Saturday, July 28, 2007

Pháp luật và xảo thuật

Pháp luật và xảo thuật


Đỗ Thái Nhiên


Trung tuần tháng 6, 2007, ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Cộng hoà Xa Hô.i Chủ nghĩa Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian thăm viếng này, Nguyễn Minh Triết hầu như thường xuyên bị bao vây bởi những câu chất vấn về sự việc Cộng Sản Việt Nam đã bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến. Nhằm chống đỡ sức phản kháng gay gắt của công luận, ông Triết chỉ có thể lặp đi, lặp lại một luận cứ vô cùng cũ kỹ và nhàm chán: Việt Nam không hề có tù chính trị. Việt Nam chỉ trừng phạt những người vi phạm luật pháp của Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là: Thế nào là luật pháp của Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa?

Để cho việc đi tìm giải đáp cho câu hỏi vừa nêu được diễn ra trong khách quan và khoa học, bài viết này xin nhắc lại nguyên tắc căn bản hàng đầu của môn hình luật trong xã hội văn minh. Đó là nguyên tắc “Vô Luật Bất Thành Tội”. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi tội phạm phải được qui định bởi một số yếu tố tội phạm nhất định. Tội nhận hối lộ, chẳng hạn. Tội này gồm ba yếu tố tội phạm:

Thứ nhất: bị can phải là người có quyền hành trong guồng máy cầm quyền.
Thứ hai: bị can đã thực sự nhận từ phía người đút hối lộ một tài sản và/hoặc một dịch vu: động sản, bất động sản, “một đêm huy hoàng” với người đẹp...
Thứ ba: bị can đã ban phát cho người đút hối lộ một đặc quyền, đặc lợi: nhập cảnh bất hợp pháp, thăng quan, tiến chức...

Thiếu một trong ba yếu tố nêu trên, một người không thể bị truy tố về tội hối lộ. Như vậy, yếu tố tội phạm chính là công cụ giúp luật sư biện hộ, giúp công tố buộc tội, giúp tòa án xét xử bị can. Thiếu yếu tố tội phạm (tức là thiếu luật), tòa án không thể vận hành.

Bây giờ chúng ta hãy mang nguyên tắc “không tội nếu thiếu yếu tố tội phạm” để làm chuẩn mực cho việc khảo sát ba hồ sơ hình sự tiêu biểu của cộng sản Việt Nam. Từ ba hồ sơ hình sự này Bạn đọc sẽ hiểu được một cách cụ thể và sinh động: tại sao cán bộ cộng sản thường rêu rao: chế độ cộng sản Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có tù hình sự.

Hồ sơ 1: – Ông Nguyễn Vũ Bình, một biên tập viên của Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan lý luận chính trị quan trọng hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2002, ông Nguyễn Vũ Bình cho ra đời hai bài viết gây nhiều chú ý:

1. Bài bình luận chỉ trích hiệp ước biên giới Việt Trung. Bài này phổ biến trên mạng internet.
2. Bản tường trình tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Tờ trình này gửi quốc hội Mỹ như một tài liệu công khai.

Ngày 25/09/2002, ông Nguyễn Vũ Bình bị bắt giam. Ngày 31/12/2003, ông Bình bị tòa án Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia về tôi gián điệp. Tội này được qui định bởi điều 80, bộ luật hình sự cộng sản Việt Nam ( Luật số 15/1999/QH10).

Nguyên văn điều 80. Tội gián điệp.


1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại, hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài, hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì đươc miễn trách nhiệm hình sự.

Khoản 1a, điều 80 chỉ nhắc tới hoạt động tình báo, nhưng không định nghĩa, lại càng không nêu rõ yếu tố tội phạm của tội làm tình báo cho ngoại bang . Viết thư báo cho một người Mỹ gốc Việt biết thân nhân của người này hiện đang bi tù và sức khỏe rất tồi tệ. Phải chăng như vậy là hoạt động tình báo?

Khoản 1c, điều 80 qui đinh “cung cấp bí mật nhà nước cho người nước ngoài” là một trọng tội, nhưng lại không nói rõ thế nào là bí mật nhà nước. Tố cáo đảng và nhà nước đã cướp đất, cướp nhà của người dân bằng cách nêu rõ tọa độ của bất động sản bị cưởng đoạt. Phải chăng như vậy là đã tiết lộ “bí mật nhà nước”?

Nhìn chung điều 80 bộ hình luật Cộng Sản Việt Nam là một trong những điều luật lơ mơ nhất trong thế giới của các loại lơ mơ. Lơ mơ bởi lẽ không định nghĩa dứt khoát mỗi tội danh, không có yếu tố tội phạm đi kèm theo tội danh để việc luận tội được chuẩn xác. Sự thể này là lý do giải thích tại sao một người bất đồng chánh kiến một cách ôn hòa như ông Nguyễn Vũ Bình lại có thể bị bắt giam về tội hoạt động tình báo. Để rồi ngày 09 tháng 06 năm 2007 cộng sản Việt Nam đã trả tự do cho ông Nguyễn Vũ Bình nhiều năm trước ngày mãn hạn tù. Hành động này của cộng sản Việt Nam có ý nghĩa như một món quà mà Hà Nội buộc lòng phải tặng cho Mỹ để đổi lấy sự việc Nguyễn Minh Triết được phép đặt chân lên đất Hoa Kỳ.


Hồ sơ 2: – Ông Đỗ Thành Công, người Mỹ gốc Việt, trung ương đảng viên Đảng Dân Chủ Nhân Dân. Chính đảng này chủ trương đòi hỏi tự do, dân chủ cho Việt Nam trong ôn hòa, tuyệt đối bất bạo động. Ngày 14/08/2006, ông Đỗ Thành Công bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam về tội khủng bố sứ quán Hoa Kỳ tại Saigon. Tội này được qui định bởi điều 84 bộ hình luật của cộng sản Việt Nam.

Nguyên văn điều 84. Tội khủng bố


1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo điều này.


Điều 84 không hề qui định yếu tố tội phạm của hành động bị xem là “chống chính quyền nhân dân”. Phản đối chính quyền tuyển dụng đảng viên sử dụng bằng cấp giả mạo có phải là chống chính quyền hay không? Điều 84 lại càng không nêu bật các yếu tố để dẫn đến kết luận về mối liên hệ giữa chống chính quyền và xâm phạm tính mạng của cán bộ và/hoặc công dân. Làm thế nào phân biệt được giữa tội mưu sát thường với mưu sát có chủ ý khủng bố, nếu yếu tố chống chính quyền chỉ được nói tới một cách mơ hồ? Trong môi trường hư hư thực thực kia, một cách hết sức bất ngờ, ông Đỗ Thành Công bị cộng sản Việt Nam tống giam với tội danh toan tính khủng bố sứ quán Hoa Kỳ tại Saigon. Điều oái ăm là sự thể rằng: ngay sau khi ông Đỗ Thành Công bị bắt, Hoa Kỳ, quốc gia bị xem là nạn nhân của “tên khủng bố” Đỗ Thành Công, lại giận dữ đòi hỏi cộng sản Việt Nam phải tức thời trả tự do cho Đỗ Thành Công, trả tự do vô điều kiện. Vì vậy chỉ hơn một tháng bị giam, ngày 21/09/2006, ông Đỗ Thành Công hiên ngang bước ra khỏi ngục tù Hà Nội.


Hồ sơ 3: – Ngày 6 tháng 3 năm 2007, cộng sản Việt Nam bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân. Theo hãng thông tấn Đức adp: ngày 09 tháng 03 năm 2007, báo Gia Đình và Xã Hội của cộng sản Việt Nam nói rõ lý do bắt giam Ls Đài và Ls Công Nhân như sau:


“Mục đích của họ ( hai luật sư) là qui tụ những lực lượng đối lập, đề cử một số người ra ứng cử Quốc hội......rồi kết hợp với các thế lực khác để gây rối. Tuy nhiên các hành vi của họ đã không thoát khỏi tai mắt của lực lượng an ninh và họ đã bị loại trừ.”


Tuy nhiên, khi bắt giam luật sư Đài và Công Nhân, cộng sản Việt Nam lai viện dẫn điều 88, tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Nguyên văn điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.:
a.Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b. Tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bia. đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.


Tự do ngôn luận!
Nguồn: academicfreespeech.com
--------------------------------------------------------------------------------

Điều 88 khoản 1a. không qui định rõ ràng thế nào là xuyên tạc, thế nào là phỉ báng chính quyền nhân dân? Khoản 1b: Thế nào là luận điệu chiến tranh tâm lý? Khoản 1c: Thế nào là “có nội dung chống nhà nước”? Đi tìm đáp số cho các câu hỏi”thế nào” vừa nêu, chúng ta sẽ nhìn ra cộng sản Việt Nam cố tình không ghi rõ các yếu tố tội phạm của tội được gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”. Từ đó, cộng sản Việt Nam tự do viện dẫn điều 88 để bắt giam tất cả những người bất đồng chính kiến.

Hơn thế nữa, điều 19 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và điều 69 của hiến pháp cộng sản Việt Nam 1992 đều long trọng xác định quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu quan điểm của con người Như vậy bản án dành cho luật sư Nguyễn văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân chính là sự khẳng định điều 88 ngang nhiên chống lại Quốc Tế Nhân Quyền và hiến pháp của chính cộng sản Việt Nam.

Sau khi khảo sát ba hồ sơ Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Thành Công và Ls Đài, Ls Công Nhân, người khảo sát đi đến kết luận: cộng sản Việt Nam đã viện dẫn ba điều luật khác nhau của bộ hình luật cộng sản Việt Nam để truy tố các nhân vật có chung một “tội”, đó là “tội”( chữ “tội” trong dấu ngoặc kép) bất đồng chính kiến một cách ôn hòa với nhà đương qyuến Hà Nội. Hành động như vừa kể, cộng sản Việt Nam có chủ đích thực hiện gian mưu như sau: Trói buộc thái độ bất đồng chính kiến của những người yêu nước vào các tội hình sự khác nhau. Sự thể này làm cho “tội” bất đồng chính kiến bị tan biến vào thế giới hình sự qua nhiều ngõ ngách khác nhau. Từ đó cộng sản Việt Nam tin là họ đã che được mắt của công luận, không để cho công luận nhìn ra tình huống tù chính trị bị hình sự hóa.

Công việc khảo sát ba hồ sơ bị cộng sản Việt Nam truy tố theo ba điều: 80, 84, 88 của bộ hình luật chỉ là một khảo sát có tính biểu tượng.

Để có thể thực hiện trọn vẹn gian mưu hình sự hóa tù chính trị, toàn thể bộ hình luật của cộng sản Việt Nam đã được xây dựng trên hai xảo thuật: một là hình luật tránh né định nghĩa minh bạch các tội danh, hai là hình luật cố tình lờ đi, không xác định các yếu tố tội phạm đi kèm mỗi tội danh.

Định nghĩa tội danh và và xác định yếu tố tội phạm là một phương pháp pháp lý cực kỳ quan trọng. Nó giúp cho hệ thống công lý hình sự của quốc gia được điều hành một cách nghiêm chỉnh và chính xác: tòa án không được phép kết tội người vô tội, tòa án không được phép phán quyết theo kiểu bị can phạm pháp một đường, tội danh một nẻo.

Chính sự thiếu vắng định nghĩa tội danh và kỷ thuật xác định yếu tố tội phạm đã tạo ra trong bộ hình luật cộng sản Việt Nam rất nhiều khoảng trống. Trên những khoảng trống mênh mông kia, nhà cầm quyền Hà Nội có toàn quyền giải thích luật pháp, có toàn quyền tùy tiện vo tron bóp méo luật pháp. Đó là lý do giải thích tai sao dưới chế độ cộng sản Việt Nam tù chính trị bao giờ cũng bị khoác áo tù hình sự, và tù hình sự, ngoại trừ hình sự gốc chính trị, rất dễ dàng thoát khỏi mạng lưới hình luật, nếu bị can “biết phải quấy” với đảng và nhà nước.

Sau cùng, đó là lý do giải thích tại sao ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước dưới chế độ cộng sản, lúc nào và bất kỳ ở đâu cũng hiên ngang tuyên bố: Việt Nam không có tù chính trị, Việt Nam chỉ trừng phạt những người vi phạm luật pháp của Việt Nam. Thế nào là luật pháp của cộng sản Việt Nam? Thưa rằng: đó là luật của xảo thuật.


© DCVOnline
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3672

No comments: