Monday, August 6, 2007

Buông dùi cui để cầm cán cân công lý!

Buông dùi cui để cầm cán cân công lý!

Bùi Tín


Nền tư pháp mới: Bàn tay chuyên cầm dùi cui được giao chiếc cân công lý!

Quốc hội khoá 12 đã họp khoá đầu tiên, kéo dài 2 tuần lễ để ''bầu'' ra những chức vị cao nhất của các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, thanh tra và kiểm sát.

Đã có dịp trực tiếp quan sát những phiên họp quốc hội Pháp, Bỉ, Anh, Canada, Úc và Hoa Kỳ, được thấy các đại biểu quốc hội bận rộn tiếp chuyện cử tri, thu nhận kiến nghị của nhân dân, tranh cãi tại hội trường sôi nổi, những cuộc bỏ phiếu sôi động ra sao, tôi thường mong đến lúc quốc hội Việt nam ta cũng nhộn nhịp, sôi nổi, năng động, thiết thực như thế.

Quả thật đã có vài tiến bộ so với trước. Nói chung các đại biểu trẻ hơn, có học thức hơn, am hiểu thế giới bên ngoài khá hơn trước, nhưng vẫn chưa biểu lộ được tiến bộ về mặt dân chủ, cọ sát ý kiến, hầu hết vẫn là suôi chiều, mọi nghị quyết đều dễ dàng thông qua với tỷ lệ trên 95%.

Điều trên đây là tất nhiên thôi, khi tỷ lệ đảng viên trong 496 đại biểu vẫn là hơn 90 % và chỉ có một người tự ứng cử được trúng cử; khi tất cả 18 vị trong Ban thường trực Quốc hội đều là đảng viên cộng sản, và có đến 15 vị là uỷ viên ban chấp hành trung ương đảng. Quốc hội do vậy vẫn trước hết là do đảng, vì đảng, của đảng, là một công cụ phục vụ đảng trước hết.

Vì trong Quốc hội thiếu một lực lượng chính trị đối lập nên thiếu hẳn một lực lượng ganh đua lành mạnh, thiếu hẳn một lực lượng đóng vai giám sát và cân bằng, như là chuyện tất yếu và bình thường ở 58 nước dân chủ thuần thục trên thế giới, cũng như ở 49 nước mới bước vào nền dân chủ nghị trường hơn 30 năm nay.

Sự thiếu hụt về tổ chức chính trị đối lập này làm cho nước Việt nam vẫn còn bị xếp vào loại nhà nước độc đoán, độc đảng, chậm tiến về chính trị - nằm trong số 36 nước không có dân chủ của thế giới hiện tại, theo thống kê chính trị của Liên Hợp quốc - trái ngược với những tiến bộ nổi bật về kinh tế trong thời kỳ đổi mới.

Do sự thiếu hụt về dân chủ và đối lập cho nên các nghị quyết thông qua tại quốc hội dễ phạm sai lầm chủ quan, phiến diện, không sát thực tế, không hợp thời đại mới, từ đó không thật hợp lòng dân, không được quốc tế tán đồng, vi phạm lợi ích của đất nước và quyền lợi của nhân dân.

Trong hoàn cảnh ấy tôi tự nhận vai trò của một tiếng nói đối lập xây dựng, hoà chung với những tiếng nói đối lập xây dựng của anh chị em dân chủ trong và ngoài nước, để để xuất những nhận xét, kiến nghị, can ngăn khi cần. Mong rằng những ý kiến này sẽ được các vị đại biểu quốc hội tham khảo và xem xét, vì lợi ích chung của xã hội và toàn dân.

Khả năng lắng nghe của quý vị còn yếu, xin để bà con ta phán xét vậy.

Để mở đầu, tôi có 2 ý kiến về phiên họp quốc hội 2 tuần qua như sau:

1-/ Việc bầu Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng vừa qua rất hình thức, rỉnh rang, mất 4 buổi, không có một sự lựa chọn nào khác, vì ai nấy đều biết rõ là đã được quyết định tại Đại hội X đảng CS, do phân công trong bộ chính trị, không ai có thể thay đổi. Cho nên việc công bố danh sách đề cử 1 người để xem xét, lấy ý kiến, thảo luận trong 3 trường hợp trên nên làm theo cách khác; những chữ dùng trong 3 trường hợp này: ''trúng cử'', ''đắc cử'', ''tái đắc cử" sao mà gượng gạo, không thực, giả dối; có thể làm gọn lại, tránh mất thì giờ, hình thức, tránh cảm giác khó chịu như đóng kịch, rất khó coi, không nghiêm chỉnh cho cả người đứng ngoài cũng như người trong cuộc.

2-/ Việc cử Chức vị Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lẽ ra cần cân nhắc kỹ thì lại diễn ra quá nhanh gọn. Bởi vì chức vụ này ngày càng trở nên quan trọng khi chính các vị lãnh đạo đều nhấn mạnh việc quyết tâm xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tách riêng có quan hệ phối hợp chặt chẽ với nhau.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao đứng đầu ngành xử án trong toàn quốc trở thành một chức vụ cực kỳ quan trọng , lãnh đạo đội ngũ thẩm phán các cấp, chỉ đạo các quan toà cầm cán cân công lý trong toàn xã hội.

Vị trí này càng quan trọng gấp bội khi vừa qua ngành toà án tỏ ra bất cập, nạn tham nhũng và tiêu cực xã hội làm cho số tội phạm tăng vọt, việc xử án chậm chạp, cán cân công lý ngiêng ngả. Tại phiên họp quốc hội giữa năm 2006, chánh án toà án tối cao Nguyễn Văn Hiện đã làm người xem truyền hình ngao ngán lắc đầu khi ông báo cáo rằng ngành toà án khủng hoảng to, số quan toà quá yếu lại rất, thiếu đã phải ''vơ vét'' từ thư ký đến lái xe trong ngành để đào tạo gấp thành thẩm phán..

Vậy mà người được cử thay ông Hiện nay lại là ông trung tướng Công an Trương Hoà Bình, thứ trưởng bộ công an, đứng đầu lực lượng cảnh sát. Thật là chuyện ngược đời. Người chuyên môn làm việc chuyên chính, đàn áp, chuyên cầm dùi cui sẽ cầm cân nảy mực ở vị trí cao nhất của ngành tòa án. Không một chất vấn, không một câu hỏi, ngần ngại của gần 5 trăm ông bà nghị. Hơn nữa, trước đó đã có những cán bộ công an cao cấp từng có 30 năm trong ngành gửi thư tố cáo đích danh tướng Trương Hoà Bình về khả năng, tư cách đạo đức (xin xem thư của thượng tá công an Nguyễn Văn Đô nêu rõ thói ăn chơi hư hỏng của ông Bình, từng là trợ lý thân tín của ông Bùi Quốc Huy thứ trưởng Công an đã bị truy tố và ngồi tù, thư này còn lưu trên mạng Ý kiến).

Để xem ông tướng Trương Hoà Bình sẽ có đủ kiến thức uyên thâm về luật pháp trong nước và quốc tế đến mức nào , sẽ xông vào một lĩnh vực cực kỳ phức tạp và quá ư mới mẻ với ông ra sao, để thực thi nền pháp quyền mới, không lọt kẻ gian, không oan người ngay, đem luật pháp nghiêm minh vào cuộc sống. Bất kỳ ai có suy luận lành mạnh cũng khó tin ở điều ấy.

Bộ máy quản lý nhân sự của đảng cộng sản, ban tổ chức trung ương, ban nội chính trung ương vẫn cổ lỗ như thời 20 năm trước, vẫn coi thường đội ngũ thẩm phán các cấp, càng coi thường gần 5 trăm đại biểu quốc hội mới. Nhiều người am hiểu thấu đáo bộ máy cho biết đây có thể có sự nhúng tay sâu của một thế lực MA (Mười-Anh) quái dai dẳng tệ hại.

Điều khác thường là hàng chục ngàn thẩm phán các cấp, trong đó không thiếu quan toà có hiểu biết sâu, có kinh nghiệm sống, có công tâm vẫn bị đánh giá là không đủ tài và đức, để đảng phải ''thả dù'' vào hàng ngũ các quan toà thời đổi mới một ông tướng cảnh sát i-tờ về luật pháp, tay vừa buông chiếc dùi cui chuyên chính để đóng vai ông Bao công cầm cân công lý cho toàn xã hội.

Chuyện cử quan toà tối cao như thế này mà xảy ra ở một nước dân chủ thuần thục ắt sẽ gây xì-căng-đan cực lớn, cả xã hội sẽ bĩu môi và bịt mũi, chống lại, vì ai cũng hiểu từ đây tai hoạ bất công và oan trái có thể sẽ giáng xuống bất kỳ ai.

Lại một điều lạc điệu, trái khoáy, một nghịch lý, con đẻ của nghịch lý gốc là ra sức xây dựng một nền dân chủ độc đảng chưa từng có ở đâu cả; nghịch lý ngộ nghĩnh: một chế độ độc đảng lẻ loi vẫn tự cho mình khả năng hoà nhập được với thế giới dân chủ văn minh.

Paris 5/8/2007
--------------------------------------------------------------------------------

Bài do tác giả gửi cho DCVOnline.
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3718

No comments: