Tuesday, August 7, 2007

Cảm nghĩ ngày về quê hương

Cảm nghĩ ngày về quê hương

Nguyễn Tiến Trung
Gởi đến BBC từ TPHCM


Nguyễn Tiến Trung và các bạn Alex, Florin và Hồng Hạnh trong lễ nhận bằng thạc sĩ ở Pháp
Có lẽ nỗi nhớ quê nhà là nỗi nhớ luôn thường trực trong mỗi bạn sinh viên du học. Nhưng đến khi quay về lại có một nỗi nhớ khác, đó là nhớ về nơi mình đã từng gắn bó trong suốt quãng đời sinh viên.
Trên chuyến bay từ Paris trở về thành phố Hồ Chí Minh, trong tôi luôn trộn lẫn hai cảm xúc đó. Ngày ra đi, tôi chỉ là một cậu con trai còn hồn nhiên vô tư lự. Ngày trở về, có lẽ tôi đã già dặn đi nhiều sau bao biến cố.

Về đến sân bay, tôi phải ở lại khoảng ba tiếng để trò chuyện với một số anh "công chức". Cuộc trao đổi diễn ra khá cởi mở, sôi nổi và thú vị.

Tôi luôn mong muốn được trực tiếp nói chuyện với những người nằm trong bộ máy chính quyền để có thể hiểu nhau nhiều hơn, tránh những chuyện đáng tiếc như việc báo An Ninh Thế Giới đăng thông tin về các bạn thanh niên dân chủ một cách không trung thực.

Sau đó, tôi còn phải qua màn kiểm tra hành lý. Bây giờ tôi mới biết là theo nghị định 88, hải quan phải để sở văn hóa kiểm tra nội dung mọi máy tính xách tay đi qua cửa khẩu.

Hẹn ngày lấy máy

Điều này theo tôi là kì cục vì sẽ gây phiền phức cho bao nhiêu người, mà kết quả của việc kiểm duyệt này tôi nghĩ chẳng đi đến đâu. Ngay cả một chú hải quan làm việc với tôi cũng đồng ý chuyện này.

Chú cứ than thở là ngành hải quan phải làm bao nhiêu việc theo chỉ thị từ các bộ khác nhau như bộ Công An, bộ Văn Hóa – Thông tin… Có những việc mà ngành hải quan thấy đã lỗi thời nhưng cũng không sửa được.

Sáng mai tôi phải lại lên Sở văn hóa thông tin để kiểm tra và lấy máy tính về.

Rồi cũng được về nhà, chưa kịp lắng niềm vui sướng được gặp lại gia đình xuống, tôi đã nghe bố tôi nói là chiều mai phải lên công an quận. Hi vọng tôi nhận được giấy mời vào …sáng mai.

Chỉ một việc nhỏ là phải kiểm tra tất cả máy tính qua cửa khẩu, tôi đã thấy bao nhiêu chuyện bất hợp lý vì làm tốn thời gian người làm trong sở văn hóa, người hải quan dẫn tôi lên sở văn hóa, và tốn cả thời gian của tôi. Tôi không hiểu những người doanh nhân ra vào nước ngoài liên tục sao có thể chịu nổi cảnh này.

Một điều mà tôi suy nghĩ nữa là thứ tư duy kiểm duyệt lỗi thời. Kiểm soát 84 triệu dân nghĩ gì, viết gì, nói gì, tôi cho rằng đó là một điều không tưởng và chỉ có hại cho văn hóa dân tộc và cản trở sự lưu thông thông tin nhiều chiều - điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí.

Mà thôi, tối nay cứ ngủ ngon đã. Ngày mai sẽ là một ngày dài…

(Nguyễn Tiến Trung – Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ)

--------------------------------------------------------------------------------

Trần thị Huệ
Chào mừng người thanh niên trẻ dấn thân trở về quê hương. Chúc bạn may mắn vượt qua những khó khăn riêng để không lạc đường, không nhụt sĩ khí, đem sở học chia sẻ khó khăn chung của dân tộc. Ai còn coi mình là người VN cần hẫu thuẫn cho những thanh niên, sinh viên biết quên mình vì dân tộc VN, chứ không vì tập đoàn CS.

TQVN
Cầu mong cho bạn Trung được an lành!

BNT, TP. HCM
Tôi đã đọc khá nhiều bài viết của bạn Trung. Tôi rất mong Trung và các bạn của mình lập ra một tổ chức nào đấy với đúng theo nguyện vọng mà bạn Trung đã viết ra và hoạt động ở tại Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng. Tôi tuy không còn là thanh niêm nhưng sẵng sàng làm thêm các công việc nhỏ khác của tổ chức này. Chào bạn Trung.

Coldnorth, USA
Cậu Nguyễn Tiến Trung này liệu không biết có phải là làm hoạt động chính trị cho cả hai phía hay không nhỉ? Mà thực sự để nói bạn Trung này cũng đã am hiểu rất rõ về đảng cộng sản việtnam như thế nào.Có bằng thạc sỹ rồi tại sao không ở Pháp luôn đi,lại về vn làm gì? ĐẦY TỚ THẰNG KHÔN HƠN LÀM THẦY THẰNG DẠI.

Không nêu tên
Nguyễn Tiến Trung dám về Việt Nam ư ? Vác tội chết vào thân rồi Trung à.



Cải Cách phản hồi cùng Nguyễn Tiến Trung



Thứ Hai, ngày 6 tháng 8 năm 2007

Vừa Về Đến Sài Gòn, Nguyễn Tiến Trung Bị Công An Mời Đi “làm Việc”
-----------------------------------------------

--------------------------------------------------------------------------------


Nguyễn Tiến Trung


Theo tin của đài Á Châu Tự Do trong chương trình phát thanh về Việt Nam sáng ngày thứ Ba 7-8, ngay sau khi về đến Sài Gòn, sinh viên tranh đấu Nguyễn Tiến Trung đã bị công an đến mời đi “làm việc”. Tuy nhiên anh đã từ chối không đi theo công an với lý do là nếu muốn đi đến đồn công an “làm việc” thì phải có văn bản rõ ràng và cho anh biết lý do vì sao anh phải “làm việc” với công an.

Nguyễn Tiến Trung cho biết thêm là vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất thì anh ninh phi trường đã giữ ngay chiếc máy laptop của anh, và hiện vẫn chưa trả lại.

Nguyễn Tiến Trung, một sinh viên từ Hà Nội sang Pháp du học và đã khởi xướng, thành lập và lãnh đạo tổ chức mang tên “Tập hợp Thanh niên Dân chủ”, đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về công nghệ thông tin.

Tin này khiến cho giới hoạt động dân chủ trong và ngoài nước không khỏi ngạc nhiên và lo lắng cho sự an toàn của anh, bởi trong suốt quá trình học tập ở ngoại quốc, Nguyễn Tiến Trung đã tích cực phát động và tham gia vào các hoạt động cổ võ dân chủ cho Việt Nam.

Anh đã sử dụng mọi cơ hội có thể để lên tiếng kêu gọi một nền dân chủ thực thụ trên quê hương, từ các chiến dịch vận động sự quan tâm của giới trẻ khắp nơi như “Marathon Nối vòng tay lớn”, các thỉnh nguyện thư gửi tới giới lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam và quốc tế, tới các cuộc tiếp xúc trực tiếp với nguyên thủ các nước như Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu…




Bản Tin Đặc Biệt của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ

Các bạn thân mến,

Sau 5 năm du học tại Pháp -INSA và thực tập tại Đan Mạch, Mỹ, Tiến Trung đã tốt nghiệp Thạc Sĩ - Kỹ Sư Tin Học.

Ngày chủ nhật 5 tháng 8 vừa qua tại phi trường Charles de Gaulles-Pháp, một số thành viên của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ đã tiễn Tiến Trung lên đường trở về Việt Nam.

Là một trí thức trẻ yêu nước, mong muốn của Tiến Trung cũng như hàng triệu thanh niên khác là đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng một Việt Nam dân chủ, công bằng và phát triển vững mạnh.

Xin thay mặt các thành viên của Tập Hợp cũng như các Bác, các cô chú, các bạn hữu xa gần, đã từng ủng hộ Tiến Trung trong suốt thời gian qua, gởi đến bạn lời chào trân trọng nhất, chúc bạn nhiều sức khỏe, nghị lực để có thể tiếp tục con đường mà bạn đã lựa chọn: «Phụng Sự Tổ Quốc».

Thay mặt ban đại diện Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ

Việt Quốc.
6/08/2007.

Monday, August 6, 2007

Buông dùi cui để cầm cán cân công lý!

Buông dùi cui để cầm cán cân công lý!

Bùi Tín


Nền tư pháp mới: Bàn tay chuyên cầm dùi cui được giao chiếc cân công lý!

Quốc hội khoá 12 đã họp khoá đầu tiên, kéo dài 2 tuần lễ để ''bầu'' ra những chức vị cao nhất của các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, thanh tra và kiểm sát.

Đã có dịp trực tiếp quan sát những phiên họp quốc hội Pháp, Bỉ, Anh, Canada, Úc và Hoa Kỳ, được thấy các đại biểu quốc hội bận rộn tiếp chuyện cử tri, thu nhận kiến nghị của nhân dân, tranh cãi tại hội trường sôi nổi, những cuộc bỏ phiếu sôi động ra sao, tôi thường mong đến lúc quốc hội Việt nam ta cũng nhộn nhịp, sôi nổi, năng động, thiết thực như thế.

Quả thật đã có vài tiến bộ so với trước. Nói chung các đại biểu trẻ hơn, có học thức hơn, am hiểu thế giới bên ngoài khá hơn trước, nhưng vẫn chưa biểu lộ được tiến bộ về mặt dân chủ, cọ sát ý kiến, hầu hết vẫn là suôi chiều, mọi nghị quyết đều dễ dàng thông qua với tỷ lệ trên 95%.

Điều trên đây là tất nhiên thôi, khi tỷ lệ đảng viên trong 496 đại biểu vẫn là hơn 90 % và chỉ có một người tự ứng cử được trúng cử; khi tất cả 18 vị trong Ban thường trực Quốc hội đều là đảng viên cộng sản, và có đến 15 vị là uỷ viên ban chấp hành trung ương đảng. Quốc hội do vậy vẫn trước hết là do đảng, vì đảng, của đảng, là một công cụ phục vụ đảng trước hết.

Vì trong Quốc hội thiếu một lực lượng chính trị đối lập nên thiếu hẳn một lực lượng ganh đua lành mạnh, thiếu hẳn một lực lượng đóng vai giám sát và cân bằng, như là chuyện tất yếu và bình thường ở 58 nước dân chủ thuần thục trên thế giới, cũng như ở 49 nước mới bước vào nền dân chủ nghị trường hơn 30 năm nay.

Sự thiếu hụt về tổ chức chính trị đối lập này làm cho nước Việt nam vẫn còn bị xếp vào loại nhà nước độc đoán, độc đảng, chậm tiến về chính trị - nằm trong số 36 nước không có dân chủ của thế giới hiện tại, theo thống kê chính trị của Liên Hợp quốc - trái ngược với những tiến bộ nổi bật về kinh tế trong thời kỳ đổi mới.

Do sự thiếu hụt về dân chủ và đối lập cho nên các nghị quyết thông qua tại quốc hội dễ phạm sai lầm chủ quan, phiến diện, không sát thực tế, không hợp thời đại mới, từ đó không thật hợp lòng dân, không được quốc tế tán đồng, vi phạm lợi ích của đất nước và quyền lợi của nhân dân.

Trong hoàn cảnh ấy tôi tự nhận vai trò của một tiếng nói đối lập xây dựng, hoà chung với những tiếng nói đối lập xây dựng của anh chị em dân chủ trong và ngoài nước, để để xuất những nhận xét, kiến nghị, can ngăn khi cần. Mong rằng những ý kiến này sẽ được các vị đại biểu quốc hội tham khảo và xem xét, vì lợi ích chung của xã hội và toàn dân.

Khả năng lắng nghe của quý vị còn yếu, xin để bà con ta phán xét vậy.

Để mở đầu, tôi có 2 ý kiến về phiên họp quốc hội 2 tuần qua như sau:

1-/ Việc bầu Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng vừa qua rất hình thức, rỉnh rang, mất 4 buổi, không có một sự lựa chọn nào khác, vì ai nấy đều biết rõ là đã được quyết định tại Đại hội X đảng CS, do phân công trong bộ chính trị, không ai có thể thay đổi. Cho nên việc công bố danh sách đề cử 1 người để xem xét, lấy ý kiến, thảo luận trong 3 trường hợp trên nên làm theo cách khác; những chữ dùng trong 3 trường hợp này: ''trúng cử'', ''đắc cử'', ''tái đắc cử" sao mà gượng gạo, không thực, giả dối; có thể làm gọn lại, tránh mất thì giờ, hình thức, tránh cảm giác khó chịu như đóng kịch, rất khó coi, không nghiêm chỉnh cho cả người đứng ngoài cũng như người trong cuộc.

2-/ Việc cử Chức vị Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lẽ ra cần cân nhắc kỹ thì lại diễn ra quá nhanh gọn. Bởi vì chức vụ này ngày càng trở nên quan trọng khi chính các vị lãnh đạo đều nhấn mạnh việc quyết tâm xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tách riêng có quan hệ phối hợp chặt chẽ với nhau.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao đứng đầu ngành xử án trong toàn quốc trở thành một chức vụ cực kỳ quan trọng , lãnh đạo đội ngũ thẩm phán các cấp, chỉ đạo các quan toà cầm cán cân công lý trong toàn xã hội.

Vị trí này càng quan trọng gấp bội khi vừa qua ngành toà án tỏ ra bất cập, nạn tham nhũng và tiêu cực xã hội làm cho số tội phạm tăng vọt, việc xử án chậm chạp, cán cân công lý ngiêng ngả. Tại phiên họp quốc hội giữa năm 2006, chánh án toà án tối cao Nguyễn Văn Hiện đã làm người xem truyền hình ngao ngán lắc đầu khi ông báo cáo rằng ngành toà án khủng hoảng to, số quan toà quá yếu lại rất, thiếu đã phải ''vơ vét'' từ thư ký đến lái xe trong ngành để đào tạo gấp thành thẩm phán..

Vậy mà người được cử thay ông Hiện nay lại là ông trung tướng Công an Trương Hoà Bình, thứ trưởng bộ công an, đứng đầu lực lượng cảnh sát. Thật là chuyện ngược đời. Người chuyên môn làm việc chuyên chính, đàn áp, chuyên cầm dùi cui sẽ cầm cân nảy mực ở vị trí cao nhất của ngành tòa án. Không một chất vấn, không một câu hỏi, ngần ngại của gần 5 trăm ông bà nghị. Hơn nữa, trước đó đã có những cán bộ công an cao cấp từng có 30 năm trong ngành gửi thư tố cáo đích danh tướng Trương Hoà Bình về khả năng, tư cách đạo đức (xin xem thư của thượng tá công an Nguyễn Văn Đô nêu rõ thói ăn chơi hư hỏng của ông Bình, từng là trợ lý thân tín của ông Bùi Quốc Huy thứ trưởng Công an đã bị truy tố và ngồi tù, thư này còn lưu trên mạng Ý kiến).

Để xem ông tướng Trương Hoà Bình sẽ có đủ kiến thức uyên thâm về luật pháp trong nước và quốc tế đến mức nào , sẽ xông vào một lĩnh vực cực kỳ phức tạp và quá ư mới mẻ với ông ra sao, để thực thi nền pháp quyền mới, không lọt kẻ gian, không oan người ngay, đem luật pháp nghiêm minh vào cuộc sống. Bất kỳ ai có suy luận lành mạnh cũng khó tin ở điều ấy.

Bộ máy quản lý nhân sự của đảng cộng sản, ban tổ chức trung ương, ban nội chính trung ương vẫn cổ lỗ như thời 20 năm trước, vẫn coi thường đội ngũ thẩm phán các cấp, càng coi thường gần 5 trăm đại biểu quốc hội mới. Nhiều người am hiểu thấu đáo bộ máy cho biết đây có thể có sự nhúng tay sâu của một thế lực MA (Mười-Anh) quái dai dẳng tệ hại.

Điều khác thường là hàng chục ngàn thẩm phán các cấp, trong đó không thiếu quan toà có hiểu biết sâu, có kinh nghiệm sống, có công tâm vẫn bị đánh giá là không đủ tài và đức, để đảng phải ''thả dù'' vào hàng ngũ các quan toà thời đổi mới một ông tướng cảnh sát i-tờ về luật pháp, tay vừa buông chiếc dùi cui chuyên chính để đóng vai ông Bao công cầm cân công lý cho toàn xã hội.

Chuyện cử quan toà tối cao như thế này mà xảy ra ở một nước dân chủ thuần thục ắt sẽ gây xì-căng-đan cực lớn, cả xã hội sẽ bĩu môi và bịt mũi, chống lại, vì ai cũng hiểu từ đây tai hoạ bất công và oan trái có thể sẽ giáng xuống bất kỳ ai.

Lại một điều lạc điệu, trái khoáy, một nghịch lý, con đẻ của nghịch lý gốc là ra sức xây dựng một nền dân chủ độc đảng chưa từng có ở đâu cả; nghịch lý ngộ nghĩnh: một chế độ độc đảng lẻ loi vẫn tự cho mình khả năng hoà nhập được với thế giới dân chủ văn minh.

Paris 5/8/2007
--------------------------------------------------------------------------------

Bài do tác giả gửi cho DCVOnline.
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3718

Wednesday, August 1, 2007

Sau vụ giải tán biểu tình: Dân oan vẫn chưa được giải quyết khiếu kiện

Sau vụ giải tán biểu tình: Dân oan vẫn chưa được giải quyết khiếu kiện
2007.08.01
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Sau khi cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai kéo dài gần một tháng trước cửa Văn phòng 2 Quốc hội ở Sài Gòn bị lực lượng an ninh đến cưỡng chế giải tán, giới chức Việt Nam lên tiếng khẳng định vụ việc đã được giải quyết êm thắm.

Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
Tải xuống để nghe

Người dân biểu tình ở Sài Gòn.

Báo chí trong nước cũng loan tin rằng các cấp thẩm quyền đã bắt đầu đối thoại với những người khiếu kiện và cam kết sẽ xem xét lại các trường hợp bị tịch thu đất đai, bồi thường oan sai.
Thực tế như thế nào? Trà Mi hỏi thăm một số dân oan tại nhiều khu vực khác nhau để tìm hiểu thêm:

Chỉ hứa chứ không có giải quyết

Gần nửa tháng kể từ sau khi những người dân oan tham gia biểu tình bị cữơng chế đưa về tận địa phương, tình hình hiện tại của bà con ra sao? Một người khiếu kiện từ tỉnh Long An cho biết: “Tôi ở tỉnh Long An, từ đêm 18 về đến nay là 31/7 chính quyền địa phương chưa mời người nào lên để giải quyết về vấn đề dân mất đất đai, nhà ở, chưa làm việc với một ai cả, họ im luôn đó.”

Trà Mi: Thưa bà con có ai gõ cửa ở xã, ở huyện để hỏi thăm tình hình không?
Dân oan Long An: Dạ có, hôm qua 30/7 chúng tôi ở huyện Vĩnh Hưng kéo lên chỗ tiếp dân của tỉnh để hỏi thăm coi chừng nào được giải quyết, họ làm như không muốn tiếp xúc với dân.

Trà Mi: Thế có ai gặp được những người chức trách của địa phương chưa ạ?
Dân oan Long An: Có gặp rồi, nhưng họ làm như đưa mình về địa phương được rồi thì không có chuyện gì xảy ra vậy, không nói tính tới đây giải quyết như thế nào hết trơn. Phòng tiếp dân tỉnh nói là ngày 5 tới đây chủ tịch tỉnh mới chia các ban ngành ra để làm việc nhưng bà con cũng nghĩ rằng có thể lần này họ lừa dân.
Bà con nói là nếu tới đây mà họ không giải quyết, cho dù có giải quyết ít đi nữa, thì tụi tôi cũng dứt khoát ôm khăn gói lên trung ương 2 xuống đường tiếp, cỡ nào cũng đứng lên để đòi lại những gì bà con đã mất. Dù họ có chặn đường cỡ nào tụi tôi cũng phải tìm cách đi.

Trà Mi: Ông Thìn, một dân oan từ một địa phương khác trong tỉnh, khi được hỏi về tình hình hiện nay, thẳng thắn bộc bạch.
Ông Thìn Long An: Dạ thưa chưa giải quyết gì hết cô à, chẳng có tiến triển gì. Họ chỉ lừa dối thôi chứ có giải quyết gì đâu.

Trà Mi: Riêng trường hợp của gia đình ông, ông có được mời lên làm việc với chính quyền địa phương để hứa hẹn giải quyết không?
Ông Thìn Long An: Không có mời nhưng họ hứa ngày 5 sẽ có hướng giải quyết nhưng tôi chắc là không có giải quyết gì được đâu vì anh em ở Sóc Trăng có điện lên cho tôi biết là ở đó họ cũng không được giải quyết gì hết trơn.

Trà Mi: Đường dây liên lạc với một số bà con dân oan ở Sóc Trăng bị trục trặc, chúng tôi gọi hỏi thăm tình hình dân khiếu kiện ở Kiên Giang. Bà Bảy, một người khiếu kiện tại đây, bày tỏ:
Bà Bảy Kiên Giang: Ở trên đó đưa về nói là tỉnh giải quyết nhưng tới nay cũng chẳng thấy gì.
Trà Mi: Từ ngày bà con bị cưỡng chế về địa phương riêng gia đình bà có được mời lên chính quyền làm việc chưa?
Bà Bảy Kiên Giang: Ngày 26 vừa rồi có lên tỉnh gặp chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Ông nói để cho thanh tra xuống để giải quyết nhưng tới nay chưa thấy gì hết.

Sẽ lại kéo lên Sài Gòn khiếu kiện?

Trà Mi: Ở một huyện khác trong tỉnh, một dân oan khiếu kiện lâu năm cho biết thêm tình hình:
Dân oan Kiên Giang: Họ mời lên ngày 26 nói rằng sự việc tôi đã thưa lên toà án tối cao rồi thì giờ chờ toà tối cao giải quyết đi, chứ bây giờ họ không giải quyết nữa.
Bao nhiêu người về họ cũng không giải quyết. Thủ tướng ra lệnh chủ tịch tỉnh phải giải quyết dứt điểm cho dân. Nói vậy mà chưa một người nào được giải quyết gì cả, y chang như cũ thôi. Ngày nào mời thì tôi cũng xuống chờ đợi để coi giải quyết như thế nào, ngồi chờ đợi chứng kiến thấy ai đi ra cũng y chang như cũ. Bà con quá thán oán.
Phản ứng của bà con là gìơ giải quyết y chang như vậy có thể mọi người sẽ kéo lên thành phố để kêu oan nữa chứ còn không cách nào. Dân quá đau khổ!

Mới ngày 20 vừa rồi, 3 ông công an lại nhà điều tra con tôi, hỏi xem tôi lên thành phố biểu tình có ai cho tiền không, tiền đâu đi biểu tình, có di động không… điều tra đủ thứ hết. Ở đây họ trù dập, hiếp đáp quá hà.

Sự oan ức của tôi 11 năm nay rồi, thiếu nợ biết bao nhiêu mà tôi vẫn đi thưa, tức quá tức mà. Họ trù dập, vài bữa mời lên làm việc một lần, hàng trăm giấy mời luôn. Sự uất ức dữ lắm, đất đai mẹ con tôi đổ biết bao nhiêu công sức, tài sản vô để mần thành đất thuộc. Rồi họ giam giữ tôi, cữơng chế đất tôi, đo đạc đem chia cho 2 hộ cán bộ.
Đau khổ không? Luật nào mà năm 1996 rồi mà lấy không đất thuộc của dân đem đưa cho cán bộ, sang bán, ăn như vậy?

Tôi nói hết lời lẽ với chủ tịch rồi. Hoàn cảnh tôi giờ rất khổ, không biết sống làm sao. Họ chiếm đất rồi còn uy hiếp. Đau khổ dữ lắm, không có nhà ở, không có đất làm luôn. Bây giờ họ hăm là “Nếu còn đi lên trên đó là công an thành phố bắt mấy bà đó”. Họ hăm vậy đó, mà tụi tôi chắc cũng phải kiếm cách đi lên đó nữa chứ không cách nào khác. Qúa khổ rồi phải đi thôi, chết sống gì cũng phải đi thôi!

Trà Mi: Tình hình dân khiếu kiện ở Tiền Giang sau khi bị đưa về để, theo như lời hứa hẹn của chính quyền, là “địa phương sẽ giải quyết”, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Hoa, dân oan từ huyện Cái Bè, phát biểu:

Bà Hoa Tiền Giang: Xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chưa giải quyết mà xã còn hăm bắt bớ nữa chứ. Cũng như họ nói mình tổ chức biểu tình vậy đó, thì họ mời lên làm việc. Từ trên Sài Gòn về đây được 4 ngày thì tôi bị mời đi làm việc. Họ nói “Thôi gìơ đừng đi nữa, đi nữa người ta bắt bớ chết, thôi đừng đi, để người ta giải quyết cho”. Nhưng tới ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết gì hết trơn.
Năm 1989, họ lấy đất của tôi bán cho cán bộ, rồi bắt tôi không nói lý do gì cả, bỏ tù ở Cái Bè 4 tháng, cuối cùng rồi thả. Tới lúc tôi được về, họ chia nền đất bán cho người ta hết trơn. Gìơ gia đình tôi khổ dữ lắm, mà họ không trả.

Trung ương nói 1 đường, địa phương làm 1 nẻo

Trà Mi: Chúng tôi được biết có quy định là sau khi bà con về đến điạ phương các cơ quan chức năng địa phương phải tiến hành giải quyết?
Bà Hoa Tiền Giang: Dạ không, xã này nó ém nhẹm hết trơn, nó không xử, không giải quyết gì hết đó. Tôi có đi hỏi thăm ở huyện, ở tỉnh. Họ nói chưa giải quyết gì hết. Gìơ họ chấn ép dữ lắm, chưa trả ai hết đó. Hễ đi ra thì nó hăm bắt bớ hoài à, còn ở nhà thì thôi. Nếu trận này không được thì tôi đi thưa nữa.

Trà Mi: Thưa bà có nghĩ rằng sau vụ đàn áp đó thì bà con có cơ hội tiếp tục đi biểu tình nữa hay không?
Bà Hoa Tiền Giang: Nếu không được thì phải đi à. Coi báo thì mấy ông lớn ngoài kia như Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Nhật Thành có hứa giải quyết cho bà con trong tháng 8 này. Nếu không giải quyết thì mình đi nữa.

Trà Mi: Thế từ hôm về địa phương tới giờ bà không gặp được bất cứ một vị chức trách nào của huyện, của tỉnh hay sao?
Bà Hoa Tiền Giang: Chỉ được gặp ông Đỗ Văn Đen ở huyện Cái Bè một lần. Ông đó là công an huyện. Ông nói “Tôi làm việc vầy thôi chứ vấn đề trả đất hay không, giải quyết ra sao thì không biết”. Bởi cấp trên chỉ đạo ông ta đi thì ông ta đi thôi chứ chưa biết giải quyết sao hết.

Trà Mi: Mặc dù chính phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ thị các tỉnh-thành phải giải quyết ngay theo yêu cầu của người dân, cá nhân nào làm sai thì phải kiên quyết xử lý để lấy lại lòng tin nhân dân, thế nhưng thực tế cho đến nay vẫn chưa mấy khả quan, khi người dân đang ngày càng mất niềm tin trong sự chờ đợi mỏi mòn, vô vọng, như lời ca thán của bà Sáu, một dân oan cũng thuộc tỉnh Tiền Giang:

“Mấy ông này tham nhũng, cứ lấy đất lấy nhà. Đất đai của tôi từ thời ông bà tôi ở đến nay trên 100 năm rồi, tôi là đời cháu thứ 5 rồi, mà mấy ổng kêu phải tự dỡ nhà. Tôi không đồng ý, mấy ổng kỳ hẹn 30 ngày không dỡ mấy ổng dỡ.
Tôi đi từ địa phương đến trung ương hết tiền hết bạc không ai giải quyết hết. Thanh tra chính phủ yêu cầu tỉnh phải điều chỉnh diện tích đất cho đúng nhưng ở tỉnh không làm, khiếu nại giờ đi đâu nữa gìơ? Tôi đi trung ương mấy lần rồi mà không giải quyết gì cả.

Yêu cầu các cấp trên trả nhà, đất lại cho chúng tôi để chúng tôi lo làm cơm no áo ấm chứ. Người dân người ta nghèo khổ như thế này mà mấy ổng muốn làm gì thì làm. Mình tới mình trình bày sự việc, họ cũng công nhận mình bị oan, mà họ không giải oan cho mình. Họ làm sai càng sai, càng sai thêm.

Họ ra luật đất đai để làm gì, nào là khoản 1, điều 2 của luật đất đai năm 1993, tại sao mấy ổng không làm theo luật đất đai? Cái này mấy ổng làm theo luật rừng và luật ăn cướp đất, ăn cướp nhà cửa của dân.

Quý vị vừa cùng chúng tôi tìm hiểu tình hình hiện nay của bà con biểu tình khiếu kiện đất đai từ các tỉnh miền Tây sau khi họ bị cưỡng ép giải tán về địa phương, qua chính lời thuật lại của những người trong cuộc.

Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Hà Nội: dân chúng khiếu kiện vì chính sách đền bù không hợp lý
Nữ luật sư Bùi Kim Thành trả lời phỏng vấn đài RFA sau khi được trả tự do
Làm thế nào để thành lập hãng luật tại Việt Nam?
Ðêm thắp nến yểm trợ dân oan của người Việt Houston
Nạn cướp đất tại châu Á phơi bày sự thất bại của các nhà cầm quyền
Nhiều nông dân mất ruộng do công nghiệp hóa và đô thị hóa
Bộ trưởng Mai Ái Trực: người dân cần phải kiên trì theo đuổi việc khiếu kiện oan sai
Việt Nam sẽ công khai hóa thông tin về chống tham nhũng
Chung một vấn đề: Cổ phiếu và Khiếu kiện
Gửi trang này cho bạn

Không thể bịt miệng dân oan khiếu kiện

Không thể bịt miệng dân oan khiếu kiện
2007.08.01
Trần Thanh Hiệp & Việt Long, रफा

Cuộc biểu tình trước Văn phòng Quốc Hội II, đường Hoàng Văn Thụ của dân 19 tỉnh ở miền Nam và 9 quận của Sài Gòn đêm 18 rạng ngày 19-07-2007 đã bị một lực lượng công an võ trang chống biểu tình giải tán. Các báo điện tử trên mạng trong nước đều đồng loạt sử dụng nhóm từ “khiếu kiện đông người” và đây cũng là cách gọi của các giới chức Nhà nước.
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Tải xuống để nghe

Theo các hãng thông tấn phương tây như AFP, Reuters thì đó là một cuộc biểu tình phản kháng của nông dân đòi lại đất đai bị tước đoạt. Đứng về mặt pháp lý phải coi đó là một cuộc đàn áp hay đó là một biện pháp vãn hồi trật tự bình thường? Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do đã tham khảo ý kiến Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Đàn áp hay thuyết phục?
Việt Long: Đã có nhiều luồng dư luận về cách nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt sự có mặt đông người đến tụ tâp trước Văn phòng II của Quốc Hội ở Sài Gòn để đòi được thoả mãn đơn khiếu kiện của họ. Người thì nói là công an của chế độ đã đàn dân oan, tố cáo rằng đó là một cuộc đàn áp tàn bạo. Nhưng theo báo chí trong nước cũng như các giới chức hữu quan thì đó chỉ là những biện pháp được áp dụng để thuyết phục các đương đơn về khiếu kiện tại địa phương của mình mà thôi. Vậy đứng về mặt pháp lý, Luật sư nhận định thế nào về cách can thiệp nói trên của nhà cầm quyền trong nước?
Trần Thanh Hiệp: Ở Việt Nam đêm 18-07 vừa qua đã không diễn ra cảnh một Thiên An Môn năm 1989 tại Trung Quốc. Nhưng không phải vì thế mà ngày 18-07 nhà cầm quyền Hà Nội được phép làm những gì họ đã làm để, nói theo ngôn ngữ của chế độ, “thanh toán gọn” cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện.

Việt Long: Giải tán biểu tình là điều vẫn thường xảy ra trên khắp thế giới kể cả ở những nước được coi là dân chủ nhất như Pháp, Anh hay Mỹ v.v…Vậy nhà cầm quyền ở Việt Nam có được phép giải tán biểu tình không?
Trần Thanh Hiệp: Trên nguyên tắc thì bất cứ một chính quyền nào cũng được phép giải tán biểu tình, nếu biểu tình ra khỏi phạm vi hợp pháp. Nói cách khác, biểu tình là nguyên tắc, cho nên giải tán biểu tình phảỉ là biệt lệ, không một chính quyền dân chủ nào có quyền đương nhiên đàn áp biểu tình. Tức là tính hợp pháp của quyền sử dụng bạo lực gỉải tán phải được đánh gíá thông qua tính hơp pháp của quyền biểu tình, vì quyền gỉải tán phải thi hành theo tinh thần và trong khuôn khổ pháp luật triệt để tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Ở Việt Nam, Hiến pháp thì cho, nhưng luật thì lại không cho dân biểu tình.

Do đó việc đánh giá tính hợp pháp của việc giải tán biểu tình ở Việt Nam không thể giống như ở một nước dân chủ, dân được quyền tự do biểu tình. Vì vậy muốn cho cuộc giải tán biểu tinh ngày 18-07-2007 được coi là hợp pháp, nhà cầm quyền Hà Nội phải thoả mãn ba đòi hỏi là có danh nghĩa chính đáng, đủ lý do chính đáng và dựa vào luật lệ chính đáng để giải tán đám dân oan khiếu kiện.

Việt Long: Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện đã kéo dài trên ba tuần lễ. Theo luật sư, khi ra lệnh giải tán nó trong đêm 18 rạng ngày 19-07-2007, nhà cầm quyền Hà Nội có thỏa mãn được ba đòi hỏi luật sư vừa nêu lên không?
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, nhà cầm quyền Hà Nội đã không thoả mãn được bất cứ một đòi hỏi nào trong ba điều kiện kể trên. Hà Nội đã không có danh nghĩa chính đáng để giải tán bằng vũ lực bởi vì đây là trường hợp đặc biệt của một vụ khiếu kiện đông người. Luật của chế độ cấm biểu tình nhưng đã công nhận cho dân được quyền khiếu kiện. Vì những oan ức của dân đã chồng chất từ nhiều năm và mỗi ngày số dân oan mỗi tăng nên dân chỉ còn cách họp nhau đi kêu oan. Do đó nhà cầm quyền không thể đối xử với dân oan như với một đám biểu tình thường.

Mặt khác, cung cách họ khiếu nại không cản trở lưu thông, không đe dọa trật tự công cộng. Họ mang quốc kỳ, các khẩu hiệu chi được giương lên để kêu gọi sự chú ý của chính quyền đến những bất công họ đã phải gánh chịu, hoàn toàn không biểu lộ ý muốn chống đối chế độ. Vậy thái độ hợp tình hợp lý của nhà cầm quyền là phải xét đơn bằng hoặc thoả mãn ngay các yêu sách hoặc đưa ra những nguyên tắc giải quyết oan ức đủ công bằng và sáng tỏ để lấy lại lòng tin của họ vào công lý mà họ mỏi mắt trông chờ.
Nhưng nhà cầm quyền đã tỏ ra không cần đếm xỉa gì đến những nỗi oan ức của họ nên đã bố trí để dập tắt tiếng kêu oan. Rất có thể là trong các nỗi oan ức của dân có nhiều điều pháp luật chưa trù liệu cách giải quyết. Nhưng không phải vì thế mà cứ áp dụng luật cấm biểu tình và không áp dụng đúng mức luật khiếu nại tố cáo. Nói tóm lại, cuộc giải tán không ôn hoà mà bằng vũ lực trong đêm 18 rạng ngày 19-07-2007 những người dân mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã tự nguyện xin hội nhập là một hành vi xâm hại nhân quyền, dân quyền.

Những lý lẽ của Hà Nội
Việt Long: Những điều Luật sư vừa nói dường như đã trái ngược hẳn với quan điểm của chủ tịch nước của Việt Nam. Xin nhắc lại lời ông Triết nói với báo chí quốc tế tại Mỹ như sau: “Việt Nam có đủ cơ chế, chính sách đảm bảo các quyền tự do dân chủ của người dân. Các quyền đó được ghi trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp quy”. Người ta còn đọc thấy trên báo Nhân Dân ý kiến sau đây của ông Triết: “Bây giờ đất nước Việt Nam có luật pháp của VN. VN cần an ninh và ổn định để phát triển, vì vậy ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý”Vậy có thể coi đó là những lời biện minh cho cuộc giải tán biểu tình ngày 18-07 được không?

Trần Thanh Hiệp: Những ý kiến này vừa thiếu hụt về mặt luật học lại vừa không đúng sự thật. Chỉ nói rằng Việt Nam bây giờ đã có luật pháp Việt Nam thì chưa đủ. Phải hỏi rằng luật pháp Việt Nam ây có phù hợp với luật quốc tế về nhân quyền là luật pháp thực hiện và bảo vệ dân chủ nhân quyền hay không? Vì Việt Nam đã tự nguyện xin tham gia và tôn trọng các quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền nên luật pháp của Việt Nam không thể là luật pháp đàn áp dân để bảo vệ độc tài. Nếu có một cuộc thảo luận được mở ra để bàn sâu thêm thì tôi sẵn sàng góp ý.

Tôi thấy ngay lúc này cần vạch ra rằng luật pháp hiện hành ở Việt Nam không bảo đảm mà cũng phát huy quyền tự do dân chủ của người dân, như thực tế đã chứng tỏ. Trái lại luật pháp ấy đã tước đoạt hết mọi quyền của người dân. Tuy rằng về hình thức các quyền này có được ghi trong Hiến pháp nhưng chính Hiến pháp lại bố trí để các văn bản dưới luật tịch thâu lại hết. Việc Hà Nội dùng những biện pháp không ôn hoà để bịt miệng dân rất đông người xuống đường khiếu kiện bất công, đòi công lý là hành vi không chính đáng không ai có thể bênh vực được về mặt pháp lý.

Các hãng thông tấn phương tây như AFP, Reuters đã đưa tin rằng đó là cuộc biểu tình phản kháng ôn hoà của nông dân đòi lại đất đai bị tước đoạt. Quyền khiếu kiện này phải được nhà cầm quyền tôn trọng, nhất là luật pháp thực định ở Việt Nam có dự liệu quyền khiếu kiện của người dân cũng như nghĩa vụ của người cầm quyền là phải giải quyết công bằng những khiếu kiện.

Việt Long: Trước đây luật sư có tiên đóan rằng nhân quyền ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng sa lầy. Luật sư có cần xét lại nhận định này của mình không và nếu không thì liệu có cách gì tìm được phương thức cải thiện sinh hoạt chính trị trong nước không? Mong được đón nhận ý kiến của Lụat sư về điểm này trong buổi phát thanh kế tiếp. Xin cảm ơn Luật sư Hiệp!
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Hà Nội: dân chúng khiếu kiện vì chính sách đền bù không hợp lý
Nữ luật sư Bùi Kim Thành trả lời phỏng vấn đài RFA sau khi được trả tự do
Làm thế nào để thành lập hãng luật tại Việt Nam?
Ðêm thắp nến yểm trợ dân oan của người Việt Houston
Nạn cướp đất tại châu Á phơi bày sự thất bại của các nhà cầm quyền
Nhiều nông dân mất ruộng do công nghiệp hóa và đô thị hóa
Bộ trưởng Mai Ái Trực: người dân cần phải kiên trì theo đuổi việc khiếu kiện oan sai
Việt Nam sẽ công khai hóa thông tin về chống tham nhũng
Chung một vấn đề: Cổ phiếu và Khiếu kiện
Gửi trang này cho bạn

Đại sứ Mỹ trả lời các câu hỏi về VN

01 Tháng 8 2007 - Cập nhật 10h36 GMT

Đại sứ Mỹ trả lời các câu hỏi về VN


Ông Marine nói một hệ thống mở sẽ giúp Việt Nam mạnh hơn
Đại sứ Mỹ ở Việt Nam vừa tham dự chương trình giao lưu trực tuyến của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó ông trả lời nhiều câu hỏi về viễn cảnh dân chủ và tương lai kinh tế của Việt Nam.
“Hỏi Đại sứ”, do trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, là dịp để độc giả gửi câu hỏi cho các vị đại sứ của Hoa Kỳ.

Ở buổi giao lưu ngày 30-7, ông Michael Marine, người sắp kết thúc thời kì công tác ở Việt Nam, nói ông đã “thường xuyên và thẳng thắn” trao đổi với Việt Nam về các vấn đề tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo.

‘Hệ thống mở’

Đại sứ Mỹ nhận xét trong một năm qua, Việt Nam “có tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy tự do tôn giáo”, nhưng vẫn còn “công việc phía trước để bảo đảm có đầy đủ tự do tôn giáo và nhân quyền cho mọi người Việt Nam.”

“Chúng tôi hy vọng và mong chờ Việt Nam sẽ cho phép có thêm không gian để công dân bày tỏ ý kiến, hành đạo và tham gia vào những hệ thống cởi mở hơn để bảo đảm có sự giải trình trách nhiệm, trong đó có quyền lựa chọn lãnh đạo và các đại diện.”

“Mặc dù Việt Nam đến nay đã rất thành công khi đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng để tiến thêm bước nữa trên thị trường thế giới thì đòi hỏi nước này khai thác đầy đủ sức sáng tạo và tiềm lực của nhân dân. Ở bất kỳ xã hội nào, chuyện này chỉ có thể đạt được bằng một hệ thống chính trị mở, một hệ thống cho phép các cá nhân bày tỏ quan điểm trong tự do và hòa bình cả trong vấn đề chính trị và những vấn đề khác.”


Để tiến thêm bước nữa trên thị trường thế giới, đòi hỏi nước này khai thác đầy đủ sức sáng tạo và tiềm lực của nhân dân


Đại sứ Michael Marine

Trả lời câu hỏi của James từ Texas, Đại sứ Mỹ nói thêm: “Tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ có các bước cần thiết để bảo đảm rằng sự bày tỏ quan điểm ôn hòa không thể bị xem là vi phạm pháp luật.”

Ông Michael Marine, 60 tuổi, trở thành đại sứ ở Việt Nam vào tháng Chín 2004. Trước đó, ông là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh từ năm 2000 đến tháng 6-2004.

Một người lấy tên Martin, từ Đức, hỏi vị đại sứ là ông đánh giá thế nào về sự phát triển dân chủ và pháp quyền ở Việt Nam.

Ông Marine trả lời: “Các công dân Việt Nam đang được tự do hơn bao giờ để theo đuổi lựa chọn về nghề nghiệp, kinh tế, gia đình; tuy nhiên, vẫn còn những khiếm khuyết cơ bản về nhân quyền. Bao gồm: công dân không thể chọn lựa chính phủ; việc cầm tù những cá nhân vì sự bày tỏ chính kiến ôn hòa; tước bỏ quyền được có những phiên tòa công bằng; hạn chế tự do báo chí, ngôn luận và tụ họp; hạn chế việc dùng internet; và cấm thành lập những nhóm phi chính phủ hoạt động về nhân quyền.”

Ông nói Hoa Kỳ hy vọng “bản thân người Việt Nam sẽ nhận thức tầm quan trọng của những quyền căn bản này.”

Đa số các câu hỏi trong buổi giao lưu đề cập các vấn đề chính trị. Một độc giả lấy tên Brian từ California hỏi đại sứ Mỹ nghĩ gì về lý thuyết rằng khi kinh tế mở cửa, không gian chính trị sẽ phải mở theo.

Trước câu hỏi này, ông Michael Marine cho rằng Việt Nam “sẽ chỉ càng mạnh hơn nếu cho phép có thêm không gian để tự do bày tỏ và một quá trình thảo luận mở về mọi vấn đề.”

“Khi những cơ hội và lợi ích kinh tế mở rộng, tôi hy vọng, và đó cũng là mong chờ của tôi, rằng một xã hội mở hơn sẽ đi theo. Khi nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về những khả năng mở ra trước mắt họ, tôi tin họ sẽ tiến bước để biến tiềm năng ấy thành sự thật.”

BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/08/070801_us_ambassador_answers.shtml

LẠC ĐIỆU ! - BT



LẠC ĐIỆU !

-----------------------


“… Người ta vẫn làm theo kiểu cũ, thời cửa đóng then cài, sau bức màn tre, thành cố tật, bất cần người dân trông thấy, người các nước khác trông vào !…”

Bùi Tín, Paris

Mùa hè trong nước đang nóng, cái nóng nung người nóng nóng ghê ! Thời sự trong nước cũng nóng, nóng nóng ghê, nóng dồn dập. Khai mạc quốc hội khoá 12, bầu các chức vụ cao nhất: Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội mới, Thủ tướng mới, Chánh án Toà án nhân dân tối cao mới, Viện trưởng viện kiểm sát tối cao mới, cử các thành viên chính phủ mới... Trước cuộc họp quốc hội đã có cuộc họp hội nghị trung ương 5 của khoá X.

Họp Trung ương đảng và họp quốc hội đầu tiên sau khi hội nhập quốc tế, chắc hẳn sẽ có không khí mới mẻ, cách đề cập mới mẻ, những nội dung mới mẻ, thúc đẩy chính sách đổi mới một bước quan trọng về phía trước. Vậy mà không phải thế. Mọi hy vọng dù nhỏ nhoi đều nhường cho thất vọng.

Mười ngày họp Trung ương chỉ để đẻ ra 5 nghị quyết dài dòng, nhạt nhẽo, giáo điều và công thức đến ghê rợn. Vẫn là văn phong và nhãn hiệu của cái công ty viết lách ''Học viện chính trị quốc gia'', tha hồ viết để nhận thù lao loại đặc biệt hàng tỉ đồng chia nhau. Nghị quyết về ''cải tiến sự lãnh đạo của đảng'', về ''công tác lý luận, tư tưởng và báo chí'', về ''cải cách hành chính'', về ''công tác kiểm tra của đảng'', về ''nhân sự cấp cao của nhà nước''; 5 nghị quyết cổ lỗ mang những căn bệnh của cơ quan lãnh đạo mà nhà nghiên cứu Đặng Quốc Bảo đầy nhiệt huyết và trí tuệ chỉ ra từ 3 năm trước: thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu khả năng đột phá để tiến lên, xa rời thực tế nóng bỏng của đất nước.

Quốc hội khoá 12 có gì mới hơn ? - trẻ hơn, có học hơn đôi chút, nhưng có mặt lại tệ hơn ,- tiến lên, lùi xuống - , về cơ bản vẫn là quốc hội ''của đảng, do đảng, vì đảng''. Tỉ lệ người ngoài đảng có dự định tăng từ 10% lên 20%, thì chỉ đạt chưa đến 9%, chỉ có 43 người ngoài đảng bên cạnh 450 đảng viên. Điều làm trò cười là sau khi kêu gọi cử tri tự ứng cử tự do, có đến 230 công dân hí hửng tự ra ứng cử thì đảng đã dùng công cụ Mặt trận tổ quốc (của riêng đảng CS) gạt phăng 200 vị ra qua 3 màn hiệp thương đầy ''sáng tạo'', để rồi loại nốt 29 trong 30 vị còn lại trong danh sách qua màn ''lãnh đạo'' bằng rỉ tai, chỉ trỏ của đảng viên ở chi bộ cơ sở, để cuối cùng chỉ còn duy nhất một vị trúng cử. Có lẽ nên có chỗ ngồi riêng biệt cho của hiếm.

Quốc hội thời hội nhập vẫn là theo nếp cũ, không có tự do ứng cử, bầu cử, không có tranh cử, không có chương trình khác nhau để so sánh lựa chọn, phần lớn vẫn là bầu qua quít cho xong chuyện, cho yên thân; nhiều chuyện cười ra nước mắt, như sai ô - sin đi bầu thay ông bà chủ, như một chú bé bỏ phiếu thay cho cả gia đình lớn, một người bỏ 20 phiếu cho cả số nhà !

Vẫn là một quốc hội lạc điệu với nền dân chủ văn minh, một quốc hội kiểu cổ lỗ, vắng bóng không khí tranh cử sôi nổi có lựa chọn của toàn xã hội, một cuộc bầu cử nhạt nhẽo, đơn điệu, đáng xấu hổ với người nước ngoài, đáng tự vấn lương tâm của kẻ lãnh đạo thời mở cửa và hội nhập.

Đêm trước ngày 493 đại biểu quốc hội mới tề tựu tại thủ đô để vào lăng viếng ông Hồ Chí Minh, Bộ công an đã huy đông cả một đội quân đặc nhiệm,với súng đạn lớn nhỏ, dùi cui, hơi cay, xe thùng, xe tải càn quét tàn bạo gần một nghìn dân oan đang đòi lại quyền sở hữu nhà đất hợp pháp bị bọn cường hào mới là quan chức cộng sản địa phương chiếm đoạt bằng quyền lực thô bạo. Tội ác mới chồng lên tội ác cũ, quốc hội mới khoá 12 khai mạc trong một cuộc ''chiến tranh một chiều'' bằng bạo lực đối với những người cùng khổ nhất trong xã hội, chà đạp nhân phẩm của lương dân oan trái mà lẽ ra họ phải có trách nhiệm tiếp cận để tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết.

Có đại biểu quốc hội nào dám đứng dậy chất vấn bộ công an về hành động thô bạo mất lòng dân trên đây, khi tin xác thực là có người dân bị công án đánh chảy máu, vỡ đầu, có người bị đánh sái chân sái tay, bị ngất xỉu, bị ném lên xe tải như súc vật ?

Và có đại biểu nào dám đứng thẳng dậy chất vấn người cầm đầu chính phủ về sự kiện ngày 9 tháng7 mới đây tàu chiến Trung quốc bắn chết ngư dân nước ta tại vùng biển Trường Sa, dư luận quốc tế đưa tin sôi nổi, và nhân sự kiện này yêu cầu công khai hoá, minh bạch hoá tất cả những tổn thất trên đất liền và trên biển qua các hiệp định Việt - Trung năm 1999 và năm 2000, đến nay vẫn bị giấu kín các bản đồ kèm theo văn kiện.

Trong thời mở cửa, hội nhập, công khai, minh bạch, không thể cứ che che giấu mãi nhân dân và công luận.

Theo dõi trên truyền hình những phiên họp đầu quốc hội khoá 12 sao mà cổ lỗ nặng nề. Màn bầu chủ tịch Quốc hội, bầu Chủ tịch nước ,rồi bầu Thủ tướng hình thức, rỉnh rang. Đúng là đóng kịch gượng gạo, vô duyên. Mấy vị đó đều được phân vai vế chia nhau ngôi thứ, tử đại hội đảng 10 hơn 1 năm trước cho nhiệm kỳ 5 năm, đã nhận việc hơn 1 năm rồi, nay lại bầy trò bầu cử, mỗi vị đều nguyên vị, không có ai ứng cử , tranh cử, vậy mà vẫn cứ giới thiệu ''danh sách'' (!), rồi trao đổi ý kiến cả buổi ở từng đoàn, rồi xếp hàng bỏ phiếu ''độc diễn'', đúng là diễn trò để chụp ảnh, quay phim, mất thì giờ vô tội vạ, đáng xấu hổ khi bao nhiêu việc khác thiết thực cần làm. Người ta vẫn làm theo kiểu cũ, thời cửa đóng then cài, sau bức màn tre, thành cố tật, bất cần người dân trông thấy, người các nước khác trông vào ! Thật là lạc lõng, lạc điệu với thời cuộc, lạc điệu với thế giới văn minh.

Rồi đúng vào dịp khai mạc quốc hội khoá 12, vụ PMU 18, vụ án số một trong 20 vụ tham nhũng lớn nhất được đưa ra xử ngày 1 tháng 8, sau 19 tháng ngâm tôm. Lại một trò cười ra nước mắt của 493 đại biểu nhân dân, vì 8 kẻ tội phạm chính từng bị truy tố về tham nhũng thì nay chỉ còn bị xử về 2 tội ''đánh bạc'' và ''đút lót''. Vụ án đã được uốn nắn lại cho vừa khuôn khổ cần thiết; 3 triệu 6 đôla cá cược được hạ xuống là hơn 700 ngàn đôla, Bùi Tiến Dũng thoát khỏi tội tham nhũng lớn có thể bị mất đầu, vì không có bằng chứng tiền công quỹ bị moi móc, vì người đại diện WB (Ngân hàng thế giới) cũng thừa nhận là không có dấu vết như thế. Có thể chính cơ quan điều tra của bộ công an theo lệnh trên đã giúp Bùi Tiến Dũng chùi sạch mép, để không còn dấu tích ăn vụng hàng mấy triệu đôla công quỹ. Dũng chỉ cần khai tỉnh bơ đó là tiền riêng vay mượn bạn bè thân quen. Vì sao ? Vì Dũng là kẻ thân tín, coi như người nhà của ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, vì Dũng được ông Mạnh tin cậy gửi gắm cả con gái và con rể, để hai quý nhân này là '' tay hòm chìa khoá'', nghĩa là Chánh văn phòng và phó văn phòng của ''Dũng - Tổng''. Có đại biểu nào lên tiếng về kiểu cách chống tham nhũng độc đáo đến vậy ?

Và có ai dám đặt vấn đề tư cách đại biểu của cậu ''hoàng tử cộng sản'' Nông Quốc Tuấn con trai ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, từng bị đa số đại biểu đại hội X đảng CS gạt bỏ khỏi danh sách do ông Mạnh tiến cử, thế mà kỳ này ông Mạnh vẫn cố nhồi nhét lấy được, sau khi đổi chỗ bỏ phiếu của Tuấn từ Hànội lên Lạng Sơn để ăn chắc. Cứ như Kim Nhật Thành chuẩn bị cho quý tử Kim Chính Nhất nối ngôi ! Cũng là lạc điệu.

Ngày 24-7 mới rồi khi nhậm chức ông Triết và ông Trọng đều long trọng hứa xây dựng nền dân chủ pháp trị, một chế độ nghiêm theo Hiến pháp và luật pháp do dân vì dân. Thế nhưng những chuyện tức thì xảy ra nhãn tiền tại quốc hội và quanh quốc hội cho thấy vẫn có những khoảng cách khá xa giữa lời hứa và việc làm. Có quá nhiều điều lạc điệu với đổi mới và hội nhập.

Họp Trung ương đảng và Quốc hội nhạt nhẽo giữa mùa hè oi bức, dân ta chỉ tìm vui ở những trận đá bóng để hy vọng, để rồi cũng lại thất vọng .Nền đá bóng nhích lên khá nhưng vẫn ở vị trí 117 của thế giới do virus tham nhũng xâm nhập nặng nề. Mong rằng Quốc hội đặt chỉ tiêu phấn đấu để nước ta không còn xếp thứ 146 về dân chủ 138 về tự do báo chí, thứ 125 về rủi ro trong đầu tư, đèn đỏ về chất lượng đại học...

Lại phải chờ 5 năm nữa ? Để không còn là quốc hội của đảng, do đảng, vì đảng. Để có tự do ứng cử thật sự. Để không còn duy nhất một người tự ứng cử trúng cử. Để không còn dẹp dân, xúc dân để mừng quốc hội mới mở cửa. Để không còn hoàng tử cộng sản nối ngôi. Để chống tham nhũng không còn kiểu tài tử, tuỳ tiện làm trò cười, chạy tội cho nhau. Để đổi mới ra đổi mới. Hội nhập ra hội nhập.

Để tiếp nhận ngay thật và lương thiện những giá trị quý báu nhất của thế giới văn minh: tự do, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng hiến pháp, luật pháp, tôn trọng nhân quyền, từ đó vươn lên những thứ hạng cao của thế giới về mọi mặt của cuộc sống.


Bùi Tín, Paris 26.7.2007

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2007/20070729_07.htm

Chuyển hoá dân chủ theo đường lối hiến định

Chuyển hoá dân chủ theo đường lối hiến định


Nguyễn Văn Trần


Vào mùa thu năm 1989, trong vòng chỉ vài tuần lễ, Đông Âu đã thật sự thay đổi bộ mặt chính trị. Những chế độ ở đây được thiết lập sau Thế chiến II dưới áp lực của Liên Xô, đều sụp đổ.

Tên nước được đồng loạt vứt bỏ tính từ “xã hội chủ nghĩa” hoặc “nhân dân”. Những nước này sau đó trở thành những nước dân chủ pháp trị thật sự, một số khác tuy còn nhiều khó khăn vì phải xoá bỏ dần những di hại của hệ thống cộng sản, cũng tiến dần tới đích cuối cùng: chuyển hoá sang hệ thống chính trị đa nguyên, dân chủ.

Tại những quốc gia với nền dân chủ non trẻ này, tự do, nhân quyền và những nguyên tắc về nền dân chủ pháp trị được luật pháp tuyệt đối bảo đảm. Đường lối các quốc gia này chọn để thật sự chấm dứt vỉnh viễn chế độ cộng sản cai trị từ nửa thế kỷ qua rất ôn hòa chính là nhờ thực hiện theo đường lối hiến định.


Hiến Thuyết hay quyết tâm của toàn dân thiết lập Dân Chủ.

Nhìn lại quá khứ, Việt Nam đã bao lần thay đổi chính quyền nhưng tới nay vẫn chưa có được một chế độ dân chủ bởi, hoặc thiếu quyết tâm của toàn dân, hoặc bị các bạo lực khống chế sự thay đổi theo chiều hướng quyền lợi của bạo lực ấy.


Dân chủ hoá không dễ như cờ ca-rô, nhưng cũng không khó
Nguồn: idee.org
--------------------------------------------------------------------------------

Để thấy Hiến Pháp phải giải quyết vấn đề dân chủ, tức phải thật sự thiết lập dân chủ, thiết tưởng nên nhận định nguồn gốc của Hiến Pháp, tức muốn nói đến Hiến Thuyết (lý thuyết về hiến pháp).

Hiến Thuyết bắt nguồn từ phong trào quần chúng Âu Châu xuất hiện vào kỷ nguyên Ánh Sáng nỗ lực thay thế những tập tục cai trị có sẵn thường mơ hồ, không chính xác, bằng những bản văn nhằm giới hạn sự chuyên chế và độc tài của các chế độ quân chủ. Họ đòi hỏi thể thức và sự thi hành Chính quyền phải được qui định rõ ràng trong một bản văn kiện nền tảng. Bản văn này cô đọng và nói lên tinh thần của quần chúng chống lại chuyên chế để phát họa ra thế nào là một chính quyền pháp trị. Từ tinh thần này, một văn kiện hoàn chỉnh ra đời để xác nhận chế độ pháp trị và văn kiện này cũng sẽ đổi mới theo sự diễn tiến của xã hội dân sự.

Như vậy Hiến Thuyết là quyết tâm của dân chúng nhằm giới hạn quyền lực của người cầm quyền. Bởi dân chủ không do nguồn gốc của quyền lực, mà dân chủ thực hiện được là do sự kiểm soát liên tục và hữu hiệu của người bị trị đối với người cai trị - mà thực ra là đại diện cho quần chúng, được quần chúng chọ lựa quản trị đất nước.

Tinh thần Hiến Thuyết mở ra cho dân chúng Pháp sau cách mạng 1789 quyền tham dự vào Chính quyền và làm cho những quyền tự nhiên bất khả nhượng của con người từ đó được tôn trọng.


Thực thi dân chủ bằng đường lối Hiến Định: Kinh nghiệm của các nước Đông Âu

Các nước Đông Âu cũ, trong một khoảng thời gian ngắn, thay đổi tiến lên dân chủ đều rất ôn hòa, chỉ trừ vài nước có đổ máu nhưng không trên quy mô lớn, như Romania, Liên bang Nam Tư cũ (Yugoslavia) và Albania. Riêng Nam Tư, sau khi lật đổ Milosevich, bạo loạn đã xảy ra, nhưng không phải vì từ tiến trình chuyển hoá dân chủ mà chủ yếu xuất phát từ nguyên do xung đột sắc tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, trừ Kosovo thuộc Serbia đang được quản lý bởi Liên Hiệp Quốc, các nước khác đều tách khỏi liên bang, trở thành những quốc gia dân chủ, ổn định và phát triển kinh tế như Slovenia, Croatia, Bosnia and Herzegovina, Montenegro, Macedona.

Trong những nước kể trên, dân chúng từ bỏ mô hình Cộng Sản Xô Viết bằng cách chọn lựa đường lối Hiến định để thiết lập dân chủ. Trong quá trình thực hiện sự thay đổi này, phần lớn các nước đều sử dụng Quốc Hội cũ thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đó trong bước chuyển tiếp ban đầu. Dưới áp lực mạnh của các lực lượng dân chủ, nhất là bằng đường lối thương thảo qua những “bàn tròn” giữa Chính quyền và phía đối lập, hoặc bằng những cuộc xuống đường hùng hậu. Quốc Hội phải chấp nhận thay đổi thể chế. Trước tình thế mới này, nhiều Đảng cộng sản ở các nơi ấy đành phải chịu từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo theo Hiến Pháp Xô-Viết và đã phải tổ chức bầu cử tự do để thiết lập chánh quyền dân chủ pháp trị.

Ở Ba-Lan, Hungary, Tiệp Khắc cũ (nay là hai nước CH Czech và Slovakia), sự chuyển hóa dân chủ xảy ra rất nhanh nhưng những biến cố này đã được thai nghén và nuôi dưỡng qua một quá trình rất lâu dài.

Trái lại, ở Romania, ở Albania, ở Đông Đức cũ, biến cố xảy ra rất nhanh và rất hung hãn. Nhưng dù biến cố đã xảy ra trong trường hợp nào đi nữa thì tất cả cũng đều thay đổi tận gốc hệ thống chính trị ở những nơi ấy, nghĩa là thay đổi bản chất Hiến pháp.

Thật thế, chúng ta thấy Hiến pháp theo mô hình Xô -Viết trước kia chỉ là một tài liệu tuyên truyền chính trị nhằm che giấu thực tế quyền lực của giới cầm quyền, thì sau khi thể chế cũ bị bãi bỏ, nay trở thành một bản văn pháp lý nền tảng làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chính trị và xã hội quốc gia. Nghĩa là một Hiến Pháp giả tưởng (Constitution-fiction), qua biến cố hiến định, đã thật sự trở thành một văn kiện nền tảng , thực hữu, có sức mạnh xây dựng thể chế pháp trị.

Các nước Đông Âu cũ, sau khi thay đổi, thiết lập Hiến Pháp mới nhằm hai mục tiêu cùng một lúc: vừa đặt định những luật pháp mới thay thế hệ thống luật pháp cũ, vừa dùng luật pháp mới ngăn chặn chế độ cộng sản để vĩnh viển không có thể trở lại. Ví dụ, Ba Lan đã đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hiến pháp cấm tuyên truyền, hoạt động đối với các chủ nghĩa này.


Đường lối Hiến Định: Tu chính Hiến Pháp hoặc thiết lập Hiến Pháp mới

Sự chuyển hóa Dân chủ ở các nước thuộc khối cộng sản Đông Âu cũ đều dựa trên hai cách: hoặc thực hiện sự thay đổi trong khuôn khổ pháp lý hiện hành hoặc bằng sự thay đổi khuôn khổ pháp lý ấy. Thí dụ như trường hợp nước Lithuania thuộc Liên Xô cũ. Ý thức trách nhiệm trước nhân dân và căn cứ trên lời tuyên bố ngày 4 tháng 5 năm 1990 về sự tái lập nền độc lập của Cộng Hòa Lithuania, căn cứ trên kết quả thăm dò ý kiến nhân dân ngày 3 tháng 3 năm 1991 và sự kiện do cuộc đảo chánh Liên Xô ngày 19 tháng 8 năm 1991. Quốc gia hiến định và tất cả các định chế thuộc Liên Xô cũ không còn tồn tại. Hội Đồng Tối Cao Cộng Hòa Lithuania quyết định: “Công bố Lithuania là một Cộng Hòa Độc Lập và Dân Chủ, chủ quyền thuộc toàn dân Lithuania và qui chế Quốc Gia Lithuania do Hiến Pháp ngày 15 tháng 2 năm 1922 xác định”. Còn Hungary thì chủ trương tu chính tuần tự Hiến Pháp. Phần các nước còn lại chọn giải pháp với Hiến Pháp mới.

Điều đáng ghi nhận là tất cả các nước, sau khi thay đổi theo dân chủ, để đoạn tuyệt với quá khứ, đều nỗ lực chinh phục quốc tế thừa nhận đó là những quốc gia dân chủ pháp trị, cam kết tôn trọng nhân quyền và được gia nhập vào Cộng Đồng Âu Châu. Đối với chính phủ của các nước thuộc Đông Âu cũ, thực hiện bầu cử tự do và tạo lập Hiến Pháp mới là con đường mở ra cho họ hội nhập vào cộng đồng các quốc gia dân chủ.

Hiến Pháp là công cụ chuyển hóa dân chủ hữu hiệu hơn hết. Tất cả các bản Hiến Pháp mới, nghĩa là đã tu chính hoặc mới hoàn toàn, đều lên án để hủy bỏ những nguyên tắc nền tảng vốn là cơ sở pháp lý của hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa cũ như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, sự tập trung quyền lực quốc gia vào một đảng duy nhất.

Trong Hiến Pháp cộng sản, như Hiến Pháp của cộng sản Hà Nội 1992, cả với những sửa đổi, bổ sung, chính quyền được qui định là thuộc Quốc Hội do dân bầu, nhưng vì Hiến Pháp quy định vai trò của Đảng CS lãnh đạo toàn diện xã hội nên hệ thống bầu cử phải tôn trọng tính cách ưu đẳng của Đảng cộng sản đứng trên cả toàn xã hội. Do đó, Quốc Hội chỉ hiện nguyên hình là một cơ cấu ghi nhận để thi hành những Nghị Quyết của Đảng Cộng Sản. Trên thực tế, chính Đảng Cộng Sản mới thật sự lảnh đạo trực tiếp Chính quyền quốc gia.

Khi thay đổi dân chủ bằng đường lối hiến định thì hệ thống độc tài cũ phải bị xóa bỏ. Những cuộc bầu cử giả tạo bị thay thế bằng những cuộc bầu cử thật sự, tự do thật sự. Một Đảng cầm quyền vĩnh viễn không còn nữa. Nhiều Đảng tranh nhau phát biểu, đưa ra các chương trình hành động thể hiện nguyện vọng của dân chúngvà tranh cử bình đẳng. Nhưng đảng phái cầm quyền trong thể chế dân chủ không thể khống chế Nhà Nước và công quyền. Thí dụ như Hiến Pháp Hungary 1989 (và Hiến pháp tu chính 2003 ( http://www.servat.unibe.ch/law/icl/hu00000_.html ), Khoản 3, Điều 3 – DCV) qui định rõ: “Các đảng phái không được quyền hành xử trực tiếp công quyền nên không một đảng nào có quyền điều khiển một cơ quan nào của Nhà nước hết cả”.

Các đảng phái phải biệt lập với công quyền. Luật Pháp xác định chức năng và việc làm của mỗi người trong đảng phái cũ để kể từ nay họ trở thành công chức chính quyền.

Về Hiến Pháp, nhìn chung thì Hiến Pháp của các nước đã thay đổi theo dân chủ trong Mùa Thu năm 1989, đều có những qui định, ở phần đầu, rất cụ thể để xác định tính chất dân chủ của chế độ. Như đại để: “Không có một thành phần nào trong dân chúng, không có đảng phái nào, hoặc tổ chức nào, cơ chế nào, hoặc cá nhân nào, có thể tự dành cho mình quyền hành xử chủ quyền quốc gia” (Hiến Pháp Bulgaria ( http://www.servat.unibe.ch/law/icl/bu00000_.html ) , Khoản 3, Điều I, Chương I).

Hiến Pháp Romania ( http://www.servat.unibe.ch/law/icl/ro00000_.html ) , một nước thay đổi có khá nhiều bất ổn, qui định rõ thể chế dân chủ: “Romania là một Nhà Nước pháp trị, dân chủ và xã hội, trong đó nhân phẩm, nhân quyền và tự do công dân, sự nẩy nở tự do của con người và công lý được luật pháp bảo đảm như những nguyên tắc phổ quát”.

Những thay đổi chính trị, rồi hiến chế đã xảy ra ở các nước cộng sản thuộc khối Đông Âu cũ, từ những năm 1989 đến 1994, đã được ghi đậm nét trong lịch sử của thế kỷ 20, thế mà trước đó không có ai đã có thể dự kiến. Những bản Hiến pháp này có những ưu điểm, đó là những bản văn tương đối hoàn chỉnh nói lên rõ rằng quyết tâm của phong trào quần chúng ở Đông Âu hướng về sức mạnh của con đường Dân Chủ hiến định. Họ đã tuyên dương để thực thi những quyền căn bản bất khả nhượng của con người và sự bảo đảm những quyền này bằng Hiến pháp/Tòa án Tối cao. Đó là những văn kiện đầu tiên để xây dựng thế kỷ 21 của loài người.


Kết luận

Dù dưới khía cạnh nhận xét nào, các bản Hiến Pháp này cũng đều toát ra một sự thật hiển nhiên là không giống những bản Hiến Pháp của những năm 1918-1920, cũng không giống những bản Hiến Pháp do Liên Xô dựng lên sau năm 1945. Trái lại, những bản Hiến Pháp của các nước vừa phục hồi nền dân chủ này đều hàm chứa một tinh thần chung dựa trên niềm tin của con người và ý chí muốn rằng những đòi hỏi của dân chúng từ nay dựa trên những nguyên tắc giản dị và không thể bị tráo trở, luôn luôn hướng về sự duy trì Hiến Pháp và phúc lợi cho mọi người.


© DCVOnline
s
---

* Các Hiệp ước, Thỏa hiệp, Hiệp dịnh, Hiến Pháp ...

Tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận


Đoản Kiếm


Tôi đi tìm cái định nghĩa của Tự do ngôn luận và vô tình vào trang wikipedia (Bách khoa toàn thư). Trong khi phần tiếng Anh thì khá rõ ràng nhưng trong phần tiếng Việt chỉ vỏn vẹn có mấy dòng. Phần tiếng Hán cũng chung số phận. Âu có lẽ dân châu Á mình còn chưa thích cái “Tự do ngôn luận” này lắm, trong khi đó thì dân Tây phương có lẽ thích cái quyền này hơn. Và thế là tôi quyết định đem cái văn chương “le nhaque” của tôi nhằm giới thiệu cùng đồng bào tôi một cái quyền làm người mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Lịch sử – Ý tưởng về một nền dân chủ đến với con người đầu tiên ở nền văn minh Hy Lạp (Greek) cổ đại. Cũng ở đó quyền tự do ngôn luận của con người được sinh ra. Tuy nhiên trong chế độ dân chủ của Hy Lạp thời bấy giờ, tự do ngôn luận chỉ được giới hạn trong khoảng một phần ba dân số (phụ nữ và những người lao động nô lệ không có được quyền này). Từ đó đến nay quyền tự do ngôn luận và tư tưởng dân chủ đã được phát triển và ngày càng đạt đến mức độ hoàn thiện của nó. Trong nhiều giai đoạn xã hội, yếu tố về quyền con người được nâng cao nhưng cũng có nhiều giai đoạn xã hội, ở những quốc gia nhất định quyền tự do ngôn luận của con người bị từ chối hay còn bị nhiều hạn chế.

Tự do và những giới hạn – Vì tính chất của nó, quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền con người có nhiều tranh cãi nhất. Đây là một quyền không tuyệt đối và luôn bị đặt vào các giới hạn. Khi dùng cái quyền được phát biểu của mình một cách tự do, người ta dễ dàng xâm phạm quyền tự do của người khác; và hơn nữa, một người có thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa thông tin sai lệch tới số đông quần chúng. Vì vậy, quyền tự do ngôn luận thường được đặt trong một khuôn khổ giới hạn. Những giới hạn này là nhằm tránh tình trạng gây rối, quấy nhiễu đến người khác chẳng hạn như giữa đêm la lớn tiếng hay tránh tình trạng người phát biểu ý kiến dùng từ ngữ thô tục. Tại các nước văn minh hiện nay người ta thường dùng các phần mềm tự động để xoá đi những từ ngữ không hợp với văn hoá của quốc gia trong những chương trình truyền hình. Ngoài ra việc đưa thông tin sai lệch hoặc cố tình bôi nhọ người hay tổ chức khác đều bị nghiêm cấm và có thể bị tộị hình.


Vậy rốt cuộc tự do ngôn luận là cái gì?

Nói nôm na thì tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến (nói hoặc viết) của mỗi người. Đây là một quyền con người nằm trong công ước quốc tế. (Trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.) Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền được phát biểu ý kiến, quyền được bày tỏ thái độ cũng như cả quyền được biết, quyền được thông tin của công dân.


600 tờ báo cùng cất lên tiếng nói của 1 đảng
--------------------------------------------------------------------------------

Khi chúng ta nói về tự do ngôn luận, thông thường chúng ta nhấn mạnh về quyền tự do được phát biểu chính kiến (ý kiến về chính trị) và mọi người đựợc quyền thực hành cái quyền thiêng liêng này của mình mà không phải bị bắt bớ tù đày, đe doạ, làm hại hay bị xâm phạm đến các quyền lợi khác của mình. Quyền tự do ngôn luận, nói cụ thể hơn là quyền đựợc bày tỏ ý muốn của mình trong việc xây dựng và điều hành xã hội, điều hành đất nước; là quyền tự do được bảo vệ ý kiến của mình trước dư luận; là quyền tự do được bày tỏ lòng yêu ghét một người khác hay một tổ chức, bất kể người đó là ai. Nói thẳng ra, nếu tôi không yêu đảng Cộng sản hay không thích Hồ Chí Minh thì đó là ý kiến cá nhân tôi, không ai được cấm tôi nói ra điều đó. Nếu tôi cảm thấy “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội” là con đường cụt sai lầm thì tôi cũng có quyền biện luận cho ý kiến của tôi. Nếu tôi không cảm thấy an toàn khi sống trong một xã hội đầy dẫy tham nhũng, tôi có quyền được viết ý kiến của tôi lên báo, đưa lên mạng internet mà không ai được quyền cấm đoán.

Chính quyền cũng chỉ là một tổ chức, là một nhóm người , và cũng chỉ được phép bình đẳng như những con người khác. Hiện nay, việc chính quyền Hà Nội quản lý chặt chẽ báo chí chính là họ đã vi phạm trắng trợn quyền được phát biểu của công dân. Hơn tám mươi triệu người nhưng chỉ có một nhóm nhỏ người có quyền được nói, và nói thay cho tám mươi triệu người còn lại Những luận điệu như “trong khuôn khổ luật pháp” của họ thực ra quá ư là mơ hồ, hay luận điệu “xâm phạm an ninh quốc gia” là một sự vu khống trắng trợn cho những người bày tỏ chính kiến một cách hoà bình. Luật pháp cấm công dân được nói chuyện chính trị? hay luật pháp cấm công dân được nói khác ý đảng?


Hãy làm một phân tích nhỏ về sự quản lý báo chí của Hà Nội.

Mọi tờ báo trong nước đều phải được Đảng Cộng sản cho phép, Tổng biên tập phải là đảng viên. Tất cả phải chịu sự kiểm duỵêt của ban Văn Hoá ... và nếu ai làm sai (ý Đảng) lập tức bị đóng cửa. Thế thì mấy trăm tờ báo lập tức có một tiếng nói chung: Tiếng nói của Đảng Cộng sản! Và không mấy ai ngạc nhiên khi 600 tờ báo đồng loạt đăng và không đăng những tin nhạy cảm giống hệt nhau. Thế còn tiếng nói của dân đen ở đâu? 600 tờ báo đại diện cho đảng thì phải có ít ra 10,000 tờ báo đại diện cho dân mới tương quan lực lượng chứ? Hoặc ít cũng phải có đựơc một tờ thì mới dám bàn đến tự do ngôn luận.

Coi những cuộc tranh luận trên truyền hình ở những quốc gia tiến bộ mới thấy hết cái phản động của chính quyền Hà Nội. Mọi ứng cử viên ra tranh luận đều được phân chia thời gian bằng nhau để nói. Các đảng đối lập đều được sắp xếp các lịch phát sóng bằng nhau. Thế mà ở đất nước tự do triệu lần của chúng ta, toàn bộ thời gian và các cột báo đều được dành cho Đảng. Vậy là dân ta dẫn xác ra hè phố để nói. Cộng sản lại hè nhau đem súng ống, lựu đạn cay, xe cam nhông ra xúc như xúc tép. Còn chổ nào cho dân được quyền nói hỡi ông chính quyền?

Bởi vì mọi người sinh ra đều bình đẳng, nên mọi người phải được bình đẳng nói lên ý kiến của mình. Khi con người bị lấy mất cái quyền thiêng liêng của mình là quyền được nói, và cả quyền được biết, con người trở thành một “con vật”, chịu sự điều khiển bởi những “con vật” khác, thì sự bình đẳng bị phá vỡ, con người bị chia thành hai tầng lớp: kẻ thống trị và người bị trị.

Tư tưởng về tự do ngôn luận luôn đi kèm với một nền dân chủ chính là như vậy.

Ngay cả quyền được biết của công dân cũng đã và đang bị Hà Nội xâm phạm trắng trợn. Họ chia đất chia biển với Trung quốc ra sao nhân dân không ai được biết. Kết quả thuyền dân đánh cá bị bắt, bị giết là hậu quả tai hại của việc bưng bít thông tin. Công dân không những có quyền biết về diện tích, lãnh hãi, lãnh thổ của đất nước mình mà còn có quyền được biết về đời tư, tài sản của những người lãnh đạo đất nước. Những cái này còn rất hạn chế tại Việt nam hiện nay và đó là kết quả của sự kiểm soát báo chí của đảng Cộng sản.

Trong các phiên bản thực hành quyền tự do ngôn luận thì mỗi một quốc gia có những quy định riêng để giới hạn. Ở các quốc gia tiến bộ thì phần lớn các hạn chế là để phát huy tốt hơn cái quyền thiêng liêng của con người nhưng cũng có một số chính quyền dùng những chế tài này đặc biệt là để từ chối quyền tự do của công dân, để bịt miệng công dân của họ. “I am the law.” Tao là luật. Điều này rõ ràng đang tồn tại ở những đất nước đang bị những tập đoàn độc tài cai trị. Họ đứng trên cả luật pháp bởi vì họ là luật và ngay cả khi con người sinh ra có cái miệng, thì họ cũng chỉ cho phép cái miệng chỉ dùng để bỏ cái gì đó vào bao tử và được phép tung hô vạn tuế cái đám cầm quyền

Đấu tranh – Không có tự do nào tự nó đến. Không có nền dân chủ nào được sắp đặt sẵn cả. Ngay cả ở Hoa kỳ, một trong những xứ sở nơi mà con người có nhiều quyền tự do nhất thì tự do cũng không phải tự nó có. Muốn có tự do, người Mỹ đã phải đấu tranh cho những thứ mà họ có. Năm 1767, 1768 khi những công dân thuộc địa Massachusetts phản ứng về thuế trà thì vua George III và quốc hội thực dân Anh đã đàn áp, hay từ 1840 đến 1845 phong trào chống đối chế độ nô lệ đã bị từ chối nhiều lần tại quốc hội Mỹ. Nói như vậy không phải để nói rằng nước Mỹ thiếu tự do mà đó là lịch sử, và lịch sử đã cho thấy rằng quyền tự do ngôn luận hay bất cứ quyền nào mà con người dành được đều phải qua một giai đoạn đấu tranh ác liệt với cái cũ, cái lỗi thời, cái phản động.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Đó chỉ là giấc mơ, và chúng ta phải đấu tranh để đưa giấc mơ đó thành hiện thực.


30 tháng 7 năm 2007

© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

Tham khảo: Anthony Kenny, A Brief History of Western Philosophy, Blackwell Publishing, 1989.
Gerald Leinwand, Freedom of Speech (American Issues), Facts on File, 1990.
Và một số trang web Việt và Anh ngữ.
s

------

Chuyển hoá dân chủ theo đường lối hiến định