Wednesday, August 1, 2007

Sau vụ giải tán biểu tình: Dân oan vẫn chưa được giải quyết khiếu kiện

Sau vụ giải tán biểu tình: Dân oan vẫn chưa được giải quyết khiếu kiện
2007.08.01
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Sau khi cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai kéo dài gần một tháng trước cửa Văn phòng 2 Quốc hội ở Sài Gòn bị lực lượng an ninh đến cưỡng chế giải tán, giới chức Việt Nam lên tiếng khẳng định vụ việc đã được giải quyết êm thắm.

Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
Tải xuống để nghe

Người dân biểu tình ở Sài Gòn.

Báo chí trong nước cũng loan tin rằng các cấp thẩm quyền đã bắt đầu đối thoại với những người khiếu kiện và cam kết sẽ xem xét lại các trường hợp bị tịch thu đất đai, bồi thường oan sai.
Thực tế như thế nào? Trà Mi hỏi thăm một số dân oan tại nhiều khu vực khác nhau để tìm hiểu thêm:

Chỉ hứa chứ không có giải quyết

Gần nửa tháng kể từ sau khi những người dân oan tham gia biểu tình bị cữơng chế đưa về tận địa phương, tình hình hiện tại của bà con ra sao? Một người khiếu kiện từ tỉnh Long An cho biết: “Tôi ở tỉnh Long An, từ đêm 18 về đến nay là 31/7 chính quyền địa phương chưa mời người nào lên để giải quyết về vấn đề dân mất đất đai, nhà ở, chưa làm việc với một ai cả, họ im luôn đó.”

Trà Mi: Thưa bà con có ai gõ cửa ở xã, ở huyện để hỏi thăm tình hình không?
Dân oan Long An: Dạ có, hôm qua 30/7 chúng tôi ở huyện Vĩnh Hưng kéo lên chỗ tiếp dân của tỉnh để hỏi thăm coi chừng nào được giải quyết, họ làm như không muốn tiếp xúc với dân.

Trà Mi: Thế có ai gặp được những người chức trách của địa phương chưa ạ?
Dân oan Long An: Có gặp rồi, nhưng họ làm như đưa mình về địa phương được rồi thì không có chuyện gì xảy ra vậy, không nói tính tới đây giải quyết như thế nào hết trơn. Phòng tiếp dân tỉnh nói là ngày 5 tới đây chủ tịch tỉnh mới chia các ban ngành ra để làm việc nhưng bà con cũng nghĩ rằng có thể lần này họ lừa dân.
Bà con nói là nếu tới đây mà họ không giải quyết, cho dù có giải quyết ít đi nữa, thì tụi tôi cũng dứt khoát ôm khăn gói lên trung ương 2 xuống đường tiếp, cỡ nào cũng đứng lên để đòi lại những gì bà con đã mất. Dù họ có chặn đường cỡ nào tụi tôi cũng phải tìm cách đi.

Trà Mi: Ông Thìn, một dân oan từ một địa phương khác trong tỉnh, khi được hỏi về tình hình hiện nay, thẳng thắn bộc bạch.
Ông Thìn Long An: Dạ thưa chưa giải quyết gì hết cô à, chẳng có tiến triển gì. Họ chỉ lừa dối thôi chứ có giải quyết gì đâu.

Trà Mi: Riêng trường hợp của gia đình ông, ông có được mời lên làm việc với chính quyền địa phương để hứa hẹn giải quyết không?
Ông Thìn Long An: Không có mời nhưng họ hứa ngày 5 sẽ có hướng giải quyết nhưng tôi chắc là không có giải quyết gì được đâu vì anh em ở Sóc Trăng có điện lên cho tôi biết là ở đó họ cũng không được giải quyết gì hết trơn.

Trà Mi: Đường dây liên lạc với một số bà con dân oan ở Sóc Trăng bị trục trặc, chúng tôi gọi hỏi thăm tình hình dân khiếu kiện ở Kiên Giang. Bà Bảy, một người khiếu kiện tại đây, bày tỏ:
Bà Bảy Kiên Giang: Ở trên đó đưa về nói là tỉnh giải quyết nhưng tới nay cũng chẳng thấy gì.
Trà Mi: Từ ngày bà con bị cưỡng chế về địa phương riêng gia đình bà có được mời lên chính quyền làm việc chưa?
Bà Bảy Kiên Giang: Ngày 26 vừa rồi có lên tỉnh gặp chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Ông nói để cho thanh tra xuống để giải quyết nhưng tới nay chưa thấy gì hết.

Sẽ lại kéo lên Sài Gòn khiếu kiện?

Trà Mi: Ở một huyện khác trong tỉnh, một dân oan khiếu kiện lâu năm cho biết thêm tình hình:
Dân oan Kiên Giang: Họ mời lên ngày 26 nói rằng sự việc tôi đã thưa lên toà án tối cao rồi thì giờ chờ toà tối cao giải quyết đi, chứ bây giờ họ không giải quyết nữa.
Bao nhiêu người về họ cũng không giải quyết. Thủ tướng ra lệnh chủ tịch tỉnh phải giải quyết dứt điểm cho dân. Nói vậy mà chưa một người nào được giải quyết gì cả, y chang như cũ thôi. Ngày nào mời thì tôi cũng xuống chờ đợi để coi giải quyết như thế nào, ngồi chờ đợi chứng kiến thấy ai đi ra cũng y chang như cũ. Bà con quá thán oán.
Phản ứng của bà con là gìơ giải quyết y chang như vậy có thể mọi người sẽ kéo lên thành phố để kêu oan nữa chứ còn không cách nào. Dân quá đau khổ!

Mới ngày 20 vừa rồi, 3 ông công an lại nhà điều tra con tôi, hỏi xem tôi lên thành phố biểu tình có ai cho tiền không, tiền đâu đi biểu tình, có di động không… điều tra đủ thứ hết. Ở đây họ trù dập, hiếp đáp quá hà.

Sự oan ức của tôi 11 năm nay rồi, thiếu nợ biết bao nhiêu mà tôi vẫn đi thưa, tức quá tức mà. Họ trù dập, vài bữa mời lên làm việc một lần, hàng trăm giấy mời luôn. Sự uất ức dữ lắm, đất đai mẹ con tôi đổ biết bao nhiêu công sức, tài sản vô để mần thành đất thuộc. Rồi họ giam giữ tôi, cữơng chế đất tôi, đo đạc đem chia cho 2 hộ cán bộ.
Đau khổ không? Luật nào mà năm 1996 rồi mà lấy không đất thuộc của dân đem đưa cho cán bộ, sang bán, ăn như vậy?

Tôi nói hết lời lẽ với chủ tịch rồi. Hoàn cảnh tôi giờ rất khổ, không biết sống làm sao. Họ chiếm đất rồi còn uy hiếp. Đau khổ dữ lắm, không có nhà ở, không có đất làm luôn. Bây giờ họ hăm là “Nếu còn đi lên trên đó là công an thành phố bắt mấy bà đó”. Họ hăm vậy đó, mà tụi tôi chắc cũng phải kiếm cách đi lên đó nữa chứ không cách nào khác. Qúa khổ rồi phải đi thôi, chết sống gì cũng phải đi thôi!

Trà Mi: Tình hình dân khiếu kiện ở Tiền Giang sau khi bị đưa về để, theo như lời hứa hẹn của chính quyền, là “địa phương sẽ giải quyết”, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Hoa, dân oan từ huyện Cái Bè, phát biểu:

Bà Hoa Tiền Giang: Xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chưa giải quyết mà xã còn hăm bắt bớ nữa chứ. Cũng như họ nói mình tổ chức biểu tình vậy đó, thì họ mời lên làm việc. Từ trên Sài Gòn về đây được 4 ngày thì tôi bị mời đi làm việc. Họ nói “Thôi gìơ đừng đi nữa, đi nữa người ta bắt bớ chết, thôi đừng đi, để người ta giải quyết cho”. Nhưng tới ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết gì hết trơn.
Năm 1989, họ lấy đất của tôi bán cho cán bộ, rồi bắt tôi không nói lý do gì cả, bỏ tù ở Cái Bè 4 tháng, cuối cùng rồi thả. Tới lúc tôi được về, họ chia nền đất bán cho người ta hết trơn. Gìơ gia đình tôi khổ dữ lắm, mà họ không trả.

Trung ương nói 1 đường, địa phương làm 1 nẻo

Trà Mi: Chúng tôi được biết có quy định là sau khi bà con về đến điạ phương các cơ quan chức năng địa phương phải tiến hành giải quyết?
Bà Hoa Tiền Giang: Dạ không, xã này nó ém nhẹm hết trơn, nó không xử, không giải quyết gì hết đó. Tôi có đi hỏi thăm ở huyện, ở tỉnh. Họ nói chưa giải quyết gì hết. Gìơ họ chấn ép dữ lắm, chưa trả ai hết đó. Hễ đi ra thì nó hăm bắt bớ hoài à, còn ở nhà thì thôi. Nếu trận này không được thì tôi đi thưa nữa.

Trà Mi: Thưa bà có nghĩ rằng sau vụ đàn áp đó thì bà con có cơ hội tiếp tục đi biểu tình nữa hay không?
Bà Hoa Tiền Giang: Nếu không được thì phải đi à. Coi báo thì mấy ông lớn ngoài kia như Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Nhật Thành có hứa giải quyết cho bà con trong tháng 8 này. Nếu không giải quyết thì mình đi nữa.

Trà Mi: Thế từ hôm về địa phương tới giờ bà không gặp được bất cứ một vị chức trách nào của huyện, của tỉnh hay sao?
Bà Hoa Tiền Giang: Chỉ được gặp ông Đỗ Văn Đen ở huyện Cái Bè một lần. Ông đó là công an huyện. Ông nói “Tôi làm việc vầy thôi chứ vấn đề trả đất hay không, giải quyết ra sao thì không biết”. Bởi cấp trên chỉ đạo ông ta đi thì ông ta đi thôi chứ chưa biết giải quyết sao hết.

Trà Mi: Mặc dù chính phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ thị các tỉnh-thành phải giải quyết ngay theo yêu cầu của người dân, cá nhân nào làm sai thì phải kiên quyết xử lý để lấy lại lòng tin nhân dân, thế nhưng thực tế cho đến nay vẫn chưa mấy khả quan, khi người dân đang ngày càng mất niềm tin trong sự chờ đợi mỏi mòn, vô vọng, như lời ca thán của bà Sáu, một dân oan cũng thuộc tỉnh Tiền Giang:

“Mấy ông này tham nhũng, cứ lấy đất lấy nhà. Đất đai của tôi từ thời ông bà tôi ở đến nay trên 100 năm rồi, tôi là đời cháu thứ 5 rồi, mà mấy ổng kêu phải tự dỡ nhà. Tôi không đồng ý, mấy ổng kỳ hẹn 30 ngày không dỡ mấy ổng dỡ.
Tôi đi từ địa phương đến trung ương hết tiền hết bạc không ai giải quyết hết. Thanh tra chính phủ yêu cầu tỉnh phải điều chỉnh diện tích đất cho đúng nhưng ở tỉnh không làm, khiếu nại giờ đi đâu nữa gìơ? Tôi đi trung ương mấy lần rồi mà không giải quyết gì cả.

Yêu cầu các cấp trên trả nhà, đất lại cho chúng tôi để chúng tôi lo làm cơm no áo ấm chứ. Người dân người ta nghèo khổ như thế này mà mấy ổng muốn làm gì thì làm. Mình tới mình trình bày sự việc, họ cũng công nhận mình bị oan, mà họ không giải oan cho mình. Họ làm sai càng sai, càng sai thêm.

Họ ra luật đất đai để làm gì, nào là khoản 1, điều 2 của luật đất đai năm 1993, tại sao mấy ổng không làm theo luật đất đai? Cái này mấy ổng làm theo luật rừng và luật ăn cướp đất, ăn cướp nhà cửa của dân.

Quý vị vừa cùng chúng tôi tìm hiểu tình hình hiện nay của bà con biểu tình khiếu kiện đất đai từ các tỉnh miền Tây sau khi họ bị cưỡng ép giải tán về địa phương, qua chính lời thuật lại của những người trong cuộc.

Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Hà Nội: dân chúng khiếu kiện vì chính sách đền bù không hợp lý
Nữ luật sư Bùi Kim Thành trả lời phỏng vấn đài RFA sau khi được trả tự do
Làm thế nào để thành lập hãng luật tại Việt Nam?
Ðêm thắp nến yểm trợ dân oan của người Việt Houston
Nạn cướp đất tại châu Á phơi bày sự thất bại của các nhà cầm quyền
Nhiều nông dân mất ruộng do công nghiệp hóa và đô thị hóa
Bộ trưởng Mai Ái Trực: người dân cần phải kiên trì theo đuổi việc khiếu kiện oan sai
Việt Nam sẽ công khai hóa thông tin về chống tham nhũng
Chung một vấn đề: Cổ phiếu và Khiếu kiện
Gửi trang này cho bạn

No comments: