xử vào năm 1986 với những bản án rất nặng, về tội tham nhũng, hối lộ, và về trách nhiệm trong vụ thảm sát Kwangju.
Người Nam Hàn nói nhân dân Nam Hàn không quên tội ác do nhà cầm quyền gây ra, nhưng họ phải biết nhẫn nại vì quyền lợi của đất nước mà thôi.
Ở Đài Loan, khi Tưởng giới thạch chạy ra đảo, lập chính quyền cai trị, thì người Đài Loan nổi lên chống lại sự đô hộ. Một cuộc thảm sát dân bản xứ đã làm thiệt mạng đến 30.000 người. Tội ác nầy được giữ im lặng đến năm 1992, chánh quyền Lý Tăng Hụi mới mở lại hồ sơ đen nầy để phục hồi tính chính thống cho chế độ.
Năm 1977, Đặng Tiểu Bình để ra gần một năm để bạch hóa vụ thảm sát sau triều đại Mao Trạch Đông và lên án vụ đàn áp ấy là đẫm máu. Nhưng đây, thực chất, chỉ là một thủ đoạn chánh trị để nâng cao uy tín cầm quyền của Đặng mà thôi.
Đặng Tiểu Bình đã thanh thỏa trách nhiệm của chế độ trong ba thập niên đã làm cho nước Tàu hủy hoại hàng nhiều chục triệu sinh mạng bởi những cuộc hành quyết, bạo hành nhà nước, nạn đói và bạo loạn có tổ chức do trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp.
Những vụ tàn sát to lớn ở Trung Quốc đã không được nhắc đến, không được đưa ra ánh sáng nếu nói đó là do tinh thần thuần phục chính quyền theo giáo dục Khổng giáo, thì vụ Tây tạng bị thôn tính năm 1950, bị đàn áp đẫm máu khi họ nổi lên chống lại trong năm 1959 và làm cho Đức Dalai Lama phải lưu vong qua Ấn Độ, lại cũng không được dân Tàu lương thiện và thế giới lúc bấy giờ lên tiếng bênh vực lẽ phải?
Học trò nhỏ của đảng cộng sản Tàu - đảng cộng sản Hà Nội, tỏ ra rất thuộc bài nên cho đến ngày nay. Hà Nội chưa hề biết mở lời xin lỗi về những tội ác do đảng gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Khác với thực dân Pháp ngày trước, giặc Pháp là ngoại bang gây nên tội ác với nhân dân Việt Nam, c2n đảng cộng sản Việt Nam tàn sát chính đồng bào của mình.
Từ vụ cải cách ruộng đất ở miền bắc năm 1953, vụ cải tạo công thương nghiệp, vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ xét lại chống đảng, Hà Nội đã giết hại hàng triệu nhân mạng một cách oan uổng, gia đình tan nát, tài sản, sự nghiệp tiêu tan… Vụ thảm sát Mậu thân ở Huế 1968, hàng ngàn người bị giết hại. Sau 30/04/75, bằng chính sách đưa tất cả những người liên quan đến chế độ Sài Gòn, dù chỉ là những nhân viên hành chính, dân sự, đi học tập cải tạo, kinh tế mới, rồi đánh tư sản mại bản, bán bãi thu vàng, đảng cộng sản Hà nội tiếp tục giết hại hàng triệu sinh mạng nhân dân vô tội của miền Nam chỉ nhằm thực hiện chuyên chính vô sản.
Ngày nay, sau 32 năm cai trị cả nước, Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo, những người có chính kiến khác, cướp giựt ruộng đất, trấn lột tài sản, nhà cửa của nhân dân, rút ruột công quỹ cho vào túi riêng…
Bất mãn cùng cực, dân chúng hàng nhiều trăm người tập hợp lại ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) để kêu oan. Ngày nay, hàng ngàn người từ các tỉnh kéo về Sài Gòn, trước trụ sở Quốc Hội 2, để khiếu nại những oan khiên và ở luôn tại đó để chờ đợi giải quyết, bị công an đến giải tán thô bạo.
Trên khắp cả nước, từ Hà Nội đến Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mâu, ... ở đâu cũng nghe những tiếng kêu oan về nhà đất, ruộng vườn, hoặc bị cướp đoạt ngang ngược, hoặc bị tịch thu, trưng thu mà khoản bồi thường quá thấp so với giá chánh thức. Thậm chí, chùa chiền thuộc hệ thống nhà nước cũng bị tịch thu để chiếm đất. Tu sĩ bị đuổi ra khỏi chùa.
Trước những cảnh đàn áp, trù dập nhân dân như vậy, đảng cộng sản vẫn không có một lời xin lỗi nhân dân vì đảng vẫn cho rằng “đảng không bao giờ sai trái”?
Bao giờ Hà nội biết xin lỗi?
Ở Trung Quốc và Việt Nam, vì cùng một thể chế độc tài đảng trị, nên điều hiển nhiên là giữa nhà cầm quyền và nhân dân, có một khoảng cách rộng lớn. Trong khoảng cách đó, nhân dân trở thành kẻ thù của nhà cầm quyền. Khoảng cách này hoàn toàn không do tính đặc thù văn hóa Á châu tạo ra, mà do bản chất chế độ độc tài toàn trị tạo ra. Những người trẻ tuổi của Trung Quốc và Việt nam ngày nay, nhờ có mặt ở các nước dân chủ Tây phương, đã bắt đầu nhìn thấy đặc tính mối quan hệ thật sự, tự nhiên, giữa chính quyền và dân chúng phải như thế nào để đất nước có được sự hợp tác hài hòa giữa toàn dân và nhà nước, do đó - mới thật sự là đại biểu chủ quyền quốc gia.
Đối với thế hệ lớn lên trong môi trường giáo dục và văn hóa biết cải thiện thân phận con người, biết tôn trọng nhân phẩm con người, thì khi ta thốt lên lời “xin lỗi”, trước nhất, là để cho người xin lỗi cảm thấy chính mình được dễ chịu, được nhẹ nhõm, được thanh thản tâm hồn. Nạn nhân đồng thời, cũng được cảm nhận một sự dễ chịu tương tợ.
Xin lỗi là giúp người biết xin lỗi lần lược đạt được ba mục tiêu, trên ba tầng khác nhau: xin lỗi là để tỏ ra mình là người lương thiện, biết làm điều lương thiện, và tự cảm thấy tâm hồn an lạc.
Trong giáo dục, người ta dạy trẻ con xin lỗi bằng cách người dạy thường dùng tiếng xin lỗi với trẻ con để nhằm hai mục tiêu : thừa nhận sự có lỗi và giãi tỏa lỗi lầm ở người làm lỗi.
Thế tại sao ở Việt nam, người dân vẫn chưa nghe được tiếng xin lỗi của đảng cộng sản và nhà nước? Phải chăng vì đó là những người lúc nhỏ đã không đi học, lớn lên làm cộng sản cướp chính quyền và cầm quyền nên vẫn chưa học được tiếng xin lỗi như những trẻ con ở các nước văn minh phương Tây?
Cho nên, có lẽ ở Việt nam, nhà cầm quyền sẽ biết xin lỗi chỉ khi nào chế độ Hà Nội hiện tại được chuyển hóa dân chủ như trường hợp Hàn quốc ngày nay mà thôi! Mà muốn chuyển hóa dân chủ thì Hà Nội phải sớm tách mình ra khỏi tình trạng lệ thuộc Tung Quốc và long trọng xin lỗi trước toàn dân về những tội ác đã làm .
Một chính quyền biết nói tiếng xin lỗi với nhân dân mới đúng là chính quyền của dân và vì dân!
© DCVOnline
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3614
Monday, July 16, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment