Wednesday, August 1, 2007

Tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận


Đoản Kiếm


Tôi đi tìm cái định nghĩa của Tự do ngôn luận và vô tình vào trang wikipedia (Bách khoa toàn thư). Trong khi phần tiếng Anh thì khá rõ ràng nhưng trong phần tiếng Việt chỉ vỏn vẹn có mấy dòng. Phần tiếng Hán cũng chung số phận. Âu có lẽ dân châu Á mình còn chưa thích cái “Tự do ngôn luận” này lắm, trong khi đó thì dân Tây phương có lẽ thích cái quyền này hơn. Và thế là tôi quyết định đem cái văn chương “le nhaque” của tôi nhằm giới thiệu cùng đồng bào tôi một cái quyền làm người mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Lịch sử – Ý tưởng về một nền dân chủ đến với con người đầu tiên ở nền văn minh Hy Lạp (Greek) cổ đại. Cũng ở đó quyền tự do ngôn luận của con người được sinh ra. Tuy nhiên trong chế độ dân chủ của Hy Lạp thời bấy giờ, tự do ngôn luận chỉ được giới hạn trong khoảng một phần ba dân số (phụ nữ và những người lao động nô lệ không có được quyền này). Từ đó đến nay quyền tự do ngôn luận và tư tưởng dân chủ đã được phát triển và ngày càng đạt đến mức độ hoàn thiện của nó. Trong nhiều giai đoạn xã hội, yếu tố về quyền con người được nâng cao nhưng cũng có nhiều giai đoạn xã hội, ở những quốc gia nhất định quyền tự do ngôn luận của con người bị từ chối hay còn bị nhiều hạn chế.

Tự do và những giới hạn – Vì tính chất của nó, quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền con người có nhiều tranh cãi nhất. Đây là một quyền không tuyệt đối và luôn bị đặt vào các giới hạn. Khi dùng cái quyền được phát biểu của mình một cách tự do, người ta dễ dàng xâm phạm quyền tự do của người khác; và hơn nữa, một người có thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa thông tin sai lệch tới số đông quần chúng. Vì vậy, quyền tự do ngôn luận thường được đặt trong một khuôn khổ giới hạn. Những giới hạn này là nhằm tránh tình trạng gây rối, quấy nhiễu đến người khác chẳng hạn như giữa đêm la lớn tiếng hay tránh tình trạng người phát biểu ý kiến dùng từ ngữ thô tục. Tại các nước văn minh hiện nay người ta thường dùng các phần mềm tự động để xoá đi những từ ngữ không hợp với văn hoá của quốc gia trong những chương trình truyền hình. Ngoài ra việc đưa thông tin sai lệch hoặc cố tình bôi nhọ người hay tổ chức khác đều bị nghiêm cấm và có thể bị tộị hình.


Vậy rốt cuộc tự do ngôn luận là cái gì?

Nói nôm na thì tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến (nói hoặc viết) của mỗi người. Đây là một quyền con người nằm trong công ước quốc tế. (Trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.) Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền được phát biểu ý kiến, quyền được bày tỏ thái độ cũng như cả quyền được biết, quyền được thông tin của công dân.


600 tờ báo cùng cất lên tiếng nói của 1 đảng
--------------------------------------------------------------------------------

Khi chúng ta nói về tự do ngôn luận, thông thường chúng ta nhấn mạnh về quyền tự do được phát biểu chính kiến (ý kiến về chính trị) và mọi người đựợc quyền thực hành cái quyền thiêng liêng này của mình mà không phải bị bắt bớ tù đày, đe doạ, làm hại hay bị xâm phạm đến các quyền lợi khác của mình. Quyền tự do ngôn luận, nói cụ thể hơn là quyền đựợc bày tỏ ý muốn của mình trong việc xây dựng và điều hành xã hội, điều hành đất nước; là quyền tự do được bảo vệ ý kiến của mình trước dư luận; là quyền tự do được bày tỏ lòng yêu ghét một người khác hay một tổ chức, bất kể người đó là ai. Nói thẳng ra, nếu tôi không yêu đảng Cộng sản hay không thích Hồ Chí Minh thì đó là ý kiến cá nhân tôi, không ai được cấm tôi nói ra điều đó. Nếu tôi cảm thấy “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội” là con đường cụt sai lầm thì tôi cũng có quyền biện luận cho ý kiến của tôi. Nếu tôi không cảm thấy an toàn khi sống trong một xã hội đầy dẫy tham nhũng, tôi có quyền được viết ý kiến của tôi lên báo, đưa lên mạng internet mà không ai được quyền cấm đoán.

Chính quyền cũng chỉ là một tổ chức, là một nhóm người , và cũng chỉ được phép bình đẳng như những con người khác. Hiện nay, việc chính quyền Hà Nội quản lý chặt chẽ báo chí chính là họ đã vi phạm trắng trợn quyền được phát biểu của công dân. Hơn tám mươi triệu người nhưng chỉ có một nhóm nhỏ người có quyền được nói, và nói thay cho tám mươi triệu người còn lại Những luận điệu như “trong khuôn khổ luật pháp” của họ thực ra quá ư là mơ hồ, hay luận điệu “xâm phạm an ninh quốc gia” là một sự vu khống trắng trợn cho những người bày tỏ chính kiến một cách hoà bình. Luật pháp cấm công dân được nói chuyện chính trị? hay luật pháp cấm công dân được nói khác ý đảng?


Hãy làm một phân tích nhỏ về sự quản lý báo chí của Hà Nội.

Mọi tờ báo trong nước đều phải được Đảng Cộng sản cho phép, Tổng biên tập phải là đảng viên. Tất cả phải chịu sự kiểm duỵêt của ban Văn Hoá ... và nếu ai làm sai (ý Đảng) lập tức bị đóng cửa. Thế thì mấy trăm tờ báo lập tức có một tiếng nói chung: Tiếng nói của Đảng Cộng sản! Và không mấy ai ngạc nhiên khi 600 tờ báo đồng loạt đăng và không đăng những tin nhạy cảm giống hệt nhau. Thế còn tiếng nói của dân đen ở đâu? 600 tờ báo đại diện cho đảng thì phải có ít ra 10,000 tờ báo đại diện cho dân mới tương quan lực lượng chứ? Hoặc ít cũng phải có đựơc một tờ thì mới dám bàn đến tự do ngôn luận.

Coi những cuộc tranh luận trên truyền hình ở những quốc gia tiến bộ mới thấy hết cái phản động của chính quyền Hà Nội. Mọi ứng cử viên ra tranh luận đều được phân chia thời gian bằng nhau để nói. Các đảng đối lập đều được sắp xếp các lịch phát sóng bằng nhau. Thế mà ở đất nước tự do triệu lần của chúng ta, toàn bộ thời gian và các cột báo đều được dành cho Đảng. Vậy là dân ta dẫn xác ra hè phố để nói. Cộng sản lại hè nhau đem súng ống, lựu đạn cay, xe cam nhông ra xúc như xúc tép. Còn chổ nào cho dân được quyền nói hỡi ông chính quyền?

Bởi vì mọi người sinh ra đều bình đẳng, nên mọi người phải được bình đẳng nói lên ý kiến của mình. Khi con người bị lấy mất cái quyền thiêng liêng của mình là quyền được nói, và cả quyền được biết, con người trở thành một “con vật”, chịu sự điều khiển bởi những “con vật” khác, thì sự bình đẳng bị phá vỡ, con người bị chia thành hai tầng lớp: kẻ thống trị và người bị trị.

Tư tưởng về tự do ngôn luận luôn đi kèm với một nền dân chủ chính là như vậy.

Ngay cả quyền được biết của công dân cũng đã và đang bị Hà Nội xâm phạm trắng trợn. Họ chia đất chia biển với Trung quốc ra sao nhân dân không ai được biết. Kết quả thuyền dân đánh cá bị bắt, bị giết là hậu quả tai hại của việc bưng bít thông tin. Công dân không những có quyền biết về diện tích, lãnh hãi, lãnh thổ của đất nước mình mà còn có quyền được biết về đời tư, tài sản của những người lãnh đạo đất nước. Những cái này còn rất hạn chế tại Việt nam hiện nay và đó là kết quả của sự kiểm soát báo chí của đảng Cộng sản.

Trong các phiên bản thực hành quyền tự do ngôn luận thì mỗi một quốc gia có những quy định riêng để giới hạn. Ở các quốc gia tiến bộ thì phần lớn các hạn chế là để phát huy tốt hơn cái quyền thiêng liêng của con người nhưng cũng có một số chính quyền dùng những chế tài này đặc biệt là để từ chối quyền tự do của công dân, để bịt miệng công dân của họ. “I am the law.” Tao là luật. Điều này rõ ràng đang tồn tại ở những đất nước đang bị những tập đoàn độc tài cai trị. Họ đứng trên cả luật pháp bởi vì họ là luật và ngay cả khi con người sinh ra có cái miệng, thì họ cũng chỉ cho phép cái miệng chỉ dùng để bỏ cái gì đó vào bao tử và được phép tung hô vạn tuế cái đám cầm quyền

Đấu tranh – Không có tự do nào tự nó đến. Không có nền dân chủ nào được sắp đặt sẵn cả. Ngay cả ở Hoa kỳ, một trong những xứ sở nơi mà con người có nhiều quyền tự do nhất thì tự do cũng không phải tự nó có. Muốn có tự do, người Mỹ đã phải đấu tranh cho những thứ mà họ có. Năm 1767, 1768 khi những công dân thuộc địa Massachusetts phản ứng về thuế trà thì vua George III và quốc hội thực dân Anh đã đàn áp, hay từ 1840 đến 1845 phong trào chống đối chế độ nô lệ đã bị từ chối nhiều lần tại quốc hội Mỹ. Nói như vậy không phải để nói rằng nước Mỹ thiếu tự do mà đó là lịch sử, và lịch sử đã cho thấy rằng quyền tự do ngôn luận hay bất cứ quyền nào mà con người dành được đều phải qua một giai đoạn đấu tranh ác liệt với cái cũ, cái lỗi thời, cái phản động.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Đó chỉ là giấc mơ, và chúng ta phải đấu tranh để đưa giấc mơ đó thành hiện thực.


30 tháng 7 năm 2007

© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

Tham khảo: Anthony Kenny, A Brief History of Western Philosophy, Blackwell Publishing, 1989.
Gerald Leinwand, Freedom of Speech (American Issues), Facts on File, 1990.
Và một số trang web Việt và Anh ngữ.
s

------

Chuyển hoá dân chủ theo đường lối hiến định

No comments: