Friday, June 15, 2007

Vụ kiện chất da cam: Có thắng được không?

Vụ kiện chất da cam: Có thắng được không?
Tạ Văn Tài
Luật sư từ Hoa Kỳ

Câu hỏi đầu tiên cần xem xét là vì sao các nguyên đơn Việt Nam đã thua vụ kiện chất Da Cam trước Tòa án Mỹ ?


Chánh án Weinstein
Ta chỉ việc phân tích bản án 233 trang (vụ số 04-CV-400) ngày 10 tháng 3, 2005 của Chánh án Weinstein của Tòa án Liên Bang ở New York thì thấy lý do các nguyên đơn Việt Nam thất kiện: Các luật sư Mỹ của họ đã làm hại các nguyên đơn, vì đã làm trật lất trong việc viện dẫn các căn bản pháp lý của việc kiện và trong việc đưa ra bằng chứng quá sơ sài, mặc dù Chánh Án đã cho nguyên đơn 6 tháng từ ngày 9 tháng 2,2004 để đệ nạp bằng chứng.

A. Luật sư nguyên đơn đã dựa vào nhiều căn bản pháp lý không có cơ hội thành công, vì trái luật quốc nội và luật quốc tế, và không có sức thuyết phục.

1) Trái luật quốc nội Mỹ, vì các bản án tiền lệ về các vụ kiện của cựu chiến binh Mỹ, trước vụ Việt Nam, kiện các hãng sản xuất chất da cam, như Dow Chemical , Monsanto v.v. đã thua khi đưa ra luận cứ là theo luật quốc nội, các hãng này phải chịu trách nhiệm về các sự tác hại của các chất hoá học rải trên chiến trường, mà họ sản xuất, theo luật product liability (trách nhiệm về sản phẩm gây tai hại), vì Tòa án Liên bang trong các vụ tiền lệ đó đã nói là theo nguyên tắc vô trách nhiệm của nhà thầu chính phủ (‘chính phủ biểu chúng tôi làm gì thì chúng tôi làm thế, giao hàng hóa như thế ‘) cho nên họ được miễn trách. Luật sư Mỹ trong vụ Việt Nam lại dùng lại lý luận trên của các cựu chiến binh Mỹ đã thua trên căn bản này.

2) Trái luật quốc tế, hay đúng hơn là trái một phần luật quốc tế.

Trước hết, phải nói là Chánh Án Weinstein của Tòa Án Liên Bang NY đã mở ra một chân trời hy vọng cho các nguyên đơn Việt Nam bằng cách nói rõ là Tòa Án Liên Bang Mỹ làm việc trong vụ kiện quốc tế này như một Tòa Án quốc tế (International Court) để xét xử về nhân quyền của các nạn nhân; và do đó không bị ràng buộc bởi nguyên tắc luật quốc nội Mỹ về sự vô trách nhiệm của nhà thầu, mà có thể xét trách nhiệm trực tiếp của các nhà sản xuất các hóa chất, kể cả chất Da Cam, chiếu theo luật Alien Tort Act của Mỹ đã có từ những năm đầu lập quốc Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, công nhận cho người ngọai quốc được kiện các bị đơn ở Mỹ đã vi phạm dân quyền ở ngọai quốc. (mở dấu ngoặc nói về việc khác: Hiện nay, Bộ Ngọai Giao Mỹ có phỏng vấn một số nạn nhân Việt Nam hiện ở Mỹ đã bị hành hạ trong các trại tù học tập cải tạo bởi một số bạn đồng tù được cất nhắc làm cán bộ hay làm tình báo cho cán bộ trong trại cải tạo mà hiện nay có mặt ở Mỹ. Tôi có bạn là Giáo sư HXH bị hành hạ ở trại Hà Nam Ninh được phỏng vấn, nhưng yêu cầu Bộ Ngọai Giao Mỹ bỏ qua không kiện, vì ông ấy đã tu theo Đạo Phật nên muốn hỉ xả, tha thứ hết).

Trở lại vấn đề các nhà sản xuất hóa chất khai quang bị coi là vi phạm nhân quyền khi sản xuất các chất khai quang đem rải ở Việt nam, làm hại cho dân Việt Nam - Nếu có đủ bằng chứng là có liên hệ nhân quả giữa sản phẩm thuốc khai quang rải hay phun và các bệnh tật của người dân trong các khu vực rải thuốc đó (sẽ bàn ở phần sau về điều kiện dẫn chứng liên hệ nhân quả phải có này, thì mới thắng kiện, điều kiện mà các luật sư Mỹ trong vụ kiện của người Việt Nam đã không làm tròn bổn phận).

Luật sư Mỹ đưa ra một lọat các tội danh khác, dựa trên những luật quốc tế khác, để quy trách nhiệm cho các hãng hóa chất Mỹ, tất cả đều đã bị Tòa Án New York bác bỏ. Đó là các tội danh như: Tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống nhân lọai, tra tấn, hành hung, cố ý hay bất cẩn gây thống khổ tinh thần, bất cẩn gây tử vong, làm giầu bất chính và làm tổn hại môi trường.

Một phái đòan nguyên đơn Việt nam có đến Harvard thuyết trình, gồm có giáo sư Đại học Hà Nội Phan Thị Phi Phi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Quý và một vài luật sư của họ. Tôi có hỏi và góp ý kiện là không nên đưa ra lời cáo buộc về tội ác chiến tranh. Tòa án đã bác luận cứ các tội danh này, quá rộng lớn, chẳng khác gì lấy súng săn có đạn bắn tỏa ra nhiều viên đạn để bắn một con ruồi, thật là vô ích. Tòa án cũng nói là một số các luật lệ dao to búa lớn nói trên chỉ áp dụng cho các quốc gia, chứ không áp dụnh cho các công ty tư nhân.

B. Luật sư Mỹ của nguyên đơn Việt Nam đã không dẫn chứng liên hệ nhân quả dùng để thuyết phục Tòa án.

Chánh án Weinstein có nói như vậy, vì ông cho là bằng chứng về sự liên hệ nhân quả phải có từ một số lớn các dữ kiện nghiên cứu khoa học về bệnh lý và dịch tễ, vì việc khai quang diễn tiến trên một số diện tích rất lớn và động chạm đến số dân cư rất đông mà nguyên đơn nói là 4 triệu người. Ông nói là nồng độ của chất độc dioxin trong chất khai quang agent orange quá nhỏ, vì thế thuốc khai quang là thuốc diệt cỏ, chứ không phải là thuốc độc. Và Ông Chánh Án nói là nguyên đơn nói quá ngắn gọn, không đủ chứng minh liên hệ nhân quả là: thuốc nào của hãng Dow Chemical đã tác hại đến mấy người nguyên đơn, tức là 25 người gồm các trẻ em và cha mẹ, giám hộ của họ ở Miền Bắc Việt Nam.

Lẽ ra luật sư của các nguyên đơn phải đưa ra hàng lọat các dữ kiện nghiên cứu khoa học của nhiều vùng trên lãnh thổ Miền Nam Việt nam có rải chất khai quang


Nếu để cho thua luôn thì sẽ có ảnh hưởng
xấu khi xin viện trợ nhân đạo
Lẽ ra luật sư của các nguyên đơn phải đưa ra hàng lọat các dữ kiện nghiên cứu khoa học của nhiều vùng trên lãnh thổ Miền Nam Việt nam có rải chất khai quang, tức là có các đường bay của phi cơ đi qua, và các con số bệnh nhân có thể gán ghép cho chất Da Cam trong các vùng đất đó ở Miền Nam Việt Nam. Tức là phải theo phương pháp sinh học mới, là thống kê hàng lọat các dữ kiện A (các đường bay khai quang) đi liền với các dữ kiện B ( số bệnh tật) và chứng minh là có liên hệ thống kê giữa các dữ kiện ấy thì mới chứng minh được liên hệ nhân quả giữa chất khai quang và bệnh tật. Đằng này các luật sư nguyên đơn chỉ tập trung vào một vài người ở Miền Bắc Việt nam, có đi Nam đánh trận, và chỉ có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa là người ở trong Miền Nam.

Tôi có hỏi phái đòan thuyết trình ở Havard tại sao không đem cả những người Miền Nam Việt Nam vào vụ kiện, kể cả những người hiện đang định cư ở Mỹ và có thể đang là công dân Mỹ, họ cũng sống ở những vùng khai quang và họ có thể to mồm trong dư luận Mỹ để giúp vụ kiện tập thể nhân danh toàn thể số dân chúng nạn nhân này , thì phái đòan không trả lời được. Việc ích kỷ chỉ nghĩ đến các nguyên đơn gốc từ Bắc Việt nam mà quên đại đa số các nạn nhân ở Miền Nam Việt Nam, nơi rải chất khai quang, là một lầm lẫn, nhưng Chánh án Weinstein cũng còn rộng lượng nói rằng ông không bác bỏ Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin Viet Nam—lập tại Miền Bắc, và Hội chỉ để ý đến các nạn nhân đi đánh trận ở Miền Nam rồi về Bắc -- ra ngọai vụ, mặc dầu các hãng bị đơn đòi như vậy.

Tôi cũng hỏi có muốn giúp ý kiến thì tôi sẵn sàng, nhưng luật sư Mỹ không nói gì. Bởi vì tôi có biết một chuyện có thể khiến cho luật sư của nguyên đơn Việt Nam không thể đưa ra bằng chứng hàng lọat (massive evidence) về các đường bay khai quang ở các vùng lãnh thổ ở Miền Nam Việt Nam và các số bệnh nhân trong các vùng đó : đó là họ không biết đến các bản đồ các đường bay (flight paths) của các máy bay khai quang và tổng số các bệnh nhân tại các vùng khai quang mà tôi đã đựợc đọc thấy tại nhà bác sĩ Hòang Đình Cầu, nguyên thứ trưởng Y tế và Khoa Trưởng Đại Hoc Y Khoa, mấy năm trước khi ông qua đời. Vì Ông là anh rể họ, Ông tâm sự với tôi và cho tôi xem những cuốn sách rất dầy như những cuốn tự vị về các đường bay, và nói rằng đây là bản sao ông còn giữ, còn bản chính thì đã trao cho người kế quyền của ông trong chức vụ Chủ tịch Ủy Ban 1080 của Việt Nam chuyên về chất Da Cam, là bác sĩ Lê Cao Đại, cựu sinh viên của ông. Tôi nhớ là có mời bác sĩ Lê Cao Đại đến nhà tôi ở gần trường Harvard dùng cơm trưa khi ông có việc qua thăm Mỹ, nhưng hồi đó tôi chưa được bác sĩ Cầu kể chuyện về sổ sách đường bay nên dịp đó đã không hỏi bác sĩ Đại.

Viện trợ nhân đạo?

Tôi nghĩ việc kiện tụng ở Tòa án chống các công ty tư nhân thì đã đâm lao phải theo lao, vì nếu để cho thua luôn thì sẽ có ảnh hưởng xấu khi xin viện trợ nhân đạo, vì cái lý lẽ để mặc cả yếu hẳn đi.

Còn liệu có cơ may có thể thắng hay không thì tùy thuộc ở việc tranh đấu kiên trì ở tòa Kháng Cáo, Tòa ấy có thể bắt Tòa Liên Bang ở dưới xử lại. Như chính ông Chánh Án Weinstein có nói là, nếu xử lại khi Tòa Kháng án bác phán quyết của Ông, thì Ông sẽ chú tâm xét kỹ đến các dữ kiện khoa học nêu ra liên hệ nhân quả giữa khai quang và bệnh tật, và ông chưa bác bỏ những liên hệ nhân quả đó, vì còn quá sớm. Các luật sư nguyên đơn phải ráng tìm lại các bản đồ các đường bay và các dữ kiện thống kê bệnh tật ở các vùng rộng lớn ở Miền Nam Việt nam, chứ không thể nói sơ sài như trong phiên Tòa trước đây và chỉ nói đến các người Việt ở Miền Bắc.

Do đó, việc xin viện trợ nhân đạo, tức là xin chính quyền Mỹ và nhân dân Mỹ, thì nên tiến hành song song với việc kiện công ty tư nhân, vì nhỡ ra các công ty tư nhân tuyên bố phá sản thì việc kiện là công “dã tràng se cát Biển Đông”. Việc chính phủ Bush đã giúp Việt Nam về việc đối phó với bệnh SARS, bệnh AIDS, là một bằng chứng cho thấy viện trợ nhân đạo vẫn có thể có.

Việc vận động xin viện trợ nhân đạo cũng là ý kiến của bác sĩ Hòang Đình Cầu khi trả lời câu hỏi của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt hồi đó hỏi ý kiến có nên kiện hay không, khi có một phái đòan Mỹ có luật sư đi kèm con ông Đô Đốc Zumwalt sang Việt Nam xúi kiên tụng, thì bác sĩ Cầu nói nên dùng đường lối thương lượng xin viện trợ nhân đạo. Viện trợ này có thể giúp vào việc ủng hộ tài chánh và cộng tác trong các cuộc nghiên cứu khoa học về nhân quả trong nhiều vùng rộng lớn của đất nước Việt Nam có rải chất khai quang và có bệnh tật nhiều; và cũng có thể tiến tới vấn đề chữa trị dài hạn cho các nạn nhân ở Miền Nam Việt Nam là những người bạn cũ của Mỹ, ở Miền Bắc là những người bạn mới của Mỹ. Không nên kỳ thị người Miền Nam trong vấn đề viện trợ nhân đạo này, như đã xẩy ra trong một vài việc làm khó khi thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũ nhận viện trợ xe lăn phải đóng thuế, mà báo Nhật Bản đã nêu ra cách nay vài năm.

Nạn nhân Da Cam, với những hiện tượng bệnh tật có thật và rõ rệt tận mắt, mà ai trông thấy cũng phải mủi lòng, chắc chắn sẽ làm cho lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ trổi dậy và họ sẽ viện trợ nhân đạo nhưng với điều kiện đừng nói đến “Tội ác chiến tranh”, chỉ làm cho dân Mỹ quay nhìn đi chỗ khác.

Luật sư Tạ Văn Tài là Tiến sĩ chính trị học, Đại học Virginia; Thạc sĩ luật học, Đại học Harvard; nguyên Giáo sư các trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Quốc gia Hành chánh, Vạn Hạnh, Chiến tranh Chính trị và Cao đẳng Quốc phòng, Việt Nam; nguyên Giảng sư và Phụ khảo nghiên cứu, Đại học luật khoa Harvard.
Bài thể hiện quan điểm và đánh giá của tác giả, đề cập đến những diễn biến xảy ra trước tháng 6.2007 xung quanh việc Việt Nam theo đuổi vụ kiện chất da cam. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk

http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4129

No comments: