Saturday, July 28, 2007

Tiêu Chuẩn Tự Do Ngôn Luận Theo Luật Pháp Hoa Kỳ

Tiêu Chuẩn Tự Do Ngôn Luận Theo Luật Pháp Hoa Kỳ

LS NGUYỄN QUỐC LÂN . Việt Báo Thứ Bảy, 7/28/2007, 12:02:00 AM

Trong thời gian gần đây, trong một số các cuộc tranh luận liên quan đến tự do báo chí hay tự do ngôn luận trong cộng đồng, nhiều cá nhân và đoàn thể đã cáo buộc nhau là đã vi phạm quyền tự do ngôn luận theo luật Hoa Kỳ. Thực ra, tiêu chuẩn tự do ngôn luận này chỉ được áp dụng trong trường hợp một cơ quan chính quyền có một hành động nào đó ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của một đối tượng khác, ví dụ như thủ tục xét xử tại toà án, hành động của cảnh sát hay thành phố, hay luật lệ của tiểu bang hay liên bang. Tiêu chuẩn này không được áp dụng trong những trường hợp không có liên hệ với các thành phần hay viên chức chính quyền.

Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) trong Hiến Pháp Hoa Kỳ nói rằng chính quyền không được ban hành những luật lệ để giới hạn quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, hay tự do hội họp của người dân. Chiếu theo Tu Chính Án này, các cơ quan lập pháp hay toà án đã đưa ra những án lệ hay qui định nhằm xác định rõ những hạn định về quyền tự do ngôn luận để việc áp dụng quyền tự do ngôn luận này sẽ không ảnh hưởng một cách quá đáng đến các vấn đề quan trọng khác trong xã hội, ví dụ như gây hỗn loạn an ninh xã hội, xách động quần chúng bạo động, tiết lộ bí mật an ninh quốc gia, bảo mật những dữ kiện cá nhân theo luật định, v..v...

Một cách khách quan mà nói, Tu Chính Án Thứ Nhất trong Hiến Pháp Hoa Kỳ cùng với việc diễn giải tu chính án này trong thực tế đã biểu hiện được một trong những tiêu chuẩn tự do ngôn luận cao nhất trong các nước tự do. Ngay cả Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng phải bó tay trước một phụ nữ cấm trại hàng tháng trời ngay bên cạnh nông trại riêng của Tổng Thống Bush tại Texas để phản đối chính sách Hoa Kỳ về Cuộc Chiến Tranh Iraq với sự theo dõi của hàng trăm cơ quan báo chí truyền thông của Hoa Kỳ. Ngay cả Tổng Thống Bill Clinton cũng phải chào thua quyền tự do ngôn luận của một vài phụ nữ đã tán gẫu với nhau và đưa ra lời cáo buộc về những xâm phạm tình dục chỉ có tính cách riêng tư của vị tổng thống đương nhiệm. Quyền tự do ngôn luận theo luật pháp Hoa Kỳ là quyền hạn mà khó có một quyền lực nào có thể ngăn chận được.

Một trường hợp điễn hình khác trong cộng đồng Việt Nam chúng ta là cuộc biểu tình chống việc trưng bày lá cờ đỏ và ảnh Hồ Chí Minh của ông Trần Trường trong khu Little Saigon vào đầu năm 1999. Nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn tự do ngôn luận theo luật Hoa Kỳ, cộng đồng khó có thể ngăn cản được việc trưng bày các biểu tượng cộng sản đó được. Đây là một tiêu chuẩn mà cộng đồng chúng ta khó có thể vượt qua được trong cuộc chiến chống sự xâm nhập hay trà trộn của Cộng Sản Việt Nam vào cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn tự do ngôn luận theo luật pháp này không thể được áp dụng trong các trường hợp quan hệ không dính líu đến công quyền, thí dụ, giữa những cá nhân trong gia đình, giữa các bạn bè, người hàng xóm, giữa những cá nhân với những nhóm trong cộng đồng hay giữa các đoàn thể trong cộng đồng, bất chấp bản chất hoặc nghề nghiệp của những cá nhân/co+ sở này, thí dụ như truyền thông báo chí, đại diện tổ chức cộng đồng, v..v.. Hoặc nói một cách cụ thể hơn, khi một cá nhân hay cơ sở tư nhân phản đối, ngăn cấm hay yêu cầu một cá nhân, cơ sở hay đoàn thể khác không nên phát ngôn một điều gì đó thì việc làm đó không hẳn là vi phạm quyền tự do ngôn luận hay vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Thay vào đó, các tiêu chuẩn được sử dụng giữa các đối tượng không liên hệ với các cấp chính quyền sẽ là phong tục, tập quán, sự thông cảm hay tôn trọng lẫn nhau.

Những tiêu chuẩn này cũng đòi hỏi mỗi người trong cộng đồng phải chấp nhận vai trò và trách nhiệm của mình đối với những người khác trong cộng đồng. Thí dụ, một người có quyền tuyên bố một điều gì đó dựa trên pháp luật không có nghĩa là người đó nên tuyên bố điều đó tại bất cứ nơi nào hay trong hoàn cảnh nào. Cụ thể hơn, một người có thể không được cho phép trình bày về công trạng của Hitler tại một nơi có đông nạn nhân của Phátxit Đức, hay đùa giỡn quá trớn giữa một cơ sở tôn giáo nghiêm trang, hay giễu cợt về sự chết giữa một buổi đám ma của người thân nếu việc ngăn cấm đó không liên hệ gì đến chính quyền.

Khi thẩm định các tiêu chuẩn nào mình cần phải tôn trọng trong cộng đồng Việt Nam, các cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng gốc Việt Nam ở Mỹ nên lưu tâm đến một yếu tố vô cùng đặc biệt mà rất hiếm cộng đồng nào khác chia xẻ, đó là thực tế của sự bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không cho phép một cơ quan ngôn luận nào được quyền phát biểu một cách độc lập; có quyền bắt bỏ tù bất cứ ai vi phạm nguyên tắc "tự do ngôn luận" không-chút-tự-do-nào này; có quyền bỏ tiền ra để trà trộn vào các cơ quan truyền thông người Việt tại Hoa Kỳ; có khả năng gởi người sang Hoa Kỳ để trà trộn vào các nhóm cộng đồng để phá hoại, cho dầu là họ qua Hoa Kỳ theo các diện HO, tỵ nạn, đoàn tụ, du học hay làm ăn thương mại. Nếu các cơ quan truyền thông trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ lại vin vào tiêu chuẩn tự do ngôn luận theo luật Hoa Kỳ để phát biểu những điều xúc phạm đến cộng đồng hay hỗ trợ cho chính quyền cộng sản, thì việc làm đó chỉ làm yếu đi sức đề kháng của cộng đồng và làm tăng thêm khả năng đe dọa cộng đồng Việt Nam gây ra bởi sự bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam và khả năng phá hoại chúng ta của Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa là các cơ quan truyền thông trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ chỉ nên thông tin một chiều hay không phổ biến các tin tức có phần bất lợi cho cộng đồng. Ngược lại, phổ biến thông tin đa dạng, nhiều khuynh hướng, cho dầu là bất lợi cho cộng đồng, lại có thể là một điều tốt vì điều đó có thể làm tăng thêm sức mạnh của cộng đồng trên phương diện thúc đẩy khả năng suy nghĩ và phán xét mà chúng ta quen gọi là để “rộng đường dư luận”. Tuy nhiên việc sử dụng truyền thông đa dạng hay nhiều khuynh hướng không có nghĩa là phổ biến những tin tức một cách vô trách nhiệm mà không đếm sỉa đến sự thật hay công bình, hay những luận điệu có tác dụng gây tức giận hay xúc phạm đến nhiều người trong cộng đồng hơn là phổ biến những tin tức hữu ích. Sự quân bình các quyền lợi này phải được dựa trên các tiêu chuẩn được chấp nhận chung trong cộng đồng và không nhất thiết phải là tiêu chuẩn tự do ngôn luận theo luật pháp Hoa Kỳ.

Nói tóm lại, những sự phản đối của những cá nhân và tổ chức trong cộng đồng đối với các cơ sở truyền thông nào mà đã vi phạm các nguyên tắc căn bản trong quan hệ trong cộng đồng nên được coi là những phản ứng rất tự nhiên và cũng không thể coi là vi phạm quyền tự do ngôn luận của bất cứ ai vì đó là những hành động không liên hệ gì đến hay gây ra bởi chính quyền. Thực ra, những sự phản đối này có thể tránh được nếu mỗi người chúng ta hiểu được và chấp nhận vai trò và trách nhiệm của chính mình trong cộng đồng cũng như những tiêu chuẩn tự do ngôn luận được áp dụng trong các quan hệ cộng đồng. Trong các cuộc tranh luận này, chúng ta nên hiểu rằng tiêu chuẩn tự do ngôn luận theo luật pháp không được áp dụng nếu không có liên hệ gì đến các thành phần trong chính quyền.

LS NGUYỄN QUỐC LÂN
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=111792

No comments: