Tự cùng nhau mở các Tiểu Diên Hồng
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi đến BBC từ Đà Lạt
Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và nhà thơ Hữu Loan trong hình chụp năm 2005
Một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do. Tại sao không?
Bằng nhiều cách, các nhà nước liên quan đến cuộc chiến Việt Nam trước đây đã cố gắng quên đi hoặc vượt qua cuộc chiến này để hướng tới tương lai. Mỹ và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao hơn 10 năm nay. Việt Nam đã đón tiếp hai Tổng thống Mỹ Clinton và Bush.
Hai năm trước, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và bây giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Mỹ. Trung Quốc từ khi “môi hở răng lạnh” và “dạy cho Việt Nam một bài học” không lấy gì làm hay ho bằng cuộc chiến biên giới năm 1979 cũng đã xây dựng lại tình “láng giềng hữu nghị”. Các nước đồng minh khác của Mỹ trước đây đều đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam.
Cho dù bên dưới những điều này là toan tính hay âm mưu thủ đoạn gì ở một số đối tượng nhưng trên bề mặt rõ ràng là một hiện tượng đáng mừng vì các quốc gia cựu thù đã xoá bỏ được các ngăn cách, định kiến và mặc cảm của quá khứ chiến tranh để cùng sống chung trong một thế giới hội nhập và hướng tới hoà bình. Nếu không có gì đột biến và mối quan hệ này trở nên tốt đẹp, bền vững, không thể đảo ngược thì đó chính là hạnh phúc cho Việt Nam và các nước đã có thời là kẻ thù.
Về phương diện cá nhân, sự chuyển biến nhanh hơn vì không bị ràng buộc bởi đường lối chính sách của các nhà nước và với sự thúc đẩy nội tâm của lương tri và những giá trị đạo đức vĩnh cửu, không biên giới, những cựu binh Mỹ và các nước đồng minh đã đến Việt Nam để sám hối bên những nấm mồ của người dân Việt Nam bị thảm sát ở Mỹ Lai hay trên những chiến trường xưa. Đồng thời họ cũng đã cố gắng làm các việc cụ thể để mong góp phần chữa lành những vết thương và tai hoạ do cuộc chiến - họ đã dự phần - để lại rất lâu dài trong lòng đất nước này.
Chưa một lời tạ lỗi
Thế nhưng rất nhiều người Việt Nam đã không làm được như vậy. Hầu như chưa thấy người lính Việt Nam nào, ở cả hai bên chiến tuyến trước đây, nói lời tạ lỗi hay thắp một nén nhang cho những người - những anh em đồng bào - mình đã bắn giết trong cuộc chiến. Cuộc chiến mà nói gì thì nói, nhân danh bất cứ điều gì, đó là một cuộc chiến có mang tính nội chiến, huynh đệ tương tàn.
Cũng có thể có những người đã nghĩ hay đã làm trong im lặng, vì một hoàn cảnh kỳ lạ đau đớn của đất nước Việt Nam là dù bất cứ ở đâu, ngay cả ở nước ngoài, người ta cũng không có tự do để làm điều này.
Ngược lại, một cuộc chiến mới lại mở rộng giữa người Việt và người Việt. Đây là cuộc chiến ngôn từ và tư tưởng. Dĩ nhiên ngôn từ chuyên chở nội dung tư tưởng và ở đây, trong bài viết này, tôi chỉ đề cập khía cạnh này. Cuộc chiến này tiếp nối cuộc chiến cũ, vẫn còn mang tính ý thức hệ, cộng thêm những hận thù do cuộc chiến quá khứ để lại và nhất là những đau thương uất hận vẫn diễn ra từ sau khi chiến tranh chấm dứt do chính sách sai lầm của nhà cầm quyền và sự độc quyền chân lý, độc quyền thống trị của người chiến thắng.
Nhà nước cộng sản không bao giờ ngưng cảnh giác và tấn công trước những tư tưởng gọi là “thù địch và diễn biến hoà bình”. Người chống cộng thề không đợi trời chung với người cộng sản và những người chống cộng cũng đả kích nhau không thương tiếc khi người khác không chống giống mình.
“Thành phần thứ ba” vẫn bị những người chống cộng lên án, gọi đích danh là “đâm sau lưng chiến sĩ” và người cộng sản hoài nghi, trù dập khi họ tiếp tục sự phản kháng trước cái xấu mới đang thay thế cái xấu cũ mà họ đã góp phần đạp đổ.
Không phải tất cả mọi người Việt Nam, vì bao giờ cũng có đám đông thầm lặng có suy nghĩ khác, nhưng những thành phần tham dự cuộc chiến này là những người ồn ào nhất và làm chủ, khuấy động dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ khi có Internet, nhiều trang web được mở ra và bất cứ ai có điều kiện tối thiểu để tham gia không gian ảo này, đều có thể phát biểu ý kiến của mình một cách tự do, đôi khi vô trách nhiệm, vô văn hoá và vô đạo đức, nhất là khi người phát biểu ẩn danh hoặc nói dưới một cái tên giả.
Độc quyền chân lý
Trong cuộc chiến tư tưởng và ngôn từ này, trừ một số rất ít thực sự cầu thị, nhận ra đúng sai trong tranh luận, phần lớn ở bất kỳ phe nào, đều có thái độ độc quyền chân lý và bị chi phối bởi những định kiến, mặc cảm trong quá khứ. Ngay cả đối với những người vừa mới nằm xuống, mồ chưa xanh cỏ, dĩ nhiên là không thể đối thoại, vẫn bị tấn công bằng những lời lẽ nặng nề nhất, vẫn bị sỉ nhục như trường hợp Nguyễn Ngọc Lan. Cho dù ông có thể được đánh giá khác nhau từ những quan điểm trái ngược, nhưng không ai có thể phủ nhận ông là một trí thức đã dùng ngòi bút trọn đời dấn thân một cách trong sáng nhất cho niềm tin, lý tưởng của mình và đã chết trong bệnh tật và đau đớn.
Không nên tiếp tục tranh cãi về quá khứ. Hãy để thế hệ sau phán xét, những người không bị cuộc chiến trói buộc sẽ vô tư và công bình hơn. Nhưng còn hiện tại và tương lai?
Tiêu Dao Bảo Cự
Thậm chí người ta còn đem cả sự đau đớn và cái chết ra để mỉa mai! Tự do ngôn luận đôi khi cũng phải trả cái giá quá đắt khi nó làm tổn thương đến con người và những giá trị nhân bản mà lẽ ra sự tự do này phải góp phần gìn giữ.
Nhiều luận điểm và ngôn từ mang tính thù hận cũ rích từ hơn 30 năm qua vẫn được đem ra dùng lại, tấn công đối phương, với sự khoái trá hả hê không che giấu, làm như chưa hề biết cuộc chiến máu lửa đã ngưng lại từ ngần ấy năm. Hình như ở một số người tư duy đã bị đông cứng, không có khả năng lắng lòng lại để chiêm nghiệm về bi kịch lịch sử mà nhân dân Việt Nam đã gánh chịu, trong đó mỗi người đều có phần trách nhiệm của mình.
Cái gọi là “chính nghĩa” mà các bên đã nhân danh và tự hào lại chính là bình phong cho những thủ phạm giấu mặt nguy hiểm nhất gây ra biết bao tai hoạ. Sự bảo thủ và cưỡng bức chân lý hình như không phải là độc quyền của riêng ai. Vì đủ mọi thứ lý do, sự giải thích và diễn dịch quá khứ hầu như không thể đạt đến sự đồng thuận nơi phần lớn thế hệ đã từng kinh qua cuộc chiến.
Vậy thì có lẽ không nên tiếp tục tranh cãi về quá khứ. Hãy để thế hệ sau phán xét, những người không bị cuộc chiến trói buộc sẽ vô tư và công bình hơn. Nhưng còn hiện tại và tương lai? Cũng như trong quá khứ, mỗi người dù làm gì hay không làm gì, làm như thế nào đều có trách nhiệm và góp phần chi phối tình hình đối với hiện tại và tương lai của đất nước. Không thể đổ lỗi cho ai khác nếu ta chưa đóng góp được phần mình. Nếu dân tộc này quay lưng lại số phận của mình, sống như lục bình trên dòng nước chảy thì việc gánh chịu thảm kịch là điều đương nhiên. Không ai cứu vớt được ta nếu chính ta không ra sức vùng vẫy để làm chủ số phận. Dân tộc chỉ có thể bước tới nếu không bị chia rẽ và xung đột, làm suy yếu tiềm lực
Cùng nhau tự họp
Do vậy, dù sao đi nữa, tự do tưởng và tự do ngôn luận vẫn là niềm hi vọng và phương tiện gần như duy nhất để con người, đặc biệt là người Việt Nam đi đến một đồng thuận cho tương lai của mình, nhất là trong hoàn cảnh cực kỳ phức tạp như hiện nay. Có lẽ chính vì thế mà Bùi Tín đã đưa ra một đề nghị và kêu gọi thảo luận trong bài viết “Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam”.
Nhà văn Bùi Minh Quốc tại một hội nghị văn nghệ sĩ đầu tháng Sáu 2007
Cuộc nói chuyện điện thoại của Lê Hồng Hà với Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu, sau đó nội dung đã được văn bản hoá và đưa lên mạng, thực chất cũng là một đề nghị tương tự với nội dung đầy đủ hơn và biện pháp đề xuất cụ thể hơn. Tuy nhiên đáng tiếc đề nghị của Bùi Tín không được hưởng ứng rộng rãi, một phần do cách đặt vấn đề của ông. (Trong số ít các ý kiến về bài viết của Bùi Tín có bài của Lại Nguyên Ân rất thẳng thắn, chính xác và dũng cảm.)
Hà Sĩ Phu đã tiếp tục cuộc trao đổi với một loạt bài viết công phu nhưng một vài bài trên mạng mới đây tranh luận với Hà Sĩ Phu, vô tình hay cố ý, hay vì những hậu ý nào đó, muốn dẫn cuộc trao đổi đi chệch hướng, không mang lại lợi ích gì thiết thực.
Ở đây tôi cũng muốn đưa ra một đề nghị. Trước nhiều ý kiến bất đồng lâu nay về những vấn đề lớn của đất nước đã được đưa ra trong nhiều bài viết đơn lẻ hay nhiều cuộc tranh luận riêng rẽ, tại sao ta không tập trung vào trong một cuộc đại hội thảo để tất cả mọi người có thiện ý đều có thể tham dự. Tôi thử phác hoạ một số vấn đề chung quanh cuộc đại hội thảo này, tạm gọi là “Đại hội thảo về hiện tình và tương lai Việt Nam”
Mục tiêu: Tự do, dân chủ, hoà bình và phát triển cho Việt Nam.
Chủ đề: Hiện tình và tương lai Việt Nam. (Về mặt thời gian, hiện tình có thể chỉ xác định từ năm nay 2007, hay tính từ 2001, đầu thiên niên kỷ, để tránh bị phân tán bởi những vấn đề đã được nói đến quá nhiều hay đã khẳng định.)
Lập trường dân tộc: Đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết khi xem xét mọi vấn đề. Không đặt thành tiên quyết việc chống cộng hay không, chống hay “cứu” Đảng Cộng sản hay bất cứ tiền đề nào khác.
Tính chất: Đây là một hội thảo mang tính tư tưởng, không phải là một cuộc vận động chính trị, không ủng hộ hay đả kích bất cứ phe phái nào mà chỉ nhằm tìm ra chân lý, xác định đúng đắn nhất hướng đi cho tương lai đất nước. Những người hoạt động chính trị có thể tìm được những điều bổ ích nào đó từ kết quả của cuộc hội thảo nhưng đây không phải là mục đích của việc hội thảo.
Người tổ chức: Ban biên tập các trang web riêng rẽ hay liên kết chủ trì cuộc hội thảo hoặc những người hoạt động dân chủ lâu nay cử ra một ban điều hành để chủ trì và các trang web hỗ trợ. Các trang web này có thể ở ngoài hay trong nước, bất cứ ai có thiện chí và khả năng đều có thể làm, kể cả trang web của Đảng Cộng sản, nếu Đảng thực tâm muốn lắng nghe ý kiến của toàn dân.
Người tham dự: Mọi người Việt Nam có nhận thức và ưu tư về tình hình đất nước, không phân biệt trong hay ngoài nước, cộng sản hay không cộng sản, quan chức hay dân thường.
Phương pháp: Có thể ban điều hành hội thảo đưa ra một đề cương chung hoặc bất cứ ai tham gia cũng có thể đưa lên bài viết của mình, có tính cách tổng hợp hay về một đề tài cụ thể. Sau từng thời gian tranh luận, ban điều hành sẽ rút ra kết luận tạm thời cho từng vấn đề và gợi ý tiếp.
Thái độ: Cầu thị, tôn trọng người đối thoại, tuyệt đối không dùng lời lẽ gay gắt có tính cách phỉ báng cá nhân hay thiếu văn hoá dù ý kiến mâu thuẫn. Ban điều hành sẽ có biện pháp để ngăn chặn những bài viết vi phạm quy định này.
Thực ra nhận định về hiện tình và tương lai Việt Nam đã có nhiều tổ chức và cá nhân đưa ra: Nghị quyết đại hội của Đảng Cộng sản, Cương lĩnh chính trị của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, các công trình nghiên cứu của nhóm Dân chủ và Phát triển, Tuyên ngôn của nhóm 8406, gợi ý của “nhóm Đà Lạt” về tư tưởng Phan Chu Trinh và con đường dân chủ xã hội, cũng như văn kiện của các tổ chức đảng phái, các nhóm đấu tranh dân chủ và bài viết của vô số cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có những bài rất xuất sắc. Tuy nhiên những nhận định đưa ra chưa có sự đồng thuận cao của toàn xã hội hoặc đang có sự đánh giá rất khác nhau hoặc chưa được thảo luận đến nơi đến chốn.
Nhà nước thường đề cao thành tích tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, hội nhập quốc tế trong khi những người chống đối nêu bật chuyện vi phạm nhân quyền, nạn tham nhũng và những tệ nạn xã hội khác. Hai mặt này phải được đánh giá như thế nào cho khỏi thiên lệch. Đi vào từng vấn đề cụ thể cũng chưa dễ đồng thuận. Tăng trưởng kinh tế với mức độ hiện nay so với xuất phát điểm có thực sự là thành tích và có tính bền vững không? Sự phân hoá giàu nghèo và bất công xã hội ở mức độ nào, tiềm ẩn nguy cơ gì?
Nạn tham nhũng có giải quyết được không khi còn độc đảng? Nhân dân Việt Nam có thực sự cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống như một tổ chức nước ngoài nào đó đã tổ chức thăm dò và kết luận? Nghĩ gì về các hiện tượng nghịch lý đang diễn ra trong xã hội như hiện tượng những người đấu tranh dân chủ ra toà và vào tù, hàng trăm“dân oan” đi khiếu kiện lay lắt ngày đêm ở công viên, trong khi hàng ngàn dân chơi uống thuốc lắc nhảy nhót trong vũ trường, hàng vạn người đi du lịch, nghỉ dưỡng trong các ngày lễ, hàng triệu thanh niên vào mạng chơi game hay tham gia các blog… Có vô số vấn đề tổng thể và cụ thể trên tất cả mọi lãnh vực cần phân tích, trao đổi một cách thấu đáo chứ không thể chỉ kết luận theo chủ quan hay cảm tính.
Thích nghi hoặc bị đào thải
Cuộc sống là một dòng chảy vận động không ngừng nên dù muốn dù không, ai không thay đổi, thích nghi sẽ bị đào thải, nhanh hay chậm. Tôi mới được nghe một chuyện thú vị. Một giáo viên kể lại lời của quan chức tuyên huấn giảng bài trong lớp học chính trị mới đây đề cập đến “Bác Hồ”: Đừng gọi Bác Hồ là cha già dân tộc nữa. Bác không thể là cha mà chỉ là người con ưu tú của dân tộc. Bác không phải là thần thánh mà cũng chỉ là một người bình thường như mọi người…
Thật là “tiến bộ”. Tôi không tin ông cán bộ tuyên huấn này dám nói ý kiến cá nhân mà là nói theo chỉ đạo vì đây là lớp học chính trị cho giáo viên. Thế thì sẽ không lâu nữa người ta buộc phải thôi thần thánh hoá Bác Hồ để nhìn nhận những gì mà thực tiễn đã có minh chứng hùng hồn không thể chối cãi.
Tuy vậy không thể lạc quan sớm. Sau khi nội dung cuộc trao đổi giữa Lê Hồng Hà với Hà Sĩ Phu và Bùi Minh Quốc được đưa lên Internet, mới đây hai ông sau được công an triệu tập lên “làm việc”. Những người trong “nhóm Đà Lạt” lâu nay thỉnh thoảng vẫn được mời lên “làm việc”, “hỏi thăm sức khoẻ” hay “bảo vệ an ninh trước nhà” là chuyện bình thường dù họ đã hết bị quản chế chính thức.
Tuy nhiên cuộc làm việc với Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu mới đây cho thấy hình như người ta lo ngại “nhóm Đà Lạt” đang tiến hành một cuộc vận động dân chủ mới sau khi những tổ chức dân chủ khác đã bị dẹp tan và nêu vấn đề kiểm soát việc phát biểu trên Internet.
“Nhóm Đà Lạt”, một cách gọi, thực ra chẳng có phe đảng, tổ chức gì cả. Chúng tôi chỉ là những người cầm bút tự do, có tính cách, quá khứ và sở trường khác nhau, quan điểm về những vấn đề lớn cũng có độ chênh nhất định nhưng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Khi có bài, tác phẩm mới viết hoặc có rượu ngon, có bạn ở xa đến, chúng tôi họp nhau để trao đổi, tâm tình và bàn chuyện thế sự. Từ 20 năm nay chúng tôi vẫn làm như thế dù có một khoảng thời gian 8 năm, chỉ mấy người trong cùng một thành phố nhỏ xíu, nhà cách nhau chỉ có mấy cây số, nhưng không gặp được nhau đầy đủ vì khi người này bị tù, lúc người kia bị quản chế.
Nếu quy bày tỏ tư tưởng là vận động chính trị thì chúng tôi đã làm như thế từ bao năm nay, không có gì mới. Chúng tôi đã và sẽ luôn nói và viết lên quan điểm độc lập của mình về mọi vấn đề, không coi điều gì là cấm kỵ.
Còn chuyện kiểm soát Internet? Kiểm soát để ngăn chặn hoạt động khủng bố hay đồi truỵ thì hoan nghênh nhưng nếu để ngăn chặn thông tin, khống chế tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thì đó là hành vi “phản động”, vì đi ngược lại hiến pháp và pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế và xu hướng chung của toàn nhân loại. Việc đó cũng khó làm được như ý muốn vì không khác gì việc “một tay che mặt trời” trong thời đại “thế giới số và thế giới phẳng” này mà còn có tác dụng ngược.
Các nhà văn Nam Dao từ Canada và Trần Vũ từ Pháp
Cuộc đại hội thảo này có giá trị gì? Nếu thực hiện được, nó có thể có tác dụng lớn hơn rất nhiều hội nghị Diên Hồng ngày xưa hay hội nghị “tiểu Diên Hồng” mà ông Hoàng Minh Chính mới đây từng mơ ước. Tác dụng lớn hơn vì có đến hàng vạn, hàng triệu người tham dự với bao nhiêu tài năng và trí tuệ của hơn 80 triệu người Việt sống trong nước và ở rải rác khắp năm châu bốn biển. Tuy thế nó cũng có thể không có tác dụng bằng hay phản tác dụng nếu thiếu tinh thần “toàn dân một lòng, vua tôi hoà thuận” của người xưa.
Cuộc đại hội thảo này có thể thực hiện được không? Tôi không biết, vì nó tuỳ thuộc vào khả năng của những người đứng ra tổ chức. Tôi chỉ là người gợi ý. Tuy nhiên điều dễ dàng, ở quy mô nhỏ hơn, là trở thành chuyên mục trong một trang web nào đó có uy tín và nhiều người đọc.
Thí dụ phải chăng talawas nên mở thêm chuyên mục “Hiện tình và tương lai Việt Nam” hoặc ngưng chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” để mở chuyên mục này sau khi đã tạm cung cấp khá đầy đủ nhiều quan điểm khác biệt về cuộc chiến tranh.
Bắt đầu từ văn hóa
Song song với cuộc đại hội thảo này, một công việc trên lãnh vực văn học nghệ thuật có thể thực hiện được để tạo ra sự thông cảm, hoà hợp và phát triển là việc hình thành những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do. Văn học nghệ thuật vốn không biên cương và có khả năng nhanh chóng tạo ra sự đồng cảm, giao hoà. Chúng ta đã có những sự kiện khởi đầu rất có ý nghĩa và khả năng hiện thực.
Hơn 30 năm trước, ngay trong cuộc chiến, một sĩ quan Việt Nam Cộng hoà và một sĩ quan Mỹ đã giữ gìn nhật ký của một bác sĩ cộng sản Đặng Thuỳ Trâm. Tương tự, hai sĩ quan VNCH khác đã bảo quản nhật ký của nhà văn cộng sản Chu Cẩm Phong. Đến bây giờ, khi hai cuốn nhật ký đó được trả về nguồn cội và được công bố, dù ở phía nào, ai cũng nhận đây là những hành vi nhân văn cao đẹp vượt lên trên chính trị nhất thời mà chỉ có văn học mới có thể tạo ra.
Sau này nhiều hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật giữa trong và ngoài nước, giữa Việt Nam và Mỹ cũng như một số nước khác đã được tổ chức và có hiệu quả rất đáng mừng. Nhà văn Hồ Anh Thái ở trong nước liên kết với các nhà văn cựu binh Mỹ để dịch, xuất bản sách chung giữa các nhà văn trước đây là cựu thù trên chiến trường. Nhiều trường đại học và tổ chức văn học nghệ thuật của Mỹ mời văn nghệ sĩ Việt Nam sang giao lưu.
Nhóm Khánh Trường ở Mỹ xây dựng tạp chí Hợp Lưu đăng tải tác phẩm của các nhà văn trong và ngoài nước. Một số nhà xuất bản ở hải ngoại in sách của các tác giả trong nước như Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Viện, Tiêu Dao Bảo Cự… Cuốn sách Nếu đi hết biển của đạo diễn Trần Văn Thuỷ xuất bản năm 2003 viết về các cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số nhà văn hải ngoại như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nhật Tiến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ… trong chuyến đi nghiên cứu do Trung tâm William Joiner Nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả chiến tranh của Đại học Massachusetts Boston tổ chức…
Một số tác phẩm của các nhà văn hải ngoại và ngay cả tác phẩm xuất bản ở miền Nam trước 1975 cũng đã được in hoặc tái bản trong nước như sách của các tác giả Nguyễn Mộng Giác, Mai Ninh, Nam Dao, Dương Nghiễm Mậu… “Ngày thơ Việt Nam” mới đây tổ chức ở Hà Nội cũng đã giới thiệu một số nhà thơ miền Nam trước đây.
...Trang web talawas đang làm công việc giới thiệu lại những tác phẩm và tư liệu văn học giá trị bất kể trong Nam hay ngoài Bắc giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh và thực chất về văn học Việt Nam hiện đại.
Mới đây nhất, cuộc gặp gỡ giữa các nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng với các nhà thơ trong nước Thanh Thảo, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo là một cuộc gặp vô cùng thú vị với một nội dung trò chuyện chan hoà tính nhân văn và dân tộc hiếm thấy.
Hiện tượng các ca, nhạc sĩ trong nước ra biểu diễn ở hải ngoại và ca, nhạc sĩ hải ngoại trở về nước tuy chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng đã có không ít. Vượt lên trên những hậu ý hoặc phê phán với ý đồ và mang màu sắc chính trị, những hiện tượng này rõ ràng mang lại hiệu quả hoà giải hoà hợp rất tốt.
Dân tộc là một
Nếu đã nói “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một…”, người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể thiếu của dân tộc Việt Nam, là “khúc ruột ngàn dặm”… thì không có lý do nào để gạt ra, không công nhận văn học nghệ thuật ở miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại hiện nay. Chính qua toàn bộ những tác phẩm và hoạt động văn học nghệ thuật này, chúng ta hiện nay, và các thế hệ Việt Nam mai sau mới có thể nhận ra, hình dung được diện mạo, tư tưởng, tâm hồn của toàn dân tộc trong một giai đoạn lịch sử phân ly bi thảm nhất để góp phần xây dựng một tương lai thực sự hoà hợp, hoà bình cho đất nước.
Vậy thì hôm nay tại sao văn nghệ sĩ và công chúng không tự mình làm công việc hoà giải hoà hợp này. Tôi có ý kiến hơi khác với Bùi Minh Quốc và Nguyễn Kim Bình về việc xin phép tổ chức một cuộc gặp gỡ văn nghệ đông đảo, chính thức. Nếu làm được như thế cũng tốt. Nhưng luật pháp không cấm, nhà nước không cấm, tại sao chúng ta không tự làm?
Chúng ta cứ tự do tổ chức những cuộc gặp mặt giữa văn nghệ sĩ với nhau, với công chúng thuộc mọi miền, mọi thành phần để trò chuyện và trao đổi tâm tình. Gặp mặt ở nhà riêng, ở quán café, ở nhà hàng, ở trường đại học, ở các cơ sở văn hoá, trên các tạp chí, trên không gian ảo… với năm ba người, năm ba chục người… và công bố nội dung như cách làm trên talawas vừa qua.
Ai cấm cản điều này nếu không phải là chính ta tự mình đứng trong vòng vôi cấm?
Trong những cuộc gặp này, chúng ta không cần tuyên ngôn tuyên bố chống ai, ủng hộ ai cả mà chỉ để cảm thông và chia sẻ. Sự hoà giải hoà hợp thực sự của nhân dân sẽ chống lại mọi chủ trương hay âm mưu chia cắt, thúc đẩy sự chuyển biến của tình hình chung, mang lại hoà bình trong lòng người và cho đất nước. Nếu chúng ta không làm, nhân dân không làm, tình hình chung của đất nước sẽ còn trì trệ, trong đó mỗi người đều có phần trách nhiệm của mình.
Đà Lạt cuối tháng 6-2007
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/06/070629_gapgovannghetudo.shtml
Saturday, June 30, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment