Việt Nam Đúng và Sai
BS. Nguyễn Đan Quế
LGT: Nhân dịp Chủ tịch Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm viếng Hoa Kỳ, tờ báo uy tín hàng đầu về kinh tế tài chánh trên thế giới là The Wall Street Journal đã đăng một bài của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, trên trang 21, chuyên về Bình luận và Quan điểm (Editorial & Opinion) trong số phát hành đề ngày Thứ Tư 20 tháng 6, 2007, nhan đề: “Vietnamese Rights and Wrongs...” (Việt Nam đúng và Sai...). Sau đây là bản dịch toàn thể bài báo từ nguyên văn Anh ngữ trên WSJ, do Đinh Từ Thức chuyển ngữ.
CHỢ LỚN, Việt Nam – Khi Tổng thống George W. Bush tiếp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Bạch Ốc vào ngày Thứ Sáu, đó là lần đầu tiên một Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Cộng sản viếng thăm Tổng thống một nước cựu thù là Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ này có thể đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Một dân tộc cần cù và vốn di sản văn hóa đã tạo Việt Nam thành một xứ sở phong phú về tài nguyên thiên nhiên và nhân lực. Nhưng từ quá lâu, một chế độ độc tài đã làm Việt Nam dậm chân tại chỗ dù với những tiềm năng lớn lao vì chính sách đàn áp các tự do và nhân quyền căn bản. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ, hàng triệu người đã bị đi tù cải tạo, và hàng triệu người khác đã bỏ nước ra đi. Việt Nam chỉ còn lại một chế độ mị dân từ miền Bắc. Chế độ này đã vận dụng khủng bố và lừa bịp vào việc tập thể hóa nông nghiệp, tịch thu tài sản, cấm đoán tư doanh, độc quyền các hoạt động văn hóa giáo dục, qua nhiều hình thức đàn áp do chính quyền và đảng chủ trương. Kinh tế quốc gia bị ngưng trệ.
May mắn là nhiều người dân miền Nam, với một chút vốn liếng còn sót lại từ thời kinh tế thị trường cũ, và hàng triệu đô la do người Việt hải ngoại gửi về, đã đứng lên chống lại áp bức. Những người dân thường này đã kiên quyết và theo đường lối bất bạo động, đòi cởi mở về kinh tế và nới rộng tự do xã hội. Phản đối lan rộng, tới cả miền Bắc, vào lúc chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu sụp đổ tại Đông Âu.
Hậu quả là nhà cầm quyền quyết định thử áp dụng chủ nghĩa tư bản vào năm 1986, và Hà Nội tìm tới kẻ thù cũ là Hoa Kỳ để xin giúp đỡ. Hà Nội và Washington thiết lập liên lạc ngoại giao vào năm 1995, và ký thương ước song phương năm 2001, điều này đã cứu vãn nền kinh tế Việt Nam giống như đại hạn gặp mưa rào. Vào đầu năm 2007, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bằng cách cho Việt Nam hưởng quy chế trao đổi thương mai bình thường vĩnh viễn (PNTR). Washington còn rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo, dựa vào việc Hà Nội cam kết sẽ cải tiến về nhân quyền và chấp nhận cởi mở về chính trị.
Nhưng trái với mong đợi của nhiều người và một số quốc gia, Hà Nội đã phát động một chiến dịch đàn áp thô bạo đối với bất cứ ai đòi nhân quyền và dân chủ. Trong số những nạn nhân gồm có: Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý đã bị bịt miệng trước tòa và bị xử tám năm tù; Bác sĩ Lê Nguyên Sang bị 5 năm tù; nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo bị ba năm; các luật sư Nguyễn Văn Đài và Trần Quốc Hiền mỗi người bị 5 năm; các luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Bắc Truyền mỗi người bị bốn năm. Tất cả những người này chắc chắn sẽ còn bị thêm nhiều năm quản thúc tại gia, sau khi ra khỏi nhà tù. Trong khi ấy, kết quả bầu cử Quốc hội ngày 20 tháng 5 đã cho Đảng Cộng sản thắng với tỉ lệ 91%, là một thực tế làm tan biến mọi hy vọng nhỏ nhoi của những ai mơ tưởng vào một chế độ đa đảng trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
Bây giờ, với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có những quyền lợi mới, nhưng đồng thời, cũng có những trách nhiệm mới, trước hết là đối với nhân dân của mình. Đã tới lúc phải thoát ra khỏi thời đại tăm tối để đón lấy tự do, cai trị theo luật pháp và tôn trọng các giá trị nhân quyền phổ quát. Bộ Chính trị cần phải ý thức rằng 65% dân chúng thuộc lớp tuổi hậu chiến, họ sẽ không chịu mất tự do và thế hệ trẻ, nếu không bị đàn áp, sẽ tham gia xây dựng kinh tế và đất nước. Nếu Bộ Chính trị tiếp tục từ chối đòi hỏi của người dân, họ sẽ thấy ngoại quốc không còn hăng hái đầu tư – và người Việt hải ngoại cũng chẳng muốn. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng không ổn định sẽ bị nguy nan, và có thể khơi mào bất ổn xã hội. Đó là điều chẳng có lợi cho ai.
Phong trào thay đổi đang diễn ra. Mặc dầu bị Đảng Cộng sản đàn áp, phong trào dân chủ đã tạo được những bước nhảy vọt trong năm 2006. Khối 8406, một nhóm dân chủ đã được thành lập, cùng với sự xuất hiện của một số đảng mới, như Đảng Dân Chủ, Đảng Thăng Tiến. Cũng đã xuất hiện các nhóm nhân quyền, như Ủy Ban Nhân Quyền, Công Đoàn Độc Lập, Tổ chức Công Nông Đoàn Kết. Cơ sở truyền thông được thành lập, như các tờ báo mạng Tự do Ngôn luận và Dân chủ Cấp tiến. Trên hết, là một số đông người đã họp lại thành Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức bao trùm các nhóm vận động nhân quyền.
Kết quả vẫn còn giới hạn, vì các nhóm này buộc phải hạn chế sự liên lạc với nhau bằng phương tiện duy nhất là internet để vận động quần chúng. Đòi hỏi của họ chỉ dản dị là những quyền căn bản và những cải tổ về chính trị theo như quy định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị.
Hoa Kỳ nên khuyến khích cuộc cách mạng xã hội này, theo đuổi lại những mục tiêu Hoa Kỳ đã can dự vào hồi thập niên 60 và đầu 70, khi ba triệu quân nhân Mỹ đã phục vụ, với 58 ngàn người đã hy sinh cùng 300 ngàn bị thương, trong một cuộc chiến vì độc lập và dân chủ của [Nam] Việt Nam. Tổng thống Bush đã nhận thức được hiệu qủa của áp lực chính trị. Gần đây, ông đã tiếp tại phòng Bầu Dục bốn nhà vận động dân chủ Mỹ gốc Việt, cử chỉ này đã gửi một thông điệp rõ ràng cho Hà Nội. Ông đã tiếp theo bằng bài nói truyện trước Hội nghị Dân chủ Toàn cầu tại Prague; dịp này, ông công khai bầy tỏ sự ủng hộ các nhà vận động dân chủ tại Việt Nam, cũng như tại các nước khác, và kêu gọi phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị. Vài ngày sau đó, Hà Nội đáp ứng bằng cách thả nhà báo Nguyễn Vũ Bình, và mấy ngày sau nữa, thả luật sư Lê Quốc Quân.
Nhưng thả vài nhà bất đồng chính kiến chưa phản ảnh một sự cam kết nghiêm chỉnh về việc cải tổ. Cũng như các nhà vận động khác, tôi hy vọng là sẽ được nhìn thấy nhiều kết quả khích lệ hơn từ cuộc đón tiếp của ông Bush dành cho nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi lộc hơn, khi người dân được tự do hơn, đặc biệt là tự do ngôn luận và tự do lập hội. Đã đến lúc Hà Nội phải có ngay, không thể trì hoãn, một lịch trình cho việc dân chủ hóa Việt Nam.
Hoa Kỳ có thế về kinh tế và chính trị để giúp cho việc hoàn thành các mục tiêu này, vì nói cho cùng, Hà Nội cần Washington hơn Washington cần Hà Nội. Di sản tốt đẹp nhất của chiến tranh đối với cả hai dân tộc sẽ là sự xuất hiện của một xã hội dân chủ sinh động; một xã hội phản ảnh khát vọng của dân tộc Việt Nam, và là một xã hội đóng vai trò tích cực ở Á Châu như là một đồng minh chiến lược và kinh tế của Hoa Kỳ. Lúc đó, thế giới sẽ chứng kiến một nước Viêt Nam mới như là một thành viên năng động của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á (ASEAN) và là một đối tác đáng tin cẩn trên trường quốc tế.
Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế hiện trong tình trạng bị canh giữ tại gia ở Chợ Lớn vì đã ôn hòa vận động nhân quyền và dân chủ.
***
Xin bấm vào đây để xem nguyên văn bài tiếng Anh đính kèm.
http://www.vietnamexodus.org/vne/modules.php?name=News&file=article&sid=2032
Wednesday, June 20, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment