Friday, July 20, 2007

Sự thật trong một đêm đen

Sự thật trong một đêm đen

DCVOnline

DCVOnline: Như chúng ta đã biết, công an cộng sản Việt Nam đã thực hiện giải tán cuộc biểu tình của bà con nông dân bằng bao lực trong đêm ngày 18 tháng 7 năm 2007 (theo giờ Việt Nam).

Cũng như nhiều cơ quan truyền thông khác, DCVOnline đã cố gắng chuyển thông tin nhanh nhất đến bạn đọc và dư luận thế giới.

Báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin về vụ đàn áp này. Các tổ chức xã hội và chính trị trong và ngoài nước đã gửi thư nêu rõ diễn biến sự việc tới nhiều chính phủ, các cơ quan và tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Các nguồn tin đưa không giống nhau nhưng đều nêu ra vấn đề nhà cầm quyền Hà Nội dùng bạo lực đàn áp người biểu tình là hoàn toàn có cơ sở.

Khác hẳn với báo chí trong nước, suốt hơn 3 tuần im thin thít không dám đưa tin về cuộc biểu tình, đến lúc bà con bị đàn áp thì a dua với bạo quyền, cố tình nói sai sự thật, ví dụ báo Thanh Niên, (19/07/2007) nói rằng,
( http://www4.thanhnien.com.vn/Xahoi/2007/7/19/201430.tno )
“Hơn 500 người dân từ các tỉnh đến khiếu kiện đã lên xe trở về địa phương, theo lời vận động của các ban ngành đoàn thể…

Từ khoảng 23 giờ, hàng trăm người dân cùng cán bộ đoàn thể của TP.HCM và các tỉnh đã có mặt quanh khu vực ngã 3 Hồ Văn Huê – Hoàng Văn Thụ. Lực lượng công an cũng đã có mặt, nhưng chỉ làm công tác bảo vệ an ninh trật tự vòng ngoài. Tiếp cận người đi khiếu kiện là những cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc, đoàn thể và người dân tình nguyện, vừa vận động vừa phụ giúp bà con mang đồ đạc ra xe ô tô của các địa phương bố trí sẵn để về lại địa phương chờ giải quyết khiếu nại. Việc vận động diễn ra trong khoảng chưa đến 1 giờ đồng hồ, toàn bộ hơn 500 người đi khiếu kiện đã đồng ý lên xe trở về địa phương và không xảy ra một sự cố đáng tiếc nào…”


Sự thật ra sao? Chúng ta hãy nghe một nhân chứng thuật lại những điều xảy ra trong cái đêm đen tối này của lịch sử Việt Nam – chị Lư Thị Thu Trang – qua buổi phỏng vấn của đài RFI (Radio France Internationale) trong buổi phát ngày 19/07/2007.

Em của chị Trang là Lư Thị Thu Duyên bị bắt giam trong đêm 18/07/2007 và chị Lư Thị Thu Trang trả lời RFI trước trụ sở Công an Phú Nhuận, Sài Gòn, trong lúc chầu chực chờ tin của em gái mình.

DCVOnline ghi âm lại cuộc phỏng vấn này và biên tập qua văn viết.


Việt Nam hôm nay
Nguồn: DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

Khi em tới hiện trường từ lúc 11 giờ 30 đêm, thì thấy có 8 xe cứu thương chạy ra, khoảng 00.00 giờ thì có 6 xe, đến lúc kết thúc thì có thêm 2 xe nữa…

Em nói anh nghe, nếu không đàn áp, không đổ máu thì đã không có xe cứu thương. Với sự chứng kiến của mình, em khẳng định chắc chắn 100% có sử dụng bạo lực, bởi vì một thanh niên người tỉnh Lâm Đồng bị đánh bể đầu, khi anh ta kháng cự lại, cương quyết không về. Còn chị Hiền ở Quy Nhơn bị đánh xỉu và phải cho xe cứu thương chở đi. Hiện nay không ai biết chị Hiền đang ở đâu. Ở Đồng Nai thì có chị Du, cũng bị đánh xỉu, họ định đưa lên xe cứu thương, nhưng bà con Đồng Nai đi cùng chị đã ngăn lại, không cho họ quăng chị lên xe...

Em đang ở trước trụ sở Công An Phú Nhuận vì cô em là Duyên đang bị giam giữ trong này. Từ hôm qua đến nay em chưa hề được gặp mặt em Duyên. Họ cách ly không cho mình gặp mặt cũng như tiếp tế đồ ăn, nước uống gì hết. Em túc trực từ sáng để chờ gặp mặt em mình.

Dân khiếu kiện tới thời điểm hôm qua (18/07/2007 – DCV) còn khoảng hơn 1.000 người. Có những người lên xe ra về, một số người già được hứa giải quyết, con số này giao động em không thể tính được, vì những người thuộc chính quyền lên vận động rất đông. Anh hãy tưởng tượng, với số người dân khiếu kiện khoảng 1.000 người, điểm danh hàng ngày, mà số người của chính quyền đổ xuống đất gấp 3, 4 lần thì không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nữa. Nhưng người dân khiếu kiện nhất quyết không về. Thậm chí người ta dụ dỗ rằng, chỉ cần băng qua đường gặp mặt nói chuyện với cán bộ địa phương thôi, rồi không về cũng được. Hai ba người kéo một qua bên kia đường để dụ dỗ, nhưng rồi dân quay lại, nhất định không đi.

Qua việc dụ dỗ này, hầu hết người dân vẫn tiếp tục trụ lại như cũ, cũng có một số người nhẹ dạ ra về.

Em biết chắc chắn lực lượng đàn áp ngày hôm qua rất đông. Họ huy động lực lượng các tỉnh, thành có dân khiếu kiện lên đây để thúc bách dân về. Thành phố này thì huy động cảnh sát, công an. Đoàn xe cứu thương, trước đó em không biết, nhưng từ lúc em hiện diện tại khu vực thì có 8 xe. Còn xe để chở dân đi rất nhiều, phải trên dưới 100 xe. Các tỉnh cũng cho xe lên. Đủ các loại: xe chở khách, xe chở tù của công an, xe chở quân của công an, thậm chí có cả loại xe dùng để chở súc vật (loại xe tải có vải bạt bít bùng chở súc vật tới lò mổ).

Trong năm 2000 tụi em cũng đã bị đàn áp rồi. Lúc đó chỉ có 69 người thôi mà họ đổ ra mấy trăm quân, đàn áp những người phụ nữ. Còn lần này, để dẹp khoảng 1.000 người, họ phải huy động đến mấy ngàn quân. Đồng thời có cả quân cơ động trang bị đầy đủ vũ khí, súng ống, dùi cui, roi điện và có cả mũ chống khói, chống lựu đạn.

Họ đổ quân xuống đàn áp nhân dân mà khí thế như đổ quân ra trận. Những người qua đường đứng lại vì hiếu kỳ, khách quan mà còn thốt lên “sao dã man quá”!

Những người dân oan như em không thể nào nói hết để mọi người hiểu được hoàn cảnh em ra sao.

Bà con mình có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người bị lừa gạt, có người bị cướp đất, có người bị tước đoạt cả mồ mả như gia đình em. Có người không được đền bù thoả đáng hoặc trong gia tộc tranh giành nhau... Đa dạng, nhưng đại đa số những người này bị gạt ra ngoài đường, không còn nhà để nương náu, để sống được nữa, nên bắt buộc họ phải lên đây để kêu oan.

Họ không có quyền gì cả. Có luật pháp nhưng chính quyền không thi hành theo luật pháp. Họ chỉ làm theo cách thống trị của họ. Họ cho mình cái quyền là muốn xử dân sao thì xử.

Người dân không còn tin tưởng ở địa phương, không còn nơi kêu cứu nên họ phải lên đây, sống rất khổ cực trên lề đường.

Anh thấy như em còn trẻ (39 tuổi), người của thành phố (người ở thành phố khiếu nại có từ các quận 7, quận I, quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp như em) tới đây khiếu nại mà con thấy khổ. Huống chi, những người lớn tuổi, có bà cụ 86 tuổi, mà phải nằm ở lề đường, đêm dưới trời mưa, trên đất lạnh. Thậm chí có cả đứa bé chỉ 8 tháng tuổi cũng phải đi theo bà ngoại lên đây...

Có hoàn cảnh nào thương tâm như thế không! Tại sao nhà nước không giải quyết cho dân, cứu dân ra khỏi vòng tham nhũng mà lại đem quân đi đàn áp dân như vậy?

Gia đình em là gia đình cách mạng. Gia đình em, ngày xưa ông nội đã từng tham gia kháng chiến, sau 32 năm gọi là “giải phóng”, đất nước gọi là thống nhất rồi mà vẫn phải đi đòi lại tài sản của mình. Tới bây giờ vẫn chưa được.

Khi bắt đầu đòi thì nhà cửa đất đai còn, từ từ mất hết, thậm chí mồ mả, miếu thờ của gia tộc cũng không còn nữa vì đã bị san bằng lấy đất đem bán đi hết rồi.

Em là người dân còn chút đất để có ngôi nhà che nắng, che mưa, mà em cũng phải ra đường để đòi hỏi công bằng cho mình. Thì thử hỏi những người nông dân chân lấm, tay bùn, suốt cuộc đời gắn bó với đất đai, mà bây giờ không còn đất để sống, không còn nhà để ở, phải che bạt ở ngay trên quê hương xứ sở mình thì họ có phải lên thành phố để đòi công bằng hay không?

Tại sao không dùng sự công bằng để giải quyết cho họ mà phải dùng tới áp lực. Đứa em của em bị bắt giam...

Sống giữa thành phố văn minh, dân kêu oan đâu phải là tội phạm, chỉ có "tội" duy nhất là đi đòi lại tài sản của mình, thế mà bị đàn áp, giam cầm, không cho người thân gặp mặt…

Có cái xã hội nào bất công như vậy không?

© DCVOnline

nguon
***
Cuộc Trường Kỳ Khiếu Kiện Của Dân Oan Miền Tây !!!

No comments: