Dân chủ và tập trung dân chủ (Kết)
Nguyễn Văn Trần
Tiếp theo Phần I, ngày 12/07/२००७
Phân tích sơ lược về chế độ Dân chủ - Chế độ ở Hà Nội ngày nay
... Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa thì, về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung, để "chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung". Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là "nguyên tắc cốt tử" của đảng cộng sản trong lãnh đạo chính trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà Nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhất về tư tưởng, chánh trị và tổ chức để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào tay đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ cai trị đất nước toàn diện và triệt để. Tập trung dân chủ không chỉ là nguyên tắc của đảng cộng sản, là chỉ đạo hoạt động lãnh đạo và các quan hệ tổ chức của đảng, mà nó còn là nguyên tắc cần thiết, không thể thiếu trong hoạt động quản lý Nhà Nước. Đó cũng là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chánh trị trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, ta phải hiểu cho đúng (theo cộng sản) thì dân chủ xã hội chủ nghĩa phải dẫn tới nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó vừa là nguyên tắc chánh trị của đảng cộng sản, vừa là nguyên tắc và cơ chế quản lý của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Nói rõ hơn, tập trung (dân chủ) là phương thức, là điều kiện, còn dân chủ là cơ sở, là mục đích. Thông qua tập trung mà dân chủ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, được thực hiện và trở thành mục đích của chế độ. Không gắn với tập trung thì dân chủ xã hội chủ nghĩa không có sức mạnh thực tế trong hành động. Tập trung dân chủ chỉ là thẩm quyền quyết định của cá nhân người chỉ huy và của cơ quan lãnh đạo chính trị, theo trật tự chặt chẽ có sự tuân hành từ dưới lên trên.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ là một loại cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bởi đó là nguyên tắc lãnh đạo của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ do đó trở thành một hệ thống tập trung quyền lực và phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội. Tập trung dân chủ, ở đây, hoàn toàn không phải là một thể chế chánh trị, mà đó không gì khác hơn là một phương pháp thực thi chế độ độc tài toàn trị.
Một đảng cầm quyền độc tài toàn trị như đảng cộng sản Hà Nội ngày nay, nếu không thực hiện được tập trung dân chủ, thì dĩ nhiên không còn là một đảng hành động, mà lập tức sẽ biến thành một thứ tập hợp đầy mâu thuẫn, xung đột. Và từ đó, Nhà Nước sẽ không còn thực quyền quản lý xã hội nữa. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi Hà Nội thẳng tay đàn áp và trù dập tất cả những người có chánh kiến khác với đảng. Dân chủ vì thế mà trở thành một mối hiểm họa sanh tử của chế độ Hà Nội.
III. Tập Trung Dân chủ hay Độc Tài toàn trị
Nói cho rõ và dứt khoát thì chế độ chánh trị ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn là một chế độ độc tài toàn trị. Khi nói đó là một chế độ độc tài toàn trị thì người ta thường hình dung đến chế độ Hitler ở Đức hoặc Stalin ở Liên-Xô trước kia. Theo bà Hannah Arendt (Triết gia Mỹ gốc Đức chuyên nghiên cứu về nền tảng các chế độ độc tài toàn trị) thì chế độ "độc tài toàn trị" là một hệ thống hoàn toàn đặc biệt được khai triển trên sự biến thể những giai cấp xã hội trở thành những tập thể, biến cảnh sát trở thành trung tâm quyền lực và thiết lập một chánh sách đối ngoại nhằm công khai thống trị thế giới. Trong quá trình thực hiện, chế độ độc tài toàn trị nhằm triệt tiêu xã hội cũng như cá nhân. (3)
Nhưng chế độ Hà Nội hiện nay, cũng được gọi là chế độ độc tài toàn trị, lại không hoàn toàn giống chế độ Hitler hay chế độ Stalin bởi trong hai chế độ nầy, người ta thấy rõ Hitler và Stalin là hai người thật sự nắm quyền lực cai trị nước Đức và Liên Xô.
Ở Việt Nam, ai, cơ quan nào là đối tượng của những người đấu tranh đòi dân chủ? Nếu muốn lật đổ chế độ, hay muốn đối thoại thì nhắm vào ai? Trong vừa qua, để lật đổ chế độ độc tài ở Irak, Huê Kỳ và liên minh chỉ nhằm tấn công vào Saddam Hussein. Trong trường hợp Việt Nam ngày nay, chắc chắn người cộng sản cũng khó mà biết được ai, bộ phận nào trong đảng, gồm những ai, nắm quyền lực thật sự và nắm được đến mức độ nào?
Năm 1953, Hồ Chí Minh học bài học Trung Quốc (4) cho tiến hành cuộc thanh lọc nội bộ đảng đẩm máu bằng cải cách ruộng đất, rồi chỉnh đảng. Lúc bấy giờ, đảng Lao động (đảng Cộng sản đổi tên) gồm có lối 740.000 đảng viên. Số đảng viên bị khai trừ, cách chức, thủ tiêu, giết hại lên đến 40% vì bị qui vào thành phần phản động do địch cài lại. Riêng nông dân, trong cải cách ruộng đất, bị Hồ Chí Minh giết hại đến 500.000 người. Trong đó có không biết bao nhiêu người chịu oan ức, người yêu nước đã từng cống hiến tài sản, sanh mạng bản thân cho kháng chiến chống thực dân Pháp, ... Sửa sai và chỉnh huấn xong, vào cuối thập niên 50, một bộ máy quyền lực mới thật sự thành hình tập trung sức mạnh vào Ban tổ chức trung ương Đảng, đưa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chia nhau vai trò chi phối quyền lực Nhà Nước và đẩy ra bên lề vai trò lãnh tụ lịch sử của những người như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, ...
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xây dựng chế độ độc tài toàn trị theo kiểu hoàn toàn Hà Nội
Nguồn: easteatswest.typepad.com
--------------------------------------------------------------------------------
Lê Duẩn cả quyết đưa chiến tranh vào Nam và đã thôn tính được Miền Nam năm 1975. Năm 1973, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết 26 phủ nhận giá trị pháp lý của Hiệp Định Paris, xác định rõ mục tiêu vẫn trước sau như một là tiến chiếm miền Nam và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Chiến tranh dai dẳng chấm dứt đã tạo điều kiện thuận lợi cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xây dựng chế độ độc tài toàn trị theo kiểu hoàn toàn Hà Nội. Chế độ độc tài toàn trị nầy bắt đầu tiến hành phương thức thực hiện tập trung dân chủ, tức tập trung quyền lực, bằng cách tuần tự triệt tiêu tất cả các lãnh tụ đảng từ thời lập đảng, các đảng viên gia nhập đảng vì nhiệt tình yêu nước dấn thân tranh đấu giành độc lập dân tộc, đến vô hiệu hóa Nhà Nước, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Giải phóng, các Giáo hội, các Công đoàn, ... sử dụng các tổ chức này làm bình phong, trang trí cho đảng, vô hiệu hóa đảng, dùng bản thân đảng để bảo vệ và nâng cao uy quyền Ban Chấp hành trung ương, vô hiệu hóa Ban Chấp hành trung ương để bảo vệ Bộ Chánh trị, cuối cùng cũng vô hiệu hóa Bộ Chánh trị để chỉ còn lại Tổng bí thư và Ban thường vụ đảng.
Mặt khác, chế độ "độc tài toàn trị" dùng công an kiểm soát mọi người, mọi tổ chức, từ tổ chức quần chúng làm kiểng đến nội bộ đảng ở các cấp. Đồng thời, chính công an cũng được tổ chức phân tán thành nhiều bộ phận hoàn toàn ngăn cách và đan xen với nhau khiến người chỉ huy công an cũng khó mà nắm được toàn bộ guồng máy này. Cho nên trong chế độ toàn trị kiểu Hà Nội, bất cứ ai, từ người dân, lẽ dĩ nhiên, đến bản thân đảng viên công an, ... ở mọi cấp bực đều có thể, bất cứ lúc nào, bị loại trừ, bị thanh trừng, mà không làm sao biết được lý do và do ai quyết định. (5)
Để thấy rõ thứ quyền lực vô hình này, tưởng không gì bằng nhìn vào trường hợp tướng Võ Nguyên Giáp từ nhiều năm qua và đọc bức thư của ông gởi Bộ Chánh Trị đề ngày 03/01/2004 tại Hà Nội.
Tướng Giáp tố cáo Lê Đức Anh, lúc làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, đã cho lập Tổng Cục II An Ninh, trực thuộc Bộ Quốc Phòng, để củng cố quyền lực của mình và trù dập, đàn áp các phe cánh khác, trong đó tướng Giáp là mục tiêu chánh.
Theo tướng Giáp, Lê Đức Anh đã ngụy tạo hồ sơ "tình hình hoạt động bè phái trong đảng" (số 541 - Báo cáo của Bộ Chánh Trị tại Hội nghị TW-12 BCH khóa VI) để hãm hại tướng Giáp và một số đảng viên kỳ cựu, có thành tích chiến đấu cao mà không cùng phe cánh với Lê Đức Anh và Đỗ Mười đi theo Bắc Kinh. (6)
Bộ Chánh Trị là cơ quan quyền lực cao nhất vẫn bị Tổng Cục II cho đặt máy nghe lén suốt hơn mười năm. Thế mà từ đại hội VII đến đại hội X, vụ này vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp Nhà Nước xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được xử lý đúng mức. Trong lúc đó, ở một nước dân chủ bình thường, không xã hội chủ nghĩa, như nước Huê Kỳ, Tổng thống (T.T.) Nixon cho đặt máy nghe lén đối phương (đảng Dân Chủ) bị mất chức khi nội vụ đổ bể. T.T. Clinton dan díu với gái, bị thưa ra tòa, đã phải hầu tòa và thi hành phán quyết của tòa án. Tổng Thống pháp, ông Jacques Cirac, chỉ thời gian ngắn rời ghế tổng thống, đã phải trình diện trước Tòa án để trả lời về hồ sơ tiền bạc của Đản RPR của ông khi ông làm Thị Trưởng Paris . Ở Hà Nội, đảng viên các cấp tham nhũng, cướp giựt nhân dân giữa ban ngày chỉ bị xử lý nội bộ. Tức vô tội vạ để còn tiếp tục cướp giựt nữa . Đây là sự khác biệt rõ ràng giữa hai nền dân chủ, xã hội chủ nghĩa và không xã hội chủ nghĩa! Và chỉ trong một chế độ dân chủ không xã hội chủ nghĩa, mọi người mới được luật pháp bảo vệ về an toàn bản thân và tài sản. Người cộng sản không thấy được điều này phải chăng vì họ thiếu văn hóa chánh trị?
Chúng tôi nghĩ không phải họ thiếu vắng văn hóa chánh trị, mà đó là thiên chức của đảng cộng sản. Lý thuyết chỉ đạo cộng sản, theo Lenin, là “đảng ta dùng nói dối và bạo lực cướp chánh quyền và bằng mọi giá phải giữ chánh quyền cho đảng”. Khi nắm trọn chánh quyền, đảng ta lấy nhân dân làm đối tượng, cướp tất cả cái gì thuộc về sở hữu của nhân dân .
Đến tuổi già, bắt đầu lo sợ sẽ đến phiên mình, lần lượt sẽ là nạn nhân của thứ "bóng đêm" này, một số cựu công thần của chế độ Hà Nội như Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng, Phan Minh Tánh,Võ văn Kiệt, ... đã lên tiếng cảnh cáo, không sớm thay đổi, đảng sẽ mất quyền lãnh đạo. Mà thật thế, ngày nay do phải mở cửa ra bên ngoài, nhiều đảng viên đã nhận thức được những giá trị phổ quát về dân chủ, nhơn quyền là cần thiết để tổ chức xã hội, xây dựng đất nước phát triển, nên họ đã bắt đầu tranh đấu chống sự độc tài đảng trị ...
Song song với việc chỉnh đốn đảng theo cung cách đặc biệt “Hà Nội” này, lẽ dĩ nhiên, đảng Cộng sản Việt Nam phải kết nạp thêm đảng viên mới để thay thế những người đã lần lượt "ra đi". Và, cứ mỗi lần có một đợt kết nạp thì dân chúng tỏ vẻ vui mừng, bảo nhau "Thế là xã hội lại được sạch sẽ thêm một chút!".
Ở Việt Nam ngày nay, người ta khó mà biết ai thật sự nắm quyền ở Hà Nội. Và nắm quyền đến mức độ nào? Ai nắm công an? Ai nắm quân đội?
Nhà cầm quyền Hà Nội thường cho rằng chế độ của họ là chế độ "do dân vì dân" tức là chế độ dân chủ. Mà chế độ dân chủ thì quyền lực chánh trị là một hệ thống công khai hình thành do xã hội sáng tạo và thực hiện theo một qui trình được xã hội chấp thuận, ở nhiều mức độ khác nhau, bằng nhiều phương thức khác nhau. Đặc tánh của chánh quyền dân chủ là tính công khai và sự tín nhiệm của xã hội có giới hạn đuợc qui định thành văn .
Trái lại, ở Việt Nam, quyền lực tồn tại không cần những yếu tố tất yếu ấy, bởi nó được cấu kết trong bóng tối với những kẻ vô danh chuyên sử dụng bạo lực khủng bố, trù dập, thủ tiêu đồng chí, đồng đảng và mọi người khác ý kiến hoặc chống đối. Lập chánh phủ, bầu quốc hội, đại hội đảng, tất cả chỉ là những thứ hiện tượng do thứ quyền lực bóng tối ấy dựng lên để ẩn núp sau đó mà tồn tại và hoạt động. Ai cũng sợ hãi nó. Nhưng nó cũng nơm nớp một nỗi sợ hãi lớn: sợ hãi sự công khai, tức sợ hãi ánh sáng! Tuy nó nắm trong tay sự toàn trị xã hội mà vẫn sợ phải công khai xuất hiện. Như tòa án do nó giàn dựng lên mà vẫn thường né tránh những phiên xử công khai dưới ánh sáng công lý, thường chọn cách xử kín và kết thúc phiên xử nhanh chóng như tháo chạy.
Năm 1986, để tránh cho chế độ khỏi bị sụp đổ do sự khủng hoảng trầm trọng kéo dài từ cuối thập niên 70, Hà Nội đưa ra chánh sách "đổi mới ". Nhưng Hà Nội vẫn không thể "đổi mới" thật sự được vì nếu phải công khai hóa quyền lực, công bố tài chánh của đảng (thường bằng 1,5 đến 2 lần ngân sách chánh phủ), tài sản của đảng viên, nói thẳng, nói thật với mọi người và để mọi người phê phán về mình thì chẳng khác nào đảng tự treo cổ! Chế độ Hà Nội phải tồn tại cho đến hết quá trình xã hội chủ nghĩa của nó! Đó là thời điểm trước mắt! Để tồn tại, nó phải dựa trên thế đan xen của ba lực lượng: đảng, công an và quân đội. Nhưng phải hiểu "nó tồn tại" đó không phải là bản thân đảng, bản thân công an hay quân đội. Mà "nó" chỉ là hiện tượng quyền lực ẩn sâu trong đảng, trong công an, trong quân đội, trong Nhà Nước, như Đỗ Mười và Lê Đức Anh với đám đàn em cài sâu trong Bộ máy hiện nay, và tài sản quốc gia do đảng làm chủ và sử dụng.
Những người tranh đấu cho dân chủ ngày nay, kể cả những người cộng sản phải thấy đối tượng của mình không ở ngoài Việt Nam, không ở trong dân chúng, không ở trong những quân nhân, không ở trong những nhân sự công an, mà nó ở sâu trong các tổ chức này để giựt giây, điều khiển những tổ chức này theo chiều hướng quyền lợi riêng của nó.
Để làm cho chế độ "độc tài toàn trị" theo kiểu Hà Nội ngày nay sớm sụp đổ, tưởng không có cách nào tốt hơn, hữu hiệu hơn là lôi "NÓ" ra trước ánh sáng. Ánh sáng của thị trường, của thông tin, ngôn luận.
Không thể nói "dân chủ xã hội chủ nghĩa" là dân chủ được bởi, như ta thấy, chế độ xã hội chủ nghĩa thật sự chỉ là "chế độ độc tài toàn trị". Nó còn biến dạng dưới những hình thức khác như "dân chủ nhân dân", ... Còn "dân chủ đa nguyên" tuy không thuộc các hình thức dân chủ kia, nhưng nó không nói lên được nội dung dân chủ một cách hoàn chỉnh, có cơ sở. Nó chỉ đọng lại ở tầng gợi hình mà thôi.
Khi nói một chế độ dân chủ thì phải thấy trong đó người dân phải thật sự tự mình cai trị chính mình.
Vậy chỉ có dân chủ hoặc không có dân chủ mà thôi. Mà dân chủ thì chế độ sẽ tồn tại bền vững. Độc tài cộng sản thì chắc chắn sẽ theo con đường Liên Xô và Đông âu ở những năm 89 và 90. Đó là tất yếu lịch sử!
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:
(3) Hannah Arendt, "Nguồn gốc chế độ độc tài toàn trị" (Les origines du totalitarisme) Paris, 1972.
(4) Trần Lực, "Những bài học về kinh nghiệm Trung Quốc", Hà Nội, 1952.
Pierre BROCHENX, Hồ Chí Minh, du revolutionnaire à l`icône Paris 2003
(5) Xem Diễn Đàn, số 18, tháng 4/ 1998, Paris.
(6) Về vụ tướng Giáp, xem bức thư của Giáp gởi Bộ Chánh Trị và bản báo cáo của BCT tại Hội nghị TW-12 BCH khóa VI.
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3597
Friday, July 13, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment