Saturday, June 16, 2007

Những giá trị cổ truyền Việt Nam và đời sống mới

(Diễn từ đọc ngày văn hóa 1996 của Hội dược sĩ VN)

Những giá trị cổ truyền Việt Nam và đời sống mới
Xã hội chuyên chế và xã hội tự do


Khác với loài vật, trong cuộc sống, con người không chỉ hành động theo bản năng mà theo suy luận, đặc biệt theo giá trị đặt cho đối tượng, thông thường là những giá trị vật chất như tiền tài, giá cả, lợi lộc, nhưng ở mức độ cao hơn tuy vô thức hơn là những giá trị tinh thần gồm dưới trướng “chân, thiện, mỹ”. Thiếu giá trị tinh thần, dưới hình thức này hay hình thức khác, như một chất keo gắn bó con người lại với nhau, không xã hội nào có thể tồn tại và tiến triển. Tùy thời tùy cảnh, mỗi xã hội dựng lên hay lựa chọn một bức thang giá trị làm tiêu chuẩn cho mọi thành phần. Những giá trị được chấp nhận không những phải có tác dụng đảm bảo sự trường tồn của mô hình xã hội liên quan, chúng còn phải thích hợp với nguyện vọng của các thành phần, nếu không trước sau chúng cũng bị gạt bỏ và thay thế.


Ðược phổ biến tại Việt Nam trong hàng thế kỷ, các giá trị Khổng giáo đượm chút Phật giáo và Lão giáo đã trở thành truyền thống, thâm nhập vào sự suy nghĩ, lối sống và cách cư xử của dân Việt. Cho nên sự tiếp xúc với xã hội và các giá trị Tây phương, có những thành quả tốt đẹp nên có nhiều mãnh lực hơn, không khỏi đưa đến nhiều sự kiểm thảo và đặt vấn đề đau đớn dai dẳng từ một thế kỷ nay. Dù muốn hay không, nhu cầu tiến thủ theo kịp người ép buộc dân Việt Nam đón nhận nền văn hóa kỹ thuật Tây phương tức những khái niệm Âu Mỹ kèm theo nó. Ðã đành là những thành tựu về mặt tinh thần hay vật chất của bất cứ dân tộc nào là thành tựu chung của nhân loại và tiếp thu chúng là điều đương nhiên cần thiết cho sự cải tiến một xã hội chậm tiến hơn, sự bắt buộc phải thay đổi nhân sinh quan để tiếp thu những tư tưởng ngoại lai khó tiêu hóa gây ra trong lòng cá nhân‚ gia đình và xã hội Việt Nam nhiều mâu thuẫn xung đột.


Trong những người muốn duy trì giá trị cổ truyền như bảo vật của dân tộc Việt Nam, chống lại ảnh hưởng làm tan rã xã hội của giá trị ngoại xâm , có mấy ai ý thức rằng 5-6 thế kỷ trước những giá trị cổ truyền ấy cũng là một mớ tư tưởng xa lạ của quân địch, được triều đình Việt Nam du nhập để áp đặt một chính thể chuyên chế có hiệu nghiệm củng cố vương quyền. Với thời gian, trừ một vài tục lệ địa phương, ý hệ Khổng giáo đã xóa nhòa hầu hết văn hóa thủy tổ và độc tôn trở thành quốc túy. Theo vậy thì nếu được tiếp nhận toàn diện trong 1, 2 thế kỷ không gián đọan, biết đâu mẫu mực Tây phương rồi cũng sẽ biến thành giá trị truyền thống được con cháu chúng ta khư khư ôm giữ. Cho nên tính cũ mới của những giá trị đang tranh giành ảnh hưởng trong cộng đồng Việt Nam không quan trọng. Vấn đề là tác động của chúng trên tiền đồ đất nước.


Ngày nay, không ai có thể nói đến mở mang kinh tế xã hội mà không kể đến một cơ chế dân chủ trong đó nhân quyền tức hạnh phúc cá nhân phải được tôn trọng. Ðó là những khái niệm được truyền bá từ thế kỷ 18 bên Tây phương, đi đôi với những giá trị căn bản như tự do, bình đẳng và bác ai. Những giá trị này hoàn toàn đối nghịch với chế độ độc đoán quân chủ hoặc cộng sản.


Không đối nghịch sao được khi nho giáo và cộng sản chính thống đều bảo vệ xã hội đẳng cấp phân minh, ràng buộc con người vào những mối trên-dưới hơn-kém dưới sự đe dọa của khổ hình. Ðạo đức tam cương hay đấu tranh giai cấp đều là phương thức cứng hóa và định chế những quan hệ và sai biệt bình thường (vợ/chồng, cha/con, vua/tôi hay công/tư, tầng/lớp, giàu/nghèo) để tiện bề thống trị. Cả hai chế độ đều không cho cá tính nở nang, bóp nghẹt tình người nhân danh lễ nghĩa hay cách mạng. Trong xã hội khống chế kiểu xưa hay nay, chỉ những đức tính khiến con người thụ động và phục tùng được đề cao, ngay những đức tính có thiên hướng chủ động như hiếu đễ trung tín thực ra biện minh cho hành vi rụt rè sợ sệt. Con người không được sống cho mình mà cho gia đình hay tập thể, và các luật lệ giáo điều chung qui có mục đích ngăn cản sự trổi dậy của cá nhân, rất chi nguy hiểm cho trật tự hiện hữu. Sự kiềm chế cá nhân ở đây không ăn nhập gì đến sự nhân nhượng tất yếu của tư lợi đối với công lợi như thường có sự ngộ nhận, vì tập thể đây không phải là toàn xã hội hay đất nước mà là một tập đoàn (gia tộc hoặc đảng phái) đặt quyền lợi riêng của mình trên hết nhưng tự bào chữa bằng cách đồng nhất quyền lợi riêng này với quyền lợi chung.


Sự tương đồng giữa thể chế nho giáo và cộng sản có được các tác giả Hà Nội nhận thấy, nhưng vì ngoan cố hay nhút nhát họ không rút ra kết luận rằng bản chất của chế độ cộng sản là độc quyền độc đoán mà cho rằng tính chuyên chế của chế độ do sự nhập thân của nho giáo mà ra, rồi họ đòi gạn bỏ những tiêu cực nho giáo trong chế độ để tiến tới xã hội chủ nghĩa dân chủ, một quái thai mới nặn từ óc trí thức cộng sản. Nhưng đồng thời, rập theo phong trào phục hưng Khổng giáo do Trung Quốc khởi xướng từ 1978 với sự hưởng ứng nồng nhiệt của Tân Gia Ba và Mã Lai, mà cao điểm là hội nghị quốc tế về Khổng học tại Khúc Phụ (Sơn Ðông) năm 1987, họ cũng đề nghị phát huy những điểm tích cực trong nho giáo. Ðó là các giá trị ham học, chịu đựng, hy sinh, kính nhường, chầng cần giải thích ai cũng hiểu là những đức tính có lợi ích hỗ trợ chính sách hiện đại hóa trong ổn định của đám nhà cầm quyền độc tài.


Tính phức tạp của sự việc trong mọi ngành nghề dựa trên công nghệ tân tiến đòi hỏi nơi mỗi người một trình độ hiểu biết ngày càng cao rộng. Cho nên khắp nơi việc giáo dục được đặc biệt lưu ý đến, học vấn được cổ võ chẳng cứ gì tại các nước từng chịu ảnh hưởng Khổng giáo, tuy tại những nước này sự học hỏi có vẻ được hưởng ứng mạnh hơn. Khổng Tử và các nho gia vẫn biểu dương cái học thật đó nhưng cái học đây là học đạo lý qua vài bộ kinh điển được các sĩ tử nhai đi nhai lại từ thế hệ này qua thế hệ khác kiểu như tu sĩ tụng Thánh kinh. Vì trong xã hội nho giáo nông nghiệp, con đường tiến thủ và cải thiện đời sống duy nhất là con đường quan hoạn qua thi cử, quen quan niệm cũ, dân chúng thuộc các quốc gia từng chịu ảnh hưởng nho giáo sẵn sàng đầu tư cho con em ăn học đến nơi đến chốn nhiều hơn ở nước khác. Nhưng ngày nay, cái học được quý trọng không còn là cái học để ăn trên ngồi trốc mà để trau dồi kiến thức, để cải thiện không những đời sống cá nhân mà cả đời sống chung với nhân loại.


Qua sách vở và các phương tiện truyền thông, cùng với kiến thức và văn hóa Tây phương, dân Việt Nam dần dà bị tiêm nhiễm bởi nếp sống và tư tưởng Âu Mỹ. Mặc cho sự kiềm chế của Nhà nước hay của dư luận hoài cổ, những khái niệm về tự do, dân chủ, tình yêu, bình đẳng v.v. đánh bạt dần những giá trị truyền thống đối nghịch. Nhưng hấp thụ tư tưởng mới không có nghĩa là mất gốc nếu hiểu đấy là một hiện tượng tiến hóa liên tục. Vả lại thực ra các giá trị mới cũ xưa nay vẫn tồn tại cùng nhau, nhưng tùy thời thế giá trị này bị khinh khi hay được trọng, bị hạn chế hay phát huy hơn giá trị kia. Thay đổi giá trị chung qui chỉ là định vị lại chúng trên một giai tầng mới. Ví như khái niệm tự do mà nhiều người cho là hoàn toàn xa lạ đối với văn hóa Á Châu thực ra có từ đời Hán, nguyên để chỉ sự vẫy vùng của chim muông, vậy có nghĩa là đồng thời với Khổng giáo, con người đã có ý niệm về tự do như một sự thỏa chí sung sướng, nhưng vì thể chế không cho phép phát triển tư tưởng này, họ phải giới hạn nó trong một thứ tự do nội tại của kẻ thoát tục.


Trào lưu hiện đại hóa tức dân chủ hóa đất nước còn vấp phải nhiều trở ngại do sức cưỡng lại của Nhà nước chuyên chế nhưng nó vẫn mạnh tiến vì nó đáp ứng nguyện vọng tự do hạnh phúc của toàn dân. Trong xã hội Việt Nam tự do dựa trên khoa học thực nghiệm tương lai, những đức tính hướng về lý trí và động lực sẽ chiếm ưu thế, nhưng không phải vì vậy mà không có chỗ cho các giá trị cổ truyền. Ngược lại, những giá trị ngàn năm thiên về tình cảm và hòa thuận như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín sẽ càng thêm cần thiết để xoa dịu những hậu quả mặt trái của tình trạng cạnh tranh dính liền với tự do. Nhưng muốn hữu hiệu, các giá trị cần được tìm hiểu và xét lại không ngừng để tiếp tục tái sinh hầu giúp cho xã hội cải tiến và phát triển êm ả.

Retour à DPN

No comments: