Monday, July 23, 2007

Nhược Điểm Của Độc Tài

Nhược Điểm Của Độc Tài

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trước khi các chế độ độc tài bị lật đổ, người ta chỉ nói đến sức đàn áp của bạo quyền. Thực ra, ách hung tàn nào cũng có nhược điểm mà người ta cần nhìn cho ra.

Mở đầu loạt bài về kỹ thuật biểu tình ("Biểu tình: Lòng dân là ý trời" - ngày 21 tháng Ba), ta tìm hiểu về huyền thoại ổn định và nhược điểm chung của các chế độ độc tài.

Các chế độ này thường có vẻ vững chãi, được truyên truyền ra bên ngoài thành ưu điểm "ổn định", dựa trên bộ máy tình báo, công an, quân đội, nhà tù, trại tập trung hay cả… tòa án. Tài nguyên của xứ sở do thiểu số thống trị trưng thu, vơ vét và phân phối cho nhau để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp ấy.

Người dân trong nước chỉ có một sự chọn lựa: hoặc là bọc theo chế độ, hành xử như con tin dễ bảo, để kiếm ăn trong vùng tiếp giáp giữa bộ máy thống trị với xã hội dân sinh ở vòng ngoài; hoặc là tỏ ý chống đối và bị trù giập, đàn áp, làm gia đình đói khổ, bản thân bị tù đầy.

Nhược điểm tinh thần - nhiều người gọi là sự khôn ngoan - là ít ai dám bước qua lằn ranh đề kháng. Nhược điểm lý luận - mà nhiều người còn cho là khôn ngoan hơn nữa - là nếu so sánh ách độc tài với xu hướng dân chủ, thì họ thấy dân chủ yếu thế, thiếu thống nhất và là một giải pháp thay thế đầy mơ hồ rủi ro. Vì hai nhược điểm ấy, việc chống đối mới gặp khó khăn và chế độ càng tin rằng giải pháp độc tài là hữu hiệu, nên khỏi cần thay đổi.

Sự thật có khi lại khác, nếu ta chịu khó tìm ra nhược điểm, thậm chí tử điểm - cái nhược điểm sinh tử của chế độ. Mọi cuộc vận động đối kháng để dẫn tới phong trào biểu tình đều phải khởi sự từ việc xác định tử điểm của ách độc tài. Lòng dân mong muốn tự do - chính nghĩa của đấu tranh - là một việc; tìm ra nhược điểm của độc tài là một việc khác. Nó thuộc về kỹ thuật, là bước đầu của việc huy động lòng người thành phong trào đối kháng.

Sau đây là một số nhược điểm chung của các chế độ độc tài, trong đó có nhiều nhược điểm đã thấy tại Việt Nam hoặc được chính những người trong chế độ nói ra:

1. Vì vai trò khống chế của ý thức hệ (xây dựng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn), một số biểu tượng thực ra đã lỗi thời, hết tác dụng và phơi bày tính khôi hài không tưởng của lãnh đạo. Hết viện dẫn Mác, Lê, Hà Nội lui về hình tượng và "tư tưởng Hồ Chí Minh" mà mất dần khả năng mê hoặc quần chúng.

2. Nhưng, vì bản chất độc tài, chế độ vẫn để ý thức hệ mê hoặc chính mình và thu hẹp tầm quyết định, lấy những quyết định u tối, hoặc không kịp nhìn ra vấn đề mới. Tình hình bên ngoài càng xoay chuyển, chế độ càng lúng túng và phạm sai lầm lớn hơn.

3. Vì bản chất chủ quan duy ý chí, chế độ độc tài luôn phải xoay chuyển chánh sách cho phù hợp với tình thế mới. Điều đó dẫn tới hai nhược điểm: 1) khả năng ứng phó chậm và giới hạn, 2) với nhiều mâu thuẫn mà bộ máy tuyên truyền không ém nhẹm được. Chế độ càng "ổn định", loại mâu thuẫn ấy càng phát tác, nhất là khi khung cảnh sinh hoạt có thay đổi - thí dụ như gia nhập WTO - cho tới khi chế độ thành bất lực và sụp đổ trên sức nặng của chính nó. Nhược điểm ấy giải thích vì sao các chế độ độc tài có thể sụp đổ bất ngờ, và nhanh hơn dự đoán của người ngoại cuộc.

4. Dù là hệ thống toàn trị hay một chế độ đang chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú" (tự do kinh tế bên dưới ách độc tài chính trị của một thiểu số ở trên), các chế độ độc tài đều cần đến sự hợp tác của nhiều thành phần xã hội, tổ chức, đoàn thể hay cơ chế. Thí dụ: bộ máy ngụy danh tư pháp cần đến sự phục tòng hay hợp tác của thẩm phán, luật sư; bộ máy tuyên truyền cần đến sự đớn hèn của báo chí. Trong các thành phần nghề nghiệp này, không thiếu gì người nhìn ra điều ấy và không vui, có khi còn thấy nhục. Chế độ càng mua chuộc hay răn đe, họ càng bất mãn. Họ có thể vô tình hay cố ý làm suy yếu bộ máy thống trị mà chế độ không biết, hoặc không kịp biết.

5. Loại chế độ chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú" đều bị quy luật "lấy thúng úp voi", thúng là hệ thống kiểm soát và voi là đời sống và thị trường. Chế độ gặp mâu thuẫn trong cách kiểm soát, thí dụ dễ thấy là kiểm soát thông tin và mạng lưới internet. Hệ thống này không chặt, thường xuyên bị "tràn ngập" chẳng phải vì các hoạt động đấu tranh dân chủ mà vì phản ứng kinh doanh, kiếm tiền của những người thiết lập ra website. Làm sao phân biệt loại "phi pháp mà vô hại" (văn nghệ, thể thao, giải trí, bài bạc) và loại "[i]phi pháp có hại" (diễn đàn dân chủ)? Khi hai loại này lại kết hợp, bộ máy kiểm soát phải bó tay.

6. Loại chế độ độc tài "phi cầm phi thú" phải mở ra cho các sinh hoạt dân sự, có khi để ru ngủ quần chúng, như thể thao, tân nhạc, trình diễn thời trang. Nhưng, thành phần tham gia các sinh hoạt này đa số là giới trẻ, có những khát khao mà lãnh đạo không thể hiểu được và nơi quy tụ của đám đông trong những sinh hoạt ấy có thể là cơ hội chống đối, xoay chuyển thành đối kháng có ý thức và tổ chức.

7. Vì những ưu tiên lệch lạc - thí dụ như bảo vệ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước - mà tài nguyên quốc dân dùng vào mục tiêu này sẽ không thể dùng cho mục tiêu khác và chế độ luôn luôn bị thiếu thốn khi có mục tiêu bất ngờ. Thiên tai thường tạo ra mục tiêu bất ngờ làm chế độ lúng túng và gây thêm bất mãn. Không phải ngẫu nhiên mà các chế độ độc tài thường sụp đổ sau một thiên tai lớn.

8. Vì ách độc tài ở trên, thuộc cấp ở dưới thường che giấu sự thật bằng báo cáo sai, thiếu chính xác hay chậm lụt. Chế độ độc tài có hệ thống lấy quyết định lệch lạc, phiến diện và kém chuẩn xác nhất. Khi hữu sự, chế độ phản ứng bằng kỷ luật gay gắt có khi oan uổng và gây bất mãn ngay trong nội bộ mà bên ngoài ít biết nên ít biết khai thác.

9. Bộ máy công quyền là công cụ cho chế độ nên hoạt động kém hiệu năng, là ổ tham nhũng và bè phái. Bộ máy này thường xuyên mâu thuẫn với nhau - về chánh sách thì ít mà về quyền lợi thì nhiều - và không phục vụ lãnh đạo được như ý. Từ đó, lãnh đạo hay các phe nhóm trong lãnh đạo phải lập riêng bộ máy phục vụ song hành để kiểm soát và khống chế lẫn nhau. Mâu thuẫn nội bộ vì vậy thường xảy ra và trầm trọng hơn là mọi dự đoán ở bên ngoài. Vụ Tổng cục 2 tại Hà Nội là một thí dụ.

10. Trong khi quần chúng an phận bên dưới thì thấy chán chường và trở thành ù lì thì tầng lớp sinh viên, chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ lại thấy bất ổn, hoang mang và bất mãn vì hai hiện tượng: 1) sự mù lòa của lãnh đạo trước những vấn đề mới và 2) phản ứng đàn áp hay kiểm soát của lãnh đạo khi bị các vấn đề mới này đe dọa. Vì lý do ấy mà thành phần chuyên viên trí thức, sinh viên và học sinh hay đi bước đầu trong phong trào phản đối.

11. Vì chánh sách phát triển lệch lạc và thực chất là bất công, dị biệt về giàu nghèo, về quyền lợi, văn hóa, hay chủng tộc thường bị đào sâu và gây mầm mống bất ổn mà chế độ không biết, hoặc không được báo cáo trung thực. Khi biết thì đã quá trễ vì khủng hoảng đã bất ngờ bùng nổ.

12. Vì lề lối cai trị độc đoán và bí mật, việc thăng thưởng hay kỷ luật thường không được công khai hóa và xảy ra với nhịp độ cao, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Mà đa số những thay đổi thường xảy ra sau những vụ tai tiếng không che giấu nổi. Chế độ chứng tỏ sự bất lực của mình qua hệ thống đề bạt hay kỷ luật mờ ám đó.

13. Bên dưới hệ thống cai trị tưởng như tinh vi và thuần nhất, nhiều phe nhóm lợi dụng đặc quyền để truy tìm đặc lợi, nhất là trong bộ máy công an và quân đội. Rốt cuộc thì đi ngược với mục tiêu nguyên thủy của lãnh đạo, thậm chí còn tiến hành đảo chánh - hoặc kín đáo bên trong, hoặc công khai ở bên ngoài. Các vụ đảo chính này thường tiên báo sự sụp đổ. Các lãnh tụ mới lên thường mất thời gian củng cố quyền lực và vây cánh, trong những lúc đó, chẳng còn ai lo việc nước, hoặc dám có những quyết định cấp bách do tình thế đòi hỏi.

14. Khi quyền lực bị tập trung, chế độ hay lấy quyết định sai. Để ứng phó, chế độ phải tản quyền, phân quyền; đấy là lúc mà đấu tranh quyền lực gia tăng và khả năng kiểm soát của lãnh đạo bị thu hẹp. Mà nhiều khi lãnh đạo lại không kịp biết!

15. Để bảo vệ quyền lực, chế độ độc tài có thể thần phục một ngoại bang, hy sinh quyền lợi đất nước và thành công cụ cho ngoại bang. Cái "chính nghĩa" hay ý thức hệ biện minh cho quyền lãnh đạo bị sụp đổ và chế độ dễ dẫn quốc gia vào giao tranh oan uổng, bị lật đổ ngay trong chiến tranh. Những gì đang xảy ra tại Lebanon vì vai trò của Syria hay sự mờ ám trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh có thể phơi bày tử điểm ấy.

Nếu có kiểm điểm lại tình hình hình thực tế của các chế độ độc tài, ta phải thấy rằng sự ổn định chỉ là một huyền thoại và bạo quyền có thể bị lật đổ dễ hơn là người ta nghĩ, hoặc chính cấp lãnh đạo độc tài có thể nghĩ. Hãy nhớ đến Ceaucescu, Honnecker hay Milosevic tại Đông Âu thì rõ….

Tuy nhiên, nhìn ra và khai thác nhược điểm sinh tử của chế độ là một chuyện. Huy động và tổ chức sự chống đối thành một phong trào lan rộng lại là một chuyện khác và nhiều khi người ta thất bại, các lãnh tụ bị hy sinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu kinh nghiệm thành bại này trong một kỳ sau.

===============================================================

Biểu Tình: Làn Sóng Dân Chủ Hay Hỗn Loạn?

Nguyễn Xuân Nghĩa

Dù khéo xoay trở để có lập trường thân Nga, thân Tầu và thân Mỹ, chế độ Ayayev tại Kirgystan vẫn sụp đổ. Vì không thân dân.
So sánh làn sóng dân chủ với một vệt thuốc súng thì không phải. Nhưng đấu tranh bất bạo động có thể tràn lan thành động loạn không? Người ta nêu ra câu hỏi khi chứng kiến hàng loạt biến động từ Cận Đông vào Đông Âu, từ Trung Đông vào Trung Á. Có cái gì đó rất lạ đang xảy ra mà thời sự tường thuật không kịp. Nói chi đến bình luận hay nhận định?

Vụ Kyrgystan là một thí dụ.

Với dân số hơn 10 triệu, quốc gia này là một trong năm nước Cộng hòa có tên là "stan" (đất) tại Trung Á, nằm giữa hai đại cường là Liên bang Nga và Trung Quốc. Rặng núi mà Trung Quốc gọi là Thiên Sơn bao trùm lên 95% diện tích của Kyrgystan, là nơi sinh sống của dân du mục thuộc tộc Thổ (Turc) từ cả ngàn năm. Sau Cách mạng cộng sản tại Nga, Kyrgystan trở thành một phần của Cộng hòa Liên bang Xô viết từ 1924; hai năm sau được là một nước Cộng hòa tự trị và bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng công nghiệp hóa và từ bỏ dần nếp sống du mục. Khi Liên xô sắp tan rã, Kyrgystan lập tức tuyên bố độc lập vào tháng Tám năm 1991, năm sau, gia nhập Liên hiệp quốc và IMF và bắt đầu thời kỳ cải cách kinh tế để ra khỏi chế độ cộng sản trong khi vẫn ở trong tổ chức gọi là Khối Thịnh vượng của các Nước độc lập (CIS), do Liên bang Nga lãnh đạo.

Là một nhà vật lý, Tổng thống Askar Akayev được nhiều người kính trọng vì chống phe cộng sản và đòi độc lập ngay khi Liên xô tan rã; thực tế thì ông ta có cố gắng cải tổ theo kinh tế thị trường và thiết lập chế độ đa đảng. Nhưng, về sau nhân vật này có xu hướng chuyên chế và các cuộc bầu cử năm 1995 rồi 2000 bị mang tiếng là có gian lận. Từ 2002, Akayev hiện nguyên hình là một người độc tài, cài đặt tay chân và thân tộc vào guồng máy cai trị. Nhìn theo một góc cạnh nào đó, Akayev có nhiều đặc điểm của Boris Yeltsin: từ anh hùng chống cộng có chủ trương cấp tiến đã biến thành một lãnh tụ chuyên chế, có thói quen gia đình trị.

Nhìn ra ngoài, từ 1996, Liên bang Nga cùng Trung Quốc và ba nước giáp giới là Kyrgystan, Kazahkstan và Tajikistan đã ký kết thỏa ước bất tương xâm và muốn lập ra thế liên kết tay năm để ổn định toàn khu vực, chống lại các phản ứng ly khai và trộm cướp. Nhóm "Thượng Hải 5" thành hình do thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc, thời Boris Yeltsin và Giang Trạch Dân. Sự liên kết ấy của Trung Quốc và Liên bang Nga có mục tiêu không che giấu là xây dựng lực lượng đối trong với sức mạnh độc bá của Hoa Kỳ.

Nhưng, vụ khủng bố 9-11 lại đảo lộn mọi sự, khiến Hoa Kỳ bước vào Trung Á với chiến dịch tấn công chế độ Taliban tại Afghanistan. Kyrgystan đồng ý cho Mỹ lập căn cứ tại đây và trở thành một quốc gia nằm trong vùng trái độn giữa ba thế lực là Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kyrgystan là một xứ hy hữu có cả căn cứ quân sự của Nga lẫn Mỹ. Tổng thống Akayev có quan hệ tốt với cả Tổng thống Vladimir Putin lẫn Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Bush bị phê phán là vì nhu cầu chống khủng bố mà nhắm mắt trước nạn độc tài của các nước hợp tác với Mỹ. Thí dụ như Uzbekistan, Pakistan hay Kyrgystan.

Thực ra, từ nhiều năm nay, Đại sứ Mỹ tại Kyrgystan đã nhiều lần công khai than phiền nạn độc tài của chính quyền Bishkek. Vấn đề là làm sao cải thiện chính trị mà không gây bất ổn cho một khu vực có đầy yếu tố phân hóa, động loạn, lại giáp giới với hai cường quốc lục địa là Nga và Trung Quốc? Nơi đây có Turkmenistan là một xứ độc tài khép kín ngang hàng Bắc Hàn, có Kazahkstan và một chế độ độc tài thối nát, có Tajikistan luôn luôn gặp nguy cơ nội chiến. Vụ biểu tình tháng Ba khiến Tổng thống Akayev phải chạy ra khỏi thủ đô và cho đến giờ này thì ở đâu chưa rõ. Báo chí nói là ông đang tỵ nạn trong một căn cứ quân sự của Nga, một Dân biểu Nga thì nói ông đang ở trong một căn cứ của Mỹ, trong khi gia đình đã lưu vong qua Kazahkstan…

Nhìn từ Moscow thì sau "Cách mạng hồng" tại Georgia (quê hương của Stalin) rồi "Cách mạng cam" tại Ukraine (quê hương của Krutchev), cuộc "Cách mạng tulip" (hoa uất kim hương) tại Kyrgystan là lần thứ ba mà một xứ Cộng hòa trong Liên bang Xô viết cũ đang tiến ra dân chủ. Trên cột báo này, chúng ta đã đọc thấy, nhân biến động tại Ukraine "Âu châu đổi sắc, Nga thất sắc", bây giờ, mọi người đều thấy Liên bang Nga bị bào mỏng, mất dần ảnh hưởng trong vùng quỹ đạo cũ. Và nổi lên từ biên giới miền Tây của Nga, làn sóng dân chủ đang đập vào biên giới Viễn Tây của Trung Quốc, trong vùng Tân Cương theo Hồi giáo, một cái nôi khác của khủng bố.

Kết luận ở đây là một chế độ dù khéo xoay trở để có lập trường thân Nga, thân Tầu và thân Mỹ mà vẫn có thể bị sụp đổ. Vì không thân dân.
Điều này tất nhiên cũng làm lãnh đạo một nước xa xôi khác phải thất sắc: Việt Nam.

Việt Nam có thể khép mình nằm dưới trật tự Trung Quốc và bị cường quốc này lặng lẽ bào mỏng quyền lợi của mình qua một số thỏa ước ngầm. Có khi còn lãnh một bài học khác trong vòng năm ba năm tới, nếu có vẻ bực bội hoặc có phản ứng độc lập hơn. Việt Nam có thể chủ động tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, mượn manh giáp của Mỹ để che thân và bảo vệ chế độ. Thậm chí nhân danh nỗ lực chống khủng bố, tiến tới hợp tác quân sự với Mỹ để phòng ngừa cơn thịnh nộ của Thiên triều và trung hòa phản ứng đòi hỏi dân chủ từ hải ngoại.

Nhưng, dù có sốt sắng đến như Kyrgystan, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn không thoát được một sự phán xét khác: lòng dân.

Có phải là ta đang trở lại đề tài "lòng dân là ý trời" và thuật biểu tình không? Câu hỏi ấy dẫn tới một đòi hỏi khác: làm sao biểu tình mà không dẫn tới động loạn? Muốn như vậy, phong trào dân chủ phải nghĩ đến sách lược bất bạo động và kế hoạch vận dụng khả năng tổ chức và kỷ luật hầu tạo ra những chuyển hóa an toàn cho xứ sở. Nhà cầm quyền cũng phải nhìn thấy quyền lợi tối thượng của đất nước để chiều theo lòng dân mà tự cải hóa. Nếu không, thời sự sẽ dồn dập phá vỡ mọi toan tính trì hoãn của những người trong cuộc.

Tổng kết lại, khi lòng dân đã nổi lên, thì đâu là những việc có thể làm suy yếu chế độ và dẫn tới hai kịch bản đối nghịch trong cùng một tiến trình dân chủ hóa, là "cải hóa" hay "tan rã"?

Người dân có thể bất hợp tác với chế độ trong các lãnh vực xã hội, kinh tế rồi chính trị. Bất hợp tác có thể là lặng lẽ tẩy chay một số sinh hoạt xã hội hay hoạt động kinh tế, danh sách những phương thức đối kháng thụ động ấy có thể kể ra khá dài, trong đó có nhiều việc rất khả thể. Bất hợp tác cao độ hơn là việc nhắm vào các sinh hoạt chính trị, từ kêu gọi cải cách cơ chế tới hiến pháp, từ việc lãng công trong guồng máy lập pháp vào tới chính phủ đến việc từ chối đi bầu khi bầu cử chỉ là màn trình diễn dân chủ giả hiệu. Tích cực hơn thế, có việc vạch mặt chỉ tên những trường hợp và cá nhân tham ô hoặc bảo nhau khiếu kiện thật đông để làm tê liệt bộ máy hành chánh công quyền đến việc thiết lập ra các tổ chức cứu tế xã hội để giải quyết những vấn đề dân sinh mà chính quyền không muốn làm.

Tuy nhiên, vận động lòng dân luôn luôn phải dẫn đến việc xây dựng một cơ chế dân chủ hơn, cho nên ngay khi phát động phong trào đối kháng bất bạo động, người ta đã phải soạn thảo hiến pháp mới, trong đó phải xác định mục tiêu và trách nhiệm của chính phủ, thể thức tổ chức bầu cử tự do và công khai, phải phân biệt phạm vi hoạt động của hành pháp, lập pháp và tư pháp, cùng với vị trí của đảng cầm quyền.

Hiến pháp mới cũng phải giới hạn quyền lực của quân đội, công an, tình báo để ngăn ngừa việc chính quyền lũng đoạn các bộ phận này và dùng chúng làm công cụ đàn áp. Khi quyền dân được hiến pháp minh định rõ ràng và rộng rãi thì chế độ mới sẽ ít có nhu cầu tập trung quyền kiểm soát vào tay công an, một cơ hội nảy sinh độc tài trên nền móng non yếu của một chính quyền tân lập. Hỗn loạn hay không sau thời kỳ giải phóng là điều đã có thể thấy trước trong hiến pháp. Những cuộc thảo luận về tu chỉnh hay soạn thảo hiến pháp tại Ukraine và Iraq có thể là kinh nghiệm đáng theo dõi của việc đổi loạn thành trị.

Lời kết ở đây là ngược với các luận cứ phổ thông, việc giải phóng khỏi ách độc tài là điều có thể làm được, nhưng cần có chiến lược và tổ chức.

Không quốc gia hay thế lực ngoại bang nào có thể giúp người dân bị đàn áp bỗng nhiên có tự do: chính người dân phải chủ động thực hiện lấy việc ấy. Càng sáng suốt trong vận động và đấu tranh thì càng dễ ngăn ngừa được sự can thiệp của ngoại quốc.

(vb)
*
***
*

về chính trị Việt Nam

Nguyễn Quang Duy, Australia

Anh Hải, xin phép cho tôi được gọi anh bằng anh cho thân mật. Mong chúc anh và gia đình mọi sự như ý muốn. Công khai, bất bạo động và hợp pháp cũng là phương pháp Cộng Đồng Hải Ngọai vẫn áp dụng trong đấu tranh. Chắc anh cũng biết việc đã có bạo động xảy ra ở bên Hoa Kỳ, khi ông Khải sang bên ấy. Sau này vỡ lẽ ra có người quấy rối bị cảnh sát Mỹ xét giấy tờ, anh ta là một du khách mang hộ chiếu Việt Nam. Có hình ảnh rõ ràng minh chứng điều này. Việc này làm cho tôi nhớ lại, vào năm 1979, khi đó Trung Cộng bắt đầu điều động quân đội tập trung ở biên giới phía Bắc. Một người bạn của tôi là công an. Anh ấy đã cho tôi biết, Trung Cộng có thể sẽ đánh Việt Nam. Ở miền Nam có thể sẽ có những cuộc biểu tình và anh ta vừa được huấn luyện "chống biểu tình". Anh ta đã kể cho tôi nghe một số biện pháp như cài người vào đòan biểu tình để phân chia đòan ra thành nhóm nhỏ rồi giải tán các nhóm nhỏ. Nếu không xong sẽ cho ngừơi xách động hay gây bạo động, để có lý do đàn áp, bắt bớ, khép tội. Các khóa huấn luyện này có tài liệu rõ ràng. Tôi nhớ hôm ấy tôi có góp ý với bạn tôi rằng tôi không tin chuyện này sẽ xảy ra. Sáu mươi năm qua, người Việt chúng ta đã phải trả một giá quá mắc, mà vẫn chưa có được tự do dân chủ. Hôm nay tôi cũng hy vọng biểu tình lớn dẫn đến "lật đổ chính quyền CS" và "sự cáo chung của ĐCS" sẽ không phải xảy ra. Cũng chỉ vì các giá mà đồng bào chúng ta đã phải trả đã quá cao rồi. Tuy vậy tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc biểu tình nhỏ ôn hòa, bất bạo động và có phim ảnh thông tin ra hải ngọai. Tạo tiền đề cho một quyết định thay đổi thực sự. Những anh em đối lập trong nước nên tìm và học hỏi từ những tài liệu huấn luyện công an, để có thể hóa giải các phương pháp "chống biểu tình". Việc anh từ Úc trở về Việt Nam đã được chúng tôi trong tình trân quý thảo luận rất nhiều. Bên anh có chúng tôi.

*****
- Thuật Biểu Tình: Tổ Chức Là Sức Mạnh, có lãnh đạo (không cần lãnh tụ)

- Vượt tường lửa, Ý kiến Đỗ Nam Hải về chính trị Việt Nam
- http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005/09/050901_donamhainterview.shtml
- Làm sao để thắng sợ hãi ?

THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ - Pham Hong Son dich

No comments: