Monday, July 23, 2007

Sau Cuộc Biểu Tình

Sau Cuộc Biểu Tình

TRẦN KHẢI . Việt Báo Chủ Nhật, 7/22/2007, 12:02:00 AM
Phim nào cũng thế, truyện nào cũng thế, quần chúng bao giờ cũng mong ước có những đoạn kết rất là êm đẹp. Nghĩa là đoạn kết của thiện vượt thắng ác, của hiền hóa giải dữ, của tiền hung và hậu kiết. Đáng lý ra, cuộc biểu tình vừa qua của dân oan cần có một đoạn kết có hậu hơn. Và khi nhà nước đẩy công an và côn đồ ra tay bạo lực, thì không còn đoạn kết nào thô bạo hơn. Nhưng như thế mới làm hiển lộ bản chất chế độ. Và mới làm an tâm công tác đối với các cán bộ địa phương đang ra sức cướp đất cho những dự án, và cho cả sử dụng làm quyền lợi riêng.

Đơn giản, nhà nước CSVN cần có cán bộ trung thành với đảng, và bất cần tiếng dân oan than khóc. Thấy rõ, 27 ngày đêm biểu tình khiếu kiện vừa qua là một chương mới của lịch sử Việt Nam. Nơi đó, sự thật không phải là điều suy luận, mà chính là những hình ảnh hiển lộ ra, chính là những xương thịt đi đứng trên hè phố đó, nằm giữa mưa nắng và thương xót của toàn dân.

Vậy rồi các đại biểu Quốc Hội ở đâu, khi dân oan tới nằm ngồi trước tiền đình Quốc Hội 2 ở Sài Gòn?

Bài thơ mấy câu sau:
"Quốc Hội! Quốc Hội ư?
Sao mà vắng lặng?
Để người dân khiếu kiện đợi chờ
Cơ quan gì giống bãi tha ma
Không thấy một bóng hình cán bộ..."

Được dân oan viết tay lên giấy lớn, dán ở mặt tiền Quốc Hội 2 trong ngày mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ và phái đoàn các nhà sư Giáo Hội PGVNTN, một giáo hội ngoài luồng, một giáo hội trên nguyên tắc là bất hợp pháp, tới thăm và trao tiền giúp dân oan đỡ khổ.

Không một đại biểu Quốc Hội nào dám bước tới gần, dù là để trao một ổ bánh mì hay một chai nước uống. Rồi mưa, rồi nắng, rồi công an, rồi côn đồ… là câu trả lời.
Trong những ngày vừa qua chỉ có một dấu hiệu nhượng bộ của nhà nước CSVN là trả tự do cho luật sư Bùi Kim Thành, nhà hoạt động dân chủ và là một nữ lưu từng bị đẩy vào nhà thương điên vì đi đầu trong phong trào dân oan. Nữ luật sư Bùi Kim Thành được trả tự do ngày 16 /07/2007 tại Sài Gòn sau 8 tháng giam bà ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa, rồi chích cho bà một loại thuốc lạ.

Chuyện thả luật sư Bùi Kim Thành dễ hiểu, thứ nhất vì áp lực quốc tế, và thứ nhì là những việc bà hướng dẫn dân oan làm hồ sơ khiếu kiện hồi năm ngoái bây giờ nhìn lại thì không hề thấm thía gì với tình hình dân oan lũ lượt biểu tình khiếu kiện mấy ngày qua. Giữa một nữ luật sư hướng dẫn dân oan viết đơn, nộp hồ sơ với nhóm mà Thứ Trưởng Công An gọi là "13 người chỉ huy, xúi giục, cung cấp tiền bạc" cho dân biểu tình khiếu kiện thì cách nhau một trời một vực. Thế nên, còn giam trong nhà thương điên lại càng lộ ra những trò hề chế độ.

Thực tế, cho tới bây giờ, chúng ta không biết đầy đủ là công an đã bắt những ai - từ những người dân oan khiếu kiện cho tới "nhóm 13 đối tượng" mà CSVN gọi là "dàn dựng" cuộc biểu tình khiếu kiện của dân oan. Bởi vì cả nước Việt Nam dưới chế độ CSVN là một lỗ đen thông tin, nói theo ngôn ngữ các nhà khoa học không gian. Một lỗ đen thông tin, vì các tin lộ ra được rời rạc. Khó kiểm chứng. May mắn thì có hình, và hình thì rất là lờ mờ. Còn dựa vào báo nhà nước thì những gì được in lên giấy không chưa đựng hết sự thực, mà có khi là "sự thực ảo… bóp méo, thêm thắt…" như lời Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn than phiền về báo Nhân Dân đã đưa tin sai về thái độ Vatican và Hội Đồng Giám Mục VN về vụ án linh mục Nguyễn Văn Lý.

Nhìn cách khác, thực tế, làm phóng viên quốc nội cũng là một kiếp sống dân oan hình thức khác, vì một phóng viên đã bị công an hành hung khi tới gần dân oan.

Bản tin trên trang web Đảng CSVN ghi nhận về khai giảng khóa họp Quốc Hội, trích:
"Sáng nay 19 -7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh…" trong đó ông Mạnh nói:
"Cuộc bầu Cử đại biểu Quốc hội khoá XII, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta đã thành công tốt đẹp; bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Thông qua bầu cử, cử tri cả nước đã lựa chọn được 493 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân vào Quốc hội nhiệm kỳ mới. Kết quả bầu cử thể hiện truyền thống yêu nước, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; chứng tỏ nhân dân ta tin tưởng, đánh giá cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…"

Chuyện nói nghe như giễu. Hàng trăm đại biểu ngồi nghe lời ca ngợi tung hô lẫn nhau như thế, trong khi hàng ngàn dân oan nằm hè phố và than khóc từ bao nhiêu năm rồi.
Trong bản tin "Tình hình của người dân khiếu kiện, sau khi bị cưỡng chế áp giải về tận địa phương" do Trà Mi, phóng viên đài RFA, loan đi ngày 20-7-2007, ghi rằng:

"Tình trạng của bà con ở Tiền Giang ra sao? Ông Phước, một dân oan trong đoàn, phát biểu:

Ông Phước: Ba người ở Gò Công Đông, Gò Công Tây, hồi hôm nó đưa về dưới, sáng bắt đầu kêu lên làm việc, làm việc xong thả về, rồi đến chiều mời lên nhốt luôn rồi. Họ là những người cầm loa phóng thanh, hô đả đảo hồi hôm đó, bắt mấy người đó đó.
Trà Mi: Trước tình cảnh như vậy, trong những ngày sắp tới, bà con sẽ tiếp tục đấu tranh tới cùng hay sẽ bị cuộc?

Ông Phước: Thì cũng phải làm nữa chứ. Tôi mấy chục năm nay rồi, giờ tôi phải theo chứ.
Chúng tôi có dịp hỏi thăm chính một trong những người đã gặp rắc rối với chính quyền địa phương ngay sáng hôm sau cuộc đàn áp là ông Bảy. Từ Tiền Giang, ông cho biết:
Ông Bảy: Bữa nay công an đã mời tôi suốt ngày nay. Nguyên nhân là khiếu tố khiếu nại dành lại dân chủ nhân quyền, do tôi là đại diện bà con hai tỉnh, hai huyện. Họ nói tôi là cấu kết với nước ngoài, làm mất mỹ quan ở quốc hội. Ngày mai họ sẽ mời tôi đến huyện để xử lý.
Trà Mi: Hôm nay, ông đã làm việc với cơ quan nào, và trong bao lâu?
Ông Bảy: Làm việc với Ủy ban nhân dân xã trên 4 tiếng đồng hồ. Họ nói tôi xách động biểu tình.

Trà Mi: Thưa ý kiến của ông ra sao?
Ông Bảy: Mình là người đi khiếu kiện dành lại nhân quyền, sự tự do. Chúng tôi 7, 8 năm nay mất đất đai, không được hưởng tự do, nhân quyền. Chính quyền cướp đất, cướp tài sản của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi sống lầm than, điêu đứng. Con cháu phải bỏ học lê thê. Đến bây giờ chúng vẫn còn trù dập.

Mình làm chuyện nghĩa, dành lại những gì nhân dân đã mất mát. Dân chủ nhân quyền không có làm sao sống? Không thể sống nỗi. Tôi bây giờ khó khăn về kinh tế, đơn thân độc mã, không có thế lực, không có gì trong tay cả, thì chỉ xuôi tay thôi, do số phận, do trời đất định…" (hết trích)

Ong Bảy trong đoạn văn trên có thể được hiểu là một trong nhóm 13 người mà công an quy chụp là Bộ Tư Lệnh Biểu Tình Khiếu Kiện, một trong nhiều ngàn người bị "Chính quyền cướp đất, cướp tài sản của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi sống lầm than, điêu đứng. Con cháu phải bỏ học lê thê. Đến bây giờ chúng vẫn còn trù dập… Tôi bây giờ khó khăn về kinh tế, đơn thân độc mã, không có thế lực, không có gì trong tay cả, thì chỉ xuôi tay thôi, do số phận, do trời đất định…"

Số phận ở đâu? Trời đất định gì đây? Phải chăng đây là một đoạn kết không có hậu? Hay là còn phải ít lâu nữa mới tới cái gọi là đoạn kết có hậu cho toàn dân?

TRẦN KHẢI
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=111453

No comments: