Wednesday, August 1, 2007

Không thể bịt miệng dân oan khiếu kiện

Không thể bịt miệng dân oan khiếu kiện
2007.08.01
Trần Thanh Hiệp & Việt Long, रफा

Cuộc biểu tình trước Văn phòng Quốc Hội II, đường Hoàng Văn Thụ của dân 19 tỉnh ở miền Nam và 9 quận của Sài Gòn đêm 18 rạng ngày 19-07-2007 đã bị một lực lượng công an võ trang chống biểu tình giải tán. Các báo điện tử trên mạng trong nước đều đồng loạt sử dụng nhóm từ “khiếu kiện đông người” và đây cũng là cách gọi của các giới chức Nhà nước.
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Tải xuống để nghe

Theo các hãng thông tấn phương tây như AFP, Reuters thì đó là một cuộc biểu tình phản kháng của nông dân đòi lại đất đai bị tước đoạt. Đứng về mặt pháp lý phải coi đó là một cuộc đàn áp hay đó là một biện pháp vãn hồi trật tự bình thường? Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do đã tham khảo ý kiến Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Đàn áp hay thuyết phục?
Việt Long: Đã có nhiều luồng dư luận về cách nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt sự có mặt đông người đến tụ tâp trước Văn phòng II của Quốc Hội ở Sài Gòn để đòi được thoả mãn đơn khiếu kiện của họ. Người thì nói là công an của chế độ đã đàn dân oan, tố cáo rằng đó là một cuộc đàn áp tàn bạo. Nhưng theo báo chí trong nước cũng như các giới chức hữu quan thì đó chỉ là những biện pháp được áp dụng để thuyết phục các đương đơn về khiếu kiện tại địa phương của mình mà thôi. Vậy đứng về mặt pháp lý, Luật sư nhận định thế nào về cách can thiệp nói trên của nhà cầm quyền trong nước?
Trần Thanh Hiệp: Ở Việt Nam đêm 18-07 vừa qua đã không diễn ra cảnh một Thiên An Môn năm 1989 tại Trung Quốc. Nhưng không phải vì thế mà ngày 18-07 nhà cầm quyền Hà Nội được phép làm những gì họ đã làm để, nói theo ngôn ngữ của chế độ, “thanh toán gọn” cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện.

Việt Long: Giải tán biểu tình là điều vẫn thường xảy ra trên khắp thế giới kể cả ở những nước được coi là dân chủ nhất như Pháp, Anh hay Mỹ v.v…Vậy nhà cầm quyền ở Việt Nam có được phép giải tán biểu tình không?
Trần Thanh Hiệp: Trên nguyên tắc thì bất cứ một chính quyền nào cũng được phép giải tán biểu tình, nếu biểu tình ra khỏi phạm vi hợp pháp. Nói cách khác, biểu tình là nguyên tắc, cho nên giải tán biểu tình phảỉ là biệt lệ, không một chính quyền dân chủ nào có quyền đương nhiên đàn áp biểu tình. Tức là tính hợp pháp của quyền sử dụng bạo lực gỉải tán phải được đánh gíá thông qua tính hơp pháp của quyền biểu tình, vì quyền gỉải tán phải thi hành theo tinh thần và trong khuôn khổ pháp luật triệt để tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Ở Việt Nam, Hiến pháp thì cho, nhưng luật thì lại không cho dân biểu tình.

Do đó việc đánh giá tính hợp pháp của việc giải tán biểu tình ở Việt Nam không thể giống như ở một nước dân chủ, dân được quyền tự do biểu tình. Vì vậy muốn cho cuộc giải tán biểu tinh ngày 18-07-2007 được coi là hợp pháp, nhà cầm quyền Hà Nội phải thoả mãn ba đòi hỏi là có danh nghĩa chính đáng, đủ lý do chính đáng và dựa vào luật lệ chính đáng để giải tán đám dân oan khiếu kiện.

Việt Long: Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện đã kéo dài trên ba tuần lễ. Theo luật sư, khi ra lệnh giải tán nó trong đêm 18 rạng ngày 19-07-2007, nhà cầm quyền Hà Nội có thỏa mãn được ba đòi hỏi luật sư vừa nêu lên không?
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, nhà cầm quyền Hà Nội đã không thoả mãn được bất cứ một đòi hỏi nào trong ba điều kiện kể trên. Hà Nội đã không có danh nghĩa chính đáng để giải tán bằng vũ lực bởi vì đây là trường hợp đặc biệt của một vụ khiếu kiện đông người. Luật của chế độ cấm biểu tình nhưng đã công nhận cho dân được quyền khiếu kiện. Vì những oan ức của dân đã chồng chất từ nhiều năm và mỗi ngày số dân oan mỗi tăng nên dân chỉ còn cách họp nhau đi kêu oan. Do đó nhà cầm quyền không thể đối xử với dân oan như với một đám biểu tình thường.

Mặt khác, cung cách họ khiếu nại không cản trở lưu thông, không đe dọa trật tự công cộng. Họ mang quốc kỳ, các khẩu hiệu chi được giương lên để kêu gọi sự chú ý của chính quyền đến những bất công họ đã phải gánh chịu, hoàn toàn không biểu lộ ý muốn chống đối chế độ. Vậy thái độ hợp tình hợp lý của nhà cầm quyền là phải xét đơn bằng hoặc thoả mãn ngay các yêu sách hoặc đưa ra những nguyên tắc giải quyết oan ức đủ công bằng và sáng tỏ để lấy lại lòng tin của họ vào công lý mà họ mỏi mắt trông chờ.
Nhưng nhà cầm quyền đã tỏ ra không cần đếm xỉa gì đến những nỗi oan ức của họ nên đã bố trí để dập tắt tiếng kêu oan. Rất có thể là trong các nỗi oan ức của dân có nhiều điều pháp luật chưa trù liệu cách giải quyết. Nhưng không phải vì thế mà cứ áp dụng luật cấm biểu tình và không áp dụng đúng mức luật khiếu nại tố cáo. Nói tóm lại, cuộc giải tán không ôn hoà mà bằng vũ lực trong đêm 18 rạng ngày 19-07-2007 những người dân mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã tự nguyện xin hội nhập là một hành vi xâm hại nhân quyền, dân quyền.

Những lý lẽ của Hà Nội
Việt Long: Những điều Luật sư vừa nói dường như đã trái ngược hẳn với quan điểm của chủ tịch nước của Việt Nam. Xin nhắc lại lời ông Triết nói với báo chí quốc tế tại Mỹ như sau: “Việt Nam có đủ cơ chế, chính sách đảm bảo các quyền tự do dân chủ của người dân. Các quyền đó được ghi trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp quy”. Người ta còn đọc thấy trên báo Nhân Dân ý kiến sau đây của ông Triết: “Bây giờ đất nước Việt Nam có luật pháp của VN. VN cần an ninh và ổn định để phát triển, vì vậy ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý”Vậy có thể coi đó là những lời biện minh cho cuộc giải tán biểu tình ngày 18-07 được không?

Trần Thanh Hiệp: Những ý kiến này vừa thiếu hụt về mặt luật học lại vừa không đúng sự thật. Chỉ nói rằng Việt Nam bây giờ đã có luật pháp Việt Nam thì chưa đủ. Phải hỏi rằng luật pháp Việt Nam ây có phù hợp với luật quốc tế về nhân quyền là luật pháp thực hiện và bảo vệ dân chủ nhân quyền hay không? Vì Việt Nam đã tự nguyện xin tham gia và tôn trọng các quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền nên luật pháp của Việt Nam không thể là luật pháp đàn áp dân để bảo vệ độc tài. Nếu có một cuộc thảo luận được mở ra để bàn sâu thêm thì tôi sẵn sàng góp ý.

Tôi thấy ngay lúc này cần vạch ra rằng luật pháp hiện hành ở Việt Nam không bảo đảm mà cũng phát huy quyền tự do dân chủ của người dân, như thực tế đã chứng tỏ. Trái lại luật pháp ấy đã tước đoạt hết mọi quyền của người dân. Tuy rằng về hình thức các quyền này có được ghi trong Hiến pháp nhưng chính Hiến pháp lại bố trí để các văn bản dưới luật tịch thâu lại hết. Việc Hà Nội dùng những biện pháp không ôn hoà để bịt miệng dân rất đông người xuống đường khiếu kiện bất công, đòi công lý là hành vi không chính đáng không ai có thể bênh vực được về mặt pháp lý.

Các hãng thông tấn phương tây như AFP, Reuters đã đưa tin rằng đó là cuộc biểu tình phản kháng ôn hoà của nông dân đòi lại đất đai bị tước đoạt. Quyền khiếu kiện này phải được nhà cầm quyền tôn trọng, nhất là luật pháp thực định ở Việt Nam có dự liệu quyền khiếu kiện của người dân cũng như nghĩa vụ của người cầm quyền là phải giải quyết công bằng những khiếu kiện.

Việt Long: Trước đây luật sư có tiên đóan rằng nhân quyền ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng sa lầy. Luật sư có cần xét lại nhận định này của mình không và nếu không thì liệu có cách gì tìm được phương thức cải thiện sinh hoạt chính trị trong nước không? Mong được đón nhận ý kiến của Lụat sư về điểm này trong buổi phát thanh kế tiếp. Xin cảm ơn Luật sư Hiệp!
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Hà Nội: dân chúng khiếu kiện vì chính sách đền bù không hợp lý
Nữ luật sư Bùi Kim Thành trả lời phỏng vấn đài RFA sau khi được trả tự do
Làm thế nào để thành lập hãng luật tại Việt Nam?
Ðêm thắp nến yểm trợ dân oan của người Việt Houston
Nạn cướp đất tại châu Á phơi bày sự thất bại của các nhà cầm quyền
Nhiều nông dân mất ruộng do công nghiệp hóa và đô thị hóa
Bộ trưởng Mai Ái Trực: người dân cần phải kiên trì theo đuổi việc khiếu kiện oan sai
Việt Nam sẽ công khai hóa thông tin về chống tham nhũng
Chung một vấn đề: Cổ phiếu và Khiếu kiện
Gửi trang này cho bạn

No comments: